Lý do …
Trong những ngày của chức vụ, Chúa đã dùng nhiều lần nhiều cách để tiếp trợ nhu cần vật chất cho tôi và gia đình.
Tôi mong ước sẽ viết lại những phép lạ đó để ngợi khen Chúa, đồng thời để cảm tạ những người mà Chúa đã dùng để lo cho tôi. Vì vậy, đây là những lời cảm ơn dâng lên Chúa, cũng gởi đến các Cơ-Ðốc nhân mà tôi biết hay không biết danh tánh.
Tôi muốn đếm lại các ơn phước nầy để dạn dĩ bước thêm và và xin Chúa an ủi anh em nào đó trong những ngày thiếu thốn.
Mục sư Trần Thái Sơn
Những ngày cuối năm 1986.
1.- SIRÉPA
Bốn giờ sáng!
Tôi biết rõ bốn giờ vì tiếng chuông của chiếc đồng hồ reo đã nói. Giống như một người vừa qua một cuộc tra tấn, các khớp xương hết sức đau nhức, nhưng tôi phải ngồi dậy vì trách nhiệm lúc năm giờ sáng nay với Lễ Phục Sinh tại Hội Thánh Lữ Gia. Tôi không biết có ai nghĩ lúc Chúa Jêsus sống lại, Chúa còn mang một chút nào cái đau đớn của thân xác mấy ngày trước đó không, riêng tôi thì cảm thông với Chúa lắm.
- Phải chi anh có một chai Sirépa để chích, hi vọng ngủ được một chút. Mấy hôm nay mệt quá, lại mất ngủ.
Tôi nói với Nhà tôi khi xe xích lô quẹo từ đường Nguyễn Thông qua Ngã sáu Hiền Vương, nơi có nhiều người mua bán thuốc tây.
- Tám mươi đồng một chai. Ðắt quá!
Kết luận bằng hai tiếng “đắt quá” làm cơ thể tôi đang đuối sức lại thấy nặng thêm.
Bác phu xích lô dường như cũng thấy nặng, không phải vì trọng lượng thân thể của hai người khách ốm yếu, mà vì thân thể đang đuối sức của họ sau chương trình Lễ Phục Sinh từ năm giờ sáng; mà cũng có thể vì ánh nắng mười một giờ trưa.
- Một giờ!
Lại phải ngồi dậy, không phải vì đồng hồ mà là vì khách đến.
Trưa nay tôi không ăn được vì mệt, chỉ ngồi uống một chút nước canh, đúng hơn là nước cải luộc, vì chẳng có tí thịt, tí mỡ nào.
Mới một giờ đã có khách. Một chị tín đồ ở ngoại ô thành phố đến thăm.
- Xin lỗi chị, tôi phải đi giảng ngay bây giờ, lúc một giờ rưởi. Chị ngồi chơi với Nhà tôi.
Vừa nói, tôi vừa mau lẹ chuẩn bị.
- Mục sư cứ tự nhiên. Chị tín đồ vui vẻ – trưa nay tôi được Chúa thúc giục đến thăm Mục sư nhân Mùa Phục Sinh.
- Cảm ơn chị. Xin lỗi tôi phải đi.
Sáu giờ chiều.
Chưa bao giờ tôi ngán đi giảng như chiều nay. Phải giảng rồi còn sinh hoạt vui với các bạn trẻ từ một giờ đến gần năm giờ. Tôi ngồi vào bàn ăn mà nhớ đến suất giảng lúc 7 giờ tối nay, chợt lòng cảm thấy sợ hãi.
- Em đố anh trong gói nầy là gì?
Nhà tôi vừa trao cho tôi một gói nhỏ quấn bằng bao nylon nhiều lớp. Tôi không cười nổi, cầm lấy và uể oải mở ra trong lúc Nhà tôi dọn cơm. Mệt thế mà còn rắc rối, bao nylon quấn đôi ba lớp, mà bao nào cũng dài.
- Ở đâu vậy? Tôi thốt lên một tiếng kêu ngạc nhiên cầm hai chai Sirépa đưa lên hỏi Nhà tôi:
Nhà tôi cười: Của chị Ru cho. Em cũng ngạc nhiên và nói với chị Ru là trưa nay, Nhà tôi (nói về tôi) đã ước ao có một chai Sirépa chích cho có khỏe một chút, vì mấy ngày nay mất ngủ, mệt quá. Sao chị biết mà đem đến vậy? Anh biết chị Ru nói gì không? Chị ấy bảo trưa nay chị được Chúa thúc giục đi thăm anh và muốn đem biếu anh một hộp thuốc bổ Campollon. Chị nhờ con trai của chị chở xuống nhà mình, nửa đường chị sực nhớ là quên hộp thuốc ở nhà. Chị bảo con của chị chạy qua chợ An Ðông tìm mua hộp thuốc khác. Tìm mãi không có Campollon, chỉ có Sirépa, nên chị đành mua hai chai đem biếu và xin lỗi vì không có thuốc tốt giúp anh. Em nói với chị Ru là chị cho Sirépa đúng là ý Chúa, vì sáng nay anh nói đến Sirépa.
Nhà tôi còn nói thêm lúc đang ngồi xuống bàn ăn: “Chúa đã nghe và bảo chị biết nhu cần. Nếu chị cho Campollon thì không kỳ diệu bằng Sirépa.
Tôi cầm hai chai Sirépa, dầu chưa chích, nhưng đã có một nguồn sức mạnh tràn vào người. Chúa đã đỡ tôi dậy cho buổi truyền giảng tối nay.
2.- ÐỌT ÐẬU RỒNG
Trong nhà chỉ còn gạo của Hội Thánh cho. Dĩ nhiên ăn cơm mà không có thức ăn thì khó nuốt. Cái nguy là đến muối cũng không có tiền mua thì làm gì nghĩ đến nước mắm. Làm Mục sư chủ tọa mà đi mượn tiền mua thức ăn thì chẳng còn gì để nói. Chúng tôi cầu nguyện xin Chúa tiếp trợ.
- Tương ở đâu ngon vậy? Tôi nhạc nhiên thấy trên bàn ăn có món tương ngon, hạt đậu tương tỏa mùi thơm.
- Hồi anh bị ở tù, em ở nhà làm tương bán để sinh sống. Hủ tương nầy bị hư, đổ thì uổng, em để đại ngoài sân phơi cả năm rồi. Bữa nay hết tiền đi chợ, em lấy ra ăn thử.
- Cảm ơn Chúa – tôi cười – Chúa dự bị trước một năm, nếu không hư thì bữa nay không biết làm sao.
- Còn món nầy nữa – Nhà tôi vớt từ trong nồi ra những cọng rau luộc màu xanh xanh
- Rau gì đó?
- Ðọt đậu rồng.
Tôi chưa bao giờ nghe ai ăn đọt đậu rồng, chỉ nghe ăn trái đậu rồng. Chưa bao giờ ăn, nay được ăn, lạ miệng có lẽ vì vậy thấy ngon. Tôi chợt nhớ câu ca dao:
Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon.
Ánh nắng buổi sớm mai chiếu len vào những lá đậu rồng, đứng từ dưới giàn đậu nhìn lên trông như những cánh hoa trong kính vạn hoa, thỉnh thoảng đâu đó chớp lên vì phản chiếu những giọt sương còn vương lại trên lá đậu. Những hạt đức tin vẫn còn, vẫn sáng, làm những đọt đậu rồng vươn dài hơn cho kịp đáp ứng dĩa rau chấm tương mỗi bữa cơm.
Trời nóng, trong nhà dưới mái tôn cũng đã gần bốn mươi độ. Chiếc võng đu đưa một cách mệt nhọc giúp tôi xua bớt màn khí nóng bất động chung quanh.
- Hôm nay là qua bốn ngày ăn đọt đậu rồng chấm tương – tôi nói khi nhìn giàn đậu rồng không có trái trước mặt – hôm nay không đổi thực đơn, thì Chúa nhật mệt lắm.
Nhà tôi đang lau dọn những chén dĩa, chỉ cười yên lặng. Có lẽ Nhà tôi đã nghĩ đến điều đó, vì tình hình sức khỏe của tôi, tôi đang bịnh nhiều từ ngày ở tù về, mấy lúc nay tôi bị ho kéo dài không ngồi nổi.
- Chào Ông Bà Mục sư.
- Chào bà Ba. Mời bà ngồi.
Tôi nhỏm dậy, lặp lại lời mời của Nhà tôi:
- Mời bà Ba ngồi.
- Dạ. Tôi ghé thăm Ông Bà Mục sư một chút rồi đi liền.
Vừa nói, bà Ba vừa lần lưng lấy ra một gói nhỏ:
- Tôi từ Tân Minh vô đây. Mấy ngày nay đi làm cỏ mướn. Cảm ơn Chúa cho được năm mươi lăm đồng. Tôi xin dâng cho Chúa một phần mười là năm đồng rưởi.
Bà Ba trao cho tôi gói giấy bọc nylon nhỏ bằng hai tay cách cung kính.
- Mai là Chúa nhật, bà Ba đi nhóm rồi đưa tiền nầy cho Ban Trị Sự ghi sổ luôn.
Bà Ba vẫn cầm hai tay và nói: Dạ không. Chúa cảm động tôi đem số tiền phần mười gúp Ông Bà Mục sư. Còn sáng mai tôi dâng tiền khác. Ông Bà nhận cho.
Tôi cầm lấy, lòng cảm động, nhìn theo bóng bà Ba, một người đàn bà nghèo, đi làm cỏ mướn để nuôi tôi hầu việc Chúa. Ðức Chúa Trời đã đổi thực đơn cho tôi bằng tô hủ tíu và bữa cơm với cá khô chiều nay. Sáng mai, tôi sẽ thuật lại phép lạ nầy cho Hội Thánh nghe…
3.- BÀ NGỌ.
Gia đình chúng tôi tám người, hai vợ chồng và bốn đứa con, thêm hai đứa cháu mới cưới ở chung. Chúng tôi chờ ăn cơm sáng.
- Thưa Cô Dượng, sáng nay hết tiền đi chợ rồi.
- Thế à. mà Dượng cũng hết. Thôi, chúng ta cầu nguyện.
Tôi bắt đầu cầu nguyện: “Lạy Chúa, cảm ơn Chúa đã cho chúng con thức ăn sáng nay. Xin Chúa bổ sức cho chúng con. Cầu xin Chúa tiếp trợ cho gia đình chúng con, vì đã hết tiền để đi chợ. Nhơn danh Chúa Jêsus Christ – Amen”.
Tất cả tám người đều A-men. Thằng con út mới hai tuổi cũng A-men, nhưng không biết nó có hiểu gì lời cầu nguyện sáng nay không. Bữa cơm rất vui vì đề tài A-men đó.
Có một chiếc Honda ngừng lại ngoài đường trước cổng rào. Từ chỗ tư thất của Hội Thánh đến vòng rào xa gần bốn mươi mét. Tôi không mang kính mắt nên không nhìn rõ là ai.
- Chào Thầy, có phải Thầy là Mục sư Sơn không?
Người thanh niên ngồi phía sau xe Honda đi một mình vào chào tôi.
- Xin lỗi, mời anh vào nhà. Tôi là Mục sư Sơn. – Tôi chỉ tay vào nhà và định quay người vào, vì còn mặc thung sau bữa cơm sáng.
- Dạ thưa Mục sư, - người thanh niên lễ phép nói – con xin phép trao thư nầy cho Mục sư và đi liền. Bà Ngọ bên Long Khánh gởi thư nầy cho Mục sư.
Tôi nhận thư đọc lướt qua phong bì, cảm giác ở tay cho tôi biết thư dày hơn thường lệ.
- Anh ngồi chơi, cho tôi xem có gì cần trả lời cho bà Ngọ.
- Dạ, bà Ngọ dặn chỉ cần trao thư cho Mục sư thôi. Xin phép Mục sư con đi, vì bạn đang chờ.
Trong phong bì là số tiền hai trăm đồng, không có thư, chữ gì cả.
- Ðây, ai cần tiền đi chợ thì Chúa gởi liền đây. Mới vừa cầu nguyện xin thì có ngay.
Từ đó đến nay tôi không gặp bà Ngọ và cũng không gặp lại người thanh niên đó, nhưng tôi vẫn nhớ bức thư có tiền đi chợ.
4.- HAI TRĂM
Lạ thật, bây giờ là hơn bảy giờ tối rồi, Chúa chưa gởi cho tôi như thường lệ. Mấy tháng nay, tuần nào Chúa cũng cho tôi đúng hai trăm đồng. Hôm nay tôi đã chờ từ sáng đến giờ. Không biết lịch và đồng hồ của Chúa có trở ngại gì không? Dầu sao thì cũng ăn cơm cho xong.
Gia đình chúng tôi thường ăn cơm trễ, vì các con đi học, nhất là Chúa nhật tất cả đi Nhà thờ. Sinh hoạt gia đình vào Chúa nhật thì đơn giản hơn, từ những ngày đầu đi hầu việc Chúa, để có nhiều thì giờ hơn, nên việc ăn hạn chế.
Ngồi vào bàn ăn, tôi nói với Nhà tôi:
- Chúng ta cầu nguyện. Mai không có tiền đi chợ đấy. Tuần nào Chúa cũng cho anh hai trăm đồng. Sao hôm nay chờ hoài không thấy.
- Con còn hai đồng
- Con cũng còn hai đồng
Hai con trai lớn của tôi có vẻ quan tâm và muốn góp phần vào số tiền cần trong gia đình. Ðó là niềm an ủi của tôi, vì các con biết hi sinh của mình có. Chắc nó không nghĩ đó là một hi sinh, chỉ là phản ứng tự nhiên.
- Ba chắc chắn là Chúa phải cho ba “hai trăm đồng” một tuần. Tuần trước nữa, ba đi giảng ở Cần Giuộc, Chúa cho Hội Thánh giúp ba hai trăm. Tuần rồi có ai ở nhà thờ gởi các con bao thư cũng có hai trăm.
- Nhưng sáng nay đi nhà thờ không ai gởi con hết.
Tôi buồn cười vì câu nói quá chân thật của con tôi. Tôi cầu nguyện:
- Lạy Chúa, cảm ơn Chúa cho chúng con một ngày được thờ phượng Chúa, hầu việc Chúa. Chúng con cũng cảm ơn Chúa cho thức ăn tối nay. Xin Chúa cũng nhớ tiếp trợ cho chúng con như Ngài đã hứa. Con cầu nguyện …
Có tiếng gõ cửa lúc tôi sắp kết thúc lời cầu nguyện ‘Nhơn Danh Chúa Jêsus Christ’.
Người khách gõ cửa là cháu Vũ, bạn của con út tôi, và là cháu nội của Mục sư Phó Hội Trưởng Ðoàn văn Miêng.
- Thưa ông Mục sư, ông nội con biểu con đem thư nầy cho ông Mục sư.
- Cảm ơn con.
Tôi nhận thư trong lúc các con tôi quay qua với cháu Vũ nói chuyện ồn lên. Tôi không nghe rõ chúng nói gì, chỉ loáng thoáng nghe tiếng cười hồn nhiên, vì trước mắt tôi là một bao thư đề tên người nhận là tôi, còn người gởi là Ẩn Danh với số tiền HAI TRĂM ÐỒNG được khoanh tròn!
5.- CÁI ÐẦU HEO
- Cậu Tám tới.
Các con tôi reo lên lúc sáu giờ chiều, chúng tôi đang sửa soạn đi giảng tối nay. Ði giảng mà chưa ăn cơm chiều. Tôi quyết định mượn hai lon gạo của bà Mục sư Huỳnh Tiên ở phía trên lầu để nấu cơm cho má tôi và các con tôi ăn. Vợ chồng tôi yên lặng với Chúa.
- Anh có cái đầu heo. Cô – anh tám gọi nhà tôi – làm món gì cho mấy đứa nhỏ ăn.
Một cái đầu heo!
Vừa vui cũng vừa ngán, nhìn đôi má heo phúng phính trông dễ tức cười, nhưng nhìn hàm râu, lỗ tai và nhất là hàm răng đều chắc chưa bao giờ chà răng của chiếc đầu heo trong lúc phải chuẩn bị đi giảng thì thật là tiến thoái lưỡng nan.
Luộc!
Môt quyết định được tôi đưa ra. Chỉ có giải pháp đó mới ổn thỏa để chờ đợi vợ chồng về sau hai tiếng đồng hồ nữa. Con mắt của chiếc đầu heo thì nhắm híp lại, con mắt của các con tôi thì mở rộng ra để so sánh với chén chao vụn trên bàn và chiếc đầu heo béo phệ. Không biết trong trí nghĩ gì, con tôi nói:
- Mai có thức ăn rồi đó ba.
Con tôi sung sướng ra mặt.
- Ừ, nhưng nhà chưa có gạo. Các con ở nhà cầu nguyện xin Chúa tiếp trợ và cầu nguyện cho ba đi giảng tối nay.
Tối nay buổi nhóm đông hơn thường lệ, vì trước Lễ Phục Sinh. Tôi ra về trễ hơn, đã hơn mười giờ khuya. Ngồi trên xe xích lô mà lòng vui sướng nghĩ đến tám người mới tin Chúa. Cái mệt, cái vui, đàn áp được cái đói suốt buổi chiều đến khuya chưa được ăn gì. Bây giờ lực lượng hai bên có vẻ đồng đều, bên đói có vẻ thắng thế. Rồi ngày mai, ngày mai làm sao? Tôi là Mục sư, con tôi cũng là Mục sư!
- Hồi nãy con đi, có chị Chín qua thăm má, nó cho má một trăm đồng, cho con một trăm. Nè, hai trăm đó, lấy mua gạo cho mấy đứa nhỏ. Cảm ơn Chúa cho như má cầu nguyện.
Má tôi – bảy mươi bảy tuổi – ở với chúng tôi và nâng đỡ chúng tôi bằng sự cầu nguyện, bằng công việc chăm sóc các con tôi, bằng những đồng tiền có được từ các con của má tôi.
Trong nhà bà góa Sa-rép-ta lại vừa có bột, vừa có dầu, vừa có gạo, vừa có cái đầu heo sau khi luộc lộ hai hàm răng cười vui vẻ.
6.- HAI CÁI ÁO SƠ-MI
Nhà tôi đi từ sáng mãi đến giờ chưa về. Tôi biết là chưa có tiền. Tôi biết chưa có tiền nên nhà tôi chưa về, buổi sáng đã nói thế trước khi đi.
Kể từ ngày ở tù về, tôi bị lao phổi, phải tạm nghỉ để trị bịnh, bao nhiêu sinh hoạt trong nhà đều do nhà tôi đảm trách. Mấy lúc nầy, nhà tôi đi bán chao. Thường khi nghe nói chở trên xe đạp một “két” chao từ Phú-lâm đến Bình-thạnh, được hưởng huê hồng hai mươi đồng. Ðược cái là có những hũ chao vụn để ăn. Hai mươi đồng mà cho cả nhà sáu người thì thiếu lắm.
Hôm qua, Chúa nhật, nhà hết gạo từ thứ sáu, rồi chưa bán được chao từ hai ngày, nên sáng nay nhà tôi đi từ sớm.
Nhìn lon bắp cuối cùng, tôi suy tính và chọn giải pháp nấu cháo là dễ nhất. Cháo bắp ăn với chao vụn! Tôi mỉm cười chua chát.
- Con lấy hết bắp nấu cháo đi.
Tôi bảo con trai lớn của tôi. Con tôi đã quen với công việc nầy từ hai ngày qua, tất cả không phàn nàn, lại có vẻ vui vì được ăn bắp. Chúa an ủi tôi bằng niềm vui của các con tôi.
- Bây giờ trong khi chờ Má về, mình nhóm cầu nguyện gia đình lễ bái trước.
Bảy giờ rưỡi! Buổi cầu nguyện bắt đầu. Chúng tôi nhóm gia đình lễ bái hằng ngày chỉ độ mười lăm phút sau giờ ăn cơm chiều. Bữa nay đổi khác một chút vì hoàn cảnh, vừa chờ cháo vừa lo cho nhà tôi.
Tám giờ. Có tiếng gõ cửa.
- Chào Mục sư, Ông Cụ (Cụ Mục sư Hội Trưởng Ông văn Huyên) nhắn Mục sư sáng mai ra Cụ. Có quà cho Mục sư ngoài đó (tư thất Mục sư Hội Trưởng ở số 7 Trần Cao Vân).
- Cảm ơn Thầy (tôi chào Thầy Thanh – cháu của Cụ Mục sư Hội Trưởng). Sao Thầy không làm ơn đem vào luôn?
Tôi cảm ơn, mừng, nhưng hơi thắc mắc hỏi.
- Cụ muốn gặp Mục sư luôn.
Thầy Thanh trả lời và kiếu từ.
Có quà! Tin vui, nhưng chưa cầm quà trong tay, cũng chưa biết quà gì. Vừa cảm ơn Chúa, vừa khó hiểu vì còn chờ đến sáng mai.
- Má về!
Tiếng các con tôi reo lên, tôi cũng thở ra nhẹ người. Dẫu sao nhà tôi về cái đã.
- Con lấy gạo nấu cơm đi.
Nhà tôi để túi gạo xuống và quẹt những giọt mồ hôi chắc đã chảy từ sáng đến giờ.
- Vo gạo đổ chung vô bắp đi con – tôi nói tiếp – em đi lâu làm anh lo quá.
- Em ráng chờ đến sáu giờ mấy, họ kết sổ mới lấy được tiền mua gạo về liền.
- Cụ nhắn mai ra Cụ có quà.
Tôi báo tin mừng để an ủi nhà tôi.
- Quà gì đó anh?
- Anh cũng chẳng biết.
Tất cả gia tài nhà tôi còn lại giao tôi đi gặp Cụ là năm đồng. Thật là ngại, tôi làm bài toán khó: Ði xe buýt hết ba đồng, lúc về thì sao? Dù sao thì cứ đi, đi hết sức cẩn thận vì sợ đụng phải quà bánh chung quanh không có tiền trả.
- À, ông Sơn đây à? – Bà Cụ Mục sư Hội Trưởng nói tiếp – Có một tín đồ gởi quà cho bốn người, mỗi người một quần đen với ba cái áo sơ-mi. Nhưng mấy người xét đồ họ xin một cái áo trong phần của ông; còn khúc vải đen thất lạc ở đâu. Ông ngồi chơi, chờ tôi một chút.
- Ông Sơn đâu rồi?
Tiếng Cụ hỏi từ trong phòng.
- Dạ, con đây ạ.
- Ồ, không biết sao nhè phần của ông họ lại lấy một cái áo. Còn mấy khúc vải đen, người tín đồ lãnh hàng làm lạc đâu mất. Tôi gởi ông ít tiền cho mấy cháu.
Ngồi trên xích-lô tôi nhẩm tính: Cụ cho năm chục đồng. Ði xích-lô – vì bịnh phổi mà – hết mười lăm đồng, còn ba mươi lăm đồng với hai đồng lẻ của nhà tôi đưa. Ba cái áo và một khúc vải đen còn hai cái áo. Chúa cho vượt quá điều cầu xin và suy tưởng.
7. XÔNG NHÀ
Tết!
Thế là nhà tôi đi bán hàng Tết. Bán gì bây giờ? Chị Lân (vợ anh Ðoàn Hưng Lân) bàn tính với nhà tôi đủ cách và cuối cùng nhà tôi với chị Lân đồng ý bán chén dĩa, bình gốm.
Vốn? Lấy chịu, hàng lấy chịu của người bán sỉ là bạn của chị Lân, lấy trước trả sau.
Chưa ai bán cả mà mình đã bày hàng bán, có chị Lân khuyến khích, hiệp tác tích cực, nên nhà tôi rất vững tâm.
Ngày đầu bày hàng bán, khách đông lạ; có người mua hàng, có người thấy hai người bán hàng lạ nên tò mò đến xem người bán. Mỗi món lời một hoặc hai đồng, chiều tối lại thấy vui. Có một ông khách cứ đi qua đi lại, rồi ngồi xuống lựa vài món mua, xong đứng dậy đi. Một lát sau ông khách đó trở lại trả mấy bó đũa và nói: “Tôi thấy hai chị hình như không phải người mua bán, tôi lấy mấy bó đũa mà hai chị cũng không biết. Tôi là quản lý chợ ở đây”. Hóa ra ông Quản lý chợ cũng lấy làm lạ và nghi ngờ hai chị bán hàng không biết bán.
Hôm sau. Sao có vẻ ít khách? Tôi giải thích với nhà tôi:- Hàng mình bán rẻ, nên họ mua nhiều. Tuy nhiên đâu phải ngày nào cũng ăn chén đũa mới, nên họ đâu thèm mua nữa.
Chị Lân bàn:
- Mình bán thứ khác kèm theo.
Nhà tôi hỏi:
- Bán gì nữa hả chị?
- Mình bán bắp cải – chị Lân trả lời – Tôi quen một người có cửa hàng rau quả.
Bắp cải mua ba đồng bán ba đồng rưởi một ký. Bảng treo lên gây cho mọi người chú ý. Mình là Cơ-Ðốc nhân phải bán đúng giá.
Chiều nay nhà tôi về sớm với vẻ mặt vui.
- Hàng bắp cải bán đắt lắm – nhà tôi khoe – mua ba đồng, bán qua tay ba đồng rưởi. Hai trăm ký hơn mà bán chỉ đến bốn giờ chiều đã hết.
Tôi cũng vui với nhà tôi và giúp nhà tôi tính sổ.
Cả hai đều có chung một đáp số: Huề vốn! Tại sao? Rõ ràng là có lời. Chả hiểu mất vào đâu. Chị Lân cũng ngạc nhiên. Lại suy nghĩ, lại tính toán, thì ra bắp cải bị nhót sau một đêm, rồi phải lột bỏ những lá bị hư.
Chiều ba mươi Tết, năm giờ hơn, tôi giúp nhà tôi rửa lại những chén dĩa bán không hết, hai bắp cải. Chúng tôi nhìn nhau cười. Nhà tôi lại lôi ra trong giỏ cái giò heo:
- Kết quả bán chợ Tết giàu to, còn cả một cái giò heo và thêm mười đồng. Nhà tôi đùa.
- Em làm anh nhớ Tú Xương: Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết.
Chung quanh vang tiếng pháo chiều cuối năm rời rạc như tiếng nấc nghẹn trong lòng người: Chiều ba mươi Tết mới hay.
- Lát nữa em xuống xông nhà của Mục sư nhé!
Em Ðoàn Hưng Linh, con của chị Lân gặp tôi sáng mùng Một Tết dưới lầu nói với tôi.
- Xông nhà à?!
Tôi nói cho có nói, rồi tiếp tục vốc nước rửa mặt. Từ đâu đó gợi lên trong tôi hồn thi sĩ. Tôi gọi em Linh:
- Nhà đâu mà xông.
Tôi buột miệng đọc:
Ðất tôi chúng giựt từ năm ngoái,
Nhà tôi đã bán tự thuở nào.
Bây giờ tôi sống trong thần thoại,
Chỉ còn trông đợi Chúa trên cao
VỊT KHÔ
Người Trung Hoa gọi món đó là ‘Lạp Ạp’, một loại thịt vịt có khi để nguyên con, có khi chỉ lấy đùi, ép mỏng ướp gia vị, rồi phơi khô.
“Rẻ lắm ba – thằng con trai thứ nhì của tôi nói – có mười tám đồng một ký”.
Tôi ngừng đũa nhìn nó:
“Cái gì mà mười tám đồng một ký? Một trăm tám chục đồng thì có”.
“Chắc mà ba. Chiều hôm qua đi học về con thấy ở chợ Cầu Ông Lãnh, người ta để giá mười tám đồng một ký”.
“Kệ họ, mười tám đồng hay một trăm tám cũng không mua. Có tiền cũng không mua. Thịt vịt khô cứng lắm”.
Tôi kết thúc câu chuyện để khỏi bàn tới mấy con vịt khô nữa, vì đó là món hàng xa xí phẩm đối với gia đình chúng tôi.
“Cứng mà ngon – Nhà thôi bất ngờ tham gia buổi thảo luận không dự định – Anh mua đi, mẹ con em ăn thế cho.
Tôi chịu thua vì thiểu số phải phục tùng đa số với tỉ lệ một trên năm. Buổi ăn sáng kết thúc với món vịt khô bàn cãi.
“Ai đó con?”
Tôi ở trong phòng hỏi vọng ra khi nghe con chó Ki sủa báo hiệu có khách. Con chó Ki được cái là sủa to, nhưng không cắn ai. Khi nào nó sủa rộ thì là khách lạ; khi nào sủa mà đuôi nó ngoe nguẩy, tôi biết là khách quen.
“A, bác Lương đến chơi. Rót nước mời bác Lương đi con”.
Tôi kéo ghế mời ông Lương Vĩ Hy, trong lúc ông đặt lên bàn một gói giấy hơi to. Ông Lương Vĩnh Hy là Chấp sự Hội Thánh tại Bình Tây, thường đến chơi lúc chín giờ sáng. Hôm nay cũng thế. Ông thường giúp đỡ gia đình tôi. Vì ông là người Hoa, nên chúng tôi chỉ kêu ‘Họ’ của ông như cách xưng hô của người Hoa, mà không kêu tên.
Sau một lúc nói chuyện vui vẻ, trước khi ra về, ông Lương chỉ túi giấy trên bàn và nói:
“Xin biếu Mục sư ít quà Tết”.
“Cảm ơn bác Lương”.
Cái gì thế? Túi quà hơi to và hơi nặng. Dù sao cũng phải đợi khách về. Cuối cùng bí mật cũng bật mí…
“Nè, mẹ con em ra đây coi nè – tôi vội vàng kêu Nhà tôi từ bếp ra – Nè, mẹ con em đòi ăn vịt khô, bây giờ Chúa cho một bầy vịt khô đó.
Không phải một đùi vịt khô, cũng không phải một con vịt khô, mà là ‘một bầy’ vịt khô. Không phải một ngày sau, mà là một giờ sau bữa ăn sáng!
KẸO
Ðừng tưởng ‘kẹo’ là ‘hà tiện’
‘Kẹo’ là một danh từ chỉ một loại thức ăn làm bằng đường, vị ngọt, có thể thêm mùi trái cây cho thơm.
Tối nay tôi thèm ăn kẹo quá chừng.
“Anh muốn ăn cái gì ngọt ngọt”.
“Mười một giờ khuya rồi làm sao?”
Nhà tôi bối rối khi nghe tôi nói.
“Thì nói thế thôi”
Tôi cũng không có cách gì giải quyết, đành nằm xuống ngủ. Có thể trong giấc mơ mình sẽ đi thăm hãng kẹo nào đó.
Nắng gắt quá, đi xe buýt về đến nhà, mồ hôi nhuễ nhại, còn phải đi bộ một đoạn đường mới đến nhà. Vợ chồng tôi là khách thường xuyên của công ty xe buýt tuyến đường Sàigòn – Chợlớn ngày Chúa nhật. Hôm nào về đến nhà cũng hơn mười hai giờ trưa. Mệt!
“Có khách đến chờ ba trên nhà”.
Con tôi đang chơi nơi cổng báo tin khi thấy tôi về. Tin tức làm tôi ngán sợ, bây giờ hơn mười hai giờ, mệt, chưa ăn cơm, chiều hai giờ phải đi giảng. Thế mà phải tiếp khách.
Hai người khách ngồi chờ ở cầu thang là Anh Hiếu và Anh Võ Bá Thanh.
“Mời lên nhà. Mời lên nhà”.
Tôi vừa bắt tay hai anh em, vừa mời lên nhà.
“Anh Bá Thanh và Hiếu đi Càmau về hồi nào? Rót nước đi con”.
“Dạ, tụi em về hôm thứ năm. Bữa nay ghé thăm Mục sư, gởi Mục sư món quà nhỏ. Tụi em xin phép về để Mục sư nghỉ”.
Tôi cầm món quà thấy nặng, nghe nói ở Càmau về, chắc là tôm khô hay cá khô. Nhưng đưa lên mũi thì không có mùi gì cả. Tôi định cứ để nguyên vậy đi nghỉ, rồi lại tò mò mở ra xem.
Kẹo!
Chúa đã nghe tôi nói hồi khuya, nên sai hai anh em là Bá Thanh và Hiếu đem cho tôi hai gói kẹo. Ðúng trọng lượng là một ký kẹo: nửa ký kẹo dừa và nửa ký kẹo đậu phọng.
Tôi nghe tiếng reo vui từ những tế bào cần chất ngọt trong tôi hát bài ca cảm tạ Chúa.
KHÁCH.
Hai người khách chiều nay là hai bà Chấp sự trong Hội Thánh tại Sàigòn. Hai bà thuộc Ban Thăm Viếng, cũng thân tình trong gia đình, thường nhớ đến chúng tôi.
“Ban thăm viếng của Hội Thánh có món quà nhỏ xin gởi đến ông bà Mục sư”.
Món quà là một bao thư trong đó có bốn trăm đồng.
Hai bà Chấp sự đã đi rồi, tôi và Nhà tôi vẫn còn ngồi đó: “Cảm ơn Chúa cho đúng nhu cần và đúng lúc”. Chúng tôi đã không đi chợ từ sáng hôm qua. Tôi đã thông báo cho gia đình biết trong giờ Gia Ðình Lễ Bái để cầu nguyện. Bây giờ lời cầu nguyện đã được Chúa nhậm.
- “Thưa ba, con đi học mới về. Thưa má, con đi học mới về”.
- “Ừ”.
Tôi gật đầu ỡm ờ vì đang suy nghĩ. Nhà tôi cũng gật đầu, thêm vài tiếng bảo thằng con út của chúng tôi rửa mặt, chuẩn bị ăn cơm.
“Hồi trưa tới giờ có ai đem tiền đến cho mình không hả má?”
Thằng con út của tôi hỏi sau khi vội vàng cất tập, không kịp thay quần áo. Nó thường nói chuyện với má nó, người mẹ bao giờ cũng dễ cảm thông hơn người cha.
“Sao con hỏi vậy?” – Nhà tôi ngạc nhiên hỏi nó.
“Mà có không, má nói đi?”
Nó vừa tựa người vào má nó, vừa ngước mắt nhìn lên hỏi, chừng như cũng muốn tôi trả lời.
“Có. – Nhà tôi nói tiếp – Có hai bà Chấp sự trong Hội Thánh mới ghé thăm, gởi tiền của Hội Thánh”.
“Ðó, con biết mà – nó reo lên sung sướng, đầy tự tin – con nói nhỏ cho má nghe”. Nó kéo tay má nó vào phòng nói gì đó.
“Nói nói gì đó?” – Tôi hỏi lớn.
“Nó nói – Nhà tôi bước ra khỏi phòng và cười – Hồi hôm, trước khi đi ngủ, nó cầu nguyện xin Chúa cho người ta đem tiền đến, vì gia đình con hết tiền đi chợ rồi. Nó chờ hồi sáng chưa thấy, nên biết chiều nay chắc chắn có”.
CON VỊT XIÊM
Má tôi thích nuôi vịt xiêm lắm. Từ ngày chúng tôi cưới nhau, tôi đã thấy trong nhà của Má tôi nuôi năm sáu con vịt xiêm thật to. Hôm Lễ Ðính hôn của chúng tôi cũng đã hi sinh hết mấy con. Vịt xiêm cũng dễ nuôi, Má tôi xắt chuối cây trồng quanh nhà trộn cám, cơm thừa, nó ăn cả.
Bây giờ ở với chúng tôi trong khuôn viên nhà thờ, Má tôi cũng nuôi. Có lần vịt ấp một rỗ, trứng nở hai mươi lăm con. Suốt ngày Mà tôi lùa qua, lùa lại, cho ăn, cho uống, che gió bên nầy, che nắng bên kia,… những việc như vậy cũng làm cho tuổi già vui vui.
“Hai con vịt xiêm đi đâu mất từ sáng tới giờ tìm hoài không thấy”. Má tôi ngồi vào bàn ăn trưa, buồn buồn nói.
“Có lẽ nó quanh quẩn đâu đó. Chiều nó về mà Má”.
Tôi trả lời nhưng không hiểu nó đi đâu. Sân nhà thờ rộng lắm, chung quanh là tín đồ, mất là chuyện lạ. Má tôi chỉ còn hai con vịt xiêm đó, định vài hôm tôi khỏe làm thịt mừng tôi ở tù về.
Tôi thấy Má tôi chỉ còn hai con vịt một trống một mái nên cố ý dần dừ để lại cho Má tôi nuôi. Ăn thịt nó rồi thì khó mà mua lại. Má tôi thì mừng tôi ở tù về nên quyết định làm thịt hai con vịt, vì vậy, tôi vịn cớ mới ở tù về không dám ăn thức ăn lạ. Bây giờ hai con vịt xiêm đi mất.
Sáng nay trong buổi cầu nguyện lúc bốn giờ của Hội Thánh, Má tôi nêu vấn đề cầu nguyện:
“Xin Hội Thánh cầu nguyện Chúa cho tôi tìm được hai con vịt xiêm. Tôi nuôi nó chờ ông Mục sư về làm thịt đãi mừng, mà hôm qua tới nay nó đi đâu mất.
Buổi cầu nguyện kết thúc lúc năm giờ sáng, trời còn tối mờ mờ, ánh đèn dầu con cóc chỉ đủ để nhận định phương hướng cho con cái Chúa ra về. Có mấy người nán lại hỏi thăm Má tôi chuyện hai con vịt xiêm. Có lẽ không phải con vịt quan trọng, nhưng tấm lòng của con cái Chúa đối với Má tôi là quan trọng.
Ánh sáng buổi bình minh ló dạng, một vài tia nắng sớm yếu ớt vút lên bầu trời…
“Con ơi, hai con vịt nó về. Cảm ơn Chúa …” - Má tôi reo mừng báo tin.
Tôi chạy vội ra, cặp vợ chồng vịt xiêm đang lịch bịch vừa đi vừa vươn cổ tiến về hướng nhà chúng tôi trong niềm vui đức tin của Má tôi.
CON GÀ MÁI
Bước vào căn nhà mới, tôi dừng lại ngay cửa. Có một cảm giác là lạ chạy trong cơ thể. Không hẳn là vui, có vương một chút buồn buồn.
Không buồn sao được, vì chức vụ phải tạm dừng trước cơn bịnh hiểm nghèo, vui vì gia đình tạm có chỗ ở qua ngày. Căn nhà nầy tôi đã bước vào một lần để thăm một Mục sư từng ở trước đây. Hình ảnh của căn phòng còn đâu đó trong trí óc tôi. Lần đó tôi chỉ đi thăm, bây giờ tôi vào ở.
Tôi chưa biết sẽ bắt đầu từ việc gì trước.
“Mấy con ơi, con gà mái chạy đâu mất rồi!”
Tiếng Nhà tôi từ trong bếp vọng ra. Tôi nhận ra việc đầu tiên phải làm, nên chạy vào bếp với các con, vừa kịp thấy bóng con gà nhỏ bay rớt trên mái nhà gần bên.
“Uổng quá! Hồi sáng dọn nhà xuống, bà Ba gởi con gà cho anh, em định làm thịt, lu bu lo dọn nhà, nó mổ sợi dây chạy mất. Uổng quá!” Nhà tôi lặp lại hai chữ ‘uổng quá!’ đầy hối tiếc.
Nhìn những nóc nhà chung quanh chập chùng nối nhau, tôi hiểu hai chữ ‘uổng quá’ của Nhà tôi đồng nghĩa với chữ ‘mất hẳn’. Nhà cao đến tầng ba, con gà mới đem từ Túc Trưng xuống, người còn chưa quen đường sá, huống chi con gà.
Gia đình tôi vừa dọn từ Túc Trưng xuống ngôi nhà nầy sáng nay, những tiện nghi còn quá mới mẻ đối với các con tôi. Tôi nằm nghe chúng nó bàn cãi từ cái quạt trần, cái vòi nước, cái nền nhà tráng xi măng màu láng lạnh…
“Con gà về rồi anh ơi!”
Lại tiếng gọi của Nhà tôi từ nhà bếp, chỉ khác là lần nầy đầy vui mừng và ngạc nhiên. Tôi choàng dậy bước vào nhà bếp vừa lúc con gà chạy đâm vào người tôi.
“Cho nó vào cái lồng của bà nội cho kìa”.
Tôi chỉ cái lồng gà cũ đã tháo ra xếp ở góc nhà, mỉm cười lắc đầu khó hiểu, vừa bước vào phòng. Con gà lai gà rừng, chỉ bằng bắp chân của tôi, chạy lạc giữa đất Sàigòn xa lạ rồi lại tự tìm về. Chúa cho nó trở về và đẻ trứng mỗi ngày luôn hai tháng trong lúc tôi đang trị bịnh, nhờ đó thêm chất bổ dưỡng cho tôi. Kỳ diệu thật!
CÁI QUẦN TÂY
Con tôi vào lớp sáu. Chuyện lớp sáu là chuyện phải có cái quần tây dài. Không biết ai đặt ra tục lệ lớp sáu phải mặc quần tây dài. Cũng cái quần, nhưng phải là quần tây dài.
Tôi nghĩ mãi không có cách gì giải quyết, còn đúng một tuần nữa là con tôi phải nhập học, nên phải có cái quần tây dài.
“Bây giờ em lấy cái quần tây của anh – tôi nói với Nhà tôi – chở con qua bên nhà của cô nó có máy may, nhờ sửa lại cho nó mặc đi học.
Nhà tôi nhìn tôi hỏi:
“Rồi anh lấy gì mặc?”
“Thì giải quyết cho con trước đi. Khi nào anh cần hẳn hay”.
Nhà tôi lấy chiếc xe đạp là tài sản duy nhất có giá trị của gia đình chở con tôi đi. Trời chiều, buổi chiều là thì giờ buồn nhất của một ngày – một ngày không lo cho con được cái quần tây mặc đi học. Tôi không muốn con tôi có ấn tượng về chức vụ của người hầu việc Chúa là nghèo đến thế, nó phải thấy Ðức Chúa Trời là Ðấng giàu có vô hạn.
Tôi quyết định khiếu nại với Chúa, nên vào phòng riêng quỳ xuống, tôi nói với Chúa thật nhiều.
“Ba ơi, có quà, ba ơi!”
Tiếng của con tôi từ dưới lầu vọng lên hòa với tiếng chân chạy lên cầu thang. Tôi đứng dậy.
“Quà gì?”
“Quà của chị Tám gởi”. Nhà tôi cười.
“Mà quà đâu?”
Tất cả cặp mắt của tôi và ba đứa con ở nhà nhìn vào chiếc giỏ của Nhà tôi.
“Quà bên cô Mai – con tôi lẹ miệng đáp – cô Mai nói ba qua nhận và đem tiền trả tiền thuế”. Ðáp xong nó quay qua các em nó:
“Quà đẹp lắm!”
“Ði ba, đi ba! Con đi nữa …”
Tự nhiên tôi thấy buồn không muốn đi, một chút tự ái len vào trong tôi: Tại sao buộc tôi phải đi qua mới đưa? Mà còn dặn là phải có tiền trả tiền đóng thuế? Cô ấy biết gia đình tôi đang ở trong tình trạng ngặt nghèo mà. Tôi nhìn các con tôi đang bàn tán sôi nổi, nghe tiếng hối thúc thơ ngây, vô tư của các con, tôi đành gác lại tự ái. Tôi nói với Nhà tôi:
“Em lấy hết tiền vốn làm bánh đem ra xem còn được bao nhiêu?”
“Một trăm chín mươi đồng”.
Nhà tôi trao hết số tiền cho tôi, số tiền vốn làm bánh bán hằng ngày để có thu nhập trong gia đình.
“Anh đi cho con nó mừng”.
“Con đi nhe ba?”
“Con đi nữa nhe ba?”
“Con đi nữa”.
Bốn cha con lên một chiếc xe xích lô chịu giá vừa đi vừa về hết mười lăm đồng, trả lại tiền đóng thuế hết một trăm tám mươi lăm đồng, như vậy còn thiếu năm đồng nên bị trừ bớt chai dầu gió xanh, còn lại ba khúc vải quần tây, một cục xà-bông thơm, một chai thuốc viên hiệu Izoniazid trị bịnh lao của tôi, và một cái túi xốp đựng. Bán đi tất cả, hoàn lại tiền vốn làm bánh để sống hằng ngày, bù tiền ăn hai ngày không làm bánh, mua cho con tôi một cái quần tây cũ ở chợ khu Dân Sinh. Thế là hết cả.
Ngày nhập học, con tôi mặc chiếc quần tây đầu tiên mới có của nó, miệng nó cười hãnh diện. Chúa đã cho nó một cái quần tây, lại còn cho nó tiền nhập học trường mới đúng lúc.
Những Vần Thơ
VIẾT CHO
TỔNG ÐOÀN THANH NIÊN TIN LÀNH
Ðiếu văn cho Tổng Ðoàn Thanh niên Tin Lành
Ngày chết: Lần thứ 17 [năm 1976]
Anh,
Anh chết đi khi tuổi vừa mười bảy.
Anh chết đi khi chồi non vừa mới nảy.
Tôi thương Anh, tôi nhớ Anh,
Tôi khóc Anh mà nước mắt tôi không chảy.
Năm phút thôi,
Một số người cắt gân lóc thịt lột da Anh,
Thân xác Anh không còn một mảy.
Nhưng hồn Anh, hồn của những trinh nữ đồng nam,
Hãy theo tôi,
Hãy ám ảnh tôi trên suốt linh trình.
Tôi thương Anh, tôi nhớ Anh.
Tôi tin hồn Anh còn mãi mãi,
Trong tấm lòng của tất cả Thanh niên
Những vần thơ trong tù
30-4-1978
23-4-1980
Ở TÙ TỰ VỊNH
Ba mươi năm tuổi mới ở tù,
Nghĩ chuyện trong nhà thật rối bu.
Vợ đã ốm đau đang nằm đấy,
Con còn non dại biết ai ru?
Từ đây Hội Thánh biết ai ru?
Sớm tối chăn, xây hết xuất thu.
Lo lắng, ốm o, nào nệ sức,
Làm tôi quyết chặt dạ muôn thu.
Làm tôi quyết chặt dạ muôn thu,
Ðạo Chúa miễn sao chẳng bị tù
Cầu nguyện ngày đêm càng tấn tới,
Làu Kinh sớm tối cũng toàn chu.
Phận riêng yêu Chúa quyết toàn chu,
Lân cận cứu người quyết nhịn nhu
Ðẹp ý Ba Ngôi Cha Chí Ái,
Quyền năng Ngài mở cửa nhà tù.
ÐỌC THƯ VỢ
Nhận được thư em tưởng chuyện tình,
Ngờ đâu lời lẽ rắn như đinh.
Dấu xưa nét chữ đầy tình nghĩa,
Ý mới câu văn cảm Thánh Linh.
Phận vợ vững tin đường lối Chúa,
Khuyên chồng chặt dạ nẻo Thiên trình
Ðọc qua chợt thấy lòng nao nức,
Quý thay người vợ Chúa cho mình.
Quý thay người vợ Chúa cho mình,
Phải đâu nhi nữ dạ thường tình
Ðảm đang việc Chúa lòng không nản
Gách vác công nhà dạ chẳng chinh.
Vun đắp Thái Sơn như bửu thạch,
Giũa mài Ngọc Ánh tợ minh linh
Cầu xin Thánh Chúa tài cao cả,
Ơn, sức, gia thêm lẫn giữ gìn
MÙA GIÁNG SINH KHÔNG VỀ
Mùa Giáng sinh nầy con không về,
Con không hề được nghe tiếng nhạc,
Vút lên cao để mừng Chúa xuống trần
Con không được dự phần trong ban hát
Cất lời ca khen ngợi Chúa Ngôi Hai.
Ôi êm đềm như bản Silent Night,
Mỗi lần trổi biết bao là an ủi.
Nhớ những buổi tối trời điểm sao lấp lánh
Khắp đó đây ánh điện chiếu muôn màu
Kia ngôi giáo đường với đỉnh tháp thật cao,
Ðứng im lìm, uy nghiêm, cổ kính,
Nay bỗng rực rỡ với muôn đèn, hoa, giấy.
Cũng thời gian, cũng không gian ấy,
Sao con thấy lòng mình dâng niềm rộn rã,
Chúa vì con Ngài đã giáng sinh
Nay con ngồi đây khi tuyết trời lành lạnh
Không giáo đường, không tiếng nhạc,
Không Thánh Kinh,
Con cầu xin mà không biết nói gì,
Con chỉ biết cúi đầu thổn thức,
Với nỗi niềm uất ức,
Vì con không được về viếng Chúa hôm nay.
Con xin hẹn một ngày mai,
Con sẽ về hát lại khúc Thiên Tình
23-12-1978
CHÚA NHẬT
- Chúa nhật, ngồi tù,
Trời không âm u,
Sao tôi nghe những chiếc lá mùa thu rơi nhè nhẹ
- Chúa nhật, ngày nghỉ,
Chỉ mình tôi tâm trí xuyến xao.
Ký ức bùng lên, những kỷ niệm trở về trong não
Từng đoàn người, từng sắc áo,
Cùng tôi vào Ðền Thánh tôn vinh
Dâng tiếng nhạc, câu kinh, lời cầu nguyện,
Bay lên cao, bay đến tận Thiên đàng.
- Chúa nhật, tôi buồn,
Cũng có người mang nỗi buồn thể ấy
Bước vào Ðền mà mắt thấy xa xăm,
Người thầm nguyện, rồi đứng lên chăm vào công việc
Ôi, biết bao giờ gặp lại người yêu?
- Chúa nhật, tiếng chim kêu
Tôi choàng dậy
Bàng hoàng nghe tiếng chuông ngân,
Thấy hồn thanh thoát lâng lâng lên trời.
(Một Chúa nhật buồn tại Trại Giam B5
Ðồng nai)
Viết tặng những người cha trong tù
THƯ CON TÔI
Thư con tôi viết mấy hàng,
Chữ cao, chữ thấp, trông càng dễ thương
Xa Ba rồi hai Mùa Xuân.
Ba ra đi từ lúc con chưa tròn năm học lớp hai.
Tan buổi học, con ngồi trước cửa,
Ðón Ba về như thuở nào thôi.
Con hỏi Mẹ: Sao Tết năm nay Ba không về hả Mẹ?
Mẹ quay đi, con thấy Mẹ khóc, Ba ơi!
Mẹ giận con hay Mẹ nhớ Ba?
Mẹ chẳng nói.
Con nghĩ, con buồn rồi con khóc.
Nay học lớp bốn,
Viết được thư, con gởi thăm Ba
Tuy xa Ba, con vẫn nhớ lời Ba dạy,
Gắng học hành, giúp Mẹ, thương em.
Ðêm từng đêm con nhắc Mẹ nguyện cầu,
Cho ba được sớm về với con với Mẹ
Nhà của mình bây giờ vắng vẻ,
Mẹ ít cười, ít nói hơn xưa;
Nội, Ngoại già, mắt thường lau kính,
Cũng chỉ vì thương nhớ Ba.
Hôm nay, Mẹ sắp gởi quà
Vội vàng con viết vài hàng thăm Ba
Xuân Canh Thân 1980
Viết cho Thần Học Viện Nha Trang
KỶ NIỆM
(1970-1971)
Bốn năm trước
Tôi nhìn Trường xa lạ
Lạ Thầy, cũng lạ bạn
Dù tất cả cùng Cha
Tôi ngước nhìn ngơ ngác
Nhưng chan chứa niềm tây.
Năm sau trở lại:
Tôi lại được về đây,
Ngôi Trường thành bạn cũ
Tôi mất vẻ thơ ngây.
Chào Thầy, chào bạn mới,
Bạn cũ cũng trở về.
Hai năm qua tiếp:
Ngã lai đáo tại hề
Trường cũ như năm nao
Duy Thầy tuổi về chiều
Tôi ngỏ lời thăm hỏi,
Tiếng chào không như trước
Tâm sự của tôi:
Tôi thấy mắt đọng nước,
Xa hẳn hai năm rồi
Mất đi niềm ao ước,
Bạn, Thầy, luôn trẻ mãi
Như Ngôi Trường thân yêu
Vị Thầy già nhất:
(Cụ Mục sư Viện Trưởng Ông văn Huyên)
Năm nay người già yếu
Gương mặt hằn nếp cũ
Tuổi đời, Ðạo, chất nhiều
Người đã vừa bảy chục
Nét chữ đã run run.
Vị Thầy yếu nhất:
(Cụ Mục sư Phạm Xuân Tín)
Người có nhiều tin hung(1)
Gánh nặng chồng gánh nặng
Nhân lực kể đã cùng
Chỉ trông vào thiên lực
Bước chậng cuối khỏi xiêu.
Vị Thầy mạnh nhất:
(Mục sư Vũ văn Cư thích thể thao)
Người vắng bóng buổi chiều (2)
Mái tóc đã hoa râm,
Ðôi vai luôn nặng trĩu.
Tiếng hát đã khàn đi (3)i
Nhưng tâm lực chưa già.
Vị Thầy vắng mặt:
(Giáo sĩ Revelle)
Người đã về xứ xa,
Hứa rằng sẽ trở lại
Tiếp tục việc rầy la
Việt quốc, Huê kỳ quốc,
Ðệ lai, Sư bất lai.
Vị Thầy vui nhất:
(Mục sư Phạm văn Năm)
Chức vụ đã đổi thay,
Người lo Truyền Sâu Rộng
Từ giã ngôi Trường nầy.
Tôi bùi ngùi tiếc nhớ,
Hình bóng của Thầy tôi.
Vị Thầy cao nhất:
(Giáo sư S. T. Sutherland)
Năm nay đã mang soi
Tuổi vừa tròn bốn chục.
Dạy thêm nhiều môn mới
Chú nhất về Tiên tri
Có lúc lệ đoanh tròng (4)
Vị Thầy quen nhấn:
(Giáo sĩ David Douglas)
Tôi gặp tại Vĩnh Long
Giọng nói thật ngọt ngào
Như ướp mật bên trong
Chứng đạo và giải nghĩa
Lúc nào cũng vui cười.
Vị Thầy mới nhất:
(Mục sư Kiều Toản và Giáo sĩ Steinkempt, hai vị mới về Trường)
Hai Thầy đều thật tươi
Thầy vàng cầm kỷ luật;
Thầy trắng dạy ít người.
Nhị Vị đều cấp tiến,
Sống thực với cuộc đời.
Các bạn thân nhất:
Làm sao nói hết lời,
Cái buồn đang da diết.
Rồi đây trong cuộc đời
Mỗi người về mỗi chỗ
Biết có gặp nhau không?
Các bạn mới nhất:
Tôi bạn một lần trông
Tám tháng tưởng đủ lắm,
Thoát cái ngựa qua song
Mặt trời về chỗ cũ (5)
Muốn nắm lại cũng đành!
Ngôi Trường thân nhất:
Hỡi Trường vùng biển xanh
Trường dạy tôi linh lực
Năm năm thật mong manh.
Giờ tôi, Trường từ biệt
Bút mực diễn sao thành
8.2.1971
Chú Thích:
(1) Năm ấy (70-71), bà Mục sư Tín bịnh rất nặng tưởng đã về với Chúa.
(2) Mỗi chiều, Mục sư Cư thường đánh bóng chuyền với Học viên
(3) Mục sư Cư phụ trách tập hát cho Viện, nhưng năm ấy ông giao việc cho anh em tự tập nhiều hơn.
(4) Một vài học viên làm Giáo sĩ phải khóc.
(5) Ngày khai giảng, mặt trời mọc ở một vị trí, rồi lệch dần, khi trở về vị trí lúc đầu, đó là lúc mãn khóa.
Kỷ niệm những ngày tù 25.6-1983
18.9-1984 (Những ngày biệt giam)
BA-BY-LÔN
(Chiều về – Thi thiên 137)
Ba-by-lôn!
Ba-by-lôn một kiếp lưu đày,
Ðất khách quê người nỗi đắng cay.
Chiều lên vọng hướng về quê cũ,
Buồn thương muốn khóc! Có ai hay…?
Ba-by-lôn!
Ba-by-lôn bên dòng sông lạnh,
Thành quách, đền đài, in bóng xanh.
Chiều lên gợi nhớ lòng lữ khách,
Làm sao quên được bóng Giô-đanh.
Ba-by-lôn!
Ba-by-lôn những ngày nhạc hội
Vui cười, nhảy múa, đầy tội lỗi.
Chiều lên hàng liễu buồn rũ tóc,
Ðàn treo tắt lịm tiếng đàn tôi
Giê-ru-sa-lem!
Giê-ru-sa-lem, ta nhớ lắm,
Những buổi chiều lên màu đỏ thắm,
Ðàn chiên ơi ới gọi nhau về.
Ta nhớ quá! Một Sa-lem đầm ấm!
Giê-hô-va!
Giê-hô-va nghe lời sám hối,
Tự đáy lòng tan vỡ sục sôi,
Cho Siôn vang bài ca thánh
Cho chiều về nối lại tiếng đàn tôi
Những ngày biệt giam.
BIỆT GIAM
Hai thước ruởi dài, thước rưởi ngang
Nhà gì mà tối như cái hang.
Nhà tù chớ phải đâu nhà tớ.
Can đảm vào, đừng có thở than.
Những ngày biệt giam
NGƯỜI BẠN MỚI
Tôi đứng giữa hang sâu
Trong lòng bầy sư tử
Làm gì đây? Bỏ chạy? Luống công thôi!
Cửa ngoài kia đóng chặt, khóa kín rồi.
Mắt thú dữ ngời lên trong bóng tối.
Tôi, Ða-ni-ên, đứng yên chờ chết,
Mạch máu căng, tim đập mạnh liên hồi,
Chân dính chặt, lún sâu nền đá lạnh.
Tôi muốn nói một lời trong cô quạnh.
Nói gì đây? Chúa có ở đây không?
Tôi, Ða-ni-ên, đứng yên chờ cái chết!
Giây phút qua tiếng gầm gừ chợt tắt,
Những bồm lông ve vẩy quanh chân.
Thật ngoan hiền như những chú mèo con.
Tôi chợt hiểu: vừa có thêm bạn mới.
Chúa trên trời đã ngự đến nơi nầy,
Ngài đã khóa bịt mồm sư tử.
Một bữa cơm chiều trong tù
NHỚ!
Không bữa cơm nào không nhớ em,
Bây giờ cô lẻ giữa bóng đêm.
Anh không muốn nhắc mà cứ nhắc,
Nhắc đến lại càng nhớ nhớ thêm.
Không bữa cơm nào không nhớ con,
Quanh bàn vui vẻ dẫu không ngon.
Thái Nhiệm, Thái Nghiêm, Thương với Nguyện.
Nhớ con từng đứa, nhớ bốn con.
Không bữa cơm nào không xót xa,
Nhìn cơm nước mắt cứ trào ra.
Nhai cơm cứ ngỡ nhai thuốc đắng,
Thuốc đắng lại thêm mật đắng hòa.
Không bữa cơm nào không thiết tha,
Nguyện cầu dâng Chúa tiếng ai ca,
Cho con thêm sức và năng lực,
Ðể bước lần theo ý của Cha.
|