Con Đường Thập Tự

ÐƯỢC TẤN PHONG CHƯC VỤ MỤC SƯ


Hôm nay tôi qua Long Khánh giúp Mục sư Nguyễn Hữu Viễn giảng truyền giảng Tin Lành. Mục sư Viễn là chủ tọa Hội Thánh tại Long Khánh, ông đang tổ chức truyền giảng tại sân nhà thờ. Mục sư Viễn dựng bục giảng trước vòm cửa nhà thờ, lấy sân nhà thờ và sân Trường Tin Lành kế bên để đón thân hữu. Ðến Long Khánh, thầy Truyền Ðạo Ðỗ Hữu Hoàng vừa gặp tôi đã hỏi: ‘Ủa sao Thầy còn ở đây?’ Tôi ngạc nhiên không biết việc gì. Thầy Hoàng cho tôi hay là Ban Trị Sự Ðịa Hạt đã trình Tổng Liên Hội xin phong chức cho 5 Truyền đạo, trong đó có tôi, còn bốn vị kia là Truyền Ðạo Ðặng Ngọc Thẳng, Truyền Ðạo Nguyễn văn Xoàn, Truyền Ðạo Nguyễn Hữu Tín, và Truyền Ðạo Nguyễn Thành Tâm. Suốt hai tuần qua bốn vị đã ra Vũng tàu mướn khách sạn ở để tập trung ôn lại chuẩn bị thẩm vấn sát hạch; phần tôi không hay biết gì cả, do Túc trưng là Xã ở xa, có lẽ thư của Ðịa Hạt gởi tôi bị thất lạc.
Tôi nghĩ không còn cách gì khác hơn là cứ ở lại giảng cho buổi tối hôm đó. Sáng hôm sau, tôi lên đường về Sàigòn dự thẩm vấn. Nhà tôi và Hội Thánh tại Túc Trưng không hay biết gì cả.
Về tới Sàigòn, ghé ngang qua Trụ sở Ðịa Hạt, tôi gặp bà Mục sư Nguyễn văn Quan và được xác nhận đúng 9 giờ sẽ thi giảng, mỗi người giảng 15 phút, còn 2 giờ chiều sẽ khẩu vấn.
Khi trở lại nhà thờ Nguyễn Tri Phương, tôi thấy Bảy Vị Mục sư trong Hội Ðồng Thẩm Vấn hiện diện đầy đủ với 4 Thầy Truyền Ðạo cầu phong, mỗi người cầm trong tay tập bài giảng đã chuẩn bị chu đáo; còn tôi chỉ có quyển Kinh Thánh trong tay, nên tôi tự nghĩ thôi thì cứ giảng lại bài giảng đã giảng vào sáng Chúa nhật vừa rồi ở Túc Trưng với đề tài: ÐIỀU RĂN MỚI. Buổi chiều, các Thầy mỗi người đầy đủ những câu trả lời theo quyển QUI ÐIỀU THẨM VẤN CHỨC VỤ MỤC SƯ, kèm theo nào sách Thần Ðạo học của Giáo sĩ John Drange Olsen, nào giải nghĩa Tiên Tri Ðaniên… Tôi chỉ có quyển Kinh Thánh. Người vào thẩm vấn trước bị sát hạch đến một giờ bốn mươi lăm phút, chúng tôi ở trong phòng xốn xang, lo lắng khi nghe Ban Thẩm Vấn rầy la Thầy ấy. Tôi là người thứ hai được gọi, tôi cứ nghĩ đến giờ nầy muốn học cũng không có thì giờ, tôi tự trấn an mình: ‘thôi thì cứ coi Bảy Vị ấy là những người chưa tin Chúa hỏi mình’, nghĩ như thế lòng tôi thấy Chúa cho bình tĩnh lạ.
Vừa ngồi xuống ghế, Mục sư Phạm văn Năm đã đẩy chiếc ghế có bánh xe của ông đang ngồi đến sát tôi, choàng tay qua vai tôi và hỏi liền: “Thầy có học Kinh Thánh mỗi ngày không?” Tôi đáp: “Dạ có”. Mục sư Năm hỏi tiếp: “Hôm qua học sách gì? Ðoạn nào? Câu nào? Câu đó nói gì?” Những câu hỏi dồn dập dễ gây bối rối. Cảm ơn Chúa cho buổi thẩm vấn cũng qua với độ 45 phút. Tôi ra về và về thẳng Túc Trưng.
Ngày 17 tháng 3 năm 1975, Chúa cho tôi được tấn phong chức vụ Mục sư. Suốt ngày hôm đó, tôi trông đến mỏi mòn Ban hát Thanh niên Hội Thánh tại Túc trưng theo dự định sẽ hát cho Hội Ðồng Thanh niên Ðông Nam Hạt tại nhà thờ Gia Ðịnh, nhưng không ai đến, mà tôi cũng không biết tại sao. Ðến tối, sắp đến giờ cử hành Lễ Phong chức tổ chức tại nhà thờ Nguyễn Tri Phương, tôi cũng không thấy Nhà tôi, không thấy Ban Trị Sự Hội Thánh tại Túc Trưng, không thấy Ban Hát như chương trình dự định (Hội Thánh đã quyết định tổ chức mướn ba chiếc xe đò dài chở Ban Hát, cùng toàn Ban Giáo chức của Trường Tin Lành tại Túc Trưng, Ban Chấp Sự và một số con cái Chúa, xuống Sàigòn dự Lễ phong chức của tôi. Trong đó Hội Thánh sẽ tặng quà cho tôi là bộ đồ veston mới để tôi mặc trong Lễ Phong chức. Tôi đi trước để dự Lễ khai mạc Hội Ðồng Thanh niên, sau đó phái đoàn sẽ xuống với Nhà tôi và các con. Vì thế tôi chỉ đem theo quần áo cho ngày hôm sau, còn tất cả chờ đoàn đem xuống. Không một tin tức nào được gởi đến, vì thời đó phương tiện truyền thông còn quá hiếm, tin tức chỉ chờ nghe từ các Ðài Phát Thanh ngoại quốc. Tôi sốt ruột vì ít nhất Nhà tôi cũng phải xuống để đem quần áo cho tôi thay nhưng cũng không thấy.
Còn độ 15 phút nữa thì Lễ Phong Chức được khai mạc, Mục sư Nguyễn văn Quan, Chủ Nhiệm Ðịa Hạt bảo tôi: “Dù sao thì ông cũng phải đi tắm và chuẩn bị”. Cảm ơn Chúa, tôi vừa quay vào thì Nhà tôi với hai ông trong Ban Trị Sự Hội Thánh với một vài tín đồ vừa tới. Hối hả, tôi chuẩn bị lên nhà thờ chịu Lễ, mà cũng chưa biết việc gì xảy ra.
Vừa dứt Lễ phong chức, bước ra tới sân nhà thờ, thì Mục sư Phang Quang Thiệu (lúc đó còn là Truyền Ðạo) đã kề tai tôi nói nhỏ: “Mất Ðịnh Quán rồi!”. Và bấy giờ tôi mới biết là vì quân đội Cộng sản đã chiếm Ðịnh Quán, các loạt đạn pháo bắn phá đường đi, mọi xe cộ đều ngưng chạy, nên Hội Thánh phải hủy bỏ chương trình du ngoạn mừng tôi được phong chức. Ðến 3 giờ chiều, Nhà tôi và mấy ông Ban trị Sự Hội Thánh với vài tín đồ liều đi bộ một quãng đường rồi lên xe xuống Sàigòn. Cảm ơn Chúa cho vừa kịp lúc.
Sáng hôm sau, trong giờ Hội Ðồng Ðịa Hạt nghỉ giải lao, ông bà Mục sư Ðoàn văn Miêng, Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt-nam khuyên tôi đừng trở lại Túc Trưng vì tình hình khẩn cấp lắm. Mục sư Hội Trưởng bảo tôi ở lại Sàigòn và sẽ sắp đặt chức vụ cho tôi. Tôi phân vân đến trưa thì vợ chồng tôi quyết định về lại Túc Trưng, vì nghĩ đến sự hoang mang của con cái Chúa, trong khi những tín đồ dự Lễ phong chức đã về ngay khuya hôm đó.
Trên đường về, chỉ có vợ chồng tôi và đứa con trai út trên xe với tài xế và một người lơ xe, trong lúc hàng đoàn xe chạy ngược chiều về hướng Sàigòn đầy ắp người. Một cuộc đón mừng đầy nước mắt của con cái Chúa, họ khóc vì nghĩ rằng chúng tôi đã bỏ họ. Một số tín đồ cũng theo dòng người chạy lánh nạn đi rồi.
Chúng tôi cứ ở Túc Trưng, cứ nhóm lại thờ phượng Chúa, cứ nhóm cầu nguyện như thường lệ hằng ngày, dù số tín đồ giảm một phần ba do chạy lánh nạn, nhưng toàn Ban Trị Sự vẫn còn đầy đủ. Cuộc chiến giằng co ngay cầu La Ngà, cách Túc Trưng độ 13 cây số. Thêm một việc là Mục sư Phạm văn Thanh, chủ tọa Hội Thánh tại Ðịnh Quán về Sàigòn dự Hội Ðồng một mình, bây giờ về Ðịnh Quán không được nữa, ông phải ở lại Túc Trưng với chúng tôi để chờ tin tức của bà và 6 người con còn kẹt ở Ðịnh Quán chưa biết sống chết ra sao. Ngày ngày có những người từ Ðịnh Quán chạy thoát được xuống, cuối cùng chúng tôi cũng được tin từ một chị tín đồ: Bà Mục sư Thanh và các cháu còn sống, nhà thờ thì bị cháy hết.
Ngày thứ tư 17 tháng 4 năm 1975, một ngày lịch sử của Túc Trưng. Sau giờ cầu nguyện trên nhà thờ như thường lệ từ 4 giờ đến 5 giờ sáng, thì ông Trưởng Ấp Ðồng Xoài chạy đến gặp tôi báo tin: “Ông Mục sư ơi, có lịnh di tản’. Ông nói xong là bỏ đi ngay. Vừa lúc ấy, tôi nghe những tiếng nổ phía đồn lính địa phương quân gần nhà thờ. Sau khi nói lại cho Nhà tôi biết, tôi liền đi đến chỗ đồn lính. Ðến nơi thấy mọi người đang thu dọn và tôi được xác nhận là có lịnh di tản.
Trở lại nhà thờ, tôi không biết quyết định thế nào, có nhiều tín đồ đã hay tin và chạy ra nhà thờ hỏi ý kiến của tôi. Ðang lúc ấy có một đoàn quân đi bộ về hướng Sàigòn trên quốc lộ 20, tôi đứng nhìn thì thấy có một người mặc quân phục với đầy đủ súng ống, đang đi bỏ hàng đi về phía tôi đang đứng. Người lính ấy là viên Trung Úy Trưởng Cuộc Cảnh sát, anh ấy chào tôi và cho biết có lịnh di tản, anh yêu cầu tôi với gia đình cùng đi, anh và lính của anh sẽ yểm trợ cho chúng tôi. Tôi cảm ơn anh và nói: “Trung Úy có lính của Trung Úy; tôi có tín đồ của tôi. Tôi chỉ đi khi nào không còn tín đồ nào ở đây. Thôi Trung Úy đi đi, lính của Trung Úy đang chờ”. Anh ấy suy nghĩ một chút, rồi đứng thẳng người chào kính tôi trước khi quay lưng tiếp tục đi.
Lúc bấy giờ tín đồ kéo đến nhà thờ quá đông, hầu hết là những người già, phụ nữ, trẻ con. Ban trị Sự Hội Thánh còn lại đầy đủ với tôi, chúng tôi quyết định tạm lánh một nơi nào đó có nước uống, vì lo rằng máy bay sẽ oanh kích hoặc có giao tranh; còn nếu đi đường quốc lộ thì chắc chắn gặp đánh nhau, rất nguy hiểm. Tôi cho chất lên xe máy cày của Hội Thánh mấy bao gạo, một phuy dầu gas-oil phía trước đầu xe máy cày, nước uống một ít. Cuối cùng sắp xếp những người già và trẻ con lên rờ-móc xe máy cày, những người còn lại thì đi bộ hoặc đi xe đạp chở người theo.
Khi chiếc xe máy cày rời cổng nhà thờ, tôi nhìn lại và nước mắt tôi tuôn chảy, lòng xót xa tự nghĩ: Ai sẽ coi sóc Nhà Chúa? Nhìn lại đoàn người toàn là già, yếu, những người mạnh khỏe đã đi trước lâu rồi …. Bao nhiêu suy nghĩ, đoàn người di chuyển chưa đến một cây số, tôi yêu cầu hội ý với Ban Trị Sự và chúng tôi quyết định trở lại nhà thờ, vì không thể đi đâu với số người quá đông và quá yếu.
Vừa trở lại nhà thờ, một thảm cảnh đau lòng diễn ra, tất cả trẻ con khát nước òa ra, khóc đòi uống nước khi chúng thấy cái giếng nước. Một mặt tôi cho các bà lấy gạo nấu cháo ngay, một mặt tôi ra lịnh cho các thanh niên chạy về các khu vực nhà ở của tín đồ giữ an ninh, vì e rằng trong lúc giao thời chưa có Chánh quyền sẽ có người lợi dụng trộm cướp. Các thanh niên đã về kịp lúc để rượt đuổi những kẻ xấu đã vào nhà của tín đồ.
Sau khi mọi người ăn cháo lấy lại sức, tôi nhờ Ban Trị Sự Hội Thánh phát cho mỗi gia đình ít gạo, mì gói của Trường học còn lại, lần lượt các con cái Chúa trở về nhà. Ðộ chừng 20 phút sau, một đoàn lính quân đội Cộng sản cầm súng đi dọc hai bên theo quốc lộ từ hướng chợ xuống. Tôi đứng trước hiên tư thất nhìn, lần đầu tiên thấy người Cộng sản. Một chế độ mới bắt đầu! Chiều nay là chiều thứ tư, một vài con cái Chúa ra nhà thờ với vẻ lo lắng hỏi tôi: “Mục sư ơi, có giật chuông nhóm cầu nguyện không?” Tôi trả lời: “Có chớ!” Ðó là buổi nhóm cầu nguyện đầu tiên trong chế độ mới.

 



NHỮNG NGÀY ÐẦU TRONG CHẾ ÐỘ MỚI.

Treo Cờ!
Suốt ngày 17 tháng 4 năm 1975, tin tức từ các con cái Chúa cho tôi biết là tất cả các chức sắc Tôn giáo trong Xã Túc Trưng như các Linh mục Công giáo, các Hòa thượng Phật giáo đã bỏ đi hết, chỉ còn Linh mục giáo xứ Tam Bung thì đã bị bắt giữ. Mặt trận phía Long Khánh vẫn còn giao tranh dữ dội, quân đội Sàigòn đang chận tại ngã ba Dầu Giây. Hàng đoàn người chạy về Sàigon bằng đường quốc lộ hoặc băng rừng cao su, sự chết chóc vẫn diễn ra hằng ngày. Ðài phát thanh Sàigòn vẫn tiếp tục kêu gọi tử thủ.
Sáng ngày 18 tháng 4 năm 1975, khoảng 8 giờ, con trai lớn của tôi từ trước tư thất chạy vào nhà sau báo tin: “Ba ơi, có khách”. Bà gia tôi cũng vừa vào, nói nhỏ với tôi: “Có hai người Việt Cộng”.
Tôi bước ra, theo sau tôi là Mục sư Phạm văn Thanh, chủ tọa Hội Thánh tại Ðịnh Quán, một tháng qua ông ở với chúng tôi chờ tin tức của Bà và các con của ông bà. Có hai người đang đứng trước hiên tư thất, một người đội nón cối, mặc quần nâu, áo xanh, mang súng ngắn, tay ôm một xấp cờ xanh đỏ Giải Phóng của chế độ mới, còn một thanh niên mặc bộ đồ màu nâu của lính, mang súng trường.
Tôi bước ra lên tiếng: “Chào hai anh”. Người thanh niên có lẽ là dân địa phương gật đầu chào lại tôi. Còn người Cán bộ kia ra vẻ hách dịch, chẳng nhìn tôi cũng chẳng lịch sự chào lại, mặt lầm lầm nhìn chung quanh cơ sở nhà thờ. Tôi lên tiếng mời lần thứ hai: “Mời anh vào nhà uống nước”. Mời xong, tôi trở vào nhà không đợi nữa, tôi ngồi xuống uống tách trà còn nóng. Người Cán bộ đó từ từ bước vào và ngồi đối diện với tôi, nhưng cứ vênh mặt nhìn khắp trong tư thất với gương mặt ra vẻ nghiêm trọng. Ðột nhiên anh ấy hỏi: “Nhà nầy là nhà của ai?” Anh cũng không nhìn tôi hoặc nhìn ai, cứ nhìn dáo dác như tìm kiếm cái gì trong tư thất. Tôi trả lời: “Ðây là nhà của Mục sư thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt-nam. Tôi là Mục sư, nên tôi ở trong nhà nầy. Mời anh uống nước”.
Anh ấy quay lại nhìn tôi với vẻ quan sát, rồi hỏi: “Anh biết hôm nay là ngày gì không?” Tôi đáp: “Biết chớ. Hôm nay là ngày Chánh quyền Cách mạng tiếp thu Túc Trưng”. Anh ấy gật gật đầu rồi nói tiếp: “Tốt. Hôm nay, tôi đem cho anh mấy lá cờ Cách Mạng (loại cờ hai màu xanh đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng, cờ nầy của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam). Anh cho người dán tất cả những nhà chung quanh đây”. Tôi nói: “Ðược. Nhưng tôi nói trước, nhà thờ tôi không có dán”. Anh ấy quát lên: “Nhà người nào cũng phải dán!” Tôi gằn giọng trả lời: “Nhà người nào cũng phải dán, nhưng Nhà Chúa tôi không dán!” Anh ấy rút súng dằn lên bàn  và đứng bật dậy bước ra ngoài, khẩu súng vẫn để trên bàn với xấp cờ. Chúa cho tôi bình tĩnh lạ, ngồi uống nước chờ đợi. Cảm ơn Chúa, mấy phút sau, anh ấy quay vào, lấy súng giắt vào người, miệng nói: “Tôi để đây năm lá cờ, anh cho người dán lên”. Anh đếm năm lá cờ rồi đứng lên đi không nói lời từ giã tôi, chỉ có em thanh niên du kích gật đầu chào tôi, trong khi tôi nói với theo lời cảm ơn. Tôi nhờ thanh niên trong Hội Thánh dán hai lá cờ ở hai đầu dãy phòng học, và giữ lại ba lá cờ làm kỷ niệm.
(Trong chế độ trước 1975, sau ngày Hiệp Ðịnh Paris được ký ngày 27 tháng 1 năm 1973, ông Trưởng Ấp địa phương dẫn Nhân Dân Tự Vệ, đến tư thất yêu cầu tôi cho vẽ cờ vàng ba sọc trên những nóc nhà trong khuôn viên nhà thờ. Tôi nói với ông Trưởng Ấp là ông muốn vẽ ở đâu thì vẽ, nhưng đừng vẽ trên nóc nhà thờ, vì nhà thờ thuộc phạm vi Quốc tế. Ông Trưởng Ấp ấy cứ đòi vẽ, tôi cương quyết không cho. Ông ấy có vẻ tức giận bỏ đi.
Một lát sau, viên Trung Úy Trưởng Cuộc Cảnh Sát đến tư thất gặp tôi nói là đến thăm. Sau vài câu xã giao, tôi vào đề: “Trung Úy đến đây là vì ông Trưởng Ấp báo cáo phải không?” Tôi nhắc lại lý do không đồng ý vẽ cờ trên nóc nhà thờ. Viên Trung Úy Trưởng Cuộc giả lả nói rằng tại ông Trưởng Ấp không biết, thăm hỏi vớ vẩn rồi ra về).

BA CÂU HỎI
Buổi sáng ngày 2 tháng 9 năm 1975, ngày Quốc Khánh đầu tiên của chế độ mới, một người khách bước vào tư thất gặp tôi. Người khách nầy đội nón cối, tuổi độ trên năm mươi, mặc bộ đồ gồm áo xanh nhạt, quần nâu bộ đội, mang dép râu. Vẻ người của ông khắc khổ, nói giọng người Quảng Trị hay Nghệ Tĩnh rất nặng và khó nghe.
Sau khi chào hỏi nhau và uống tách nước trà nóng (dường như ông rất thích uống trà nóng, nên tôi vừa rót đầy là ông lại uống ngay). Người nầy vào đề ngay: “Tôi là cán bộ trong Tỉnh ủy tỉnh Tân Phú (Tỉnh mới của chế độ mới gồm Ðịnh Quán và Túc Trưng). Nhơn ngày Quốc Khánh, tôi ghé thăm anh thuộc Giáo hội Tin Lành, và muốn hỏi anh ba câu hỏi”. Người Cán bộ đó ngừng lại uống tách nước nóng tôi vừa rót. Tôi biết rằng đây là một Cán bộ cao cấp và trước khi gặp tôi, ông ấy đã có chuẩn bị trước.
Tôi mời ông nói tiếp. Ông ấy nói: “Câu hỏi thứ nhất, tôi phải gọi anh bằng gì? Câu thứ hai, Ðạo Tin lành tin điều gì và thờ điều gì? Câu thứ ba, Ðạo Tin Lành quan niệm thế nào về Chánh quyền Cách Mạng?”
Tôi trả lời:
Câu thứ nhất: Những người tín đồ gọi tôi là ‘Mục sư’ (tôi không nói ông ấy gọi tôi là Mục sư).
Câu thứ hai. Tôi lấy quyển ‘TIN LÀNH LÀ GÌ?’ và lật từng trang cắt nghĩa cho ông ấy hơn một tiếng đồng hồ. Sau đó tôi tặng ông quyển sách nhỏ đó luôn. Ông ấy đưa hai tay nhận sách cách trịnh trọng và cảm ơn.
Câu thứ ba: Tôi nói về việc Mục sư Lê-văn Thái đã đến Bắc Bộ Phủ để chào Chủ Tịch Hồ Chí Minh, trong dịp đó, Chủ Tịch Hồ Chí Minh có cấp cho Mục sư Thái một giấy phép đi từ Bắc vào Nam để thăm các Hội Thánh. Tôi vừa nói đến đó thì người Cán bộ nầy buột miệng nói ông có thấy giấy phép đó trong Bộ Nội Vụ. Tôi trình bày một số nét tương đồng giữa Chánh quyền Cộng sản và tổ chức của Hội Thánh như:
1.    Thể chế hai bên đều là Cộng hòa Dân chủ, quyền quyết định tối cao của Hội Thánh là Ðại Hội Toàn quốc, giống như Quốc Hội.
2.    Chánh quyền Cộng sản dựa vào Nhân dân, giống như Hội Thánh dựa vào tín đồ.
Sau hơn một giờ ngồi nghe tôi giải thích, người Cán bộ đó từ giã và gọi tôi là Mục sư, ông nhìn nhà thờ một chút rồi bước đi.