THƯ CỦA CON CÁI CHÚA TẠI ÐÔNG PHÚ
(Một năm sau ngày chia tay)
Ông Bà Mục sư kính mến,
Thay cho gia đình và Hội Thánh kính lời đến ÔB lời chào thăm quý mến trong danh Chúa Cứu Thế.
Ðược biết (qua điện thoại, thư của ông bà gửi về cho các vị chấp sự) ÔB vẫn khỏe, có cơ hội hầu việc Chúa lâu dài ở Mỹ, em vui buồn lẫn lộn. Vui ÔB được tự do hầu việc Chúa, buồn ngày ÔB về thăm Hội Thánh còn xa, mỗi lần anh em nhận được thư, điện thoại, em đã thông báo tin tức ÔB chuyển lời ÔB thăm hỏi từng con cái Chúa trong Hội Thánh nhất là những cụ già. Hội Thánh rất nhớ ÔB. Ðến nhà thờ nhìn cơ sở vật chất từ cái bàn cái ghế … đều có bàn tay công khó của ÔB. Hôm qua ngày bồi linh thiếu nhi, ngồi nhóm nhìn các em thiếu nhi em không sao cầm lòng được. Buồn vì mình không có khả năng, không có phương cách giữ số lượng bầy chiên nầy. Các em đã giảm số lượng rất nhiều (Năm 2003 sĩ số 200. Năm 2004 sĩ số 119 + 28 em lên thiếu niên, rơi rớt hơn 50 em). Buồn vì không có khả năng lo cho các em được những món quà để tăng thêm niềm vui trong ngày bồi linh…
Việc tổng kết năm học hôm qua em đã nhận được 45 giấy khen HS các cấp còn lại một số tín đồ cho biết quên đem, dự kiến BCS thưởng giấy khen loại giỏi là 50.000đ (mua hiện vật là một bộ quần áo), loại tiên tiến là 40.000đ (mua 1 cái áo và một số tập). Số lượng HS trong Hội Thánh 3 cấp học như sau:
Cấp 3: 32 HS; cấp 2: 31 HS; cấp 1: 147 HS
Nếu phát tập cho các em:
Cấp 3: 15q/em x 32 = 480q
Cấp 2: 10q/em x 31 = 310q
Cấp 1: 7q/em x 147 = 1029q
Tổng cộng gần 2.000 quyển tập.
Tổ chức Kinh Thánh Hè dự chi 15 triệu, nếu không có phép lạ Hội Thánh khó đạt đến số nầy, anh em đặt đức tin dự kiến và cầu nguyện.
…………
Năm nay các em thi tốt nghiệp cấp III 7 đứa… làm bài rất tốt, các em hỏi MS có thưởng không? Gia đình em Chúa cho vẫn khỏe, sinh hoạt bình thường.
…………
Ban Chấp Sự vẫn hiệp ý nhau hầu việc Chúa, nhiều ÔB trong Hội Thánh kính lời thăm ÔB, mỗi giờ cầu nguyện Hội Thánh đều có giờ cầu nguyện cho ÔB. Hội Thánh đều mong ước có dịp gặp lại ÔB.
Không biết việc thánh em vừa kể trên có thêm gánh nặng quá cho ÔB MS không? ….
Kính thư
Thái Minh Quang (Thư Ký Hội Thánh)
Kính gởi ÔB MS!
Ðầu thư cho phép tôi gởi lời thăm hỏi và lời chúc sức khỏe đến với ÔB, ÔB có nhận ra tôi là ai không. ÔB có đoán là ai đang trò chuyện cùng ÔB không? Vâng tôi là 9 Cón đây ÔB còn nhớ chứ? Riêng về phần tôi thì luôn nhớ tới ÔB và hằng đêm tôi cầu nguyện Chúa cho ÔB ở nơi phương ấy sống luôn vui vẻ, mạnh khỏe và tràn đầy hạnh phúc. ÔB sẽ mãi mãi là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo. ÔB biết không ở đây tôi buồn nhớ đến những kỉ niệm và những việc làm mà ÔB đã dành cho tôi trong suốt thời gian qua. Cái giỏ sách mà ÔB cho tôi, tôi luôn mang theo nó trong những lúc đi đến Hội Thánh và nó đã làm cho tôi nhờ đến ÔB rất là nhiều …
Ký tên: 9 Cón
Kính gởi ÔB MS Sơn,
Con tên Phát tên thường gọi là Thái Tử.
Hôm nay vơ chồng con có ít lời gởi đến ÔB đây. MS ôi, từ ngày ÔB sa vắng nhà thờ Ðông phú nầy toàn bộ các anh chị em trông Hội Thánh đều buồn cả, tại gì thiếu ÔB MS, nhớ ngày ÔB ở nhà thờ nầy hết lòng lo cho công việc Chúa, còn lo cho tín đồ nghèo khổ nữa, nhưng Chúa thấy g/đ con rất khổ hơn, cho nên Chúa nhờ bàn tay ÔB giúp cho, vợ chồng con không biết nói sao hơn, chỉ biết cuối đầu cảm tạ Chúa và hết lòng cám ơn ÔB MS giúp cho, MS ôi! Có khi con cầu nguyện rào thét lớn tiến để Chúa cảm động lòng thương xót, con CN như dầy: Kính lại Ðức Chúa Trời toàn năng là Cha, Chúa ơi ÔB MS Sơn là tôi tớ hiền lành trung tín là con đẹp lòng Chúa hoàn toàn, xin Chúa thương xót ÔB được mạnh khỏe, để mau xóm trở về Việt-nam đến Ðông phú nầy dảng dại chúng con nghe điều ngay lẻ thật của Chúa, Chúa ôi dù bất cứ ai ngăn cản ÔB, xin Chúa dùng quyền năng phép lạ của Ngài khiến họ xiêu lòng chấp nhận, con cảm tạ ơn Ngài. Con thành tâm CN nhơn danh Chúa Giê-xu Amen!
Ðông phú 3-6-2004
Kính gởi ÔB MS yêu mến!
Ðầu thư vợ chồng và các con gia đình tôi có lời gởi đến kính thăm ÔB MS! Thưa ÔB! Từ ngày ÔB xa quê hương vợ chồng chúng tôi, con cái chúng tôi nhớ ÔB nhiều lắm, gia đình tôi tuần nào cũng đi nhóm thường lắm, ÔB MS có nhớ đến CN cho g/đ chúng tôi, g/đ chúng tôi lúc nào cũng nhớ đến ÔB MS và cầu nguyện Chúa cho g/đ ÔB nhiều lắm nguyện Chúa ở cùng ÔB, thêm sức cho ÔB cho ÔB được dồi dào sức khỏe ơn phước Chúa ban cho ÔB thật nhiều, nhớ ÔB dữ lắm.
Gì không cho phép viết nhiều ÔB cảm thong cho g/đ chúng tôi, tôi xin dừng bút, xin chúc ÔB vui vẻ trẻ trung, nguyện ÐCT ở cùng ÔB!
Gia đình Tư Danh
Phan văn Danh
Bảy Thưa ngày 6-6-2004
Kính gởi ÔB MS Sơn
Gia đình vợ chồng tôi 3 Ðèo và 7 Liên cầu nguyện nhờ Chúa gìn giữ ÔB được vạn sự bình an và thân thương nhất. Từ ngày ôB ở trong nước ÔB tới nhà thờ Ðông phú trong Hội Thánh có ÔB đến nhà thờ nhóm đông người từ ÔB đi ở ngoài nước ngoài thì nhà thờ vắn vẻ thưa người buồn bã thiếu bóng ÔB đến nhà thờ ÔB là được Chúa sai đi ra nước ngoài vợ chồng tôi nghe chấp sự nói ông MS bịnh nhức và lên máu vợ chồng tôi hỏi thăm ông MS hết bịnh chưa nước ngoài lúc này lạnh lắm phải không và ÔB luôn lắm vì con cái Chúa phải vâng lời Chúa phải ra nước ngoài vợ chồng tôi cầu nguyện ngày đêm Chúa gìn giữ ÔB làm chọn sứ mạng Chúa giao phó tôi cầu chúc ÔB khi chở về Việt-nam được vạn sự bình an thân thương nhất vợ chồng tôi biên thư ít có ý nghĩa nhiều người gửi.
Trần văn Ðèo
Kính gởi ÔB MS Sơn quí mến!
Tôi và toàn thể gia đình kính thăm ÔB các con ở hải ngoại được Chúa ban nhiều sức khỏe vui vẻ trẻ đẹp lòng yêu mến Chúa sắc son, được nhiều cơ hội hầu việc Chúa. Vợ chồng tôi rất nhớ ÔB khi đến nhà thờ nhìn những kỷ niệm ÔB yêu mến chúng tôi góp phần lo cho Hội Thánh Chúa, nào là tư thất, bờ kè, các phòng học Lời Chúa, mặt bằng khuôn viên rất đẹp, do tấm lòng yêu mến Chúa rất cực khổ khó nhọc tận tâm xây đấp, nên khuôn viên của Hội Thánh rất đẹp, khi nhìn đến vợ chồng tôi rất xúc động, nhớ đến ÔB nhiều lắm hằng cầu nguyện xin Chúa chăm sóc ÔB, ưu đãi, ban cho ÔB nhiều sức khỏe, để có cơ hội ÔB trở về Việt-nam thăm chúng tôi và Hội Thánh …
Cúi thư cầu Chúa ban cho ÔB và các con ÔB vui vẻ ăn ngon sức khỏe dồi dào và có cơ hội về thăm Hội Thánh và chúng tôi.
Ðông phú 3-6-2004
ÔB Nguyễn văn Minh
Tôi có ít lời gởi ÔB MS thân mến lúc này ÔB khỏe không, tôi cũng được khỏe tôi nhớ ÔB lắm mỗi lần nhớ đến ÔB tôi lấy tập thơ mà ÔB đã làm cho tôi khi tôi thấy tập thơ lòng tôi cảm thấy bùi ngùi vì nhớ đến ông ra công khó nhọc làm cho tôi thành những tập thơ ấy và còn nhiều chuyện khác nữa không sao kể hết được cầu xin Chúa ban phước cho ÔB.
Bảy Tôn tên
Ðầu thư kính chúc ÔB MS được nhiều sức khỏe và cầu nguyện Chúa ở cùng ÔB Ms ơi MS không về Việt-nam để thăm Hội Thánh và vợ chồng con, vợ chồng con nhớ MS quá xin MS sắp xếp việc gia đình của MS một thời gian gần đây về thăm Hội Thánh và vợ chồng con vui mừng lắm, nhớ về nghe MS, cuối thư kính chúc ÔB MS và gia đình được Thánh Linh Chúa ở cùng và dẫn dắt gia đình Ms đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.
Ðông Phú 5-6-2004
Chế Linh – Phượng – Khánh – Khiết
Ðồng kính gởi ÔB MS và gia đình
Ðông phú 29-5-2004
Thưa ÔB MS yêu mến trong Ðấng Christ kính thăm ÔB được đầy ơn Chúa. ÔB ơi khi tôi viết thư nầy đến ÔB tôi quá bùi ngùi không nói được gì hết, tôi chỉ cầu Chúa ban ơn cho ÔB được đầy ơn phước vồi vào sức khỏe để hầu việc Chúa với con cái Chúa.
Mong ngày ÔB về với Ðông Phú
Kính thư
Huỳnh Liên Ngọn Ngang
Vợ chồng tôi kính gởi giài hàng đến thăm ÔB MS được đầy sức khỏe. ÔB ôi vợ chồng tôi rất nhớ ÔB lắm nhưng mà không biết nói sao cho hết nỗi niềm thương nhớ ÔB …
Vợ chồng Hai Diệu
Ðông Phú ngày 21-6-2004
Ông Bà Mục sư ơi, ở Hội Thánh Ðông Phú Chúa tại Ðông Phú có rất nhiều kỷ niệm mỗi khi tôi nhìn những gì có bàn tay và công khó của Ông bà thì tôi không thể nào quên ơn Ông Bà Mục sư cho được. Không phải là kể, ngồi mà nhớ từ cái bờ kè, từ cái la phông nhà thờ, bàn ghế, tòa giảng, chân bàn Tiệc Thánh và nhiều gia đình được Ông Bà giúp đỡ trang bị từ đầu đến chân, trong đó có gia đình của tôi, tôi mang ơn Ông Bà không biết sao kể cho hết được. Ðặc biệt là 6 năm trong thời gian Ông Bà hầu việc Chúa tại Hội Thánh Ðông Phú, Ông Bà dùng Lời Chúa là món ăn tinh thần để bồi dưỡng tâm linh cho chúng tôi là món quà thật vô giá. Ông Bà Mục sư tin nơi tôi đi, trong thời gian 6 năm hầu việc Chúa, Chúa dùng Lời Ngài qua môi miệng Ông Bà, thì cho dù sau nầy thời gian 20 năm hoặc 25 năm hay hơn nữa cũng vẫn còn tác dụng, cũng nhờ Lời Chúa qua Mục sư mà con dân Chúa tại Hội Thánh Ðông phú được lớn lên, và trưởng thành về mặt tâm linh trong đó có gia đình tôi…
Kính chào Ông Bà Mục sư
Tôi, HAI CÂN (Lưu văn Cân)
PHỤ LỤC
PHI LẠC SANG MỸ
(Những bài viết khi sang Mỹ
Ðã đăng trên tờ Việt Báo 2003)
Bạn thân mến,
Thế là tôi cũng đến Ðất Mỹ và tôi muốn viết những điều mắt thấy tai nghe gởi về bạn, để bạn có thể hình dung một chút về cái Ðất Nước giàu có nầy. Sở dĩ tôi chọn đề tài PHI LẠC SANG MỸ, là vì mấy hôm tôi chợt đọc một quyển sách nhắc đến nhân vật mấy mươi năm trước ở Việt-nam quê mình, đó là ông Hồ Hữu Tường, người đã viết Phi Lạc sang Tàu sang Tây. Vì vậy, tôi viết Phi Lạc sang Mỹ kể như tiếp nối chuyện của ông Tường.
Bạn biết không, tôi đã chờ đợi cái ngày sang Mỹ nầy từ năm 1990 theo Chương trình mà người ta gọi là là ODP, dịch theo tiếng Việt-nam của mình là “Chương trình ra đi trật tự”. Nhưng vì cái hàng mà tôi xếp để ra đi có trật tự ấy quá dài, khiến tôi chờ mỏi mòn hơn mười năm. Bạn cũng biết là tôi vốn người thiếu kiên nhẫn, nên đến lúc National Visa Center báo tin, thì tôi hết muốn đi và từ chối không đi nữa. Khi tôi từ chối không đi nữa, thì cơ hội đi lại đến và tôi đi để có chuyện mà nói với bạn.
Chuyện tôi kể Phi Lạc sang Mỹ cho bạn nghe bắt đầu từ khi tôi đặt chân xuống phi trường Osaka của Nhật Bản. Lúc chờ làm thủ tục chuyển chuyến bay, tôi chợt nhớ ra mình đã đến một nước “Tự Do”, tôi muốn đứng ra giữa phòng làm thủ tục la thật lớn hai tiếng Tự … Do …! Nhưng nhớ lại mình còn phải trở về Việt-nam. La lên liệu còn trở về Việt-nam được không? Không ở Mỹ được, không vô lại Việt-nam được, thì ở đâu? Mà liệu người Nhật có hiểu được nỗi thèm khát tự do của tôi không, không khéo họ cho là thần kinh tôi có vấn đề, chừng ấy lại rắc rối thêm. Nghĩ quanh quẩn tôi lại làm theo lời khuyên của nhà thơ nào đó ở Việt-nam – dĩ nhiên bạn biết là nhà thơ ấy làm thơ để nói đến người em sầu mộng của nhà thơ, còn tôi mượn đối tượng EM trong bài thơ dí dỏm nầy để nói đến sự tự do. Tôi lẩm nhẩm:
Em gái ơi (em gái của tôi là sự tự do), anh nhớ em,
Như con nít nhớ cà-rem vậy mà.
Nhớ em không biết để đâu,
Ðể ở trên đầu sợ gió bay đi.
Ðể trong túi áo cũng kỳ,
Lỡ đi đường rớt lấy gì chứng minh.
Thôi thì giả bộ làm thinh,
Hét lên ‘nhớ quá!’ một mình nghe chơi.
Bạn yên chí, tôi chỉ hét lên trong lòng tôi thôi, nên tôi mới đi được đến Mỹ.
Ðến Mỹ!
Cái từ ngữ hoa mỹ làm sao! Nhưng bất ngờ tôi thấy mấy anh Công An Mỹ với những tiếng hò hét: Xếp hàng! Xếp hàng! Nước Mỹ Tự Do đây sao? Những hình ảnh trong ký ức tôi chợt hiện ra cảnh ‘xếp hàng cả ngày’ – XHCN, những tiếng quát tháo của những Công An Việt-nam, nhất là những năm tháng trong tù. Tôi chợt rùng mình, không lẽ tự do là đây sao?
Sau bốn giờ đồng hồ tôi mới ra được khỏi phi trường Los Angeles, phi trường của những thiên thần, nhưng có lẽ họ không muốn nói đến Thiên thần với hình ảnh cứu giúp, nên họ gọi là phi trường L.A. Với trí óc ngu dốt tiếng Mỹ của tôi, đúng là phi trường LA (xin bạn đọc lần nầy theo tiếng Việt). Rồi tôi lại phải xếp hàng để chờ lên một chiếc Taxi mà tài xế là người Mỹ ăn mặc lịch sự với chiếc cà-vạt nơi cổ. Chiếc xe chạy thật êm trên con đường xa lộ về nhà của con tôi. Ngắm nhìn cảnh lạ với hàng hàng xe hơi, không một chiếc xe gắn máy nào của Nhật hay của Trung quốc, như ở Việt-nam mình, xe chạy phom phom êm ái làm sao.
Nhiềm vui của tôi chợt tắt. Tại sao à? Tại cái đồng hồ tính tiền của Taxi, nó cho tôi biết mình phải trả gần chín mươi đô-la. Bạn ơi, ngoài chín mươi đô-la, mình còn phải boa cho tài xế. Thế là đi đứt 100 đô-la, một số tiền nếu ở Việt-nam sẽ giúp một Sinh viên đóng học phí một năm; trả lương hai công nhân làm việc cực nhọc một tháng; giúp ít nhất ba người nông dân nghèo quê tôi sống một tháng cơm no áo ấm.
Tôi được bắt đầu hưởng những tiện nghi của nước Mỹ giàu có. Những vòi nước nóng, những chiếc nệm dầy êm ơi là êm. Còn máy lạnh, máy ‘hít’ nữa. Ðiều làm tôi thích nhất là cái bầu không khí trong lành khiến tôi lúc nào cũng muốn hít thở thật sâu. Bạn biết không, tại Mỹ nầy tôi không phải mang khẩu trang, đi cả ngày ngoài đường mà kính mắt của tôi vẫn còn sạch, không bị bụi đường, không bị khói xe. Tôi cũng không thể không nói với bạn về bầu không khí tinh thần nữa. Tôi không phải khai tạm trú, như bạn biết là tôi đã ở trong cái thành phố đông người nhất tại Việt-nam hơn hai mươi ba năm, mà chẳng có được một tờ Hộ khẩu và cái mà tiếng Mỹ họ gọi là Ai-đi Ka (ID Card), lúc nào tôi cũng mệt mỗi khi nghe tiếng chó sủa.
Còn việc ăn uống nữa bạn ạ. Tôi được vào tiệm ăn Việt-nam và gọi món ăn Việt-nam. Nhìn vào bảng thực đơn hàng bên trái với những món ăn rất là quen thuộc với người Việt-nam ta. Nhưng khi nhìn vào hàng bên phải thì tôi bảo đảm bạn cũng như tôi sẽ thấy lạnh người, dù thời tiết ở cái xứ Mỹ nầy đang là Mùa Hè, đó là giá tiền của món ăn, và bạn phải nhớ là tính tiền đô-la theo tỉ giá tiền Việt-nam. Thí dụ, một tô phở năm hay sáu đồng thì rẻ chán, nhưng bạn nhân cho mười lăm ngàn thì tô phở sẽ là bảy mươi lăm ngàn hay chín mươi ngàn đồng Việt-nam. Với số tiền đó, bạn sẽ ăn được ít nhất là năm tô phở đặc biệt hay trên mười tô phở bình dân khá ngon tại Việt-nam.
Có điều ngon thì ngon thiệt, nhưng mỗi lần ăn món gì, tôi cứ bị nhắc nhở coi chừng cholesterol, coi chừng béo phì, coi chừng lên cân, nhất là khi cầm lấy cái bánh kẹp thịt béo ngậy đặc sản của người Mỹ, những lời cảnh báo đó làm mình mất ngon. Ðáng sợ là mỗi khi có những thân hình béo phì như những võ sĩ Sumo chuyển động ngang qua lúc mình đang ăn, có người sẽ giới thiệu đó là thì tương lai của bạn.
Tôi cũng bắt chước đi chợ, những cái chợ Việt-nam gọi là Siêu thị. Phải công nhận hàng hóa trong các chợ đầy ắp, đủ mọi thứ, mọi loại. Có những loại so với giá ở Việt-nam mình thì rẻ lắm, nhưng ngược lại những món rất rẻ ở Việt-nam mình thì lại rất đắt tiền mở Mỹ. Tôi biết bạn rất quen với những củ khoai lang và tôi cũng biết bạn hầu như không bao giờ ăn. Thế mà ở Mỹ nầy tính ra phải bảy hay tám mươi ngàn đồng một ký. Tôi mà biết như vậy thà bỏ hết quần áo lỉnh kỉnh, chở khoai lang qua bán lấy tiền mua lại áo quần mới mặc cho đã cuộc đời.
Vì công việc nên tôi phải lên đường đi đến một thành phố của một Tiểu bang khác. Tôi phải công nhận rằng các nhân viên phi trường Mỹ thật lịch sự, khi họ biết tiếng Mỹ của tôi chỉ đủ cái lá mít. Lập tức họ nhờ một người Việt ở đâu đó hướng dẫn, rồi một cô người Mỹ lại lịch sự với nụ cười luôn ở trên môi đưa tôi đến cổng ra phi cơ. Vậy mà họ còn “thank you” tôi. Không phải tôi nói xấu xứ sở mình, cái kiểu lịch sự Mỹ nầy khó kiếm ở phi trường mình lắm phải không bạn?
Tôi lại phải nói với bạn nỗi niềm ‘Hai Lúa’ của tôi về sự lầm tưởng những ngôi nhà ở Mỹ. Nó đẹp lắm bạn ơi! Những cái nhà bạn và tôi thấy trong phim ảnh với những tầng cao ơi là cao, nó nằm ở một khu mà người ở Mỹ gọi là downtown, có nhìn tận mắt tôi mới thấy nó hùng vĩ. Còn khu nhà ở thì không có những ‘cái kẻm’ (hay người Quảng nam gọi là ‘cái kiệt’), lúc mới đến tôi nghĩ nó được xây dựng bằng bê-tông cốt sắt, hóa ra tất cả đều bằng gỗ thông và ván ép, phủ một lớp chi giống như tô xi-măng.
Xin lỗi bạn, rất tiếc tôi không phải là thi sĩ, họa sĩ, hay văn sĩ, để tả cho bạn xem cây cảnh ở xứ Mỹ nầy. Ðà-lạt mình còn kém xa lắm, chỉ giông giống cái lạnh thôi. Có những loại hoa lạ và đẹp, những hàng thông cao vút xanh mướt bên cạnh những loại thông màu sắc khác nhau, thoạt nhìn tưởng như những cây thông giả bày bán trên đường Hai Bà Trưng ở Sàigòn. Ngay cả những hoa dại bên đường cũng đã là đẹp. Rồi lại Mùa Thu nữa. Tôi nhớ ai đó nói Trời làm Mùa Thu là dành cho Thi sĩ, quả đúng quá đi. Bạn nghe nè, Mùa Thu với làn mưa nhè nhẹ, chắc chắn Sàigòn không có loại mưa nầy, nghe đâu ngoài Hànội gọi là mưa phùn; lá trên những hàng cây bên đường, mà đường nào chẳng có cây, trên đồi, chuyển sang màu vàng len lỏi giữa màu xanh của loài thông không bao giờ rụng lá. Tôi chỉ có thể nói là đẹp lắm. Giờ tôi mới hiểu tại sao các Thi sĩ như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tản Ðà, Huy Cận, Xuân Diệu … lại mê Mùa Thu, dù chỉ là Mùa Thu nơi xứ nghèo.
Nói với bạn từ đầu thư đến giờ chỉ là một chút những gì tôi nhìn thấy ở Miền Tây nước Mỹ, còn khối chuyện để nói đầy thích thú như hệ thống giao thông với những đường hầm bảo đảm không lún sụt như cầu Văn Thánh xứ mình, những chiếc xe điện giá rẻ đến nỗi không cần người soát vé; những bãi biển với dòng nước lạnh ngắt, những ngọn núi phủ tuyết đẹp ơi là đẹp, những ngọn thác cao hùng vĩ.
Tuần sau tôi sẽ qua Miền Ðông của nước Mỹ, chắc chắn lại sẽ có những chuyện kể cho bạn nghe. Nhưng ngẫm lại quê hương mình, cũng sông cũng núi, cũng cây cỏ lá hoa, lại thấm đượm tình ruột thịt chôn nhau cắt rún, sao lại chẳng bằng xứ người ta? Cái câu nói ‘không nơi nào đẹp bằng quê hương’, không khéo phải sửa lại ‘không nơi nào đẹp bằng xứ người’. Nói thì nói thế, khen thì khen thế, tôi vẫn muốn về với quê hương nghèo của mình, muốn được nhìn những đứa bé lặn lội bờ sông mò tìm từng con ốc, con cá bé tí; nhìn những nông dân mộc mạc cả đời chưa biết một tô phở bình dân; nhìn những người lao động ướt đẫm mồ hôi không hề được một cái insurance nào cho tương lai. Bạn hỏi tôi nhìn họ để làm gì à? Nhìn để ước mơ một ngày nào đó họ được như tôi đến xứ người ít hôm mà thèm khát cho một quê hương yêu dấu, rồi về kể cho nhau nghe như một truyện thần tiên.
Nếu câu chuyện của tôi có làm bạn buồn chán, thì hãy tha thứ cho tôi, một người lần đầu tiên sau hơn năm mươi năm được mở tầm mắt nơi xứ người. Hẹn gặp lại!
PHI LẠC SANG MỸ II
HỒN VIỆT
Bạn thân mến,
Theo như lời hứa với bạn, tôi sẽ viết tiếp về những điều mắt thấy tai nghe khi tôi đến phía Ðông nước Mỹ, và bây giờ tôi viết cho bạn đây.
Thật ra Ðông hay Tây cũng là nước Mỹ, vì bạn đi đâu cũng nghe tiếng Mỹ, cái thứ tiếng chẳng giống tiếng Anh mình học ở Việt-nam, đi đâu cũng gặp những chiếc bánh kẹp thịt béo ngậy mà tôi đã nói với bạn lúc ở phía Tây, dễ làm cho bạn bị béo phì vì đầy chất béo của bơ, của ‘chi’ (cheese), mà ta gọi là ‘phô mai’. Ði đâu tôi cũng thấy xe hơi với hình dáng giống như ở phía Tây chạy với tốc độ kinh khủng trung bình không dưới 80, 90, 100 cây số một giờ; đi đâu tôi cũng thấy những ngôi nhà bằng gỗ với sân cỏ gần như một kiểu một màu. Có khác chăng là phía Ðông trời lạnh hơn phía Tây, một cái lạnh đến tê người, mà dân Sàigòn hay dân miền Trung như tôi với bạn không thể chịu nổi (vì tôi chưa đi miền Bắc, nên không biết những nơi như Sapa, Hoàng Liên Sơn, cao nhất Việt-nam có lạnh như thế nầy không). Duy có một điều mà tôi cho rằng cái lạnh ở đây nó giống Sàigòn mình ở chỗ như một thi sĩ đã tả ‘đang mưa mà chợt nắng’ (Tôi lại mơ làm thi sĩ nữa rồi), buổi sáng thức dậy trời mát mẻ đôi khi nắng nóng, đến trưa cái lạnh chợt ùa đến làm mình không kịp mặc áo ấm.
Tôi đã định không viết cho bạn, vì chẳng có gì mới lạ. Nhưng tôi chợt nhớ một việc mà nếu không kể cho bạn nghe thì là một thiếu sót, đúng hơn là lỗi lầm với dân tộc mình, đó là cái Hồn Việt trong lòng người Việt trên đất Mỹ.
Tôi nói thế nầy cho bạn dễ hiểu, tôi được một người quen mời đến nhà của ông ấy ăn cơm gia đình, theo nguyên văn ông ấy nói ‘Ăn Cơm Gia Ðình’. Thật ra từ hôm tôi gặp ông ấy trên đất Mỹ, nhiều lần ông mời tôi đi ăn ở Nhà Hàng, nói là để giới thiệu cho tôi những món ăn Việt-nam mình trên đất Mỹ như: ăn phở Việt-nam (tiệm ăn để tên Việt-nam, cũng có tiệm để tên là An Nam làm tôi khó chịu vì nhớ thời Một Ngàn Năm Ðô Hộ Giặc Tàu), ăn nem nướng cuốn rau sống chấm mắm nêm đậm đà tình dân tộc … Nhưng hôm nay ông mời ĂN CƠM GIA ÐÌNH.
Tôi nghe hai chữ ‘Gia Ðình’ chợt thấy lòng nôn nao lạ, có một sự ấm áp giống như cái máy ‘hít’ trong nhà ở Mỹ len từ từ vào tôi, cái Hồn Việt bao nhiêu ngày qua trên đất Mỹ thiếu vắng bây giờ chợt sống lại trong tôi.
Bạn đừng cho tôi giàu tưởng tượng, khéo vẽ chuyện. Tôi thấy người Việt ta ăn tiệc gì cũng ở nhà. Tại lối sống thị thành bị Âu Mỹ hóa, nên dân thành thị cứ kéo nhau ra Nhà Hàng chịu tốn chút đỉnh, khỏi dọn bàn, khỏi rửa chén, khỏi lo nấu nướng, có hàng chục hàng trăm món, mặc sức mà chọn mà kêu. Nhưng bạn thấy đó, ăn ở Nhà Hàng khó chịu làm sao, tù túng từ quần áo phải lịch sự, đến phải lịch sự ngồi ăn, phải chào phải mời, phải chờ phải đợi, thấy cái đùi gà cánh gà quay thơm phức mà có dám gắp đâu, dùng đũa gắp không được khiến nó trợt qua trợt lại, thì có bị chúng cười đến tận thế, còn nếu dùng năm chiếc đũa trời cho cầm lấy thì càng quê cả người.
Có lần còn đi học, tôi đọc thấy Nhà văn Lâm Ngữ Ðường viết về nghệ thuật ăn uống như sau: ‘Ăn theo cách người Tây phương không ngon, thấy cái đùi gà cứ phải dùng nĩa dùng dao, ăn theo ta cứ cầm lên mà cắn, bưng lên mà húp nghe chùm chụp, thì mới ngon làm sao!’ Tôi đọc cũng tâm đắc làm sao, mà muốn ăn theo cách của ta thì phải ăn ở nhà của mình bạn ạ. Tha hồ mà ngồi đủ cách, có thể gác chân lên, có thể xắn tay mà dùng ngũ trảo công trong hổ quyền, ưng quyền hoặc long quyền của Thiếu lâm tự mà vồ mà chụp cũng chẳng ai nói gì, đôi khi còn cười vui nữa là, chủ nhà lại khen mình thiệt tình và người nấu ăn hãnh diện nghĩ rằng món ăn của họ nấu quá ngon.
May mắn người Việt-nam mình ở ngoại thành, ở vùng quê vùng xa, vẫn còn giữ được cái Hồn Việt, đám tiệc chi cũng tổ chức ở nhà. Ðối với người Việt-nam mình thì đi Nhà Hàng là một sự xa xỉ, bao nhiêu lần tôi đã nghe chê các món ăn ở Nhà hàng không ngon chút nào, như món súp cua bong bóng cá thì bị cho là thua món cháo vịt, món gỏi sen lỗ tai heo tôm luộc thì bị cho là thua món gỏi gà trộn bắp chuối hột, … Trong khi đó tôi đã từng dự những tiệc cưới đãi ở nhà kéo dài đến ba ngày ba đêm ở vùng quê dân Việt-nam. Thật ra món ăn thì chẳng có gì đặc biệt ngoài thịt heo kho, heo nướng, heo xào bông cải, năm khi mười họa được con cá chiên dầm nước mắm, hoặc thịt bò xào bông cải, hiếm khi thấy con tôm con cua. Nhưng những bữa tiệc như vậy đậm tình lắm bạn ạ, ai đi ngang ghé lại là được mời ăn, bất kể quen lạ, bất kể ngày giờ, ăn xong nói mấy câu hể hả rồi ra về, thế là chủ nhà tự cho là hân hạnh. Nếu nhằm một ngày tốt theo cách nghĩ của người Việt mình, bạn được đi ăn đôi ba đám một ngày, bạn sẽ thấy thật ra đó là một ngày ‘không hên’ cho bạn, vì bạn phải đối diện với những món ăn cùng một cách nấu. Bạn nghe người Việt-nam quê mình ca tụng món ăn bằng những câu thơ trữ tình như:
Nước mắm ngon dầm con cá bẹ,
Anh bảo em về lén mẹ qua thăm anh.
Rồi cũng nước mắm cá chiên:
Nước mắm ngon dầm con cá đối,
Em bảo anh về để tối tối em qua.
Rồi những món canh mộc mạc:
Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon.
Hoặc:
Rủ nhau xuống biển mò cua,
Ðem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng,
Non xanh nước biếc ta đừng quên nhau.
Tôi lý sự dài dòng như vậy là muốn tả niềm vui mà lạ khi nghe hai chữ ‘Gia Ðình’ thân thương nơi đất khách quê người. Còn điều nầy nữa, tôi phải nói với bạn, đó là về hai chữ ‘Gia Ðình’. Ông bà ta dạy rằng: Gia là nhà; Ðình là sân. Vậy thì Gia Ðình là cái nhà có cái sân, nói cách khác nhà mà có sân mới là Gia Ðình. Ôi hai chữ ‘Gia Ðình’ mới thấy ấm áp thân thương làm sao, nó là cái Tổ Ấm. Thế mà bạn thấy những căn nhà ở Sàigòn của mình có mấy căn được cái sân, có lẽ cảm được cái lạnh lùng của dân thành thị, nên nhà thơ Tú Xương cất tiếng than:
Có đất nào như đất nầy không,
Phố phường nằm sát với bờ sông.
Còn đâu cái sân của Gia Ðình nữa, còn đâu cái Tổ Ấm, tất cả chỉ để kinh doanh, không phải để đoàn tụ gia đình.
Và tôi đã đến với Bữa Ăn Gia Ðình ấy. Thật là một bữa ăn gia đình, vì chỉ có vợ chồng chủ nhà, với hai người con trai, một đứa cháu, với lời phân trần của chủ nhà là ‘hai người con gái đi làm chưa về, ở Mỹ là như thế, khó mà tập hợp đủ mặt trong bữa ăn gia đình.
Bạn có để ý là tôi không còn dùng chữ Bữa Cơm Gia Ðình, mà thay vào đó là Bữa Ăn Gia Ðình không? Ðúng, tôi đổi chữ CƠM ra chữ ĂN là vì trên bàn không có CƠM, một món ăn không thể thiếu của người Việt-nam mình. Thay vào đó là những miếng thịt bò bíp-tết đúng kiểu Mỹ, vừa to lại vừa dầy kèm theo nước sốt với bánh mì và Phô-mai, rồi những con tôm sú to nằm xếp hàng cong cong trên dĩa, những con cua Mỹ to hơn bàn tay người Việt-nam như tôi xòe ra vươn ngoe vươn càng khuỳnh chồng lên nhau, mỗi người lại được một chiếc khăn ăn trắng muốt bên cạnh con dao, chiếc nĩa, cái muỗng, tôi tìm hoài không thấy đôi đũa Việt-nam.
Tôi với vợ chồng chủ nhà vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ, kể cho nhau nghe những câu chuyện xưa đầy kỷ niệm tại Việt-nam, thỉnh thoảng người con trai lớn chen vào hỏi vài từ ngữ mà anh ấy không hiểu. Một lát sau, tôi khám phá là người con trai thứ nhất nói tiếng Việt đúng giọng nhưng lại thiếu từ vựng; người con trai thứ nhì không rành tiếng Việt, giọng nói lơ lớ như người Mỹ nói tiếng Việt thường phải chen vào tiếng Mỹ, và anh ấy là người thông dịch cho chủ nhà là ông bà nội với cháu nội, vì cháu của ông bà không biết tiếng Việt, chỉ biết tiếng Mỹ; còn vợ chồng ông bà thì không rành tiếng Mỹ của đứa cháu. Bữa ăn kết thúc với lời chào hai thứ tiếng của tôi tùy theo đối tượng: ‘cảm ơn’ bằng tiếng Việt chính tông với vợ chồng ông bà chủ nhà; ‘thank you’ với hai người con trai của aong bà; ‘bye bye’ với cháu bé con người Việt-nam nhưng chỉ biết nói tiếng Mỹ kèm theo cánh tay theo động từ ‘to quơ’ để cháu hiểu tôi từ giã ra về.
Tôi ra về với bao thắc mắc, Bữa Cơm Gia Ðình theo truyền thống Việt-nam mà không đầy đủ con cháu như người Việt-nam; Bữa Cơm Gia Ðình mà thức ăn và cách ăn như Nhà Hàng, phải mời phải đợi, phải cắt phải ghim, phải múc từng miếng, đầy kiểu cách, không còn cái ấm áp thật thà của người Việt-nam mình.
Ðiều làm tôi lo nghĩ hơn hết là ba thế hệ trong gia đình người Việt-nam nơi đất Mỹ, đó chỉ là mới mười năm. Thế hệ thứ nhất của ông cha nói tiếng Việt, thế hệ thứ hai nửa tiếng Việt nửa tiếng Mỹ, tiếng Việt trở thành một thứ tiếng lơ lớ không dấu kèm theo vài tiếng Mỹ để diễn tả điều muốn nói dường như bị thiếu trong tiếng Việt; thế hệ thứ ba thì chỉ còn là tiếng Mỹ, dù là người Việt. Tôi nghĩ đến đứa bé kia lớn lên sẽ còn biết gì về những làng quê với những mái nhà tranh vách lá, với bờ tre, đám ruộng … của ông bà nó không? Ðứa bé kia lớn lên chắc chắn không còn nhớ đến những món ăn gọi là quốc hồn quốc túy của người Việt như: mắm nêm, mắm ruốc, mắm thái, nước mắm, cơm trắng, cá kho… Rồi lại đến cái ngôn ngữ, làm sao nó biết được tiếng Việt của ông bà, ngay cả tên của nói cũng đã là Mỹ rồi. Bạn biết không cái đau buồn nhất của tôi là cha mẹ chúng dường như hãnh diện khi con họ biết tiếng Mỹ mà không biết tiếng Việt, dù họ là người Việt-nam.
Tôi có đọc bộ tiểu thuyết tựa đề “Tội Lỗi” của một nhà văn Mỹ da đen. Truyện nói về một người da đen thuộc một bộ lạc ở Phi châu bị bắt cóc đem bán làm nô lệ qua Mỹ. Nhưng ngay trong những ngày sống kiếp nô lệ, không có một chút quyền tự do nào, mỗi lần một thành viên mới trong gia đình được sinh ra, người da đen nô lệ đó gọi cả nhà họp lại kể cho nghe gốc tích, tổ tiên ở một vùng đất thuộc Phi châu mà ông không còn nhớ rõ, chỉ nhớ là có con sông mang tên theo thổ ngữ của ông. Rồi đến một ngày chế độ nô lệ không còn nữa, gia đình của thế hệ con cháu của ông bây giờ đã trở nên đông đúc, thế mà họ vẫn theo lời dạy dỗ của ông, mỗi lần có một đứa bé chào đời, tất cả dòng họ quay quần lại bên nhau nghe kể lại gốc tích Phi châu của họ, tất cả đều không còn biết gì về cái vùng bộ lạc xa xưa nữa, họ cũng không còn nhớ cái ngôn ngữ của tổ tiên, họ chỉ nhớ quê hương của họ có một con sông mang cái tên mà dù đọc không đúng giọng họ cũng vẫn còn nhớ.
Bạn biết không, tôi viết những lời nầy cho bạn là vì tôi đọc được một tạp chí Việt-nam trên đất Mỹ tạp chí nầy in và phát hành ở Việt-nam, trong đó có một bài tựa đề: BẢO TỒN CÁC NGÔN NGỮ ÐANG DẦN BỊ BIẾN MẤT, trong đó dẫn lời của một người nói ngôn ngữ Comancho, bà ấy nói: “Ngôn ngữ chính là nền văn hóa của chúng tôi. Nó kết hợp chúng tôi lại với nhau. Nó cho chúng tôi biết cội nguồn của mình”, và bà nói tiếp phần cuối của bài viết: “Những người già chúng tôi đang cố gắng giúp hồi sinh tiếng mẹ đẻ của mình, và cố gắng bảo tồn nó. CHÚNG TÔI MUỐN BIẾT MÌNH LÀ AI.”
Tôi không biết nếu tôi sống ở đất Mỹ nầy, tôi và con cháu của tôi có mất gốc tiếng Việt không, nhưng hiện tại tôi có cảm giác như đang đứng giữa buổi chợ chiều Ba Mươi Tết mà thiếu vắng hình ảnh Ông Ðồ Già mài mực tàu giấy đỏ của Thi sĩ Vũ Ðình Liên, buột miệng than: Hồn Việt ở đâu bây giờ? Hồn Việt ơi, người ở đâu bây giờ? Thư nầy tôi không hẹn viết tiếp cho bạn, nhưng tôi rất mong bạn cho tôi biết làm sao giữ được Hồn Việt nơi Ðất Mỹ trong gia đình người Việt-nam mình? Mong được thư của bạn.
PHI LẠC SANG MỸ III
KHÔNG TỔ QUỐC
Bạn thân mến,
Sáng nay tôi thức dậy sớm hơn thường lệ vì hôm qua nghe tin thời tiết cho biết hôm nay có thể có tuyết. Lòng tôi hơi nôn nao muốn tận mắt thấy, muốn tay mình cầm lấy những bông tuyết trắng mà ở Việt-nam tôi chỉ thấy qua hình ảnh hoặc trên truyền hình.
Có tuyết thật rồi!
Nhìn qua cửa kính, tôi thấy những bụi cây phủ tuyết trắng. Tôi vội vàng mở cửa chạy đến nắm từng vốc tuyết trong tay, nó xôm xốp, lạnh buốt, tôi chợt nhận ra nó ở gần bên tôi tại Việt-nam mình, nó ở trong tủ lạnh trên ngăn đá đấy bạn ạ. Những bông tuyết giống như những nhúm bông gòn nhè nhẹ rơi xuống, rơi xuống, nó vương trên nón, trên áo, có những bông tuyết bay phớt qua mặt như chọc ghẹo tôi rồi mới chịu rơi xuống đất. Tôi nhớ cái cảm giác của Nhà văn Nhất Linh khi ông nhìn những lá bàng rơi trong cái lạnh miền Bắc thời thập niên ba mươi của thế kỷ hai mươi. Nhất Linh đã cảm nhận mỗi chiếc lá rụng xuống trong gió lạnh như có một tâm hồn riêng như lưu luyến với gốc rể. Ngày xưa khi đọc tác phẩm ‘Nhặt Lá Bàng’, một người miền Nam như tôi không cảm hết được cái lạnh, cái nghèo của hai đứa bé chạy nhặt từng chiếc lá bàng để đem về đổi miếng ăn, nên tôi không cảm được cái hay của tác phẩm. Bây giờ nhớ lại trong lúc đồng cảnh, chỉ khác nhau là tuyết thay vì lá bàng, lòng cảm phục tâm hồn của một Nhà văn.
Tuyết rơi không nhiều lắm, chỉ độ mươi phút, càng lúc bông tuyết càng nhỏ hơn như luyến tiếc, sau đó thành những giọt mưa nhẹ và lạnh buốt. Ngồi trong nhà nhìn những bông tuyết lưa thưa còn đọng trên những cành cây ngọn cỏ, tôi chợ thấy một tạp chí đăng một bài dịch tác phẩm “NHẤT CÁ NHÂN, ÐÍCH THÁNH KINH” của Nhà văn Cao Hành Kiện đã đoạt giải Nobel văn chương, với tựa đề “Thánh Kinh Cho Một Người”. Chữ ‘Thánh Kinh’ làm cho tôi tò mò để đọc. Ðến cuối bài dịch kỳ báo đó, có mấy câu tôi trích ra đây để bạn đọc mà hiểu tại sao tôi viết thư nầy cho bạn, “Anh nói, với anh, giờ đây Trung quốc đã xa lắc xa lơ. Cô gái gật đầu. Anh nói anh không còn Tổ quốc, cô gái đáp lại, cha cô người Ðức nhưng mẹ của cô là người Do thái, và do đó cô cũng không có Tổ quốc. Tuy vậy không thể nào trốn chạy khỏi ký ức. Anh hỏi vì sao, cô gái trả lời, không giống như anh, cô là phụ nữ, anh chỉ đáp bằng tiếng “a” và chẳng nói gì thêm”.
KHÔNG CÒN TỔ QUỐC! Người thanh niên nói như vậy, còn cô gái thì nói: KHÔNG CÓ TỔ QUỐC! Con người mà sao không có hay không Tổ quốc? Tôi nghe buốt lòng. Tôi nghĩ ông Cao Hành Kiện hay người dịch là Thái Nguyễn Bạch Liên, chắc phải suy nghĩ nhiều lắm để chọn nhóm từ KHÔNG TỔ QUỐC, thay vì VÔ TỔ QUỐC.
Nhóm từ “Vô Tổ Quốc” nghe như một khẩu hiệu hô hào của một Triết lý chủ nghĩa, âm vang của nó nghe lạnh lùng làm sao! Còn âm vang của nhóm từ ‘Không Tổ Quốc’ nghe như một tiếng than đứt ruột.
Tôi nhớ dịch giả Hà Mai Anh đã dịch tác phẩm của Hecto Mallot tựa đề là VÔ GIA ÐÌNH, sau nầy có người dịch lại tên sách là KHÔNG GIA ÐÌNH, nghe dễ chịu hơn. Thât sự, như bạn đã đọc tác phẩm ‘Không Gia Ðình’ (hay Vô Gia Ðình), trong đó cậu bé Lê Minh, tên của nhân vật chính được Việt-nam hóa, nào có muốn Vô Gia Ðình hay Không Gia Ðình đâu, tại cuộc đời đưa đẩy khiến em lưu lạc giữa dòng đời, chịu nhiều cay đắng, sống với một cụ già lúc nào cũng hô khẩu hiệu: “Tiến Lên” với bầy chó và một con khỉ diễn tuồng kiếm sống. Cuối cùng rồi cậu bé Lê Minh cũng tìm được gia đình. Con người không thể Vô Gia Ðình, hay Vô Tổ Quốc, Vô Tôn Giáo được; con người chỉ có thể KHÔNG gia đình, KHÔNG tổ quốc, KHÔNG Tôn giáo, vì một lý do nào đó.
Tôi không có ý viết thư nầy cho bạn để bình luận các tác phẩm văn chương của Nhà văn Nhất Linh, hay tác phẩm của Nhà văn Cao hành Kiện, hoặc tác phẩm Vô (hoặc Không) Gia Ðình, mà tôi muốn chia sẻ với bạn những băn khoăn về ý niệm hay hình ảnh Tổ quốc Việt-nam trong trí hoặc trong lòng người Việt-nam mình nơi hải ngoại.
Mấy tháng đi dạo trên đất Mỹ, tôi thấy có một số người Việt-nam mình giống như người thanh niên trong tác phẩm của Nhà văn Cao Hành Kiện, họ không còn Tổ quốc. Họ bị rượt đuổi, họ bị Tổ quốc từ chối, từ bỏ (tôi nghĩ tôi dùng từ ngữ “Tổ quốc từ bỏ” không đúng lắm, vì Tổ quốc là một ý niệm thiêng liêng trong một dân tộc, sự từ chối hay từ bỏ chỉ xảy ra khi Tổ quốc bị biến thành một Triết lý chủ nghĩa). Tổ quốc của họ là nơi mỗi lần nghĩ đến là nghĩ đến hận thù, hoặc được nhắc đến như tấm huy chương đeo vào ngực vào những ngày Lễ Hội cho mọi người nhìn mặt ngoài, chả ai dại gì đưa mặt trái cho người khác xem. Hoặc Tổ quốc của một số người Việt-nam nơi đất Mỹ này rất đơn giản, họ chỉ biết là nơi ấy có cha mẹ, hoặc một người thân nào đó cần mình hay mình cần họ về tài chánh. Hoặc Tổ quốc của người Việt-nam mình trên đất Mỹ là những Mùa Cứu Trợ, khi nơi nào trên đất nước Việt-nam có hay không có thân nhân của họ đang bị lũ lụt.
Bạn biết không, tôi đã từng thấy một Ðoàn Việt Kiều từ đất Mỹ về Việt-nam cứu trợ nạn nhân cơn bão số 5. Họ đi một đoàn độ mười người từ Mỹ rồi kéo theo một số thân nhân trong xứ. Họ đi máy bay, họ bao xe đời mới, họ thuê ghe thuyền tiện nghi, mỗi người vừa đi vừa nói chuyện bằng điện thoại di động với ai đó, chắc thân lắm nên chuông điện thoại reo liên tục và miệng cười vui vẻ. Họ ghé vào những Nhà Hàng sang trọng đã được đặt trước. Họ đến vùng cuối đất Việt để phát cho một số đồng bào những túi gạo, túi quà với gương mặt dường như đau buồn, chưa đầy một giờ đồng hồ sau, tất cả lại vội vàng lên đường trở về Thành phố tiện nghi, vì sợ muỗi cắn, sợ buổi tối không đèn điện, sợ cả những ly nước đã nấu chín, họ chỉ uống nước dừa tươi chặt sẵn, họ chỉ ăn được những loại hải sản cao cấp như tôm, cua, mà người địa phương ít khi nào dám thưởng thức.
Tổ Quốc Việt-nam mình đáng sợ như vậy sao? Tổ Quốc Việt-nam mình nơi mà người Việt-nam trên đất Mỹ cứu trợ theo cách đó sao? Không, tôi nghĩ Tổ Quốc là cái gì thân thương, cao quý lắm. Tổ Quốc Việt-nam không cần thương hại, Tổ Quốc Việt-nam mình là nơi để người Việt-nam mình yêu thương.
Cũng có một số người Việt-nam mình nơi đất Mỹ giống như cô gái có cha là người Ðức, mẹ là người Do thái, trong tác phẩm của Nhà văn Cao Hành Kiện, cô nói cô ‘Không Có Tổ Quốc’, vì cô không biết rằng cô là người Ðức hay người Do thái, hay nói cách khác, cô cho rằng cô không phải là người Ðức cũng không phải người Do thái, mà cô bây giờ là một người giữa dân Ðức và dân Do thái. Rủi thay cho cô là trên thế giới nầy không có quốc gia nào có tên Ðức – Do thái.
Như tôi đã nói với bạn là tôi rất dốt tiếng Mỹ, nên tôi không biết ai đã dịch những chữ United States of America, viết tắt là USA, thành ra chữ ‘Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ’. Tự nhiên có thêm chữ CHỦNG vào, rồi lại có hai chữ Hoa Kỳ, mà một người bạn Việt-nam của tôi sống trên đất Mỹ từ nhỏ đã dịch hai chữ Hoa Kỳ thành ra ‘Cờ Hoa’, tức là cờ của nước Trung Hoa, hay cờ của Trung quốc.
Quả đúng là hiệp Chủng. Ðất Mỹ nầy gồm đủ màu da, da đen, da trắng, da đỏ, da vàng; đủ mọi dân tộc: người Ðức, người Anh, người Pháp … người Phi châu, người Do thái, người A-rạp, người Hoa, người Lào, người Cambodge, người Nhật, người Hàn, người Thái,… người Việt-nam mình. Tôi ngạc nhiên là người ta chỉ gọi người Mỹ trắng, người Mỹ đen, không ai gọi người Mỹ Việt, hay người Mỹ vàng, nghĩa là cuối cùng rồi cũng chỉ người da trắng hoặc da đen mới là người Mỹ, tất cả còn lại chỉ là người dưng, người ở trọ.
Tuy nhiên, nghĩ cho cùng, người da trắng hay da đen có phải là người Mỹ không? Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện. Vào giờ ăn trưa trong một hãng xưởng, một công nhân Việt-nam lấy phần cớm đem theo từ nhà ra ăn, trong đó có món mắm chưng. Một người Mỹ trắng đứng gần bên tỏ dấu khó chịu với mùi mắm của người Việt-nam, nên đưa đến hai bên Mỹ – Việt tranh cãi. Người Mỹ chỉ người Việt và nói: “Mày hãy về xứ của mày mà ăn cái món đó. Còn ở đây là nước Mỹ của tao”. Một công nhân Việt-nam khác đứng gần bên lên tiếng nói với người Mỹ: “Mày có thể đề nghị anh nầy ra chỗ khác ăn món đó, nhưng mày không có quyền đuổi anh ấy về nước”. Bất ngờ người Mỹ ấy lại chỉ mặt người Việt nầy và nói: “You are too!” (Mày cũng vậy – nghĩa là đuổi cả anh nầy về nước). Anh công nhân nầy tức giận đáp lại: “Tao đồng ý là người Việt-nam ở nhờ trên đất nầy. Tao sẽ về nước của tao. Còn mày, mày hãy về hỏi lại ông bà nội ông bà ngoại, ông bà cố tổ của mày xem có phải đất nầy là của ông bà mày không? Ðất nầy là của người Da Ðỏ, mày cũng ở nhờ như tao. Mày về nước mày trước đi, tao sẽ về nước tao”.
Một câu chuyện đáng suy nghĩ phải không bạn?
Tôi viết cho bạn vì tôi không biết thế hệ thứ ba, thứ tư, thứ ‘n’, … người Việt-nam ly hương mình có thành người Mỹ không? Có thể con cháu chúng ta thế hệ ‘n’ cho rằng mình là người Mỹ, vì có quốc tịch Mỹ, nói tiếng Mỹ, ăn thức ăn Mỹ, học văn hóa Mỹ, mang tên theo tiếng Mỹ, nhưng liệu người Mỹ có nhìn họ là người Mỹ không? Có phải chăng hình ảnh người Việt-nam mình ngày nay thể hiện một viễn cảnh tương lai, khi ở trên đất Mỹ thì được xem là người Việt-nam, nhưng khi về thăm Tổ Quốc Việt-nam thì lại được hay ‘bị’ gọi là Việt Kiều, không phải Việt-nam.
Tôi nhớ một truyện ngụ ngôn về loài dơi. Một ngày kia có một Ðại hội của loài chim, nhà dơi liền bay đến tham dự. Khi đến cửa, những chú chim gác cửa không cho dơi vào với lý do là dơi không phải chim. Dơi tức mình dang đôi cánh ra và cãi: “Tôi có cánh, tôi là chim”. Các chú chim gác cửa trả lời: “Dơi có cánh, nhưng dơi không có lông vũ như chim và lại có vú, nên không phải là chim”. Dơi đành buồn bã ra về. Sau đó có một Ðại hội của loài chuột, dơi lại đến tham dự. Ðến cửa, dơi lại bị những chú chuột không cho vào dự vì dơi không phải chuột. Dơi cãi lại: “Tôi có vú, có mỏ như chuột”. Chuột gác cửa trả lời: “Nhưng dơi có cánh mà chuột thì không có cánh”. Dơi lại cũng không được vào dự Ðại hội của chuột.
Cô gái của Nhà văn Cao Hành Kiện là sự hiệp chủng giữa người Ðức và người Do thái. Cô không phải là người Ðức, cô cũng không phải người Do thái, nên cô nói mình KHÔNG CÓ TỔ QUỐC. Cái may mắn là người Việt-nam mình trên đất Mỹ bây giờ không ai nói ‘Tôi Không Có Tổ Quốc’, nhưng dường như nhiều người sống không có Tổ Quốc, hoặc cứ cho rằng Tổ Quốc của họ là nước Mỹ, và họ đã sống như không có Tổ Quốc Việt-nam. Họ không còn thích thức ăn của người Việt-nam, đôi khi lại còn chê là không vệ sinh, họ không còn muốn nói tiếng Việt-nam, mà chỉ còn xem đó là ngôn ngữ của những người già, thậm chí có một cộng đồng Việt-nam trên đất Mỹ lấy ý kiến là có nên sử dụng tiếng Việt-nam trong cộng đồng nữa không?
Bạn đừng hiểu lầm tôi có ý kỳ thị, nhưng tôi muốn cố giữ cái Hồn Việt. Bạn có để ý người Hoa trên đất Việt-nam mình không? Bạn hãy vào Chợ-lớn (Sàigòn), người Hoa ở trên đất Việt-nam mình bao nhiêu năm đến nỗi không còn nhớ, nhưng vùng Chợ-lớn vẫn là vùng của người Hoa thống trị, họ vẫn nói tiếng Hoa, học tiếng Hoa, ăn thức ăn của người Hoa. Rồi người Hoa đến đất Mỹ, bạn sẽ thấy những khu vực Chinatown, những khu vực của người Hoa với nhà cửa, cổng chợ, thức ăn, theo phong cách người Hoa, kể cả nói tiếng Hoa mà không chút tự ti mặc cảm. Còn người Việt-nam chúng ta với bốn ngàn năm văn hiến không lẽ lại Không Có Tổ Quốc giữa chợ người sao?
Tôi vẫn nhớ bài học của người Do thái, sau năm 70 SC. họ đã bị tan lạc khắp thế giới, không còn Tổ Quốc, không còn quê hương. Gần hai ngàn năm sau, năm 1948, thế giới lại tái xuất hiện một quốc gia Do thái của một dân tộc Do thái yêu mến Tổ Quốc họ, lúc nào họ cũng chào nhau: “Năm tới ta về Giê-ru-sa-lem!”
Tuyết tan hẳn, tập truyện khép lại, tôi tự hỏi: “Phải chăng Tổ Quốc của người Việt-nam tôi trên đất Mỹ như tuyết mà tôi vừa thấy, còn chăng chỉ còn là những dư vị, vương trên nón, vương trên áo. Bảng lảng trên mặt như vuốt ve người ly hương, để rồi tan vào lòng đất?”
Tổ Quốc!
Tôi muốn nói với bạn về Tổ Quốc Việt-nam mình.
Ms SƠN
|