Con Đường Thập Tự

         Tôi nhớ ngày Cụ Mục sư Phó Hội trưởng bị tai nạn, tôi và gia đình đang ở nhà vãng lai của Tổng Liên Hội phía sau tư thất của Cụ. Chúng tôi vừa thấy Cụ đang nô đùa với cháu Hòa Hiếu, con của vợ chồng chú Thiên Dân + Hoa Trang, thì Cụ vấp té gãy xưng đùi. Lúc ấy trong nhà của Cụ không có ai ngoài bà Cụ đang lên cơn mệt do việc ông Cụ bị té. Cô Ðoàn Trung Tín vừa may đến, thầy Ðoàn Trung Tín đã đi dạy Kinh Thánh ở Miền Tây. Sau khi đưa Cụ đi chụp hình X-quang về, Bác sĩ xác định Cụ bị gãy xương khớp trên, một cuộc bàn cãi sôi nổi diễn ra giữa các Bác sĩ là con cái Chúa với các Ðông Y sĩ người Hoa chuyên khoa xương gãy do cô Tín nhờ Cô Truyền Ðạo Tô Ngân mời đến. Các Bác sĩ đòi đưa Cụ vào Bịnh viện giải phẫu ghép xương, nhưng không được vì Cụ bị tiểu đường, nếu giải phẫu e rằng vết thương khó lành. Còn các Ðông Y sĩ thì yêu cầu cho kéo xương chân ra rồi mới băng thuốc được, nhưng vì vết gãy nằm ngay khớp trên, nên rất khó và nhất là khi kéo sẽ gây đau đớn. Các Bác sĩ Tây y đề nghị chích thuốc tê hoặc thuốc mê, nhưng các Ðông y sĩ thì không đồng ý, vì nguyên tắc của họ là khi kéo chân, họ sẽ nhìn sắc mặt của bịnh nhân, họ cần thấy bịnh nhân lúc đau nhiều nhất để biết là khớp xương vào đúng vị trí hay không. Cái khó nhất là một bên nói tiếng Việt, một bên nói tiếng Quảng Ðông, không ai hiểu ai, tôi phải ở giữa cố vận dụng số vốn tiếng Quảng Ðông có được để giải thích cho hai bên hiểu nhau.
Việc kéo chân đã gây đau đớn lắm, tôi thấy họ đưa cho Cụ cái gối để cắn chặt giữa hai kàm răng, tôi và chú Thiên Dân giữ người Cụ. Nhưng sau mấy lần kéo ra rồi vừa buông tay để họ dùng hai miếng gỗ đã chuẩn bị sẵn cặp hai bên, thì chỗ gãy lại trở về vị trí. Một cuộc bàn luận giữa Tây y và Ðông y lại tiếp tục. Cuối cùng tôi đề nghị vì không ai hiện diện có đủ thẩm quyền quyết định, nên tôi sẽ gọi điện thoại báo tin mời Thầy Tín về, vì thầy là con trai của Cụ, thầy sẽ quyết định. Thầy Tín đã về để lo cho Cụ.
Sau nầy, Cụ Mục sư Phó Hội Trưởng thường nhờ tôi chích thuốc bổ cho Cụ, đôi khi Cụ tự chích cho chính mình. Một lần khác, Cụ uống thuốc bị sốc, nên nghẹn thở, tôi và Thầy Cô Tín dìu Cụ ra xe, thầy Tín lái đưa ra cấp cứu tại Bịnh viện Sàigòn. Khi xe đến Bịnh viện, thầy Tín buộc lòng phải ở ngoài coi chừng xe vì khu vực đó rất nhiều người không tốt; tôi chạy vào gọi Y tá phòng cấp cứu nhờ họ giúp đưa Cụ vào, không ngờ Y tá trực bảo tôi ra nhờ mấy người đang ngồi ngoài vỉa hè khiêng vào, còn họ (Y tá) thì chẳng hề quan tâm dù là ca cấp cứu. Tôi phải bỏ tiền mướn những người được Y tá giới thiệu, họ vào Bịnh viện lấy băng ca ra và khiêng Cụ vào, tôi và cô Tín đi theo. Thật đáng buồn, các Y tá chẳng buồn quan tâm, họ đòi chờ làm thủ tục khai tên, đóng tiền. Tôi bảo cô Tín cứ ở đó lo thủ tục, còn tôi một mình đẩy xe băng ca đưa Cụ vào phòng cấp cứu. Khi vào phòng cấp cứu, tôi thấy hai ba Y tá (hay Bác-sĩ trẻ?) đang nói chuyện cười đùa vui vẻ, tôi lên tiếng hỏi họ phải đưa bịnh nhân đến đâu, trong bọn họ có người chỉ một cái giường trống, họ đưa tay chỉ mà thôi, không nói cũng không chuyển động gì cả. Ðưa Cụ đến giường, tôi cũng không biết sức mạnh nào Chúa cho tôi một mình bồng Cụ chuyển sang giường. Thấy không ai đến lo cấp cứu, tôi quay lại chỗ họ đang cười đùa và lớn tiếng nói: ‘Tôi báo cho các anh chị biết đây là vị Mục sư Phó Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành toàn quốc. Nếu Cụ có mệnh hệ nào các anh chị phải chịu trách nhiệm lớn lắm’. Cảm ơn Chúa, lời hù dọa của tôi có hiệu quả, vừa ngay lúc đó có một Bác-sĩ hơi lớn tuổi bước vào lên tiếng hỏi, tôi trình bày là bịnh nhân đang bị sốc, cần cấp cứu, cần oxy thở, nhưng từ nãy đến giờ chưa được chăm sóc. Bác sĩ ấy đến ngay giường bịnh, ra lịnh đem oxy đến, rồi ra lịnh vô nước biển, nhưng khổ nỗi là họ không có sẵn ống truyền. Thế là cô Tín phải chạy đi mua. Tội nghiệp cô Tín, chạy mua xong ống truyền, họ lại đưa toa bảo mua thêm thuốc để bơm vào chai nước, cô lại chạy đi.
Khi thấy Cụ đã tạm yên, tôi để cô Tín trông chừng xin về trước. Ra đến xe của thầy Tín đang ngồi đợi, tôi chợt nhìn lại tôi: ‘tôi đang mặc bộ đồ Pyjama đi giữa chợ Sàigòn!’.
Chúa cho tôi được góp phần gây dựng các Hội Thánh. Hội Thánh tại đường Tuy Lý Vương do Mục sư Ðinh Thiên Tứ làm chủ tọa, trước khi xảy ra biến cố nhà thờ đường Trần Cao Vân bị đóng cửa, thì số tín đồ tại Hội Thánh đường Tuy Lý Vương thật èo uột, nội bộ Hội Thánh luôn chia rẽ. Mục sư chủ tọa là diễn giả được ưa chuộng tại nhà thờ Trần Cao Vân, nhưng tại Hội Thánh nhà đường Túy Lý Vương của ông thì càng đi xuống. Có lúc ông tuyên bố giữa buổi nhóm Chúa nhật: ‘Nếu con cái Chúa không đi nhóm Chúa nhật, mà đi nhóm tối thứ sáu truyền giảng cũng được’ – một lời tuyên bố quá nóng, tôi phải khuyên can. Có những lần tôi đến giảng truyền giảng tối thứ sáu, lúc ngồi chờ buổi nhóm khởi sự, Mục sư Tứ ra hiệu cho tôi chuẩn bị đổi đề tài để giảng bồi linh, vì gần đến giờ mà không có thân hữu. Có khi vừa đứng lên để bước đến bục giảng thì được bảo là trở lại truyền giảng. Rồi biến cố nhà thờ Trần Cao Vân bị đóng cửa (tháng 11 năm 1983), Mục sư Hồ Hiếu Hạ bị bắt giam, đa số con cái Chúa thuộc Hội Thánh tại đường Trần Cao Vân chạy về nhà thờ đường Tuy Lý Vương nầy, và tinh thần truyền giảng lại bùng nổ trong Hội Thánh tại đây.
Hội Thánh tại Khánh Hội.
Sau khi ở tù về, năm 1984, nhơn ngày Tết, các anh em Thanh niên thuộc Hội Thánh tại Khánh hội do Truyền Ðạo Huỳnh Minh Ðức hướng dẫn đã ghé thăm chúc Tết tôi. Nhơn đó, tôi có dịp được Chúa cho đến dự phần công việc Chúa với Hội Thánh tại Khánh hội. Lúc bấy giờ Hội Thánh tại Khánh hội còn yếu lắm, một số con cái Chúa đặt vấn đề muốn được trang bị hầu việc Chúa nên nhờ tôi dùng thì giờ sáng sớm thứ tư đến dạy anh em về Chứng đạo, Chăm sóc, cách chia sẻ Lời Chúa. Chúa cho tôi lại soạn bài học Kinh Thánh cho giờ học Kinh Thánh của Thanh niên vào tối thứ ba. Buổi học Kinh Thánh nầy do các anh em học vào sáng thứ tư làm toán trưởng cho gần 20 toán học Kinh Thánh của thanh niên. Tinh thần học Kinh Thánh rất cao, bất chấp thời tiết mưa gió. Lâu lâu tôi có thì giờ chạy qua để giải đáp những thắc mắc của các học viên dự học tối thứ ba. Lần lần Chúa cho Hội Thánh được lớn lên, lớn lên, cứ thêm người vào Hội Thánh, nhất là kết quả những buổi tối truyền giảng thật lạ lùng. Sáng Chúa nhật số người nhóm rất đông. Ðặc biệt Hội Thánh tại Khánh Hội dành buổi nhóm cầu nguyện tối thứ năm để cầu nguyện cho chương trình truyền giảng tối thứ bảy. Cách cầu nguyện của anh em thật rất đáng học. Anh em có một cái bảng đen lớn phía trên tòa giảng để ghi tên những thân hữu mà con cái Chúa dự định sẽ mời đến nghe truyền giảng và tên của người mời. Sau đó anh em chia toán cầu nguyện cho từng người có tên đã được nêu ra. Bởi đó làm sao Ðức Chúa Trời không đáp lời cầu nguyện của anh em được.
Cho đến một ngày Cụ Mục sư Hội Trưởng Ông văn Huyên gọi tôi đến gặp Cụ tại tư thất của Cụ nói với tôi rằng Mục sư Nguyễn Thanh Hằng, chủ tọa Hội Thánh tại Khánh hội vừa nói chuyện với Cụ về tôi. Mục sư Hằng cho Cụ Mục sư Hội Trưởng biết là Hội Thánh tại Khánh hội muốn mời tôi về làm chủ tọa Hội Thánh thay Mục sư Hằng; Mục sư Hằng nhờ Cụ Mục sư Hội Trưởng giúp đỡ. Tin tức từ Cụ Mục sư Hội trưởng làm tôi hết sức ngạc nhiên và lo nhiều hơn vui. Vì tôi mới bị một việc như vậy tại Hội Thánh Sàigòn, do nhơn vì Cụ Mục sư Phó Hội trưởng bị té gãy chân, Hội Thánh Sàigòn mời tôi phụ trách dạy Kinh Thánh tối thứ tư thay Cụ Mục sư Phó Hội Trưởng. Qua gần sáu tháng, một số Chấp sự trong Hội Thánh thương mến tôi đề nghị Ban Trị Sự Hội Thánh Sàigòn mời tôi về phụ tá cho chủ tọa Hội Thánh. Sau khi vài Chấp sự Hội Thánh đến nhà gặp tôi hỏi ý, tôi không biết nội bộ thảo luận thế nào, nhưng điều quan trọng là Công An Sở Công An kêu tôi lên và yêu cầu không được tiếp tục dạy nữa.
Bây giờ, tôi nghe Hội Thánh tại Khánh hội muốn mời tôi, tôi nghĩ rằng sẽ bị bắn nữa, vì Hội Thánh nầy là Hội Thánh lớn. Quả thật như vậy, vài ngày sau, trong một bữa tiệc cưới của Truyền Ðạo Ðặng văn Thơ, nơi bàn tiệc một nhân viên Ðịa Hạt cho biết là trên Sở Công An đang theo dõi tôi hoạt động tại Khánh hội. Tin tức đó có hiệu quả là tôi không được đến Khánh hội nữa. Xác thịt tôi rất buồn, vì sự ganh ghét đó, nhưng tôi thấy dường như Chúa cho tôi chỉ làm viên đá lót đường, gây dựng Hội Thánh xong rồi, thì Chúa sai tôi đến nơi khác.
Tại nhiều Hội Thánh khác, Chúa cho tôi được an ủi vì con cái Chúa yêu thương, nhờ đó Chúa cũng dùng con cái Chúa tiếp trợ sự sống vật chất cho gia đình tôi.
Vì thấy một số anh em Truyền Ðạo và Mục sư trẻ cần có thì giờ học Lời Chúa, tôi đề nghị mỗi tuần anh em chúng tôi gặp nhau tại nhà tôi. Cảm ơn Chúa, có lúc tối đa được 12 người, thường thường trung tín là 6 đến 7 anh em. Những buổi học Kinh Thánh nầy rất vui, rất ích lợi, các anh em ôn lại việc làm bài giảng, cùng nhau giải nghĩa những sách khó trong Kinh Thánh, đặc biệt là các sách Tiểu Tiên Tri, rồi có thì giờ để giúp nhau giải quyết những nan đề trong Hội Thánh, anh em chúng tôi cũng sắp xếp, thì giờ, tiền bạc, công sức, hỗ trợ nhau truyền giảng, Hội Thánh nào yếu thì vài Hội Thánh ở gần sẽ đến tiếp. Ai trong chúng tôi cũng thấy rõ những buổi học thật có phước và ích lợi. Ðến một ngày tôi đưa một máy thu băng bỏ túi, đề nghị thâu lại bài giảng mà anh em đó giảng giữa Hội Thánh của mình, để tuần kế đem đến lớp học Kinh Thánh để cho anh em cùng nghe và góp ý.
Anh em trong lớp cũng rất thương tôi, thỉnh thoảng cũng đem trà bánh dồi dưỡng cho tôi. Một lần tôi đang ngồi hướng dẫn anh em thì bị choáng rất nặng, tôi cảm thấy chỗ ngồi, rồi căn nhà đang ở, rồi mọi người xoay vòng vòng trong trí trong mắt của tôi. Anh em nhận ra và dìu tôi vào phòng hiệp nhau hết lòng cầu nguyện cho tôi.
Chúng tôi giữ lớp nầy hơn một năm, thì thình lình Cụ Mục sư Phó Hội trưởng Ðoàn văn Miêng kêu tôi xuống nhà nói cho tôi biết là có người ở trong Hội Thánh Sàigòn báo cho Cụ rằng Mục sư Sơn đang tổ chức huấn luyện gì đó ngay nhà Cụ. Cụ Mục sư Phó Hội trưởng nói vì ý do an ninh của cơ sở, yêu cầu tôi giải tán lớp học. Tôi phải vâng lời. Dù vậy, cảm ơn Chúa đã cho anh em có thể làm được những bố cục bài giảng tương đối khá tốt. Chúa thấy việc tôi giúp anh em đã xong!
Khi tôi viết đến đây, tôi nhớ đến Thầy Truyền Ðạo Trương Hoàng Ứng, phụ tá tại Hội Thánh đường Tôn Ðản (quận 4). Thầy bày tỏ với tôi là Hội Thánh tại Tôn Ðản không phát triển được, dù Thầy đã hết lòng thăm viếng, khuyên mời, mỗi buổi sáng một mình Thầy quì gối trên từng băng ghế trong nhà thờ để cầu nguyện xin Chúa cho có người tin Chúa ngồi đầy băng ghế nầy. Thầy đã kiên trì cầu nguyện như vậy, nhưng vẫn ít người nhóm lại. Tôi đề nghị Thầy tạm quên những tín đồ cũ, tập trung lo nhờ ơn Chúa tổ chức một buổi truyền giảng thật chu đáo. Theo hợp đồng với Thầy, tôi đến giảng cho buổi Truyền giảng ngày hôm đó. Halêlugia! Chúa cho có 16 người tin Chúa. Thầy lại hỏi tôi: Bước kế tiếp là gì? Tôi khuyến khích Thầy đi thăm những người mới tin Chúa, rũ họ cùng đi thăm viếng. Kỳ diệu thay, Chúa dùng những người mới tin Chúa lại rũ Thầy Ứng đi thăm những người tín đồ cũ. Những tín đồ cũ hổ thẹn nên tự động đi nhà thờ. Hội Thánh tại Tôn Ðản đã lớn lên mạnh mẽ, dù bên cạnh có nhà thờ Khánh Hội to lớn, từng bị cho là đã thu hút người, làm Hội Thánh nhỏ như tại Tôn Ðản kế cận điêu đứng.
Hội Thánh tại Thông Tây Hội cũng vậy. Vì Hội Thánh thuộc vùng ven đô, việc đi lại buổi tối rất khó do thiếu an ninh. Cảm ơn Chúa, sau những lần Chúa cho tôi đến giảng dạy, huấn luyện về Chứng đạo và Chăm sóc, một số con cái Chúa trong Hội Thánh muốn tổ chức Truyền giảng buổi tối với điều kiện tôi phải giảng cho buổi khai mạc truyền giảng hôm đó.
Buổi chiều tối ngày G, tôi vừa giảng xong tại một Hội Thánh khác, vội chạy xe đến nhà thờ tại Thông Tây Hội . Trên đường đi, trước mắt tôi là những đám mây đen kéo tới báo hiệu một trận mưa to sắp đổ xuống. Tôi vừa chạy xe vừa cầu nguyện nhơn danh Chúa Jêsus Christ đuổi tan đám mây đen. Cảm ơn Chúa, tôi đến nhà thờ tại Thông Tây Hội không bị mưa. Nhìn vào sân nhà thờ thấy ông Trưởng Ban Chứng đạo Truyền giảng đang cầm trên tay tài liệu tổ chức Truyền giảng mà tôi đã dạy, ông đang theo từng mục từng mục chỉ người nầy, chỉ việc kia, áp dụng một cách chính xác, ngay cả những cây đèn pin, đèn dầu chuẩn bị phòng khi cúp điện như tôi đã căn dặn, anh chị em cũng lo chu đáo.
Phép lại xảy ra! Phía trên và phía dưới khu vực nhà thờ mưa thật to, nhưng khu vực ngay nhà thờ trong vòng hơn một cây số thì trời khô ráo. Cảm ơn Chúa!
Khi tôi giảng xong, Thầy Truyền Ðạo chủ tọa Hội Thánh tại Gò-vấp phụ trách kêu gọi người nghe tin Chúa (Thầy Truyền Ðạo Trần Công Chánh, chủ tọa Hội Thánh tại Gò vấp đã nhận lời đề nghị của tôi, Thầy dẫn con cái Chúa trong Hội Thánh lên yễm trợ cho Hội Thánh tại Thông Tây Hội). Thầy vừa đứng lên thì điện cúp, nhưng Chúa cho con cái Chúa đã chuẩn bị đèn pin, đèn dầu đầy đủ, lập tức thắp lên, buổi nhóm không hề bị trở ngại về ánh sáng, chỉ có Thầy Truyền Ðạo Chánh phải một phen khan giọng do nói thật to kêu gọi, và Chúa đã cho đêm đó có 16 người tin nhận Chúa Jêsus Christ. Và từ đó, Hội Thánh tại Thông Tây Hội đã lớn lên, lớn lên…
Mùa Giáng Sinh năm 1993, Hội Thánh tại Trương Minh Giảng dành cho tôi buổi tối truyền giảng Giáng sinh ngày 17 tháng 12. Trước đó, tôi được biết những buổi truyền giảng tối thứ năm hằng tuần của Hội Thánh, số tín đồ tham dự chỉ độ 50 người, trong khi buổi nhóm sáng Chúa nhật với hai suất có trên 300 người. Tình trạng nầy cũng xảy ra cho Hội Thánh tại đường Tô Hiến Thành. Cậy ơn Chúa, tôi dùng buổi giảng sáng Chúa nhật trước đó một tháng làm buổi hướng dẫn Chứng Ðạo, rồi phát phiếu hứa tham gia Chứng Ðạo qua việc hứa cầu nguyện, hứa dâng tiền Truyền giảng, và hứa mời Thân hữu. Khi thu phiếu, cảm ơn Chúa cho có rất nhiều người nhận Truyền Ðạo đơn và Thư Mời đem về phát cho Thân hữu. Cảm ơn Chúa có rất đông con cái Chúa đã giữ đúng lời hứa tham dự buổi nhóm truyền giảng. Có một con cái Chúa tên là Giang Thanh Hùng, sau đó gặp tôi làm chứng rằng, ngày hôm đó anh vừa qua cuộc giải phẫu ruột thừa về đến nhà, nghe tin tôi giảng, anh đi xe xích lô đến nhóm cho được và cảm ơn Chúa đã chữa lành cho anh.
Trước ngày 17 tháng 12, tôi còn đang giảng dạy tại Ðà-nẵng. Ðến 4 giờ chiều 17 tháng 12, tôi được con cái Chúa đưa ra phi trường Ðà-nẵng trong lúc trời mưa giông lớn. Ngồi chờ chuyến bay mà lòng rất hồi hộp lo lắng, vì chốc chốc nghe thông báo hủy chuyến bay Ðà-nẵng - Pleiku, hủy chuyền bay Ðà-nẵng – Ðàlạt. Cảm ơn Chúa cho chuyến bay về Sàigòn đúng 5 giờ chiều, nhờ đó tôi có mặt tại Sảigòn lúc 6 giờ và 7 giờ tôi có mặt tại nhà thờ Trương Minh Giảng. Ðiều kỳ diệu đã xảy ra, tối hôm đó Hội Thánh tổ chức truyền giảng cho các nhân công trong Công ty xây dựng của anh Phạm Hữu Thiên, có 99 người tiến lên tin nhận Chúa. Ha-lê-lu-gia! Nhờ tất cả con cái Chúa giữ lời hứa mời Thân hữu và Chứng Ðạo.
Chúa cho tôi dự phần với các Hội Thánh tại Tân Hòa Ðông, Tân Phú, Tân Thới Hòa, Phú Thọ Hòa, Tân Bình, Lạc Long Quân, Lương Nhữ Học, Nguyễn Trãi (Quang Trung đường), Nguyễn Thái Bình (Cứu Ân đường) Gia định, Thị Nghè, Gò-vấp, Báp-tít, Tôn Thất Thuyết, Bình Trị Ðông, …
Tại Hội Thánh ở Chánh Hưng, điều tôi cảm động là sự hợp tác chặt chẽ của Ban Trị Sự Hội Thánh với chủ tọa Hội Thánh, họ cũng hợp tác về công việc làm ăn sinh sống bằng cách chung lập những Tổ Hợp sản xuất nhựa, dệt bao nylon đựng cát; họ cũng hợp tác chung trong công việc Chúa: Các nhân viên Ban Trị Sự Hội Thánh tham gia học và dạy trường Chúa nhật, mời Thân hữu đến dự Truyền giảng tối thứ năm, đồng thời họ cũng tổ chức những buổi truyền giảng và học Kinh Thánh tại Cơ sở sản xuất để làm chứng cho công nhân. Ðiều làm tôi cảm động là thấy một buổi nhóm sáng ngày 25 tháng 12, nhơn Lễ Kỷ Niệm Chúa Jêsus giáng sinh, toàn Ban Trị Sự Hội Thánh đã đứng lên nói lời tri ân chủ tọa Hội Thánh là Mục sư Trần Huy Minh, họ tặng quà cho Mục sư và ôm lấy Mục sư mà khóc nhiều lắm. Hình ảnh trong Công vụ đoạn 20:37 giữa Phaolô và các Chấp sự tại Ê-phê-sô lâu lắm rồi tôi chưa được thấy nay chợt hiện lên rõ ràng trước mắt tôi.
Tại Chánh Hưng cũng cho tôi nhiều kỷ niệm. Một lần nữa tôi lại làm cái chuyện “Ngu Nhất” trên đời, ấy là “Làm Mai”. Ðôi bạn thanh niên nầy đều là con của Chấp sự trong Hội Thánh yêu nhau trên hai năm. Chàng là giáo viên dạy toán, nàng là giáo viên dạy Anh văn. Ban Chấp sự Hội Thánh trình bày với tôi là gia đình hai bên ai cũng đồng ý trừ bà mẹ của cô gái, do đó Ban Chấp sự nhờ tôi giúp khuyên bà. Tôi viết một thư giải thích mọi sự và năn nỉ bà chấp thuận. Tuần lễ sau, ba của cô gái nói với tôi là bà ấy đọc xong thư của tôi thì xé thư đó, la um sùm trong gia đình: “Tại sao ông Mục sư Sơn xen vô việc cưới gả của gia đình tôi? Gả cho thằng nào chớ nhất định không gả cho thằng đó!” Thế là tôi bị la mắng vì làm mai. Rồi tôi bị vào tù do việc xảy ra tại nhà thờ An Ðông. Một năm sáu tháng sau, tôi được thả, trở lại thăm Hội Thánh tại Chánh Hưng, các em Thiếu niên trong Hội Thánh khoe với tôi con heo đất mà tôi đã mua cho các em để các em nuôi làm ngân quỹ cho Ban Thiếu niên, các em đã nuôi từ lúc tôi bày cho đến ngày tôi ở tù về. Tôi lại được giới thiệu một cặp vợ chồng quen thuộc là đôi Thanh niên nam nữ đã làm cho tôi bị bà mẹ cô gái mắng cho khi trước. Ai cũng làm chứng lại rằng sau đó, khi tôi bị tù, thì bà mẹ cô gái đột nhiên thay đổi ý kiến tuyên bố: “Tao chỉ gả cho thằng đó, không gả cho thằng nào khác!” Khi vợ chồng trẻ nầy đã có đứa con bụ bẫm bồng đến chào tôi, tôi chỉ mặt thằng bé mà nói: “Tại ba má cháu mà Mục sư bị chửi đấy”. Bà mẹ cô gái bây giờ rất yêu thương gia đình chúng tôi.
Nhơn chuyện mai mối, tôi cũng nhớ đến một đôi thanh niên khác ở Hội Thánh Trương Minh Giảng. Lúc đó Hội Thánh chưa có chủ tọa, Ông Lê văn Chi là Thư ký Hội Thánh giúp lo công việc Chúa. Ông đến nhà của tôi trình bày trường hợp một thanh niên con tín đồ muốn cưới một cô đã tin Chúa, nhưng cha mẹ của cô chưa tin Chúa, lại là người Tàu (người Trung quốc), vì vậy ba má cô gái gây khó khăn bằng cách đòi sính lễ tới 16 mâm, trong đó có những loại trái với giáo lý như: nhang đèn, rượu, còn đòi phải lạy bàn thờ gia tiên, không đồng ý thì không gả. Ông Thư ký Hội Thánh Trương Minh Giảng nhớ đến Mục sư Sơn là người biết tiếng Hoa (tại tôi có nhiều dịp giảng dạy cho một số Hội Thánh người Hoa, nên con cái Chúa đồn tôi nói tiếng Hoa giỏi, thật ra tôi chỉ biết nói ăn cơm, uống nước, vài câu quọt quẹt xã giao), nên chạy xe đạp đến nhờ tôi cùng đi gặp nhà gái nói giúp không xin bớt mà xin đổi những món sính lễ đó thành những món khác và xin miễn bái lạy.
Sau khi cầu nguyện, tôi cùng đi với ông Lê văn Chi mà lòng đầy lo lắng. Ðến nhà cha mẹ của cô gái, tôi thấy ông ấy đang ngồi bắt mạch hốt thuốc cho bịnh nhân, ông làm nghề Ðông y. Chúng tôi gật đầu chào nhẹ và ngồi chờ. Ðợi ông xem mạch cho khách xong, tôi chủ động đưa tay bắt và chào ông bằng tiếng Quảng Ðông và biết ông họ Lý. Người Hoa có tánh tốt là thấy người cùng xứ hoặc nói tiếng Hoa thì dễ có cảm tình hơn, và tôi cũng biết người Hoa thường rất sợ người có chức quyền, nên tôi quay sang giới thiệu ông Thư ký Hội Thánh:
-       “Ní wẩy chù cao wủi chấp xì. Ngọ hầy mục súy” Vị nầy là Chấp sự Hội Thánh. Tôi là Mục sư.
Vừa nghe xong, lập tức ông Lý đứng dậy đưa hai tay bắt tay ông Thư ký Hội Thánh với sự nể trọng. Tôi bắt đầu hỏi thăm việc làm ăn của ông. Tôi cũng hỏi thăm ông có bán một loại thuốc trị đau nhức có tên là “Vân Nam Bạch Dược” không? Lần lần tôi vào đề. Thật lòng mà nói tôi rất ngạc nhiên hôm ấy Chúa cho tôi nói tiếng Quảng Ðông cách trôi chảy những gì cần nói. Và lạ lùng biết bao, tôi nói tới đâu, Chúa khiến ông Lý đồng ý tới đó, đổi món nào cũng được, còn bàn thờ thì ông nói chỉ xin cho gia đình ông để trên lầu, ông sẽ dành phần tầng trệt để tiếp Nhà Trai rước dâu, nên không cần bái lạy. Cảm ơn Chúa, chúng tôi ra về mà lòng không biết nói lời nào để tạ ơn Chúa cho hết lòng chúng tôi. Về sau, tôi được biết ông Lý và gia đình cũng đã tin Chúa và nhóm lại rất trung tín.
Thật sự bây giờ ngồi viết những lời nầy, nhớ lại những trận chiến mai mối, tôi chỉ biết ngạc nhiên và cảm tạ Chúa. Khi tôi hầu việc Chúa trong Hội Thánh tại Túc Trưng, một thanh niên người Thượng xin cưới một cô giáo người Kinh đang dạy học tại Trường Tin Lành Túc Trưng. Cô giáo tin Chúa khi lên dạy trong Trường và tin Chúa rất tốt, nhưng gia đình ở Mỹ tho thì chưa tin Chúa, cô lại có học thức với cấp bằng Tú Tài Toàn Phần. Tôi thật bối rối về sự cách bịệt của hai bên: cách biệt về chủng tộc thì người Kinh khó chấp nhận con gái mình gả cho người Thượng; cách biệt về học vấn thì cô gái có Tú Tài, còn anh thanh niên thì chỉ lớp ba lớp bốn. Ðiều may mắn là cô giáo không có lòng phân biệt, nên không phản đối sự tỏ ý của anh thanh niên, cô chỉ yêu cầu có sự đồng ý của gia đình. Nhiều lần tôi phải mời cô giáo đến nói rõ mọi khó khăn, để cô cầu nguyện Chúa quyết định cẩn thận. Tôi cũng nhờ cô giáo viết thư về trình bày cho gia đình cha mẹ và nói là Mục sư với Ban trị Sự Hội Thánh xin được đến gặp.
Ðến ngày gia đình cô giáo hẹn, vợ chồng tôi cùng Ban Trị Sự Hội Thánh, trong đó có người Kinh và người Thượng lên đường đến Mỹ tho. Xe chạy vào một vùng ngoại ô của thành phố Mỹ tho rồi dừng lại điểm hẹn, tôi chợt thấy bên đường một người mặc áo dài khăn đóng đang chờ sẵn. Tôi chột dạ vì biết rằng cuộc chiến nầy sẽ gay go, bởi đối tượng là những người thuộc hàng bảo thủ cổ truyền. Vào đến nhà, tôi càng lo thêm nữa khi thấy một hàng các cụ già mặc áo dài khăn đóng đứng tiếp chúng tôi. Tất cả chúng tôi thì mặc veston, chỉ duy Nhà tôi là nữ đi chung mặc áo dài. Trong ban Trị Sự Hội Thánh chỉ có hai ông khá lớn tuổi, nhưng so với các cụ ở đây thì còn trẻ quá. Phần tôi thì trẻ nhất vì chỉ 28 tuổi. Khi ngồi vào bàn, hai bên đối diện nhau, tôi ở vị trí đầu bàn ngang với một cụ già là Trưởng Tộc râu dài, tóc bạc, là ông ngoại của cô giáo, còn ba của cô giáo chỉ được đứng sau lưng các cụ.
Cuộc nói chuyện chỉ có giữa tôi với cụ Trưởng tộc, có lẽ gia đình đã sắp xếp với nhau để ông ngoại của cô giáo đại diện toàn quyền.
Trước hết tôi thay Ban Trị Sự tỏ lời cảm ơn gia đình cô giáo đã cho phép đến thăm, đồng thời nêu lý do gia đình anh Thanh niên là con cái Chúa rất tốt trong Hội Thánh tỏ ý xin được cưới cô giáo. Trái với điều tôi lo lắng, vấn đề cưới gả được chấp thuận ngay.
Thế là chi tiết việc cưới gả được nêu ra từng phần:
2.    Về sính lễ, Nhà Gái yêu cầu phải có cặp đèn và mâm rượu, các món khác tùy Nhà Trai. Tôi phải nhờ ơn Chúa uốn ba tấc lưỡi nói đi nói lại hai chữ ‘xin miễn’ cho hai thứ đó vì lý do niềm tin và quy luật của Hội Thánh. Một cuộc hội ý giữa các cụ diễn ra, rồi lại giao về cho cụ Trưởng Tộc quyết định. Kỳ diệu thay, cụ Trưởng tộc tuyên bố: “Thôi thì nếu Nhà Trai không đi đôi đèn và rượu thì Nhà Gái sẽ không hồi mâm cặp đèn và rượu cho Nhà Trai”. Còn nỗi vui nào hơn nữa.
3.    Về bái lạy. Tôi xin gia đình miễn cho đôi bạn việc bái lạy, mà chỉ chào hỏi từng người sống trong gia đình. Một cuộc hội ý nữa lại diễn ra và cho khỏi lạy nhưng đứng trước bàn thờ cúi đầu chào gia tiên. Tôi lại phải trình bày xin đã thương thì thương cho trót, đã gọt thì gọt cho tròn, đã miễn cho thì xin miễn hết cho, không phải vì bất hiếu mà chỉ vì niềm tin theo Chúa dạy. Cảm ơn Chúa lần nữa, ông cụ Trưởng tộc đánh đổi rằng: “Nếu ở đây không bái lạy thì rước dâu về Nhà Trai cũng không được bắt cô dâu bái lạy”. Chúng tôi còn biết nói lời nào tạ ơn Chúa!

MIỀN TÂY
Gọi là Miền Tây nhưng thật ra phải gọi là Miền Nam. Chúa đã cho tôi đến các Hội Thánh tại Quới Sơn, Tân Thạch, An Hóa, Bến Tre, Hàm Long (Tiên Thủy).
Tỉnh Bến Tre đã phải trải qua 10 năm đầy khó khăn, gay gắt, nhưng Ðức Chúa Trời thật yêu thương đã thành tín như lời Chúa đã hứa trong thư I Côrintô 10:13, “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Ðức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ,  Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được”. Và sau 10 năm, Chúa đã mở đường cho Hội Thánh, đa số các Hội Thánh trong tỉnh đều phát triển mạnh mẽ
Rồi đến Cái Bè, An Hữu, Vĩnh long, Thành Lợi. Riêng tại Bình Minh (Cái Vồn), Mục sư Nguyễn Minh Cương lần đầu tiên xin phép Chánh quyền cho tôi đến giảng Bồi linh hai ngày thứ bảy và Chúa nhật. Chúa cho Chánh quyền thấy ghi địa chỉ nơi ở của tôi tại Sàigòn, nên họ tưởng tôi là người thuộc Hội Thánh Trung Ương đến, thế là họ đồng ý. Các con cái Chúa từ các Hội Thánh lân cận đã về Bình Minh thật đông. Lâu lắm Hội Thánh mới có một cuộc họp mặt tín đồ các nơi đông như vậy, đến nỗi phải che Trại ngoài sân. Một ngày nhóm ba suất, rất đông, rất vui và đầy phước hạnh.
Rồi đến Cái Răng với những ngày Huấn luyện Chứng Ðạo & Chăm Sóc; Vị Thanh với những ngày Kinh Thánh Mùa Hè dành cho các Thanh niên các nơi về học như Vị Thanh, Giồng Riềng, Kinh Ranh, Long Mỹ, An Phú. Chúa cho những ngày huấn luyện đó thật thỏa lòng, với sự cộng tác của Thầy Ðoàn Trung Tín, Thầy Trần Trọng Nha.
Một mùa nước lụt, sau những ngày giảng dạy mệt nhọc, Thầy Truyền Ðạo Nguyễn Dâng Nguyện chủ tọa Hội Thánh tại Vị Thanh mời tôi xuống ghe đi thăm một vài tín đồ ở Giồng Riềng có con em học những Khóa Kinh Thánh Hè vừa qua, cũng đang ở trong vùng bị nước lụt.
Trên đường đi, ngồi trên chiếc vỏ lãi của Hội Thánh, thỉnh thoảng những con cá he vàng nhảy khỏi mặt nước thật thích thú. Ghé vào nhà của một  tín đồ có con học Kinh Thánh với tôi tại Vị Thanh, gia đình rất vui và dặn Thầy Truyền Ðạo Nguyện lượt về ghé lại ăn cơm. Khi trở lại, thì gia đình đã chuẩn bị cơm nước xong, chủ nhà bảo: “Hôm nay gia đình vinh dự có ông Mục sư đến thăm, nên mời đoàn thăm viếng ăn cơm. Chúng tôi (chủ nhà) muốn đãi ông Mục sư đặc sản của vùng quê”. Trong lúc chờ đợi dọn ăn, tôi cứ nhớ mấy con cá he vàng tươi nhảy lên khỏi nước bảo đảm ở Sàigòn không thể mua được, đem chiên dòn dầm nước mắm cay thì không gì bằng. Thình lình trước mắt tôi, người nhà dọn ra một dĩa nước chấm, nhìn vào tôi biết ngay món ăn sẽ là “thịt cầy”. Quả đúng như vậy! Tôi đành làm Ðaniên ngồi ăn rau với nước chấm. Cũng thời may, ông Ba Kim là tín đồ thuộc Hội Thánh tại Vị Thanh đi cùng nhận ra nên báo động và chủ nhà vội chiên trứng gà cho tôi.
Nửa đường về, máy ghe bị hư gì đó không chạy được nữa, trên ghe lại không có đồ nghề để sửa. Ghe tấp vào một xóm nhà của người Miên, một xóm nhà nghèo xơ xác, các trẻ con với cái bụng to, nước da đen kèm mái tóc cháy nắng, nhà cửa hầu hết đều xiêu vẹo. Thầy Truyền Ðạo Nguyện lên bờ hỏi từng nhà để mượn kềm, búa, nhưng không nhà nào có. Từ dưới ghe nhìn lên nhận thấy dường như họ e ngại gì đó, nên tôi bước lên ra dấu gọi một Thanh niên độ hai mươi ngoài tuổi, tôi hỏi: ‘Anh có kềm, búa, cho chúng tôi mượn sửa máy một chút’. Không biết tại sao người Thanh niên đó dạ, dạ, rồi chạy ngay về nhà gần đó đem kềm búa ra cho mượn, còn nhiệt tình nhảy xuống ghe sửa tiếp. Khi ghe sửa xong, chạy về, chúng tôi cứ thắc mắc không biết tại sao Chúa cho như vậy.
Một lần tôi xuống giảng Bồi linh tại Hội Thánh ở An Lạc Tây, tôi nói với con cái Chúa ở đây sống ‘an lạc như Tây’ làm ai nấy phấn khởi. Suốt hai ngày với những buổi nhóm thật vui. Có một Cán bộ là Phó Chủ Tịch Mặt Trận Huyện đến dự, lúc đầu ông nói ở dự buổi khai mạc cho có Lễ mà thôi, rồi sẽ đi qua một buổi Lễ gì đó ở ngôi Chùa. Tuy nhiên, qua buổi nhóm thứ nhất, ông được cảm động và xin ở lại dự hai suất kế buổi chiều và buổi tối luôn.
Buổi chiều Chúa nhật, Hội Thánh đãi ăn những người đến nhóm. Bất chợt tôi thấy từ dưới bờ sông hai người vác hai con chó đã thui da vàng đem vào nhà bếp. Tôi bắt đầu lo và nỗi lo thành sự thật, không có món ăn nào khác ngoài thịt cầy và cá tra nuôi hầm. Từ đó, mỗi lần xuống Miền Tây, nghe đãi đặc sản là tôi bắt đầu run, vì biết hôm đó mình phải ăn chay. Tôi cứ nghe anh em khen ngon lắm, thậm chí có người còn nói: ‘Tôi nghe ở đâu làm thịt cầy là tôi dỡ nhà liền’. Tôi hỏi: “Tại sao lại dỡ nhà?” Họ nói: “Ðể lấy củi chụm lửa tiếp”. Nhưng không biết tại sao tôi không ăn được, nó không chịu vào mà cứ muốn đi ra khỏi miệng. Có lẽ nhờ vậy mà tôi đi thăm viếng không lo sợ gì với mấy con giữ nhà.
Cứ thế, Chúa cho tôi xuống Phụng Hiệp, Sóc Trăng, Ðại Ngãi, Châu Khánh. Sau cơn bão số 5 năm 1997, Chúa cho tôi đến được Hội Thánh cuối nước Việt nam là Hội Thánh tại Tân Ðức. Chuyến đi thật gian nan, vợ chồng tôi rời bến xe tại Sàigòn lúc 5 giờ chiều ngày thứ sáu, đến khoảng 2 giờ sáng thì đến một địa điểm nghe nói còn cách Cà-mau 10 cây số, xe còn ít khách , nên họ sang khách qua xe nhỏ loại Daihatsu. Giữa trời khuya, không biết đường, trước khi đi, tôi có gọi điện thoại hỏi Thầy Truyền Ðạo Nguyễn văn Ngọc, chủ tọa Hội Thánh tại Càmau đường đi nước bước. Thầy Ngọc dặn tôi đến bến xe Càmau thì đi xe ôm đến nhà thờ đường Nguyễn văn Tạo, Phường 9. Bây giờ không phải là bến xe Càmau mà giữa đường, trời khuya hai giờ sáng. Thôi thì “cũng liều nhắm mắt đưa chân”, chiếc xe Daihatsu chạy đến bến xe Càmau, chúng tôi lại đi xe ôm. Tôi nhớ năm 1968, vì làm rể phụ cho Mục sư Phan Chí Tâm đưa dâu về Càmau, nên tôi có dịp đến đó. Lượt đi, ra khỏi Bạc Liêu, thì bị đấp mô, hành khách phải xuống xe đi bộ, trời lại mưa tầm tã, đường thì đầy ổ gà ổ voi, xe chỉ bò hơn là chạy. Lượt về, tôi mua vé đi máy bay. Ðến giờ ra phi trường, tất cả hành khách đứng ngoài ven lộ chờ máy bay. Vừa thấy máy bay lượn chuẩn bị đáp, mọi người ùa vào phi trường, thình lình tiếng đạn pháo kích nổ liên tục. Nguyên do trước đó một chiếc máy bay quân sự của Mỹ đã đáp xuống và đang bốc dỡ hàng hóa. Hành khách chúng tôi phải chạy ngược ra đường tránh đạn. Hơn một giờ sau chúng tôi mới lên được máy bay về Sàigòn. Âu cũng là một kỷ niệm đáng nhớ.
Gần ba mươi năm sau trở lại Càmau giữa khuya bốn giờ sáng, theo lời dặn của Thầy Truyền Ðạo Ngọc, tôi đến bên hông tư thất gọi, Thầy Cô mở cửa ngay và ân cần chỉ dẫn chúng tôi chỗ ngủ đã chuẩn bị sẵn, chỗ tắm, vì cả người chúng tôi đầy bụi đường. Khi tắm rửa xong xuôi, vừa nằm xuống thì chuông nhà thờ reo báo hiệu đến giờ cầu nguyện sáng sớm của Hội Thánh tại Càmau. Hội Thánh nhóm cầu nguyện, không lẽ chúng tôi nằm ngủ, nên dù mệt cũng phải ngồi dậy và lên nhà thờ cùng Hội Thánh cầu nguyện. Vất vả đến 5 giờ chiều ngày thứ bảy, chúng tôi mới đến được Tân Ðức bằng chiếc ghe đò chạy bằng máy xe hơi với tốc độ thật đáng sợ và chiếc vỏ lãi chạy ngoằn ngoèo qua những kinh rạch hai bên là những rừng đước, những gốc cây to trốc gốc do bão số 5 còn nằm đó. Tôi có cảm giác như đi vào rừng thời chiến.
Tân Ðức là vùng nước mặn, lại không có điện. Vấn đề vệ sinh cá nhân thật khó khăn cho chúng tôi. Giữa trời đất bao la, chung quanh vài bụi dừa nước, người ta để hai khúc cây làm nhà vệ sinh, hoặc che chắn tạm bợ một chút ven bờ kinh sát bên đường đất có người thường qua lại. Cảm ơn Chúa cho lần thứ hai chúng tôi trở lại thì một số con cái Chúa đã cho khoan giếng lấy nước, cũng có điện để bơm nước, thắp đèn, xây nhà vệ sinh lịch sự.
Nhà thờ Tân Ðức tuy nhỏ, nhưng tín đồ thật đông, sáng Chúa nhật con cái Chúa từ mọi nơi tụ họp về ngồi đầy trong nhà thờ, tràn ra ngoài sân. Ðặc biệt là Hội Thánh tại Tân Ðức bắt đầu giờ sinh họat là 10 giờ sáng là giờ Thanh niên, 11 giờ 30 khởi sự thờ phượng Chúa. Khi tôi đứng lên tòa giảng thì đã hơn 12 giờ 30. Tôi phải nói với con cái Chúa: “Thông thường, trong buổi nhóm, người ta sợ người nghe ngủ gục, nhưng hôm nay tôi sợ người giảng ngủ, vì giờ nầy ở nhà là giờ tôi ngủ trưa”. Cảm ơn Chúa cho con cái Chúa rất chịu khó ngồi nghe giảng, họ ngồi nghe hai lần giảng, đến 3 giờ chiều mới ra về, vì đó là giờ hết ghe đưa ra Ðầm Dơi để về Càmau. Hội Thánh dồn nhiều việc lại cho tôi mỗi lần có cơ hội đến thăm: nào phải giảng hai bài, nào Tiệc Thánh, nào dâng con, nào Báp-têm, nào cầu nguyện cho người tin Chúa, và có cả một Lễ Cưới nữa. Cảm ơn Chúa, dù cực nhọc, không còn nói ra tiếng nữa, nhưng không thể nào diễn tả hết niềm vui của Hội Thánh và của chính chúng tôi trong những ngày trời trên đất như vậy.
Vì ở Sàigòn vật giá cao, ít khi nào chúng tôi dám ăn hải sản, nhưng tại Tân Ðức, con cái Chúa thường đãi chúng tôi ăn cua, tôm rất tươi, thịt rất chắc; những con cá ngát, cá chẽm vừa to vừa tươi, dân Sàigòn khó mà được ăn, trong khi ở Tân Ðức thì dư dật, chỉ mất ngon ở chỗ là không có rau xanh để ăn kèm.
Nói đến đây tôi phải nhắc đến cặp vợ chồng tên Lê Chí Thanh, con cái Chúa thuộc Hội Thánh tại Sàigòn. Một hôm tôi nhận được thư của Chí Thanh viết cho tôi: “Thưa Mục sư, Chúa cho vợ chồng em mua bán mỗi tháng có một số tiền phần mười dâng cho Chúa. Em thấy Hội Thánh mà em đang sinh hoạt quá dư dật, trong khi gần nhà em có một ngôi chùa thường đi làm việc từ thiện, giúp người nghèo, mồ côi. Vợ chồng em muốn đem số tiền phần mười hằng tháng góp vô chùa cho họ làm từ thiện, như vậy có được không?” Tôi lập tức viết thư bảo vợ chồng em không cần góp vô chùa, trong Hội Thánh các nơi có nhiều nhu cần lắm, nếu vợ chồng em có lòng, tôi xin chịu trách nhiệm nhận những khoản tiền đó để trao tận tay giúp những tín đồ có cần. Cảm ơn Chúa, mỗi tháng vợ chồng Chí Thanh trung tín gởi tiền đến nhờ tôi giúp người nầy kẻ khác trong các Hội Thánh mà tôi có dịp đến giảng.
Tôi nhắc đến cặp vợ chồng nầy vì tại Tân Ðức, có lần trong khi ngồi nghỉ giải lao giữa hai tiết giảng, tôi thấy một con cái Chúa đứng thập thò ngoài cửa phòng Ban Trị Sự Hội Thánh, tôi hỏi thăm mới biết rằng đêm hôm qua, nhà của anh tín đồ nầy ở ven sông bị đất sụp chìm hết xuống nước, Chúa giữ gìn cả gia đình không ai bị nguy hiểm, chỉ mất nhà, mất đồ đạc. Anh ấy trình bày với Ban Trị Sự xin Hội Thánh giúp anh phần nào cất tạm nơi trú nắng trú mưa. Ban Trị Sự hứa hai tuần nữa trong phiên họp Ban Trị Sự thường lệ sẽ đưa ra bàn giúp anh. Tôi hỏi là cần bao nhiêu tiền để cất căn nhà cho anh? Trả lời 300 ngàn đồng. Tôi kêu anh vào và trước mặt Ban Trị Sự Hội Thánh, tôi lấy số tiền 600 ngàn phần mười của vợ chồng em Chí Thanh, đưa hết cho anh dùng cất nhà và mua sắm vật dụng cần thiết. Không thể nào chờ hai tuần để biết có được giúp hay không. Cảm ơn Chúa, nhờ số tiền Chúa cho cặp vợ chồng trung tín đó, cứu giúp thực tế cho nhiều gia đình con cái Chúa ở miền quê nghèo. Tôi nghĩ rằng trong các Hội Thánh còn nhiều người có khả năng như hoặc hơn đôi vợ chồng em Lê Chí Thanh nầy. Phải chi họ có cơ hội hoặc có lòng làm như vậy, thì đem lại sự an ủi cho bao nhiêu người. Tại sao họ không dâng giúp? Tại họ không biết hay tại họ muốn vừa bố thí vừa thổi kèn? Cảm ơn Chúa, đôi vợ chồng nầy không bao giờ quan tâm đến việc thổi kèn. Xin Chúa dấy lên nhiều con cái Chúa biết làm việc lành việc thiện như vậy.
Một lần trên chiếc ghe đi Ðầm Dơi để đến Tân Ðức (muốn đến Tân Ðức thì từ Càmau đi tàu – gọi là tàu nhưng thực sự là ghe loại khá lớn có thể chở hơn 30 người, chạy bằng máy xe hơi, với tốc độ rất đáng sợ – đến Quận Ðầm Dơi, từ đây con cái Chúa dùng vỏ lãi nhỏ để đưa vào Ðầm Dơi), có một học sinh ăn mặc đàng hoàng rao bán bánh mì ngọt. Theo lời kể thì em học sinh nầy học lớp 12, vừa đi học vừa bán bánh kiếm tiền đi học. Tôi hỏi em học sinh là bán hết bánh đó được bao nhiêu tiền cả vốn lẫn lời; em nầy trả lời: được 90 ngàn đồng. Tôi mua hết số bánh đó giá 100 ngàn đồng và nhận được hai niềm vui: Niềm vui của em học sinh đó trố mắt nhìn tôi cảm ơn rối rít; niềm vui thứ hai là mấy chục thiếu nhi tại Tân Ðức là vùng sâu vùng xa sáng Chúa nhật hôm sau, tay cầm chiếc bánh mì ngọt nho nhỏ rẻ tiền đó không dám ăn, các em nói với tôi là muốn để dành đem về nhà. Có lẽ từ nhỏ tới giờ các em chưa bao giờ được cầm cái bánh ngon và to (đối với các em) như vậy.
Chúa cho tôi cũng đến được Long xuyên, Châu Ðốc, Tân Châu, Rạch Sỏi, Tân Hiệp. Khi Mục sư Trương văn Ðược rời Hội Thánh tại Long Xuyên xuất cảnh sang Mỹ, Hội Thánh đã mời chúng tôi về thay. Lúc đầu mọi việc đều thuận lợi, nhưng lần lần những rắc rối xảy đến. Rắc rối không phải từ bên ngoài mà là từ những người phụ trách hành chánh của tổ chức Giáo hội. Sau nhiều lần Ðại diện Hội Thánh và vợ chồng tôi tiếp xúc với Ðại diện Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh Long Xuyên, thủ tục tiến hành khá thuận lợi. Một chiều thứ sáu, Chấp sự Nguyễn văn Nhã đại diện Hội Thánh tại Long Xuyên lên Sàigòn gặp tôi cho biết là Mặt Trận Tỉnh yêu cầu tôi bổ túc một Thư Giới Thiệu của Tổng Liên Hội để hoàn tất hồ sơ bổ nhiệm trong cuộc họp giao ban của Chánh quyền vào sáng thứ hai. Lúc ấy đã hai giờ chiều thứ sáu, Chấp sự Nhã phải dùng xe hơi riêng đi từ Long Xuyên chạy gấp lên Sàigòn chở tôi ra gặp Mục sư Ðặng Thiên Ân là Chánh Văn Phòng Tổng Liên Hội. Tôi và Chấp sự Nhã trình bày nhu cần muốn xin Mục sư Hội Trưởng Ông văn Huyên một thư giới thiệu theo yêu cầu của Mặt Trận Tỉnh. Mục sư Ðặng Thiên Ân bảo rằng tôi phải có văn thư cho chuyển hạt của Ðịa hạt Ðông Nam Bộ qua Tây Nam Bộ, thì ông mới làm giấy giới thiệu được. Tôi giải thích rằng: ‘Vì yêu cầu gấp rút của Chánh quyền, đến nỗi Chấp sự Hội Thánh phải đi xe nhà lên cho kịp; thứ hai, đây chỉ là thư giới thiệu, chưa phải xin bổ nhiệm, khi nào được Chánh quyền chấp thuận bổ nhiệm thì tôi mới xin chuyển Hạt. Vả lại Mục sư Hội Trưởng cũng kiêm Chủ nhiệm Ðịa Hạt. Rất tiếc là Mục sư Ân cương quyết khi nào có văn thư chuyển Hạt thì mới làm thư giới thiệu. Tôi xin gặp Mục sư Hội Trưởng để trực tiếp trình bày, nhưng Mục sư Ân nói Mục sư Hội Trưởng bận tiếp khách không gặp được. Tôi đã từng nghe ngay cả Mục sư Trí sự Phạm Xuân Tín (nguyên Phó Hội Trưởng), hoặc Mục sư Lê văn Từ (nghị viên Ðịa Hạt Bắc Trung Bộ) cũng đành chịu thua không được gặp Mục sư Hội Trưởng khi Mục sư Ân từ chối. .
Tôi trở ra Văn Phòng Ðịa Hạt phía trước, gặp hai vị Mục sư Thường trực của Ðịa Hạt là Mục sư Trần Bá Thành và Mục sư Bùi Trung Nguơn, hai vị mau lẹ thảo văn thư cho Thư Ký Văn Phòng đánh máy, ký tên, đóng dấu trao liền cho tôi. Lúc ấy đã 4 giờ chiều, Mục sư Ân bảo hết giờ hành chánh, thứ hai ông mới làm việc. Tôi với Chấp sự Hội Thánh Long Xuyên đành ra về tay không.
Chấp sự Nhã cố gắng yêu cầu tôi cùng vào gặp Mục sư Ðoàn văn Miêng, Phó Hội Trưởng, để xin ý kiến. Sau khi nghe chúng tôi trình bày, Cụ Mục sư Phó Hội trưởng than thở: “Rất tiếc là tôi mới vừa trao trả ấn tín cho Cụ Mục sư Hội Trưởng sáng nay. Nếu sớm một ngày thì tôi có thể giúp được, vì đây chỉ là thư giới thiệu thôi mà. Mấy tháng nay, Cụ Hội trưởng bịnh, nên Cụ giao ấn tín cho tôi tạm điều hành. Không biết ai nói gì đó, Cụ lại không tin tôi, sáng nay Cụ cho người đến lấy lại tất cả ấn tín”.
Ông Chấp sự Nhã trở về Long Xuyên và Mặt Trận Tỉnh không có Văn thư trình Ủy Ban đúng dịp. Tôi không thể đến Hội Thánh tại Long Xuyên chỉ vì một nguyên tắc khó hiểu.