Con Đường Thập Tự

         

ÐÔNG PHÚ


Năm 1964 hay 1965 gì đó, khi còn là Thanh niên thuộc Hội Thánh tại Cần thơ, tôi và anh Lý văn Quang bây giờ là Mục sư tại Úc) đã có dịp đến Ðông Phú góp phần dạy Thiếu nhi vào một Chúa nhật, lúc bấy giờ Truyền Ðạo Ðoàn văn Mạnh là chủ tọa Hội Thánh. Kỷ niệm khó quên là mới 4 giờ sáng, chúng tôi đã nghe tiếng hát Thánh ca trên nhà thờ dưới ánh đèn manchion. Giọng hát của một ông tín đồ già nào đó đang hướng dẫn Hội Thánh nhóm cầu nguyện sáng sớm với bài Thánh ca ‘Ðời người ngắn ngủi’ được hát với giọng sớm mai của một ông già, nghe đời người ngắn ngủi não nuột làm sao, đến nỗi chúng tôi không thể nào tiếp tục ngủ được phải ngồi dậy.
Năm 1993, trên đường từ Hội Thánh tại An Lạc Tây về, tôi có dịp đi ngang qua nhà thờ tại Ðông Phú, và dừng lại thăm một chút. Lúc ấy nhà thờ đang được xây dựng. Bước lên bờ thăm hỏi Thầy Cô Truyền Ðạo Châu Tử Tôn, chủ tọa Hội Thánh, chúng tôi chụp một bức hình kỷ niệm. Nhìn thấy cảnh vật ngổn ngang, cây cối um tùm, và cũng nghe rằng Hội Thánh tại Ðông Phú gặp nhiều ‘khó khăn’ lắm. Khó hai mặt, khó về mặt Chánh quyền không cho ai đến giảng (dù vậy Hội Thánh cũng mời được diễn giả giảng chui); mặt nội bộ cũng gặp khó. Một Thầy Truyền Ðạo trong Tỉnh nói với tôi: “Chỉ có Sư (ám chỉ tôi) mới dám về đó, còn tụi em không ai dám đâu”. Tôi có đứa con nuôi sinh hoạt trong một Hội Thánh tại vùng Sàigòn, vì lòng sốt sắng tình nguyện xuống Ðông Phú giúp các bạn thanh niên cách cắt chữ để trang trí nhà thờ, cũng gặp khó cả hai bề như vậy. Một Ðoàn Y Tế Tin Lành xuống khám bịnh phát thuốc từ thiện, cũng bị Chánh quyền làm khó đủ điều, để rồi phải bỏ cuộc rút về sớm.
Năm 1997, tôi được tin Hội Thánh tại Ðông Phú mời tôi đến giảng Bồi linh, qua sự giới thiệu của Thầy Truyền Ðạo Nguyễn Dâng Nguyện, chủ tọa Hội Thánh tại Vị Thanh. Thật sự tôi không ấn tượng gì về Hội Thánh tại đó. Gần 8 tiếng đồng hồ ngồi xe đò từ Sàigòn xuống Cần thơ với quãng đường 170 cây số, tôi mệt đừ cả người. Nghe nói có anh em trong Hội Thánh ra bến phà Cần thơ đón, nhưng tôi không gặp ai cả, trời lại đã quá chiều, tôi phải nhờ con cái Chúa tại Cần thơ giúp bao thuê đò máy đưa đến được nhà thờ Ðông Phú thì trời đã tối. Thật là một hành trình vất vả, cả người đầy bụi. Nhà thờ ở trong vùng chưa có điện nên cảnh lại buồn, trời tối càng buồn thêm.
Từ ngày Thầy truyền Ðạo Châu Tử Tôn bỏ đi, cơ sở của Hội Thánh được một gia đình Chấp sự trong Hội Thánh đến ở trong tư thất để trông nom. Ðêm đầu tiên tôi ngủ trong tư thất của Hội Thánh, một căn phòng hẹp, tường nứt nẻ chung quanh, tâm trí suy nghĩ không biết có bị Công An xét nhà không – vì tôi thuộc diện trong danh sách bìa đen của Công An. Trằn trọc mãi đến khuya cố dỗ giấc ngủ, chung quanh mùng thì muỗi vo ve bay nhiều quá, chợt nghe tiếng rột rẹt trên đầu, tôi tốc mùng ngồi dậy, ối chua choa, hai ba con chuột từ trong túi xách quần áo của tôi nhảy ra. Khiếp thật! Tôi gài túi xách lại, rồi đi nằm. Một chốc sau lại nghe mấy con chuột đó chạy lăng xăng quanh mùng, tôi đập đại một phát, dường như trúng một hai con, nó văng xuống đất. Im lặng một lát. Ðang thiu thỉu ngủ, chợt nghe mưa, gió thổi khá nhiều, lá cây ngoài sân nghe xào xạc, tự nhiên có nước rơi trên mặt, rồi dưới chân … Nhà dột! Hóa ra nhà bị dột! Tôi lại tốc mùng ngồi dậy, trên nóc mùng một vũng nước đang nhỏ từng giọt xuống. Tôi lấy cái áo mưa trong túi xách phủ lên nóc mùng, muỗi cắn quá, tôi lại phải chui vào mùng. Không thể nằm được, đành phải ngồi đợi dứt mưa, giũ cho nước trên nóc mùng xuống, mòn mỏi rồi cũng thiếp đi. Ðêm đầu tiên ở Ðông Phú là thế!
Sáng Chúa nhật, các con cái Chúa đi đến nhà thờ bằng ghe, bằng xuồng, một ít đi bộ, thi thoảng có người đi bằng xe đạp. Mọi người gặp tôi chào lấy lệ, vì xưa rày có ai biết tôi đâu, mà tôi cũng không biết ai là ai nhưng cứ chào lại. Nhóm thờ phượng Chúa xong, một con cái Chúa rườc tôi về nhà riêng để tránh sự dòm ngó của người ngoài. Trong lúc ghe chạy, anh tín đồ ấy nói với tôi: “Hội Thánh đang muốn mời chủ tọa, nên mấy tuần trước có mời một Thầy Truyền Ðạo đến giảng. Thầy ấy lên tòa giảng nói: “Thật ra không phải Hội Thánh muốn mời tôi giảng, mà Hội Thánh chỉ muốn coi giò coi cẳng tôi thôi”. Tôi bật cười nói với anh ấy: “Rủi cho Hội Thánh là tôi tuổi con chuột, không phải tuổi con gà, nên đâu có cẳng giò gì cho Hội Thánh coi”.
Duyên nợ bắt đầu từ đó!
Khi được biết Hội Thánh có lòng mời tôi đến hầu việc Chúa, tôi đã trình bày những khó khăn không thể giải quyết được mà Chánh quyền sẽ gây ra cho Hội Thánh, lý do tôi đã bị Chánh quyền bắt giam hai lần, và hai lần Tổng Liên Hội đã có văn thư bổ nhiệm tôi: một lần bổ nhiệm đến Hội Thánh tại Bình Tây (Chợlớn); một lần bổ nhiệm đến Hội Thánh tại Long Xuyên. Cảm ơn Chúa, Ban Trị Sự Hội Thánh tại Ðông Phú khẳng định với tôi là Hội Thánh sẽ cầu nguyện cho việc nầy. Lòng tôi thật cảm động trước đức tin và lòng yêu thương của con cái Chúa đối với chức vụ chúng tôi, dù chỉ mới gặp nhau, làm tôi chợt nhớ câu thơ:
Quê anh, tôi mới vừa quen,
Mà sao như cá say đèn … lạ chưa!
Tôi nhận lời mỗi tháng xuống Ðông Phú một lần vào Chúa nhật đầu tháng để giảng và ban Tiệc Thánh.
Ðường đi thật gian nan, dù chỉ 170 cây số, nếu xe chạy trên Freeway ở Mỹ thì chỉ hơn một tiếng đồng hồ, vậy mà vợ chồng tôi phải đi từ 7 đến 8 tiếng đồng hồ mới tới được. Lịch trình là sáng thứ bảy, vợ chồng tôi phải làm sao ra đến xa cảng Miền Tây lúc 4 giờ sáng (chúng tôi phải thức dậy từ 2 giờ sáng), như vậy mới mua được vé ngồi phía trước đỡ phải bị dằn xốc. Rồi ngồi trên xe chờ, không khi nào xe khởi hành đúng giờ qui định là 5 giờ 30, thường là phải sau 7 giờ sáng.
Con đường đầy bụi vì đang sửa chữa, mỗi lần có xe chạy trước hoặc ngược chiều, thì bụi tung lên trắng xóa. Gặp lúc trời mưa thì nước tạt vào những khe cửa vì hầu hết là loại xe đã quá cũ, hư mục nhiều nơi, rồi sình bùn bắn vào không chỗ nầy cũng chỗ khác. Ấy là chưa kể đến những nguy hiểm do xe tranh giành khách dọc đường, mỗi lần đi hay về, chúng tôi đều chứng kiến những tai nạn đụng xe, lật xe, nhất là những chiếc xe gắn máy hai bánh với những thây người nằm ven lộ. Ghế ngồi thì rất hẹp, thường chúng tôi phải mua ba vé để ngồi hai người, xe lại chèn nhét hành khách hoặc hành lý chật cứng, lúc chạy lúc ngừng, mà dường như ngừng nhiều hơn chạy.
Nỗi khổ nữa là phải qua hai bến phà Mỹ Thuận và Cần thơ. Phà Mỹ Thuật nổi tiếng là bán quà bánh, trái cây gian lận, giả dối, móc túi, trộm cắp hành lý trên xe. Một lần qua phà Mỹ Thuận, tôi vừa bước xuống phà, lúc đó phà cũng vừa tách bến, thì có ba bốn thanh niên chen lấn để trở lại bờ. Khi họ lấn ngang tôi, tự nhiên tôi có cảm giác gì đó không ổn, à thì ra họ đã móc túi tôi lấy mất số tiền trong túi quần của tôi. Nhìn lên, tôi thấy một thanh niên trong số họ quay lại nhìn tôi. Tôi lên tiếng: “trả lại tiền cho tôi!” Cảm ơn Chúa, thanh niên đó dần dừ một chút rồi lấy tiền từ trong túi áo trên trả lại tôi, sau đó nhảy trở lại bến phà. Chúa bắt người thanh niên đó trả lại tôi số tiền trước khi bỏ đi chỉ bằng một lời nói bình thường. Không phải Chúa làm việc thì còn câu trả lời nào hợp lý hơn!?
Gặp lúc mùa mưa, hành khách cũng phải xuống xe qua phà, thật là khổ cực trăm bề, vừa sình lầy dơ dáy, vừa ướt vì không có chỗ trú mưa. Mỗi lần đến Cần thơ là tôi phải tốn tiền mua khăn ướt lau mặt cho bớt bùn, bụi. Gặp khi kẹt phà lại phải chờ hàng mấy tiếng đồng hồ mới qua được phà, thì không còn thảm cảnh nào hơn khi mấy chục người dồn ép trên một chiếc xe cũ kỷ, ồn ào đủ mọi âm thanh, tiếng động, đủ mọi chuyện mà hầu hết là những chuyện vô bổ, đến những tiếng chửi bới tục tằn của những người mua bán hàng rong trên xe.
Những nguy hiểm luôn rình rập trên đường. Trên đường từ nhà ra Xa Cảng Miền Tây vào lúc sáng sớm, nếu đi Taxi thì tốn kém quá, chúng tôi phải đi ‘xe ôm’. Ði xe ôm thì phải cảnh giác cao độ trước nạn cướp giật trên đường lúc trời khuya, nhất là 2, 3 giờ sáng, là giờ chúng tôi phải đi. Một lần, tôi và Nhà tôi, mỗi người ngồi sau một chiếc xe ôm, xe chạy đến ngã tư Nguyễn Tri Phương và đường 3-2, trời cũng đã hơi sáng khoảng gần 5 giờ, có hai chiếc xe gắn máy của bốn thanh niên chạy theo, họ vòng qua vòng lại nhiều lần quanh hai chiếc xe chúng tôi đang ngồi trên. Hai người lái xe ôm chở chúng tôi báo động với chúng tôi: “Bọn cướp đó. Ông bà ngồi cẩn thận”. Rồi hai người lái xe ôm cho xe chạy gần nhau. Bọn cướp theo chúng tôi một khoảng rất xa rồi vòng lại phía sau mất dạng. Chúa đã giữ gìn chúng tôi, vì chỉ cần bọn cướp giật đồ, cũng có thể gây tai nạn mất mạng, chưa nói đến chuyện mất của.
Cảm ơn Chúa sau gần bốn năm với mỗi tháng ít nhất hai lần lên xuống phải chịu gian khổ trên những chuyến  xe đò như vậy. Ðến năm 2001, có loại xe 15 chỗ ngồi, gọi là ‘xe chất lượng cao’, giá tiền hơi cao, nhưng hành khách được sạch sẽ và được bảo đảm thì giờ từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ có thể đến Cần thơ. Mỗi thứ bảy, vợ chồng tôi phải sắp xếp đồ đạc chuẩn bị cho chuyến đi, thường là đến 12 giờ khuya hơn mới đi ngủ. Một giờ sáng phải thức dậy sửa soạn ra Taxi lúc 2 giờ hầu kịp chuyến xe 2 giờ 30 hoặc 3 giờ là trễ nhất để đến Cần thơ lúc 6 giờ. Lo công việc Chúa trong Hội Thánh đến 3 giờ chiều Chúa nhật phải rời nhà thờ trở ra Cần thơ kịp chuyến xe lúc 5 giờ chiều, đến nhà ở Sàigòn hơn 9 giờ tối.
Cứ như vậy kéo dài thêm gần ba năm nữa. Chúa thật đã đồng hành với chúng tôi, ban sức khỏe cho chúng tôi, ban bình an cho chúng tôi tránh được những tai nạn lưu thông dễ dàng xảy ra. Không lần nào chúng tôi không thấy người chết trên đường, những chiếc xe móp méo, vặn vẹo ... Và cho đến bây giờ tôi cũng không biết Chúa đã dùng cách nào tiếp trợ cho chúng tôi những số tiền to lớn để chúng tôi có thể ròng rã lên xuống như vậy.
Chúa cho những chuyến đi của chúng tôi ngoài lộ phí cũng có được quà nầy quà kia, khi thì tập viết cho các em học sinh, khi thì bánh kẹo, quần áo, thuốc trị bịnh, đủ mọi vật dụng mà Hội Thánh hoặc các con cái Chúa nghèo có cần.
Mỗi lần xuống đến nhà thờ tại Ðông Phú, chúng tôi không có thì giờ nghỉ ngơi, biết bao công việc mà Hội Thánh đang chờ giải quyết, nhất là vào những ngày tháng xây dựng cơ sở huấn luyện. Chỉ khi nào chúng tôi xuống tàu đò ra về, lúc ấy mới tạm nghỉ. Về đến nhà, tôi cảm thấy thân thể rã rời, không biết làm sao Chúa cho đi nổi nữa, nhưng rồi tuần sau lại đi.
Tại sao chúng tôi phải lên xuống như vậy?
Vì Chánh quyền không cho phép tôi hoạt động giảng dạy, nên tôi phải đi trong thầm lặng, không thể ở lâu được. Thời gian đầu chúng tôi phải ở trọ nhà tín đồ, lần lần chúng tôi ở tại nhà thờ.
Ðến Cần thơ với một ổ bánh mì lót dạ từ trên xe, vợ chồng tôi còn phải lo cho kịp xuống tàu đò nơi Bến Ninh Kiều. Ðôi khi phải chờ đợi tàu đò cả một hoặc hai tiếng đồng hồ. Sau nầy tôi phải nhờ con cái Chúa đem vỏ lãi ra đón, đỡ mất thì giờ, dù phải chịu nắng, mưa giữa sông, hồi hộp với những lượn sóng to dồi dập. Có lần chúng tôi chở trên 1,000 quyển tập cho các em học sinh trong Hội Thánh, vì ghe quá khẩm, mới đi một phần đường, nước tràn vào ghe càng lúc càng nhiều, anh em phải vội vã tấp vào bờ. Cảm ơn Chúa vừa kịp lúc để chúng tôi nhảy lên bờ, các con cái Chúa thì nhảy xuống nước kéo ghe vào, tát nước ra, sắp xếp lại đồ đạc, thế rồi tiếp tục vừa đi vừa tát nước, Chúa cho đến nhà thờ bình an.
Tôi thì không biết bơi, nên đi sông nước rất sợ dù biết rằng qua đời thì được về Thiên đàng ở với Chúa nhưng lại không muốn chết. Tôi nói vui với Ban Trị Sự Hội Thánh là nếu họp Ban Trị Sự dưới ghe thì mấy anh em nói sao tôi sẽ ừ theo như vậy. Ðôi ba lần chúng tôi cũng nếm mùi căng thẳng thần kinh giữa sông lớn, rạch nhỏ, mắt cũng thấy ghe lớn chìm trong sóng to làm chết người. Thỉnh thoảng nghe tiếng trống từ những chiếc ghe chạy trên sông ngang trước nhà thờ đi tìm người chết trôi.
Khi đặt chân lên khu vực nhà thờ tại Ðông Phú, Chúa cho tôi thấy biết bao việc cần làm và đã ghi ra:
1.    Băng ghế nhà thờ phải thay hết vì đã quá cũ hư mục (một lần trong buổi nhóm, các con cái Chúa đang ngồi nghe giảng, chiếc băng ghế ngã sụm xuống, vì làm bằng gỗ cây sầu riêng mối mọt đã ăn rỗng ruột).
2.    Phải chỉnh trang lại phần tòa giảng, vì hiện tại chỉ là một bức tường quét vôi cũ kỷ, kéo một bức màn nhỏ cao độ 3 mét cũng đã bạc màu.
3.    Hệ thống phóng thanh quá cũ, nghe không còn rõ và quá yếu so với só lượng người bình thường đôi ba trăm, huống chi vào những dịp Lễ.
4.    Tư thất chủ tọa đã cũ sụp nền, nứt vách, trong tình trạng rất nguy hiểm. Phải xây tư thất mới.
5.    Các phòng học Kinh Thánh bằng lá và cây tạp, một dãy phòng bằng gạch trước làm Trường học từ năm 1970 đến nay, hiện không còn sử dụng được vì đã xuống cấp chỉ làm kho chứa lặt vặt.
6.    Bờ sông nơi nhà thờ bị sụp lỡ khuyết sâu vào hai bên, phần ngay trước nhà thờ thì cách mặt tiền nhà thờ độ 5 mét. Nếu không xây được bờ kè ngăn chận thì không thể giữ được cơ sở, do mỗi ngày tàu lớn, tàu nhỏ, ghe máy chạy ngang liên tục.
7.    Các con cái Chúa ở xa, phần đông là người nghèo, nên cần những chiếc vỏ lãi đưa rước đi nhà thờ, nhất là những đêm truyền giảng.
8.    Một Hội Thánh lớn như Hội Thánh ở Ðông Phú mà hằng tuần số thiếu nhi đi nhà thờ chỉ khoảng 30 em là điều không thể chấp nhận được, và không có thanh niên nào lo dạy các em.
Bây giờ viết lại những lời nầy, tôi thật không biết lấy gì báo đáp Ðức Giê-hô-va về các ơn lành mà Ngài đã làm cho chức vụ chúng tôi, cho Hội Thánh của Chúa tại Ðông Phú, trong lúc chúng tôi còn chưa đủ ăn mỗi ngày trong gia đình, con cái Chúa tại Ðông Phú thì đa số nghèo, sống chủ yếu làm vườn, làm ruộng, nhưng không ai có nhiều đất, nông phẩm lại luôn rớt giá, một ít người thì đi buôn bằng ghe dạo theo mùa. Vậy mà Chúa cho tất cả những ước mơ của chúng tôi làm cho Hội Thánh Chúa đã ghi ra đều được hoàn thành một cách lạ lùng:
§  Một con cái Chúa tại Sàigòn là Anh Chị Doãn xem qua danh sách nhu cần của Hội Thánh, đã gọi điện thoại nhắn chúng tôi đến nhận số tiền làm đủ 60 cái băng ngồi trong nhà thờ.
§  Chúa cho vợ chồng con trai lớn của tôi dâng tiền mua gạch men và dâng tiền công thợ gắn gạch lên phong tòa giảng. Ông bà Sui gia Thorakao dâng tiền mua vải và nhờ người may một bức màn nhung thật to làm phong.
§  Tòa giảng được làm bằng nhôm do công của một con cái Chúa có cửa hàng làm khung cửa nhôm tại Bà Chiểu (Sàigòn).
§  Một tư thất chủ tọa bề ngang 8 mét, dài 13 mét, được xây cất mới. Cảm ơn Chúa tiếp trợ cho xây cất liên tục, cho đến khi hoàn tất, không phải dừng lại theo ba giai đoạn như dự trù để lạc quyên. Một lần do sự trợ giúp của Mục sư Võ Ðức Hòa và Hội Thánh Greensboro tại Hoa Kỳ.
§  Chúa cho việc xây bờ kè thật là một phép lạ nữa. Hội Thánh thật lo lắng và ước ao xây được bờ kè, nhưng nhiều lần cá nhân tôi và Hội Thánh gởi thư nhiều nơi trong và ngoài nước, tất cả đều im lặng, không một tin hồi âm nào. Có người nhận thư còn thắc mắc: ‘Bờ kè là gì?’ Có người lại nói: ‘Tại sao phải xây bờ kè trong khi có thể bán khoảng đất đó, mua đất di dời nhà thờ chỗ khác? Họ đâu có biết việc di dời nhà thờ là một chuyện khó được chấp thuận, trong khi còn có những cơ sở khác mà Hội Thánh hiện có, rồi khả năng của Hội Thánh ở vùng quê vùng xa, … Có người khi nhận thư lạc quyên của Hội Thánh, đã mời tôi đến gặp để chỉ dạy chúng tôi cách xây bờ kè như thế nào; thuyết xong gần một tiếng đồng hồ mới chịu móc túi giúp 100 ngàn đồng tiền Việt-nam. Một Mục sư người Hàn quốc xuống Ðông Phú thăm, hứa giúp 3,000 đô-la là số tiền ông nói ông đang có. Nhưng chỉ là lời hứa sau bữa cơm hải sản.
Cảm ơn Chúa cho chúng tôi tự vẽ sơ đồ và bắt đầu xin phép xây dựng bờ kè. Hình thức bờ kè sẽ là:
-       Chiều cao bờ kè là 2.5 mét từ đáy sông lên ngang mặt đất (chưa tính đào xuống 5 tấc để đóng cừ).
-       Bờ kè xây theo hình bình hành với đáy là 1 mét, phần trên là 2 tấc, hướng bờ sông sẽ nghiêng, hướng đất liền sẽ thẳng góc.
-       Mỗi mét móng nền đóng 24 cây cừ loại 3 mét, lót vỉ sắt, đổ bê-tông đá làm chân cao 2 tấc.
-       Tổng cộng chiều dài bờ kè là 140 mét với mặt trước là 100 mét và hai bên cánh mỗi bên 20 mét.
-       Vật liệu là đá hộc (đá lớn) và hồ bê-tông.
-       Cách 3 mét sẽ có một cây cột bê tông 2 tấc vuông.
-       Ðầu trên bờ kè sẽ có đà kiềng 2 tấc vuông chạy dài 140 mét.
-       Chi phí dự trù cho mỗi mét tới là một triệu hai trăm ngàn đồng, chưa tính tiền công xây và đất lấp đầy sân sau khi hoàn tất.
Khi giấy phép đã có, Hội Thánh cũng chưa có tiền, nhưng Ðức Chúa Trời đã thi hành phép lạ. Vợ chồng tôi có một người con nuôi, năm 1989, khi tôi ra Vũng tàu thì biết hoàn cảnh gia đình cháu rất nghèo, mẹ của cháu phải bán từng miếng đậu hũ để nuôi hai anh em cháu đi học. Chúa cho cháu học rất giỏi, con cái Chúa trong Hội Thánh tại Vũng tàu rất yêu thương mẹ con của cháu, vì cả ba mẹ con rất yêu mến Chúa. Năm ấy, điểm tốt nghiệp qui định tối đa là 40 điểm, thì cháu đã đạt 37 điểm. Khi tốt nghiệp cấp 3 xong, cháu viết thư cho tôi nói rằng: “Mục sư ơi, con phải nghỉ học để đi phụ đẩy xe ba-gác chở thuê kiếm tiền giúp mẹ nuôi em con đi học”. Tôi không cho, đưa cháu vào Sàigòn ở với gia đình chúng tôi để cháu tiếp tục đi học. Lúc bấy giờ hoản cảnh gia đình chúng tôi cũng hết sức ngặt nghèo, thiếu thốn, nhưng chúng tôi quyết tâm giúp cháu đi học. Cháu xin đi học Anh văn. Học được một năm, cháu xin đi làm và từ đó cháu có tiền nuôi mẹ, giúp em.
Năm 2000, cháu làm Giám đốc một Công ty tư nhân của Hàn quốc, cháu có một người bạn tên TIM – một thanh niên người Mỹ. Cháu đưa bạn TIM xuống thăm Hội Thánh tại Ðông Phú. Vừa từ ghe bước lên bờ, Tim đã chỉ bờ sông đang bị xói mòn hỏi anh em trong Ban Chấp sự: “Tại sao không lo làm chỗ nầy?” Anh em Ban Chấp sự trình bày xong, Tin lập tức nói anh sẽ dâng 80 triệu đồng Việt-nam. Tuần sau, anh bắt đầu gởi dâng trước 7 triệu, hối thúc chúng tôi khởi công. Ai nấy trong Hội Thánh nức lòng cảm tạ Chúa và cùng nhau bắt tay hô hào lạc quyên trong Hội Thánh xây bờ kè.
Vì không biết cách xây, nên chúng tôi được một con cái Chúa thuộc Hội Thánh tại Thành Lợi (Vĩnh long) giới thiệu hai ông cụ già – theo lời giới thiệu là chuyên môn xây bờ kè – với giá  tiền công là 160 ngàn đồng một mét tới, nhưng chỉ là chỉ huy thôi, còn tất cả mọi việc từ trộn hồ, khiêng đá, … con cái Chúa trong Hội Thánh phải làm hết. Hai ông cụ thợ chỉ đứng cầm bay chỉ viên đá nầy cho người ôm đặt xuống, không vừa, anh em phải vác lên đổi viên khác. Qua một tuần lễ, tất cả anh em quyết định không mướn thợ nữa, anh em tình nguyện tự làm, vì nhận thấy không có gì khó phần kỹ thuật, và cũng để không tốn tiền công trong lúc Hội Thánh quá eo hẹp tài chánh.
Tuần lễ thứ hai, anh Tim gởi thêm 7 triệu, rồi tuần thứ ba thêm 7 triệu rưỡi. Ðột nhiên anh Tim về nước và không còn tin tức gì nữa. Tôi và cả Hội Thánh ngỡ ngàng không biết phải làm sao. Hội Thánh càng nỗ lực cầu nguyện thiết tha hơn trước bài học ‘đừng nhờ cậy loài người là loài có hơi thở ở lỗ mũi’ – Êsai 2:22. Chúa đã làm phép lạ tiếp trợ từng hồi từng lúc. Bây giờ các bạn chúng tôi từ gần xa được Chúa cảm động dâng góp về, những số tiền mà chúng tôi không biết từ đâu, có khi không biết ai dâng, nhưng Chúa biết và chúng tôi cúi đầu tạ ơn Chúa xin Chúa ban lại mọi ơn lành cho những ân nhân đó.
Có lần, tôi được hai tin vui cùng một lúc. Tin thứ nhất từ các Mục sư tại Cần thơ cho hay rằng một phái đoàn Hội Thánh Hàn quốc tại Việt-nam sẽ từ Sàigòn xuống thăm Hội Thánh tại Ðông Phú, do Mục sư Trần Bá Thành là Trưởng Ban Kiến Thiết Tổng Liên Hội hướng dẫn. Tin tức còn nói rõ là khi nào xuống là tiền giúp, phái đoàn khoảng 20 người, yêu cầu đãi ăn trưa ‘kha khá’ một chút. Tin vui thứ hai là bạn tôi, một Trưởng lão người Hàn quốc vừa đến Sàigòn liên lạc muốn gặp hai Chấp sự – nói rõ là HAI Chấp Sự – tại Ðông Phú, tôi nghĩ rằng ông bạn tôi muốn giúp đỡ cho Hội Thánh theo thư của tôi đã gởi trước qua Hàn quốc. Một điều đặc biệt là cả hai tin tức cho biết sẽ diễn ra trong cùng một ngày Thứ Năm trong tuần đó. Tôi phải mau lẹ sắp xếp hai Chấp sự lên Sàigòn gặp bạn của tôi, đồng thời sắp xếp các Chấp sự còn lại có mặt đầy đủ tại nhà thờ để tiếp phái đoàn đến thăm, chuẩn bị sơ đồ xây dựng bờ kè, bảng chiết tính…
Chờ đợi đến 2 giờ chiều, hai Chấp sự từ Ðông Phú lên từ sáng sớm gặp người bạn Hàn quốc tại Khách sạn trở về với vẻ mặt buồn rầu thất vọng, cho tôi biết là ông bạn ấy chỉ muốn xin hai tấm hình nhà thờ để có dịp cổ động mà thôi. Tiếp theo sau đó, tôi điện thoại xuống nhà thờ tại Ðông Phú hỏi tin Phái đoàn, thì được biết phái đoàn chỉ đến thăm và đã về không giúp gì cả, cũng không cho lại tiền đãi ăn bữa trưa. Thật ‘đã nghèo còn mắc cái eo!’ Lòng tôi chùng xuống, không biết tại sao như vậy, chúng tôi cứ nghĩ không nhiều thì ít, phái đoàn hoặc người bạn đó, không bên nầy cũng bên kia, sẽ dâng giúp chút gì cho công việc xây bờ kè nặng nhọc trước mắt họ, thế mà tất cả chỉ là con số ‘KHÔNG’, còn tốn tiền đãi ăn, tốn tiền và tốn công sức xe lên Sàigòn. Tôi gác điện thoại, Nhà tôi hỏi: “Sao rồi anh?” Tôi trả lời bâng quơ: “Trớt quớt rồi”. Ngay khi ấy Nhà tôi nói: “Nhưng mà anh có tiền”. Tôi trố mắt hỏi “Ở đâu?” Nhà tôi trả lời: “Kiều Phương (dâu thứ hai của chúng tôi) có một người bạn tên là Dung, điện thoại từ Hà-nội vào cho biết cô có một số tiền muốn dâng cho công việc Chúa, không biết dâng ở đâu. Kiều Phương đã đề nghị dâng giúp việc xây bờ kè của Hội Thánh tại Ðông Phú, và cô Dung đã gởi dâng”. Tôi lập tức hỏi: “Bao nhiêu?” Câu trả lời của Nhà tôi là “500 đô-la”. Tôi còn nói gì hơn là Ha-lê-lu-gia, cảm tạ Chúa. Công việc Chúa lại được tiếp tục.
Tôi được tin từ Ðông Phú báo lên là tuần nầy hết đá hộc để xây, mà cũng hết tiền để mua. Nếu có đá và ít tiền mua xi-măng để xây lên khỏi mặt nước, lúc đó ngưng lại cũng được, vì không còn lệ thuộc con nước nữa. Ðến ngày thứ bảy, vợ chồng tôi xuống Ðông Phú với một số tiền nhỏ. Anh em trình bày với tôi là nếu thứ hai chạy ghe của anh tín đồ đi Long Xuyên mua đá như thường lệ thì thứ tư mới về, như vậy thứ năm mới làm tiếp được; nếu như vậy thì bị trễ con nước. Trễ con nước tuần nầy thì tuần sau sẽ bị nước lớn. Chúng tôi không còn cách gì hơn là “Cầu nguyện”, trong lúc ấy lòng tôi thấy mệt mỏi vì sự bất năng của mình.
Có một người nào đó đã nói: Khi con người bất năng thì Ðức Chúa Trời toàn năng. Sáng Chúa nhật, sau khi quét dọn nhà thờ, khuông viên chung quanh, dọn dẹp các phòng cho những lớp Trường Chúa nhật, tôi đứng trước cửa nhà thờ nhìn ra ngoài sông, tôi chợt thấy một chiếc ghe lớn không biết chở hàng gì mà ghe thì khẩm lắm đang đậu ngay bến nhà thờ. Vài con cái Chúa đứng gần nói: Ghe chở cát. Ðột nhiên tôi thấy có một phụ nữ từ trên ghe đó xuống chiếc xuồng nhỏ bơi vào bờ hướng nhà thờ. Hóa ra chị ấy vào hỏi mượn điện thoại của Hội Thánh để gọi về chủ ở Long Xuyên báo tin là ghe đi lạc, thay vì chở hàng đi Trà ôn, lại đi lạc xuống hướng nầy (Ðáng lẽ ghe đi Trà ôn thì băng ngang sông lớn phía trên nhà thờ độ hai hoặc ba cây số). Tôi hỏi chị ấy ghe chở hàng gì, thì chị đáp: “Dạ, GHE CHỞ ÐÁ HỘC!” Một sự ngạc nhiên quá đỗi đến với chúng tôi, tôi hỏi tiếp: “Bây giờ ghe đi lạc, mà nhà thờ muốn mua ghe đá đó, chị có bán không?” Chị bảo muốn bán, nhưng phải để chị hỏi ý kiến của chủ đá, vì chị chỉ là người chở mướn. Tôi cho người ra ngoài ghe xem đá có tốt không thì được biết đó là ‘đá xanh, TỐT LẮM!’. Chúng tôi mua được ghe đá đó với những điều cảm tạ Chúa:
1.    Chúa cho chiếc ghe đó đi lạc, chỉ cần ghe đâm thẳng qua sông là đến nơi họ phải đến, là Trà ôn, nhưng Chúa làm cho họ đi lạc đường hướng về nhà thờ.
2.    Chúa làm cho ghe đó không ngừng ở dưới cũng không ngừng ở trên, mà ngừng ngay trước bến nhà thờ, nhờ đó mà chúng tôi biết được để mua.
3.    Nếu mướn ghe tín đồ như từ trước đến nay thì phải hai ghe đá mới đủ, vì ghe của tín đồ nhỏ hơn nhiều, cảm ơn Chúa cho ghe đá này lớn gấp đôi – trên 30 tấn đá.
4.    Giá tiền lại được rẻ hơn đến 150 ngàn đồng. Tôi dùng số tiền lợi ra đó mua thức ăn bồi dưỡng cho các con cái Chúa dâng công mấy ngày sau đó.
5.    Nếu mướn ghe tín đồ đi mua thì giữa tuần mới có đá về, chúng tôi sẽ bị trễ con nước. Bây giờ Chúa cho ghe đến để chúng tôi có thể tiếp tục vào sáng thứ hai ngay. Cảm ơn Chúa hơn nữa là vì ngay Chúa nhật, nên sau giờ thờ phượng Chúa, các con cái Chúa hiệp lại giúp chuyền đá lên bờ, khỏi phải đi mời gọi. Tội nghiệp các em Thiếu Niên, dù tuổi Thiếu niên, nhưng do thiếu dinh dưỡng nên đa phần các em đều nhỏ con, ốm yếu, có lẽ các em còn nhẹ hơn những tảng đá hộc đó nữa là khác, nhưng các em cũng ráng sức hai chân đứng nhún nhẩy trên tấm ván bắc làm cầu nối từ ghe lên bờ, các em ễn bụng ra chịu để chuyển từng tảng đá. Tôi cứ lo trong lòng sợ các em chịu không nổi sức nặng sẽ có tai nạn xảy ra. Cảm ơn Chúa từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối thì chuyển hoàn tất hơn 30 tấn đá hộc lên bờ. Thật cảm tạ Chúa, không thể nào tưởng tượng được!
Ha-lê-lu-gia! Trên núi của Ðức Giê-hô-va có sắm sẵn! – Sáng thế ký 22:14.
Phép lạ nữa đã xảy ra. Việc xây bờ kè phải xây theo con nước, hễ nước ròng thì làm, nước lớn thì nghỉ, bất kể ngày hay đêm, khuya hay sớm, mưa hay nắng. Có ngày phải bắt đầu từ giữa trưa; có ngày bắt đầu làm từ 10 giờ khuya; có lúc bắt đầu làm lúc 2 giờ sáng. Những khi cần làm khuya, các con cái Chúa đến sớm thì ngủ trong các phòng học, đến khuya chúng tôi phải đi kêu từng người thức dậy. Thât cảm động biết bao nhiêu, ban ngày các con cái Chúa phải đi làm vườn làm ruộng cực nhọc, bây giờ dâng công làm bờ kè, nửa khuya không được ngủ nghỉ, phải thức dậy, mắt nhắm mắt mở, lao mình vào công việc. Làm ban ngày thì nắng đến phỏng da; làm ban đêm thì ngoài việc dơ dáy bởi sình lầy, còn phải lo đến muỗi chích. Muỗi nhiều đến nỗi quơ tay cũng bắt được vài con, vì những lùm cây âm u dọc bờ sông từ trước tới nay là nơi muỗi sinh sản, bây giờ bị phá, nên chúng bay đầy dẫy.
Tội nghiệp con cái Chúa, ngày nào dù ngày hay đêm, cũng tập hợp từ 30 đến 50 người hơn, các cụ già thì lượm đá nhỏ để riêng dùng chèn vào những khe hở; các anh em Tráng niên  thanh niên thì người xây, người khiêng đá, người trộn hồ bê-tông rất nặng nhọc. Các em thiếu niên và cả thiếu nhi nữa thay nhau gánh hồ, xách nước; còn các bà thì lo nấu ăn, nấu nước, đi xin thức ăn từ các con cái Chúa đem tới bồi dưỡng cho anh em.
Những buổi tối nhiều muỗi quá, các bà còn phải lo kiếm xơ dừa khô đem đến để un khói đuổi muỗi. Mấy hôm, tôi thấy khói thì đỡ muỗi, nhưng các anh em làm mệt bị khói nên không đủ không khí thở, được cái nầy mất cái kia. Trưa hôm sau, tôi nằm nghỉ để chuẩn bị cho buổi làm 8 giờ tối, lòng băn khoăn nghĩ đến nan đề “muỗi”. Tôi chợt nhớ đến Môi-se đã đuổi muỗi trong sách Xuất Ê-díp-tô. Tôi ngồi bật dậy cầu nguyện: “Chúa ơi, con cái Chúa làm công việc Chúa cực khổ quá, mà muỗi lại quá nhiều. Con nhớ đến Chúa đã nhậm lời Môi-se đuổi muỗi đi. Bây giờ con nhơn danh Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Môi-se truyền cho những con muỗi tối nay không còn đến làm hại con cái Chúa nữa. Nhơn danh Chúa Jêsus Christ – Amen”. Tôi nằm xuống và hát bài “Con tin có Chúa đang ngự giữa đây. Con tin có Chúa đang ở với con”.
Buổi làm tối bắt đầu lúc 8 giờ như đã thông báo, các bà đem những rỗ xơ dừa ra sẵn, gió hanh nhẹ mát, bầu trời trong xanh cao vút, trăng hơi mờ mờ, ai nấy hăng hái làm công tác. Một phép lạ! Một phép lạ xảy ra! không có một con muỗi nào đến cả. Ngày mai cũng không thấy. Không có miếng xơ dừa nào cần đốt lên. Ha-lê-lu-gia! Ðức Chúa Trời tôi vẫn còn làm phép lạ đuổi muỗi! Không thể lý giải cách nào khác hơn là Ðức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện và đã làm phép lạ.
Sự cực khổ của công tác xây bờ kè không thể nào tả cho hết được, vừa sình lầy, vừa bị xi-măng ăn chân tay chảy máu, vừa bị nắng làm dộp da mặt, da lưng, những bàn tay bàn chân bị nước sình ăn lở. Có đêm đã làm suốt đến bao xi-măng thứ 21, ai nấy buông ra đều rã rời, một thanh niên đang nằm sải tay trên đống đá hỏi tôi: “Mục sư ơi, ngày mai có làm nữa không?” Tôi trả lời: “Bây giờ hết xi-măng rồi. Con cầu nguyện xin Chúa cho ngày mai có xi-măng mình mới làm tiếp được”. Thật bất ngờ, thanh niên đó vừa thở mệt nhọc vừa nói: “Con không dám cầu nguyện đâu. Mệt quá rồi Mục sư ơi!”.
Thật sự con cái Chúa không cho tôi làm gì cả, họ nói chỉ cần tôi có mặt là vui rồi. Khi tôi về Sàigòn, mỗi ngày anh Chấp Sự Phan Tấn Sĩ phụ trách kiến thiết đều gọi điện thoại lên báo cho tôi biết công việc như thế nào. Hôm nào nghe tin anh em hơi vắng, tôi lại phải vội vàng xuống, dù chưa tới ngày phải đi. Cảm ơn Chúa cho con cái Chúa yêu thương chức vụ chúng tôi, nghe tin tôi xuống, không ai bảo ai cùng nhau trỗi dậy tham gia làm đông đủ. Tôi chỉ đi tới chỗ nầy nói mấy câu, lại đàng kia hô theo anh em: “Hồ đâu?”, hoặc “Ðá đâu?”, hoặc Nước đâu?”. Tôi đi theo rồi thỉnh thoảng anh em chộp được con cá bóng dừa nào núp dưới khe đá lại tặng cho tôi, thế là một tràng cười vui nổi lên.
Giờ đây ngồi viết những dòng chữ nầy, nước mắt tôi phải chảy vì thương con cái Chúa quá cực khổ hi sinh cho công việc Chúa, áo quần rách rưới vì đá, vì xi –măng, vì sình. Có hôm Nhà tôi tìm mua những bộ quần áo loại dầy của lính ngoài chợ Bà Chiểu (Sàigòn) đem xuống cho anh em mặc làm công tác xây bờ kè. Có lúc Chúa cho chúng tôi mua được ít cà-phê, hoặc dành dụm tiền nhờ các bà mua mì gói, hoặc nấu nồi cháo lòng bồi dưỡng giấc khuya. Tôi không làm gì cực nhọc, mà thức khuya hai ba giờ sáng đã thấy trong người đờ đẫn, huống chi con cái Chúa già, trẻ, nam, nữ, dầm mưa dãi nắng, tất cả chỉ vì lòng yêu mến Chúa và yêu mến Nhà Chúa, chắc chắn cũng vì yêu thương chức vụ của chúng tôi.
Tôi không thể nào kể hết những cực khổ suốt ba tháng dài ngày đêm trong công tác xây bờ kè bảo vệ cơ sở Nhà Chúa. Nhưng tôi tin chắc trong lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt-nam, chỉ có Hội Thánh tại Ðông Phú làm được kỳ tích nầy, tất cả từ công sức của toàn thể con cái Chúa, không ai đứng ngoài. Hội Thánh cũng không được giúp đỡ từ một nguồn tài chánh chính thức nào, dù đã gởi đi rất nhiều thư cầu cứu. Trong khi đó Chúa dùng những con cái Chúa là những người biết sơ qua Ðông Phú, thậm chí có rất nhiều ân nhân chưa hề biết Ðông Phú là nơi nào. Ngoài ra, các con cái Chúa trong Hội Thánh tại Ðông Phú dù nghèo nhưng cũng hết lòng dâng góp hằng tuần giống như mụ góa dâng hai đồng tiền ăn một phần tư xu. Lòng tôi xiết bao cảm tạ Chúa vì sự ngay lành trung tín của Ban Chấp Sự Hội Thánh, họ đã sử dụng trọn vẹn những khoản tiền mà Chúa cho các con cái Chúa xa gần dâng hiến, không một người nào dám tính công sức của mình, những số dâng của người ở xa lại làm cớ khích lệ người ở trong Hội Thánh dâng nhiều hơn số họ có.
Ngày Hội Thánh làm Lễ Cảm Tạ Chúa về việc hoàn thành bờ kè, các con cái Chúa đã đứng lên làm chứng với niềm vui trong nước mắt. Ông Sử Kim Gương thường gọi là Sáu Gương, là một tín đồ lâu năm trong Hội Thánh đã đứng lên làm chứng rằng khi nghe Ban Chấp Sự kêu gọi xây bờ kè, thì ông tự nhũ: “Tụi trẻ nầy có làm rồi cũng bỏ dở như đời của ông còn làm Chấp sự. Tiền không có mà làm. Nhưng cũng chính ông bà Sáu Gương là người dâng một triệu đồng tức là một thước bờ kè đầu tiên cho việc xây bờ kè và các con của ông bà đã góp phần đắc lực. Bây giờ ông đứng lên trong buổi Lễ Cảm Tạ Chúa theo lời ông nói là để ông xưng tội với Chúa khi thấy Chúa cho bờ kè hoàn thành cách vinh hiển Danh Chúa. Một cặp vợ chồng tín đồ ở Sàigòn đã dâng 10 triệu cho việc xây dựng bờ kè, là một trong vài người mà Hội Thánh mời đến dự Lễ Cảm Tạ Chúa, ngồi nghe làm chứng, đến khi Ban Xây Dựng kêu gọi con cái Chúa dâng tiền để mướn xáng cạp đất đổ vào những nơi đã bị xói lở, chi phí dự trù lên đến 16 triệu, thật là quá cảm động, hai vợ chồng đã xin tôi cho lên nói mấy lời, không ngờ mấy lời nói đó là vợ chồng công bố quyết định dâng trọn 16 triệu đổ đất. Ha-lê-lu-gia! Ðức Giê-hô-va Di-rê! Giê-hô-va Di-rê! Ðất đã được đổ lên, Hội Thánh có một khoảng sân rộng mênh mông.
Chúng tôi và Hội Thánh thật đã sống những ngày trời trên đất. Suốt ba tháng trường cực khổ, làm những việc nặng nhọc, thế mà Chúa cho tất cả mọi người bình an, không một tai nạn nào xảy ra; không một tranh cãi nào có mặt, hết thảy đồng một lòng hiệp một ý cùng nhau. Ðặc biệt là với một số lượng người làm việc ngay cả giữa đêm khuya ồn ào, náo nhiệt, Chúa cho Chánh quyền cũng như dân chúng chung quanh chẳng ai làm khó dễ chi cả.
Tôi ghi những lời nầy để nhắc đến công khó của anh TIM và con nuôi của tôi là Phan Ngọc Danh đã dẫn anh Tim đến với công việc Chúa tại Ðông Phú, ngoài bờ kè anh Tim và Danh còn giúp một số công tác khác nữa. Bây giờ không biết anh Tim ở đâu, dù anh không dâng đủ 80 triệu như đã hứa, nhưng Chúa đã dùng anh phát pháo khai thành, khiến chúng tôi ‘leo lưng cọp’ rồi bắt buộc chúng tôi phải cỡi cho đến cuối cùng. Chúa đã dự bị con nuôi của chúng tôi, dù phải đợi 10 năm sau từ 1989 đến giờ phút có cần.
Lần lần Chúa cho Hội Thánh mua được hai chiếc vỏ lãi và một ghe lớn để chở tín đồ đi nhà thờ. Tất cả các phòng học Kinh Thánh được Chúa cho xây lại kiên cố, lót gạch men, mái tole, sườn sắt, các em học Kinh Thánh Hè không còn cảnh nằm trên nền gạch ẩm ướt hay trên những tấm ván tạm giữa gian nhà lá trống trước hở sau.