Lê-Vi Ký

II SA-MU-ÊN 1
NGƯỜI VIẾT SÁCH II SA-MU-ÊN
********************************



Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta đã cùng học qua 9 sách trong Kinh thánh, từ sách Sáng thế ký đến sách I Sa-mu-ên. Hôm nay, chúng ta sẽ nhờ ơn Chúa cùng học sách II Sa-mu-ên, sách thứ 10 của Kinh thánh, chắc chắn có nhiều bài học quý báu từ Lời Chúa trong bối cảnh hoàn toàn mới. Bài đầu tiên chúng ta sẽ cùng học về Người Viết Sách II Sa-mu-ên.
Điều chắc chắn sau khi xức dầu cho Đa-vít sẽ làm vua nước Y-sơ-ra-ên, Sa-mu-ên đã lui về ở ẩn đến khi về với Chúa, sách I Sa-mu-ên 15:34-35 ghi rõ, “Đoạn, Sa-mu-ên đi về Ra-ma; còn Sau-lơ trở về nhà mình tại Ghi-bê-a của Sau-lơ. Sa-mu-ên chẳng còn thấy Sau-lơ nữa cho đến ngày mình thác; vì người buồn bực về việc Sau-lơ; còn Đức Giê-hô-va ăn năn đã lập Sau-lơ làm vua của Y-sơ-ra-ên”.
Đến sách I Sa-mu-ên 25:1 và 28:3, ghi khoảng thời gian Đa-vít đang còn chạy trốn nạn vua Sau-lơ thì Sa-mu-ên đã qua đời. Chúng ta có một niên biểu như sau:

  • 1105 TC. – Sa-mu-ên được sanh ra (I Sa-mu-ên 1:20)
  • 1080           Sau-lơ được sanh ra
  • 1050           Sau-lơ được xức dầu làm vua (I Sa-mu-ên 10:11)
  • 1040           Đa-vít được sanh ra
  • 1025           Đa-vít được xức dầu kế vị Sau-lơ (I Sa-mu-ên 16:1-13), giết Gô-li-át.
  • 1010           Sau-lơ qua đời bắt đầu triều đại của Đa-vít trên chi phái Giu-đa tại Hếp-rôn (II Sa-mu-ên 1:1; 2:1, 4, 11).
  • 1003           Đa-vít khởi cai trị toàn Y-sơ-ra-ên và chinh phục Giê-ru-sa-lem (II Sa-mu-ên 5)
  • 997 – 992  Những cuộc chiến đời vua Đa-vít (II Sa-mu-ên 8:1-14)
  • 991             Sa-lô-môn được sanh ra (II Sa-mu-ên 12:24; I Vua 3:7; 11:42)
  • 980             Đa-vít điều tra dân số (II Sa-mu-ên 24:1)
  • 970             Cuối triều đại Đa-vít (II Sa-mu-ên 5:4-5; I Vua 2:10-11)

Đa số đều nhìn nhận Sa-mu-ên đã viết sách Các Quan Xét và Ru-tơ, phần mở đầu sách I Sa-mu-ên từ đoạn 1 đến đoạn 7, còn từ đoạn 8 đến sách II Sa-mu-ên là do một người khác viết, và các nhà giải nghĩa Kinh thánh đều nhìn nhận Tiên tri Na-than và Tiên tri Gát viết, theo như I Sử. 29:29, “Các công việc của vua Đa-vít, từ đầu đến cuối, đều chép trong sách của Sa-mu-ên, đấng tiên kiến, trong sách của Na-than, đấng tiên tri, và trong sách của Gát, đấng tiên kiến”.
NA-THAN LÀ AI?
Chúng ta phải đặt câu hỏi nầy vì phải xét xem Người Viết sách II Sa-mu-ên có đáng tin hay không.

  • Tên của Na-than có nghĩa là Người ban cho, khác với Na-tha-na-ên trong sách Tin Lành Giăng 1:45, một trong các môn đồ đầu tiên của Chúa Jêsus, có nghĩa là ‘Đức Chúa Trời ban cho”.
  • Nathan là một tiên tri danh tiếng trong thời vua Đa-vít và Sa-lô-môn.
  • Sách II Samuên 7:1-17 (I Sử 17:1-16), lần đầu tiên nói đến tên Na-than khi Đa-vít hỏi ý kiến về việc xây Đền thờ. Lúc đầu Na-than khen Đa-vít, nhưng Đức Chúa Trời đã không đồng ý cho Đa-vít xây Đền thờ. Kinh thánh ghi thuật sự xuất hiện lần đầu tiên của Na-than như sau: “Khi vua đã ngự trong cung mình, và Đức Giê-hô-va đã giải cứu người khỏi các thù nghịch chung quanh mình, khiến cho người được bình an, thì vua nói cùng tiên tri Na-than rằng: Hãy xem, ta ngự trong cái cung bằng bá hương, còn hòm của Đức Chúa Trời lại ở dưới màn trướng. Na-than thưa cùng vua rằng: Hễ trong lòng vua có ý làm gì, thì hãy làm, vì Đức Giê-hô-va ở cùng vua”.

Lẽ thường là vậy, nhất là khi có người muốn góp phần xây dựng Đền Thờ cho Chúa thì ai cũng hoan nghinh, huống chi là vua có ý và lòng xây Nhà Chúa.Câu Kinh thánh nầy cũng cho thấy Tiên tri Na-than có một vị trí quan trọng trong triều đình vua Đa-vít, nên khi vua hỏi thì có Na-than bên cạnh.Kinh thánh ghi tiếp:“trong lúc ban đêm, có lời của Đức Giê-hô-va phán cùng Na-than rằng: Hãy đi nói cùng Đa-vít, tôi tớ ta, rằng: Ngươi há sẽ xây cho ta một cái đền để ta ngự tại đó sao?”, và Đức Chúa Trời đã không cho Đa-vít xây đền thờ cho Chúa.  Một lỗi lầm của một tiên tri!

  • II Sa-mu-ên 12:1-15, lần xuất hiện thứ hai của tiên tri Na-than là để quở trách Đa-vít, khi vua Đa-vít phạm tội cướp vợ của U-ri. Một việc làm quá khó cho Na-than! Tuy nhiên, Na-than đã dùng phép ẩn dụ kể cho vua Đa-vít nghe chuyện con chiên của người nhà nghèo bị người nhà giàu có nhiều chiên cướp, để rồi nhơn vua Đa-vít nổi giận vì người giàu cướp chiên người nghèo, Na-than đã kết luận: “Vua là người đó!” (12:7). Cảm ơn Chúa, vua Đa-vít đã ăn năn! Câu hỏi: Nhờ tài khéo ăn nói của Tiên tri Na-than, hay nhờ tấm lòng mềm mại của vua Đa-vít? Tôi tin nhờ cả hai! Quở trách tội lỗi là điều khó, mà quở trách tội lỗi của vị vua nổi tiếng lại càng khó, bài học từ Na-than quý báu cho chúng ta, “một lời quở trách tỏ tường, hơn là thương yêu giấu kín. Bạn hữu làm cho thương tích, ấy là bởi lòng thành tín; còn sự hôn hít của kẻ ghen ghét lấy làm giả ngụy” (Châm. 27:5-6). Chắc chắn vua Đa-vít nhận biết lòng trung thành của tiên tri Na-than, vì Na-than là người bạn tốt có uy tín.

Đặc biệt, Na-than có nhiều liên hệ với Sa-lô-môn.

  • Nathan đã theo lệnh của Đức Giê-hô-va đặt tên cho Sa-lô-môn là Giê-đi-đia (II Samuên 12:25).Tên Sa-lô-môn có nghĩa là“người bình an”; còn Giê-đi-đia nghĩa là“Đức Giê-hô-va yêu mến”.
  • Nathan can thiệp cho Salômôn lên ngôi vào phút cuối của việc vua Đa-vít truyền ngôi. Na-than đã giục bà Bát-sê-ba vào gặp vua Đa-vít để nhắc lại lời hứa của vua Đa-vít ngày xưa, và nước mắt của người đẹp năm xưa đã lay động trái tim của vị vua già đang hấp hối. Ngay khi bà Bát-sê-ba còn đang nói thì tiên tri Na-than xuất hiện để báo tin hoàng tử A-đô-ni-gia muốn lên ngôi khi vua còn sống. Kết quả vua Đa-vít đã truyền ngôi cho Sa-lô-môn (I Vua 1:11-40). Tiên tri Na-than đã đứng trong bộ ba nhân vật gồm: thầy tế lễ Xa-đốc, tiên tri Na-than và Tướng Bên-na-gia ủng hộ Sa-lô-môn lên ngôi (I Vua 1:32-33).
  • Nathan cũng dự phần viết sách nói về đời sống của Salômôn từ đầu chí cuối (II Sử 9:29).

Với tất cả những điểm đã nêu ra về Na-than, là một tiên tri của Đức Chúa Trời, là người rất thân cận vua Đa-vít, được Đức Chúa Trời dùng để phán dạy Đa-vít những việc quan trong như: việc Đa-vít muốn xây Đền thờ cho Chúa, việc quở trách vua Đa-vít phạm tội tà dâm với Bát-sê-ba và giết U-ri để cướp vợ U-ri, việc Na-than trực tiếp đặt tên cho Sa-lô-môn theo ý Chúa, còn bày mưu can thiệp đưa Sa-lô-môn lên ngôi vua. Chắc chắn Na-than là người hiểu rõ về đời sống của Đa-vít, đời sống của Sa-lô-môn, bởi đó Na-than được các học giả Kinh thánh nhìn nhận là người đã viết sách II Sa-mu-ên.
Người thứ hai được ghi nhận góp phần viết sách II Sa-mu-ên là Gát.
GÁT LÀ AI?
Tên ‘Gát’ có nghĩa là May Mắn, Gát cũng là một tiên tri có liên quan rất gần gũi vớivuaĐa-vít

  • I Samuên 22:5, Gát đãtheoĐa-vít trong những ngày lánh nạn vua Sau-lơ, vị trí của Gát là một quân sư cho Đa-vít, bằng cớ là khi Đa-vít cùng cha mẹ ở trong đồn của vua Mô-áp, “nhưng Gát, đấng tiên tri, nói cùng Đa-vít rằng: Chớ ở trong đồn nầy; hãy đi đến xứ Giu-đa. Vậy, Đa-vít đi, và đến trong rừng Hê-rết”. Chứng tỏ Tiên tri Gát được Đa-vít tin cậy.
  • II Samuên 24:11-14 ghi lại lúc đã hoàn thành vương nghiệp, thống nhất lãnh thổ Y-sơ-ra-ên, vua Đa-vít đã nổi lòng kiêu ngạo muốn tu bộ dân số, một cách kiêu ngạo như vua Ba-by-lôn đã làm (Đa-ni-ên 4:28-31). Kinh thánh ghi thuật: “Sa-tan dấy lên muốn làm hại cho Y-sơ-ra-ên, bèn giục Đa-vít lấy số Y-sơ-ra-ên. Đa-vít nói với Giô-áp và các quan trưởng của dân sự rằng: Hãy đi lấy số dân sự, từ Bê-e-Sê-ba cho đến Đan; rồi đem về tâu lại cho ta, để ta biết số họ. Giô-áp thưa: Nguyện Đức Giê-hô-va gia thêm dân sự Ngài nhiều gấp trăm lần đã có! Ôi vua chúa tôi! Hết thảy chúng nó há chẳng phải là tôi tớ của chúa tôi sao? cớ sao chúa tôi dạy biểu làm điều đó? Nhơn sao chúa tôi muốn gây tội lỗi cho Y-sơ-ra-ên? (I Sử. 21:1-5). Vì lòng kiêu ngạo nầy của vua Đa-vít, “Điều đó chẳng đẹp lòng Đức Chúa Trời; nên Ngài hành hại Y-sơ-ra-ên. Đức Giê-hô-va phán với Gát, là đấng tiên kiếncủa Đa-vít rằng: Hãy đi nói cùng Đa-vít: Đức Giê-hô-va có phán như vầy: Ta định cho ngươi ba tai vạ, hãy chọn lấy một để ta giáng nó trên ngươi… Gát bèn đến cùng Đa-vít, thưa với người… Đa-vít nói với Gát rằng: Ta bị hoạn nạn lớn. Ta xin sa vào tay Đức Giê-hô-va, vì sự thương xót của Ngài Rất lớn…” (I Sử 21:7-13).
  • I Sử 21:18 cho biết khi Đức Giê-hô-va tha thứ cho Đa-vít như lời Đa-vít cầu xintrong lúc Chúa giáng ôn dịch trên Y-sơ-ra-ên, “khi ấy, thiên sứ của Đức Giê-hô-va biểu Gát nói với Đa-vít phải đi lên dựng một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va tại sân đạp lúa của Ọt-nan, người Giê-bu-sít. Đa-vít đi lên theo lời của Gát đã nhơn danh Đức Giê-hô-va mà nói ra”. Cảm ơn Chúa, khi Đa-vít vâng lời mua đất, dựng bàn thờ và dâng tế lễ cho Đức Giê-hô-va như lời của tiên tri Gát, Chúa đã nhậm lời tha thứ cho Đa-vít, “Tại đó, Đa-vít cất một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, dâng những của lễ thiêu, của lễ bình an, và cầu khẩn Đức Giê-hô-va; Ngài đáp lời người bằng lửa từ trời giáng xuống trên bàn thờ về của lễ thiêu. Đức Giê-hô-va dạy biểu thiên sứ, thiên sứ bèn xỏ gươm mình vào vỏ” (I Sử 2126-27).

Qua những ghi thuật trên, Kinh thánh xác nhận tiên tri Gát được Đức Chúa Trời sử dụng như trung gian truyền phán giữa Chúa và vua Đa-vít. Tiên tri Gát là người đáng tin cậy trước Chúa và đối với con người như vua Đa-vít.

  • II Sử 29:25, ghi lại một công tác đặc biệt Gát đã hiệp với Nathan, ấy là hai vị tiên tri nầy đã hiệp nhau xếp đặt lễ nhạc thờ phượng trong Đền thờ. Kinh thánh ghi: “Vua – là vua Ê-xê-chia, đặt người Lê-vi ở trong đền Đức Giê-hô-va cầm chập chỏa, đờn cầm, đờn sắt, tùy theo lệ định của Đa-vít, cùa Gát, là đấng tiên kiến của vua, và của tuên tri Na-than; vì lệ định ấy do nơi Đức Giê-hô-va cậy các tiên tri Ngài mà dạy biểu”. Cả tiên tri Gát và Na-than đều có ân tứ âm nhạc thờ phượng trong đền thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời, cách thức thờ phượng được tuân giữ từ đời Đa-vít đến đời vua Ê-xê-chia, dĩ nhiên chắc chắn có sự góp phần và kiểm soát của vị vua giỏi nhạc như Đa-vít.

Nói chung, cả hai tiên tri Na-than và Gát đều đạt tiêu chuẩn tối thiểu đã qui định về Kinh thánh:

  • Những ghi chép trong sách Sa-mu-ên, gồm I Sa-mu-ên và II Sa-mu-ên đều có lời Chúa phán.
  • Người viết sách như Gát và Na-than đều là người được xác định Chúa dùng và được con người như vua Đa-vít tin cậy, vâng theo.
  • Những điều cả hai tiên tri Na-than và Gát nói đã được ứng nghiệm trên vua Đa-vít.
  • Ngày nay, người đọc hai sách I Sa-mu-ên và II Sa-mu-ên đều cảm nhận có thần quyền của Thánh Linh Chúa cảm động.

Vấn đề cần nói đến là như vậy sách Sa-mu-ên đã có công sức của 03 tiên tri: gồm Sa-mu-ên khởi động, và hai tiên tri Na-than với Gát tiếp nối. Điều nầy được I Sử ký 29:29-30 ghi rõ, “Các công việc của vua Đa-vít, từ đầu đến cuối, đều chép trong sách của Sa-mu-ên, đấng tiên kiến, trong sách của Na-than, đấng tiên tri, và trong sách của Gát, đấng tiên kiến; cuộc trị vì người, sự mạnh dạn người, các việc xảy ra cho người, cho dân Y-sơ-ra-ên, và cho các nước khác, đều đã chép trong các sách ấy”.
Thế nhưng, toàn bộ đều mang tên sách là sách Sa-mu-ên.Tại sao? Tôi thật cảm ơn Chúa khi nghĩ đến sự yêu thương, khiêm nhường của cả hai tiên tri Na-than và Gát đối với Sa-mu-ên, dù ngay cả vua Đa-vít cũng dành cho cả hai sự kính trọng, nhưng đối với một người đi trước, một gương, một người thầy đáng kính, cả hai Na-than và Gát đã nhường tất cả vinh quang cho Sa-mu-ên. Đáng học lắm thay!