SÁCH I SỬ KÝ 1
TÊN SÁCH
********************************
Kính chào Quý vị, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta được cùng nhau có cơ hội học Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời. Ngoài mục đích chúng ta nghiên cứu Kinh thánh, chính Chúa Jêsus Christ đã phán: “Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên hòn đá. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá” (Math. 7:24-25).
Đời người chúng ta chắc chắn sẽ khó tránh khỏi những lúc gặp mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động, với sức con người thường là thua cuộc, trong hoàn cảnh đó, người có Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời để làm theo chắc chắn sẽ vững vàng. Tôi đã đọc quyển DÂN DO THÁI – 2.000 NĂM, hiện đang đọc quyển: Y-sơ-ra-ên – MIỀN ĐẤT HỨA CỦA TÔI (My Promised Land), tôi nhận ra dân Y-sơ-ra-ên đã trải qua bao nhiêu là mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động, nhưng mỗi khi họ quay về Kinh thánh là lời Đức Chúa Trời, ngay cả hiện tại thế kỷ 21 nầy, thì họ đã vượt qua những tình cảnh bi đát, không phải là phép màu biến hóa kiểu ngồi chờ sung rụng, mà là họ làm theo những lời Đức Chúa Trời đã chỉ dạy họ, từ cách ăn nết ở, đến kinh tế, quân sự, v.v…, họ được Đức Chúa Trời ban sức mạnh tuyệt vời. Thế giới nhìn vào quốc gia nhỏ bé Y-sơ-ra-ên hiện nay sẽ thấy Kinh thánh cần cho con người biết bao.
Và chúng ta đã học qua sách Sa-mu-ên, sách Các Vua, chắc chắn là những bài học quý mà Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời ghi lại để dạy loài người chúng ta cách sống cá nhân, cách sống gia đình, và ước mong rằng cả dân tộc chúng ta cũng được phước như vậy. Hôm nay, Chúa cho chúng ta tiếp tục học sách I Sử ký để thấy rõ một người, một gia đình, một dân tộc được Chúa chọn làm tuyển dân của Đức Chúa Trời có những phước gì.
Theo thường lệ, chúng ta sẽ bắt đầu học sách I Sử ký với bài học về: TÊN SÁCH.
Theo Nguyên ngữ Hi-bá-lai:
Chúng ta đã nói nhiều lần, Kinh thánh là lời Đức Chúa Trời gồm hai phần: Cựu Ước và Tân Ước. Phần Cựu Ước hầu hết được viết bằng tiếng Hi-bá-lai, tức là cổ ngữ Y-sơ-ra-ên. Hi-bá-lai văn hay tiếng Do thái cổ thuộc nhóm ngôn ngữ Sémitique, dòng dõi Sem (Sáng. 10:21-31), được các dân tộc ở vùng Địa Trung Hải, xứ Ca-na-an tức xứ Palestine, và vùng Bán đảo Arabia sử dụng.
Loại ngôn ngữ này gồm 22 chữ cái, cách viết là từ bên mặt qua trái, liền nhau. Lúc đầu tiếng Hi-bá-lai không có nguyên âm, nên dễ đọc nhầm lẫn, nhất là dùng chữ thay số càng dễ đọc nhầm.
Thí dụ: Sáng. 47:31, chữ HMTH có thể đọc là HamiTtâh nghĩa là 'Cái Giường'; cũng có thể đọc là HamaTteh có nghĩa là 'Cây Gậy'
Đến năm 500 SC., để giúp cho việc đọc dễ hơn, một số Học giả Kinh thánh người Do thái, gọi là Nhóm Massorah, tại Trung Tâm Ti-bê-ri-át, đã đặt thêm nguyên âm cho Kinh thánh tiếng Hi-bá-lai với các nguyên tắc:
Không thêm phụ âm nào
Nguyên âm chỉ là những dấu thêm ở dưới phụ âm
Những gì cần sửa thì ghi ngoài lề
Những ghi chú của các nhà thông thái từ trước cũng được ghi lại phía dưới hay đầu trang.
Đến nay văn tự Hi-bá-lai cũng không thay đổi so với sự thay đổi của một số ngôn ngữ của các dân tộc khác.
Giống như I & II Samuên, và I & II Các Vua, hai sách Sử ký trong nguyên bản Hi-bá-lai cũng là một quyển với tên sách là: “Những sự kiện diễn ra hằng ngày” (Dibrê Hayyyâmim – Events of the days).
Hi Lạp:
Lịch sử thế giới cho chúng ta biết trong 10 năm từ 333 đến 323 TC., khi dẫn quân chinh phục thế giới thời đó, A-Lịch-Sơn Đại Đế đã theo đuổi chính sách bành trướng văn hóa Hi Lạp, nên đi đến đâu, vua cũng đều gieo rắc văn hóa Hi Lạp qua Hi Văn.
Với tinh thần đó, vào thế kỷ thứ III TC. một Tướng của A Lịch Sơn khi làm vua vùng Ai Cập, là Ptolemy, đã lập một thư viện Hi văn tại thành phố Alexandria (Bắc Phi) với các sách đều bằng tiếng Hi Lạp. Nhơn đó, Ptolemy đã ra lịnh dịch Kinh Cựu Ước từ tiếng Hi-bá-lai sang tiếng Hi Lạp, đó là Bản Bảy Mươi nổi tiếng.
Vì vậy, các trước giả Tân Ước dù sống trong chế độ cai trị của người La Mã, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng chung văn hóa Hi Lạp như dân chúng toàn Đế quốc La Mã, họ đã viết các sách Tân Ước bằng tiếng Hi Lạp phổ thông, không phải Hi Văn Triết học như các Triết gia Plato hay của Xenophon nổi tiếng lúc bấy giờ.
Trong khi chuyển dịch sang tiếng Hi Lạp (Bản 70 - Septuagint Version, thế kỷ thứ III TC.), sách Sử ký được chia 2 phần và đặt tên là “Những điều bị bỏ quên”. Sự phân chia thành hai sách như chúng ta đã biết là vì giới hạn chiều dài của vật liệu làm sách thời đó. Nhưng tên sách là “Những điều bị bỏ quên” có lẽ các dịch giả 70 cho rằng sách nầy ghi lại những điều mà hai sách I & II Samuên, I & II Các Vua đã bỏ quên không đề cập đến.
Bản La-tinh:
Tên sách là Sử ký (Chronicle) được gọi vào thời thánh Jerôme, người đã dịch Kinh Thánh từ tiếng Hi-bá-lai sang tiếng La-tinh (385-405 SC). Bản dịch nầy là Bản “Latin Vulgate”, được nổi tiếng từ thời Giáo Hoàng Gregory I (540-604), được Công Đồng Trent công nhận (1.562) là bản dịch chính thức và cho lưu hành.
Trong Bản Latin Vulgate, sách có tựa đề là “Sách ghi chép chuyện xảy ra” (Book of Chronicle).
Bản Việt ngữ:
Bản Việt ngữ cũng lấy tên là Sử Ký. Theo định nghĩa thì:
SỬ = việc đã qua của một nước hay của thế giới được ghi chép lại.
KÝ = sách ghi nhớ, ghi chép.
Vì nội dung của sách Sử ký là ghi chép những chuyện đã qua của nước Y-sơ-ra-ên, nói chung cả hai vương quốc, nên sách Sử Ký trong Kinh Thánh là sách ghi chép những việc đã qua của nước Y-sơ-ra-ên, với những điều có liên quan chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua tuyển dân.
Có một người hỏi một vị mục sư: ‘Theo Mục sư thì Kinh thánh ghi chép đủ mọi việc phải không?’. Vị mục sư xác nhận đúng. Người ấy hỏi tiếp: ‘Thế thì Kinh thánh có ghi việc Chúa Jêsus đi tiêu không?’ Vị mục sư trả lời: ‘Ông ơi, nếu việc đó có liên quan đến sự cứu rỗi cho ông, thì Đức Chúa Trời đã cho ghi vào Kinh thánh rồi’.
II/. NGUỒN TÀI LIỆU VIẾT SÁCH:
Có độ 15 tài liệu được tham khảo để viết sách Sử ký:
1. I Sử ký 29:29, sách của Samuên
2. I Sử ký 29:29, sách của Nathan
3. I Sử ký 29:29, sách của Gát
4. II Sử ký 9:29, sách của Nathan
5. II Sử ký 9:29, sách của Ahigia
6. II Sử ký 9:29, sách dị tượng của Giê-đô (Iddo)
7. II Sử 12:15, sách truyện của Sêmagia
8. II Sử 12:15, sách truyện của Y-đô
9. II Sử ký 13:22, sách truyện của Y-đô
10. II Sử ký 20:34, sách truyện của Giê-hu
11. II Sử ký 24:27, sách truyện của các vua
12. II Sử ký 26:22, sách do Ê-sai chép về công việc của Ô-xia
13. II Sử ký 27:7, sách của các vua Y-sơ-ra-ên và Giu-đa
14. II Sử ký 32:32, sách dị tượng của Ê-sai
15. II Sử ký 33:19, sách của Hô-xai
CHÚ Ý:
Ba lần dùng sách của các vua Y-sơ-ra-ên và Giu-đa (II Sử 27:7; 35:27; 36:8).
Bốn lần dùng sách của các vua Giu-đa và Y-sơ-ra-ên (II Sử 16:11; 25:26; 28:26; 32:32).
Hai sách nầy dường như là một. Nhưng chắc chắn không phải là sách Các Vua hay Sử ký mà chúng ta hiện có trong Kinh Thánh.
Điều nầy chứng minh Kinh thánh không phải là sản phẩm tư tưởng của một người, cũng không phải là sách dạng triết lý cao xa, nhưng là một sách được viết ra từ ba yếu tố:
Từ một con người bằng xương bằng thịt, chỉ có một điều khiến người nầy khác với nhiều người là người nầy là người tin kính Đức Chúa Trời, dù đời sống có những yếu đuối với bản chất con người, nhưng lòng luôn vâng theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Những người nầy có những vị trí xã hội khác nhau, trình độ khác nhau, sinh sống trên những vị trí địa lý khác nhau, sống trong những thời gian khác nhau. Nói chung, là khác nhau nhiều phương diện, nhưng một điều duy nhất tất cả giống nhau là tất cả đều kính sợ Đức Chúa Trời.
Theo như Thánh Luca đã nói trong sách Luca 1:1-4, thì sách mà ông viết ra gồm sách Công vụ các sứ đồ và sách Tin Lành theo thánh Luca, thì như Luca đã nói với đọc giả của ông: “Hỡi Thê-ô-phi-lơ quí nhơn, vì có nhiều kẻ dốc lòng chép sử về những sự đã làm nên trong chúng ta, - theo như các người chứng kiến từ lúc ban đầu và trở nên người giảng đạo đã truyền lại cho chúng ta, - vậy, sau khi đã xét kỹ càng từ đầu mọi sự ấy, tôi cũng tưởng nên theo thứ tự viết mà tỏ ra cho ông, để ông biết những điều mình đã học là chắc chắn”. Rõ ràng những người viết sách trong Kinh thánh như Luca, họ có tham khảo tài liệu từ những người từng chứng kiến, có thể là những văn bản kinh nghiệm, có thể là những văn bản truyền khẩu, có thể từ những tài liệu thuộc dạng lịch sử. Nói chung, Kinh thánh cũng là dạng sử được lưu truyền bởi những người có giá trị hiểu biết, sứ đồ Phi-e-rơ xác nhận: “… cũng như Phao-lô, anh rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan được ban cho mình mà viết thơ cho anh em vậy” (II Phi. 3:15).
Điều quan trọng tuyệt đối để xác định các sách được liệt kê vào Kinh thánh là những sách có thần quyền, thuộc kinh điển, ấy là điều sứ đồ Phi-e-rơ đã viết: “Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh thánh lấy ý riêng mà giải nghĩa được. Vì chẳng có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Dức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (II Phi. 1:20-21).
Cảm ơn Chúa, sách I Sử ký cũng như sách II Sử ký là sách lịch sử của một dân tộc, mà dân tộc đó là tuyển dân của Đức Chúa Trời, Chúa đã cho ghi chép lại lịch sử của dân tộc đó không phải chỉ vì tánh chất oai hùng, hoặc có tánh chất huyền thoại, nhưng Kinh thánh khẳng định: “Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống” (Giăng 20:21). Và như sứ đồ Phao-lô đã nói với Ti-mô-thê, “từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ” (II Tim. 3:15).
Xin Chúa cho qua sách Sử ký trong Kinh thánh nầy, mỗi chúng ta tìm học được hiểu biết cách nào một dân tộc được phước của Đức Chúa Trời, cũng tìm được sự cứu rỗi lạ lùng trong Chúa Jêsus Christ đã được dự bị từ hàng ngàn năm trước khi Chúa Jêsus Christ giáng sanh cứu con người.