|
Câu Hỏi : Ngày nay Chúa còn tiếp tục mạc khải cho loài người nữa không?
Cảm ơn Chúa cho Bạn thính giả đã nêu một vấn đề hết sức quan trọng trong thời đại nầy, đó là sự mạc khải của Đức Chúa Trời còn không? Tuy nhiên, trước hết chúng ta cần định nghĩa cho từ ngữ mạc khải, cũng có người dùng từ ngữ mặc khải.
TRẢ LỜI:
Cảm ơn Chúa cho Bạn thính giả đã nêu một vấn đề hết sức quan trọng trong thời đại nầy, đó là sự mạc khải của Đức Chúa Trời còn không? Tuy nhiên, trước hết chúng ta cần định nghĩa cho từ ngữ mạc khải, cũng có người dùng từ ngữ mặc khải.
I/. ĐỊNH NGHĨA ‘MẠC KHẢI’:
Theo Kinh thánh, sứ đồ Phao-lô giải thích sự mạc khải của Chúa như sau: Đọc đến thì anh em có thể rõ sự hiểu biết của tôi về lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ, là lẽ mầu nhiệm trong các đời khác, chưa từng phát lộ cho con cái loài người, mà bây giờ đã được Đức Thánh Linh tỏ ra cho các sứ đồ thánh và tiên tri Ngài. Lẽ mầu nhiệm đó tức là: Dân ngoại là kẻ đồng kế tự, là các chi của đồng một thể, đều có phần chung với chúng ta về lời hứa đã nhờ Tin Lành mà lập trong Đức Chúa Jêsus Christ (Êph. 3:3-6).
Qua lời giải thích của sứ đồ Phao-lô thì sự mạc khải là Đức Chúa Trời bày tỏ lẽ mầu nhiệm là sự cứu rỗi của Chúa Jêsus Christ cũng dành cho Dân Ngoại là các dân không phải người Y-sơ-ra-ên.
Còn sứ đồ Giăng thì định nghĩa mặc khải như sau: Sự mặc thị của Đức Chúa Jêsus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài đặng đem tỏ ra cùng tôi tớ Ngài những điều kíp phải xảy đến, thì Ngài đã sai thiên sứ đến tỏ những điều đó cho Giăng, tôi tớ Ngài, là kẻ đã rao truyền lời Đức Chúa Trời và chứng cớ của Đức Chúa Jêsus Christ, về mọi điều mình đã thấy (Khải. 1:1-2).
Theo cách định nghĩa của sứ đồ Giăng, chúng ta có những tiêu chuẩn về sự mặc khải nhờ đó chúng ta có thể phân biệt mạc khải thật hoặc giả. Các tiêu chuẩn đó như sau:
1. Đấng ban sự mạc khải: là chính Đức Chúa Trời qua Chúa Jêsus Christ, nghĩa là bất cứ sự mạc khải nào từ Đức Chúa Trời đều có mục đích duy nhất là tôn cao Chúa Jêsus Christ, Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha (Philip 2:9-11).
2. Nội dung sự mạc khải: là chính Chúa Jêsus Christ. Dù qua thiên nhiên bày tỏ về Đức Chúa Trời hiện hữu, toàn năng, và qua Kinh thánh, loài người chúng ta có thể biết những việc diễn ra trên trời, từ Thiên đàng đến các từng trời, cũng nói đến những việc trên đất trong đó có lịch sử tuyển dân Y-sơ-ra-ên đến lịch sử thế giới, nói đến mọi hạng người; và Kinh thánh cũng nói đến những việc bên dưới đất như Vực sâu, Âm phủ và Hồ lửa. Tuy nhiên tất cả những mạc khải của Đức Chúa Trời nói đến đều là những việc có liên hệ đến sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại qua Chúa Jêsus Christ. Mục đích của mạc khải như Kinh thánh là bày tỏ về Chúa Jêsus Christ cho loài người. Kinh thánh phán: Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh thánh… Đoạn Ngài phán rằng: Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các thi thiên phải được ứng nghiệm… Các ngươi dò xem Kinh thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời; ấy là Kinh thánh làm chứng về ta vậy (Luca 24:27, 44; Giăng 5:39).
Một trong những phân đoạn Kinh thánh được xem như tóm tắt mạc khải của Đức Chúa Trời bày tỏ như sau: (Phi-líp 2:6-11)
- Ngài (hay Chúa Jêsus Christ) vốn có hình Đức Chúa Trời – Đức Chúa Trời mạc khải cho chúng ta biết Chúa Jêsus Christ chính là Đức Chúa Trời. Qua Chúa Jêsus Christ, chúng ta có thể biết nhiều phương diện về Đức Chúa Trời như: về bản tánh thánh khiết, yêu thương, toàn năng, có Ba Ngôi, ma quỉ cũng phải run sợ, và toàn bộ lịch sử thế giới đều diễn ra theo tiến trình tái lâm của Chúa Jêsus Christ, chính xác từng sự kiện. Rõ ràng Chúa mạc khải để loài người chúng ta biết rằng ngoài Chúa Jêsus Christ thì không còn có phương pháp cứu rỗi nào khác, vì Chúa Jêsus Christ là Đức Chúa Trời mới cứu được con người khỏi tội lỗi.
- Song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự… Chúa mạc khải cho loài người chúng ta biết rõ từng chi tiết giáng sanh làm người để cứu con người khỏi tội của Chúa Jêsus Christ, đến kiếp người làm tôi tớ phục vụ loài người, đến thái độ vâng phục ý chỉ của Đức Chúa Trời là Cha để bằng lòng bị đóng đinh trên cây thập tự chịu chết cứu tội nhân, nghĩa là mạc khải từ cách sống đến cách chết của một Đấng Cứu Thế.
- Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh… Chúa cũng mạc khải cho loài người chúng ta một Chúa Jêsus đã chết đền tội cho nhân loại và đã sống lại, và cuối cùng Chúa Jêsus Christ làm Vua trên muôn vua, làm Chúa trên muôn chúa.
3. Mục đích mạc khải được Kinh thánh nói rõ: Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống (Giăng 20:31). Như vậy, một người nhìn biết Đức Chúa Trời qua những mạc khải từ thiên nhiên, từ Kinh thánh, từ những gì mình nghe về Chúa Jêsus Christ, người đó cần tin nhận Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của mình để tội được tha, được làm con của Đức Chúa Trời, được hưởng vĩnh phúc của Chúa ngay trong đời nầy và cả đời sau.
Tóm lại, sự mạc khải của Đức Chúa Trời qua thiên nhiên, qua Kinh thánh, và qua Chúa Jêsus Christ là:
1/ Thứ nhất: Đức Chúa Trời mạc khải về chính Ngài, về những lẽ đạo liên quan đến thuộc tánh của Chúa, các mỹ đức của Chúa, thể yếu của Chúa và các công việc độc đáo của Ngài như: sự sáng tạo, sự bảo tồn muôn vật, sự cứu rỗi trong Chúa Jêsus Christ, để loài người chúng ta có thể biết những điều cần biết về Đức Chúa Trời, hầu cho loài người chúng ta nhận được sự cứu rỗi vô giá mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta qua Chúa Jêsus Christ.
2/ Thứ hai: Đức Chúa Trời mạc khải cho chúng ta biết về những việc xảy ra trong quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc trong tương lai, liên quan đến chương trình cứu rỗi của Chúa dành cho loài người. Thí dụ: Chúa đã mạc khải cho Môi-se biết về công cuộc sáng tạo của Chúa; hoặc Chúa mạc khải cho dân Y-sơ-ra-ên sẽ bị đày qua Ba-by-lôn 70 năm; hoặc Chúa mạc khải cho Giăng biết những việc sẽ xảy đến từ lúc Hội thánh của Chúa được thành lập trên đất đến khi Trời Mới Đất Mới.
Điều chắc chắn là nếu Đức Chúa Trời không mạc khải thì con người không thể hiểu biết về Chúa. Tại sao? Vì con người là hữu hạn, còn Đức Chúa Trời là vô hạn.
II/. NGÀY NAY CHÚA CÒN MẠC KHẢI KHÔNG?
Căn cứ vào Khải huyền 22:18-19, câu trả lời dứt khoát là KHÔNG!. Lời Chúa phán: Tôi ngỏ cho kẻ nào nghe lời tiên tri trong sách nầy: nếu ai thêm vào sách tiên tri nầy điều gì, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy tai nạn đã ghi chép trong sách nầy. Và kẻ nào bớt điều gì trong những lời ở sách tiên tri nầy, thì Đức Chúa Trời sẽ cất lấy phần họ về cây sự sống và thành thánh, mà đã chép ra trong sách nầy. Người tin Chúa Jêsus được xác nhận sau khi sách Khải huyền được viết ra thì Đức Chúa Trời không còn mạc khải bất cứ điều gì cho loài người nữa. Nói cách khác, sau khi sách Khải huyền được Chúa cho phép viết ra thì sự mạc khải đã trọn vẹn.
Do đó, sau Hội nghị năm 90 SC. công nhận Cựu Ước có 39 sách và Giáo hội nghị năm 397 SC. tại Carthage công nhận 27 sách của Tân Ước, thì Hội thánh của Chúa chung không ai dám thêm bớt gì vào Kinh thánh với kinh điển 66 sách. Nghị quyết đó cũng hàm ý tuyên bố kết thúc sự mạc khải của Đức Chúa Trời cho loài người vì sự mạc khải đã đầy đủ.
Ngoài 66 sách đã được công nhận là kinh điển thì cũng có người dịch thêm vài sách thêm vào, tất cả những sách thêm vào đó, Giáo hội chung gọi là Ngoại thư, chỉ có tánh cách lịch sử hoặc đạo đức, không phải là kinh điển. Lịch sử Giáo hội cũng đã chứng kiến có người cũng thêm vào những lẽ đạo mà Kinh thánh không hề đề cập đến như lẽ đạo Ngục Luyện Tội, hoặc Ma-ri hồn xác lên trời, hoặc như các Giáo chủ của Hồi giáo hoặc Giáo phái Mormons đã tự cho mình được Đức Chúa Trời mạc khải thêm. Dĩ nhiên Giáo hội chung không nhìn nhận những sự thêm vào nầy.
Ngày nay, người đọc hoặc học Kinh thánh không nên cầu nguyện xin Chúa mạc khải, mà chỉ nên cầu xin Chúa soi sáng cho mình hiểu được những điều Chúa đã mạc khải trong Kinh thánh. Có thể Chúa tỏ cho một người nào đó ý chỉ của Ngài, như Chúa cho một người tên A-ga-bút nói tiên tri về sự đói kém sẽ xảy ra tại Giê-ru-sa-lem; sứ đồ Phao-lô thấy người Ma-xê-đoan mời qua xứ Ma-xê-đoan giảng Tin Lành cho họ (Công vụ 16:9-10), v.v… Tuy nhiên tất cả những sự hiện thấy hoặc phương tiện nào Chúa dùng cũng đều đúng theo ý chỉ của Đức Chúa Trời mạc khải trong Kinh thánh. Chúa có thể tỏ cho một người ý muốn của Ngài qua cảm xúc, qua những người chung quanh, hoặc qua một dấu hiệu nào, hoặc qua các ân tứ mà Đức Thánh Linh ban cho, nhưng không phải là mạc khải thêm lẽ đạo về Chúa hay ý chỉ của Chúa, mà chỉ là nhắc cho người đó nhớ lại những gì Chúa đã phán qua những mạc khải đã ban cho loài người như thiên nhiên (Rô. 1:19-20), qua Chúa Jêsus Christ và qua Kinh thánh. Điều phải nhớ là những tất cả phải được Kinh thánh ấn chứng đúng như mạc khải của Đức Chúa Trời không.
Điều đáng quan tâm là ngày nay có nhiều người tự cho rằng mình được Chúa mạc khải, rồi tuyên bố lời nầy lời kia ngoài sự dạy dỗ của Kinh thánh. Phải bình tâm suy nghĩ để thấy đó là cái bẫy của ma quỉ dẫn con người đi ra ngoài Kinh thánh, giống như cái lưỡi của con rắn dẫn dụ bà Ê-va sai lệch lời Chúa dạy từ chắc chắc chết trở thành e phải chết chăng. Hội thánh ngày nay phải bắt chước Hội thánh tại thành Bê-rê, Kinh thánh phán: Những người nầy (tức Hội thánh tại Bê-rê) có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh thánh, để xét lời giảng (của Phao-lô) có thật chăng (Công vụ 17:11). Dù họ nghe chính sứ đồ Phao-lô giảng, nhưng họ vẫn mở Kinh thánh làm tiêu chuẩn để định giá lời giảng của Phao-lô có thật là Lời Chúa phán không. Lịch sử Hội thánh ghi lại bài học của Giáo hội đã phải trải qua 1.000 năm tối tăm khi Kinh thánh bị nhốt vào các Tu Viện, bị liệt vào sách cấm, không còn được dùng làm nền tảng cho Giáo hội.
Điều Bạn thính giả cần quan tâm là nếu một người nào, một tổ chức tôn giáo nào chủ trương rằng mình được Đức Chúa Trời mạc khải tuyên bố điều gì đó, mà điều đó không dẫn Bạn đến với niềm tin duy một mình Chúa Jêsus Christ để được sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời ban cho Bạn, thì Bạn hãy khẳng định đó không phải là mạc khải của Đức Chúa Trời và đừng tin. Chúa Jêsus phán: Khi ấy, có ai nói với các ngươi rằng: Kìa Đấng Christ ở đây, hay là: Ở đó, thì đừng tin. Vì nhiều christ giả (tức là đấng Cứu thế giả) và tiên tri giả (những tay sai của đấng cứu thế giả) sẽ dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ dành chính những người được chọn. Nầy, ta đã bảo trước cho các ngươi. Vậy nếu người ta nói với các ngươi rằng: Nầy, Ngài ở trong đồng vắng, thì đừng đi đến; nầy, Ngài ở trong nhà, thì đừng tin (Math. 24:23-26).
Nói chung lại, qua Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời, chúng ta khẳng định sự mạc khải của Đức Chúa Trời ban cho đã trọn vẹn, con người là tội nhân cần ăn năn tội và tin nhận Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của mình, để được tha tội, được làm con Đức Chúa Trời và được hưởng vĩnh phúc của Chúa ngay bây giờ, trong đời nầy và cả đời sau nữa. Bạn đã biết, Bạn không cần sự mạc khải nào nữa, chỉ cần Bạn tiếp nhận sự mạc khải của Chúa là ăn năn, tiếp nhận Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của Bạn. Muốn thật hết lòng!
|
| |