SÁCH I SA-MU-ÊN 1
TÊN SÁCH
***********************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta được cùng nhau học Lời Đức Chúa Trời là Kinh thánh.Hôm nay, chúng ta bắt đầu học sách I Sa-mu-ên, tức là bước vào thời kỳ Vương Quyền của dân Y-sơ-ra-ên. Như thường lệ, chúng ta cần biết về “Tên Sách” I Sa-mu-ên.
Tên sách I Sa-mu-ên trong nguyên ngữ Hi-bá-lai:
I Samuên 1:20, cho chúng ta biết Sa-mu-ên là tên của một người, có nghĩa là “Đức Chúa Trời nhậm lời” và chính là tên của Vị Tiên tri trong nước Y-sơ-ra-ên thời Các Quan Xét, vị Tiên tri Sa-mu-ên đã làm Quan Xét cuối cùng của thời kỳCác Quan Xét (I Samuên 7:15).
Nhắc đến tên Sa-mu-ên, tôi muốn nhắc lại câu hỏi mà có người đã hỏi tôi: Tôi thấy Đức Chúa Trời thiên vị, vì trong Kinh thánh ghitên người nam được Đức Chúa Trời dùng nhiều hơn người nữ”.
Tôi nhắc đến câu hỏi nầy vì sách I Sa-mu-ên bắt đầu với một người nữ tên An-ne. Sách I Sa-mu-ên đoạn 1 nói về bà An-ne như sau: “Xưa tại Ra-ma-tha-im-Xô-phim, có một người quê ở núi Ép-ra-im, tên là Ên-ca-na… Ên-ca-na có hai vợ, người nầy tên là An-ne, và người kia tên là Phê-ni-na. Phê-ni-na có con, còn An-ne không có… Đến ngày Ên-ca-na dâng tế lễ, thì chia của lễ ra từng phần ban cho Phê-ni-na, vợ mình, và cho các con trai và con gái mình. Nhưng người lại ban cho An-ne một phần bằng hai, vì người thương nàng, dẫu rằng Đức Giê-hô-va khiến cho nàng son sẻ, Kẻ phân bì nàng khôn xiết trêu ghẹo nàng, để giục nàng lằm bằm vì Đức Giê-hô-va đã khiến nàng son sẻ. Từ năm nầy đến năm kia, mỗi khi nàng đi lên đền Đức Giê-hô-va, chồng đãi nàng như vậy, còn Phê-ni-na cứ trêu ghẹo nàng; An-ne khóc và không ăn. Ên-ca-na, chồng nàng, nói rằng: Hỡi An-ne, sao nàng khóc? Cớ sao không ăn và lòng buồn bực dường ấy? Ta há không đáng cho nàng hơn mười đứa con trai ư? Sau khi người ta đã ăn uống tại Si-lô rồi, An-ne bèn đứng dậy; lúc ấy Hê-li, thầy tế lễ, đương ngồi trên một cái ghế gần bên cửa của đền Đức Giê-hô-va. An-ne lấy làm sầu khổ trong lòng, vừa cầu khẩn Đức Giê-hô-va, vừa tuôn tràn giọt lệ. Nàng hứa nguyện rằng: Ôi, Đức Giê-hô-va của vạn quân, nếu Ngài đoái xem nỗi sầu khổ của con đòi Ngài, nhớ lại nó chẳng quên, và ban cho con đòi Ngài một đứa trai, thì tôi sẽ phú dâng nó trọn đời cho Đức Giê-hô-va, và dao cạo sẽ chẳngđưa ngang qua đầu nó… Qua ngày sau, vợ chồng dậy sớm, thờ lạy trước mặt Đức Giê-hô-va, đoạn trở về nhà mình tại Ra-ma. Ên-ca-na ăn ở cùng An-ne, là vợ mình; Đức Giê-hô-va bèn nhớ đến nàng. Đương trong năm, An-ne thọ thai và sanh một con trai, đặt tên là Sa-mu-ên, mà nói rằng: Tôi đã cầu xin nó nơi Đức Giê-hô-va” (I Sa-mu-ên 1:1-20).
Theo chú thích thì Sa-mu-ên nghĩa là Đức Chúa Trời nhậm lời cầu xin. Như vậy, sách I Sa-mu-ên khởi đầu với lời cầu nguyện của một người đàn bà sầu khổ, bị khinh khi, trong thời đen tối, kỳ diệu thay, bởi lời cầu nguyện của người đàn bà nầy mà sự sáng đã bùng lên cho dân Y-sơ-ra-ên, mở đầu cho thời kỳ Vương quốc.
Xem như vậy, thứ nhất là câu chuyện về nàng Ru-tơ được ghi trong sách Ru-tơ, và câu chuyện bà An-ne được ghi ngay đoạn 1 của sách I Sa-mu-ên, cả hai câu chuyện đều xảy ra trong thời gần cuối đời Các Quan Xét, một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nước Y-sơ-ra-ên, Kinh thánh ghi lại để trả lời cho người nói rằng Đức Chúa Trời thiên vị trọng nam khinh nữ. Khi học sách Ru-tơ, chúng ta đã ghi lời khen trân trọng trong sách Nhã Ca 2:2, “Bạn tình ta ở giữa đám con gái như bông huệ ở giữa gai gốc” để phong tặng cho nàng Ru-tơ, một bông huệ nơi đồng ruộng mộc mạc, đơn sơ, nhưng lại nổi lên giữa những gai gốc. Một so sánh tôn cao thật tuyệt vời dành cho người nữ thôn quê nghèo hèn như Ru-tơ.
Bây giờ, cũng trong thời Các Quan Xét đen tối đã kéo dài 400 năm, ánh sáng đã bùng lên qua người phụ nữ tên An-ne. Phải nói là cách vào truyện rất hay, người viết bắt đầu với Ên-ca-na có hai người vợ, một người vợ có con, nghĩa là việc son sẻ không phải lỗi của Ên-ca-na, vì người vợ nầy sanh các con trai và con gái cho Ên-ca-na. Người đọc sẽ thấy sự sỉ nhục dành cho người đàn bà không sanh được con – nhất là không sanh được con trai, như người Việt Nam chúng ta có câu: Gái độc không con, sẽ hiểu bà An-ne bị dìm xuống thấp dường nào, lại còn bị trêu ghẹo do vô sinh. Phải nói, cho đến thế kỷ 21 nầy, việc người phụ nữ có chồng không sanh được con, hoặc nói rõ hơn là không sanh được con trai nối dõi, thật là sỉ nhục, người ta bảo người phụ nữ đó sanh vịt giời!
Chỉ hai phụ nữ được Đức Chúa Trời dùng trong cái thời đen tối, chắc chắn thời đó có nhiều người nam, Chúa chỉ cần hai người nữ giải quyết chừng ấy tình cảnh bi đát, thế mà chúng ta còn đòi hỏi gì hơn?! Ấy là chưa nói đến những phụ nữ như Nữ Quan Xét Đê-bô-ra trước một người nam tên Ba-rác, ông nói một lời thật đáng xấu hổ: “Nếu bà đi với tôi, thì tôi sẽ đi; nhưng nếu bà không đi với tôi, tôi sẽ không đi”, và chúng ta hãy nghe bà Đê-bô-ra nói với Ba-rác: “Ừ, phải, ta sẽ đi với ngươi, song sự vinh hiển của việc nầy sẽ chẳng về ngươi; vì Đức Giê-hô-va sẽ phó Si-sê-ra vào tay một người nữ” (Các Quan Xét 4:8-9).
Mong rằng không còn người nữ nào phàn nàn Đức Chúa Trời trọng nam khinh nữ nữa.
Trong nguyên ngữ Hi-bá-lai, hai sách Samuên I và II chỉ là một quyển, không chia hai như chúng ta hiện có, giống như sách Các Vua và Sử ký trong Kinh Cựu Ước.
Công vụ 3:22-24, sứ đồ Phi-e-rơ đứng trước dân thành Giê-ru-sa-lem, trong đó có các thầy thông giáo, người Pha-ri-si, những người am tường Kinh Cựu Ước đã có thời đó, Phi-e-rơ tuyên bố :“Môi-se có nói rằng: Chúa là là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ dấy lên trong anh em các ngươi một Đấng tiên tri như ta; các ngươi phải nghe theo mọi điều Ngài sẽ phán dặn.. Hết thảy các tiên tri đã phán, từ Sa-mu-ên và các đấng nối theo người... Từ sau Môi-se chưa có một Tiên tri nào được Đức Chúa Trời mặc khải để dạy dỗ dân sự và dự ngôn về Chúa Jêsus, kể cả Giô-suê cũng không được liệt vào tiên tri, có thể Giô-suê là người được kể là kế thừa Môi-se, tiếp nối chức vụ lãnh đạo của Môi-se, viết tiếp câu chuyện về vị lãnh tụ vĩ đại Môi-se và dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa.
Vì vậy, tên sách cũng là tên của người viết sách I Sa-mu-ên nầy là Sa-mu-ên. Không cần bàn cãi, vì chắc chắn không ai có đủ thẩm quyền và hiểu biết đầy đủ về thời kỳ chuyển tiếp giữa thời Các Quan Xét sang thời kỳ Vương quyền.
Tên sách trong tiếng Hi Lạp:
Sự phân chia các Sách Samuên, Các Vua và Sử ký là do Bản Dịch 70, Bản dịch Kinh thánh nầy từ tiếng Hi-bá-lai sang tiếng Hi Lạp vào thế kỷ thứ III TC., do 70 – đúng ra là 72 học giả người Y-sơ-ra-ên được vua Ptoleme của Ai Cập mời đến thành Alexandria tại phía Bắc Ai Cập để dịch Kinh Cựu Ướctiếng Hi-bá-lai sang tiếng Hi Lạp, hoàn thành tâm nguyện của vua Ptoleme muốn thành lập một Thư viện với các sách bằng tiếng Hi Lạp để kỷ niệm Hoàng đế A-lịch-sơn của Hi Lạp, người có công truyền bá văn hóa Hi Lạp khắp thế giới Hi Lạp thời đó.
Lịch sử thế giới và lịch sử Kinh thánh sách Đa-ni-ên đoạn 2 với pho tượng mà Chúa cho vua Nê-bu-cát-nết-sa của Đế quốc Ba-by-lôn nhìn thấy trong giấc chiêm bao vào năm 606 TC. với thành phần cấu tạo pho tượng gồm 5 loại vật liệu khác nhau, là vàng, bạc, đồng, sắt, sắt và đất sét, tượng trưng 5 Đế quốc: Ba-by-lôn, Mê-đi Ba-tư, Hi Lạp, La Mã, và một Đế quốc gồm sắt và đất sét lộn nhau.
Qua lời giải nghĩa của Tiên tri Đa-ni-ên, và đã ứng nghiệmvàonăm 323 TC. Hoàng đế A-lịch-sơn của nước Hi Lạp lên ngôi lúc ông mới 20 tuổi. Vua A-lịch-sơn vốn là người say mê văn chương Hi Lạp và là học trò của một Triết gia nổi tiếng đương thời. Do đó, mỗi khi chiếm được nước nào thì Hoàng đế A-lịch-sơn lập tức tìm mọi cách truyền bá tiếng Hi Lạp nơi đó. Qua 10 năm chinh chiến, đạo quân Hi Lạp dưới quyền Hoàng đế A-lịch-sơn tràn khắp từ Bán Đảo Hi Lạp, đánh hạ Đế quốc Mê-đi Ba-tưhay còn gọi là Đế quốc Phe-rơ-sơ, làm chủ cả vùng Trung Đông, đến sát biên giới Ấn Độ, đồng thời A-lịch-sơn Đại Đế khuyến khích dùng tiếng Hi Lạp làm ngôn ngữ chính giao dịch.
Đó là lý do người thời Chúa Jêsus còn trên đất, người Y-sơ-ra-ên giao dịch thường bằng tiếng A-ram là tiếng Sy-ri, còn văn thư sổ sách thì viết bằng tiếng Hi Lạp, dù Người La Mã nói tiếng La-tinh đang cai trị. Đó cũng là lý do danh Chúa Jêsus là tiếng Hi Lạp được thiên sứ giải thích cho Giô-sép lý do phải đặt tên Con Trẻ là Jêsus: “Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là JÊSUS, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Math. 1:21). Đó cũng là lý do các sách Tân Ước đều được viết bằng tiếng Hi Lạp.
Thình lình, Hoàng đế A-lịch-sơn chết lúc mới 33 tuổi, với nhiều lý do được đưa ra như bị đánh thuốc độc, hoặc bị sốt rét do đi qua những vùng đất hoang sơ khi dẫn quân tranh chiến, hoặc do ăn chơi quá độ. Vì thái tử còn quá nhỏ, nên Đế quốc Hi Lạp rộng lớn chia cho 4 vị Đại Tướng dưới trướng của A-lịch-sơn Đại Đế, trong đó Tướng Ptoleme chiếm Ai Cập lên ngôi làm vua khu vực Bắc Phi châu.
Để kỷ niệm vị Hoàng đế lừng lẫy A-lịch-sơn của Hi Lạp của mình, vua Ptoleme đặt tên một thành phố trù phú duyên hải phía Bắc Ai Cập là Alexandria, và thành lập một Thư viện với độ 200 ngàn đầu sách, tất cả đều bằng tiếng Hi Lạp. Theo ý kiến các Cố Vấn của vua thì Thư viện không thể thiếu Kinh Cựu Ước của người Y-sơ-ra-ên, nên vua Ptoleme đã mời 72 học giả Y-sơ-ra-ên từ Giê-ru-sa-lem đến Alexandria dịch Kinh thánhtừ tiếng Hi-bá-lai sang tiếng Hi Lạp, bản dịch nầy được dịch trong 70 ngày, nên được gọi là Bản Bảy Mươi.Vì vật liệu làm giấy viết lúc bấy giờ là giấy cây chỉ thảo Papyrus, một loại sậy ven sông Nile Ai Cập được đan xen nhau rồi dùng những tảng đá lớn, nặng ép cho dính sát nhau, khi viết sẽ dùng một loại mực đặc chế, hoặc viết trênda thú, viết xong thì cuộn lại hai đầu. Do không đủ cho độ dài của sách, nên khi dịch sang tiếng Hi Lạp phải chia sáchlàm hai phần, do đó, Kinh thánh có sách I Sa-mu-ên và sách II Sa-mu-ên, cũng như có sách I và II Các Vua, và sách I và II Sử ký.
Trong bản 70 thì sách Samuên I và II, Các Vua I và II được gọi là Sách Vương quốc I, II, III, IV là để chỉ về sự phân chia hai vương quốc Y-sơ-ra-ên và Giu-đa sau cái chết của vua Sa-lô-môn.
Bản dịch tiếng La-tinh do Jerome dịch vào thế kỷ thứ IV SC. thì gọi là sách Các Vua I, II, III, IV, không gọi làsách Vương quốc.
Bản dịch 70 nầy được thông dụng trong thời Chúa Jêsus trên đất, vì người nào cũng hiểu biết tiếng Hi Lạp, dù Đế quốc Hi Lạp đã bị Đế quốc La Mã tiêu diệt.
Xét cho cùng, ngoàitiên tri Sa-mu-ên, Kinh thánh không nhắc đến ai đã dự phần viết Cựu Ước sau Môi-se, như sứ đồ Phi-e-rơ công bố và người đương thời Phi-e-rơ đều công nhận; thứ nữa là rõ ràng không có ai đủ tư cách, đủ hiểu biết những việc xảy ra thời Các Quan Xét cũng như việc chuyển đổi từ Thời Các Quan Xét sang Thời kỳ Vương quyền, ngoài Sa-mu-ên, nên tất cả những người học Kinh thánh đều nhìn nhận Sa-mu-ên là người được Thánh Linh Đức Chúa Trời dùng viết sách Sa-mu-ên trong đó sách I Sa-mu-ên mà chúng ta đang học.