Can Thiệp Việc Ði Nghĩa Vụ Quân Sự
Thầy Truyền Ðạo Nguyễn văn Thanh, chủ tọa Hội Thánh tại Ấp Cây Xăng, ở trong tuổi Nghĩa Vụ Quân Sự. Ðây là đợt nghĩa vụ quân sự đầu tiên trong chế độ mới. Thầy báo cho tôi hay và chưa biết giải quyết thế nào.
Tình thế gấp rút, tôi cùng ông Phó Thư Ký của Hội Thánh đi lên Ủy Ban Nhân Dân Xã trình bày ý kiến, thì được chỉ qua Ban Tuyển Quân. Lúc nầy bên trong phòng của Ban Tuyển Quân khá đông người, ai cũng có sự lo sợ đối với chế độ mới, người đứng kẻ ngồi thấp thỏm. Cảm ơn Chúa, khi tôi bước vào thì một vài lính du kích địa phương nhận ra tôi, nên nói nhỏ vào tai bà Cán bộ Trưởng ban Tuyển Quân, bà ngước lên hỏi tôi: “Thầy có việc gì đó?” Tôi lập tức trình bày nhu cần của Hội Thánh tại Cây Xăng, nên xin cho Thầy truyền Ðạo Thanh được miễn thi hành nghĩa vụ quân sự. Nghe xong, bà ấy bảo tôi về đi, sẽ trả lời sau.
Cảm ơn Chúa, họ không trả lời chấp thuận, cũng không nói gì đến Thầy Truyền Ðạo Thanh, nên Thầy bình an tiếp tục lo công việc Chúa.
Tình Huống Ðặc Biệt
Trong đợt kêu nghĩa vụ quân sự nầy, đột nhiên một số thanh niên trong Xã gồm 11 Ấp đều trốn vào rừng. Riêng trong Hội Thánh tại Túc Trưng đã có 71 thanh niên trốn đi. Chánh quyền Xã bối rối, ngày nào cũng bắt loa hướng phía rừng để kêu gọi các thanh niên đang trốn ra đầu thú. Gần một tháng mà không ai trở về. Tôi cũng nghe tín đồ báo cho biết là một số các em nhớ nhà có về lúc khuya, rồi lại trốn đi.
Ðột nhiên, trưa Chúa nhật, sau giờ Hội Thánh nhóm thờ phượng Chúa, ba người cán bộ trên Xã gồm: Phó Chủ Tịch Xã, Trưởng Công An Xã, và Trưởng Ban Nông Hội Xã, đến tư thất tìm tôi.
Sau khi chào hỏi, ông Phó Chủ Tịch Xã hỏi tôi Ðạo Tin Lành nghĩ thế nào về Chánh quyền Cách mạng. Tôi nói với ông rằng, có ba điều giống nhau giữa Chánh quyền Cộng sản và Ðạo Tin Lành.
Thứ I: Ðạo Tin Lành theo thể chế Cộng hòa Dân chủ, quyền quyết định tối cao của Hội Thánh là do Hội Ðồng Ðại Biểu Toàn Quốc, mỗi năm họp một lần, giống như Chánh quyền mới, quyền tối cao là Quốc Hội, hay Ủy Ban Ðịa phương.
Thứ II: Chính Karl Marx, ông tổ của Cộng sản, là một người Tin Lành, đã lấy sự dạy dỗ của Kinh Thánh về Hội Thánh đầu tiên sống theo chủ nghĩa Cộng sản (tôi đọc Kinh Thánh sách Công vụ 2:42-47) mà lập ra Chủ Nghĩa Cộng sản (Thật ra Hội Thánh đầu tiên áp dụng Chủ Nghĩa Cộng Sản là do tự nguyện và do yêu thương nhau, không phải cưỡng bách như chế độ Cộng sản hiện có).
Thứ III: Lời Chúa trong Kinh Thánh (tôi đọc sách II Têsalônica 3:10), ai không khứng làm việc thì không có phép ăn. Chúa dạy con người phải siêng năng làm việc.
Người Cán bộ lớn tuổi nghe đến đó dường như thích thú buột miệng: “Kinh Thánh cũng kêu gọi lao động à?”
Câu chuyện lần lần chuyển sang việc chính, họ nói chiều nay xuống thăm tôi muốn nhờ tôi một việc. Họ rào đón là họ nói mười, đồng bào chỉ nghe một hai; còn tôi nói một, đồng bào nghe tới năm, mười. Việc họ nhờ tôi là giúp Chánh quyền kêu gọi các thanh niên đang trốn nghĩa vụ quân sự trở về trình diện.
Tôi thấy thật khó từ chối, mà nhận lời thì tôi làm sao kêu gọi, không chừng họ lại cho tôi là người chủ trương bỏ trốn. Tôi trả lời làm được gì thì sẽ làm, nhất là khi có dịp gặp phụ huynh của các em, nhưng tôi cũng yêu cầu Chánh quyền đừng làm khó các em khi các em về trình diện. Họ lập tức hứa quả quyết sẽ không buộc tội và cũng không bắt các em đi nghĩa vụ quân sự nếu các em không muốn.
Tôi bối rối và xin Hội Thánh cầu nguyện, vì các em về cũng khó cho tôi, các em không về cũng khó cho tôi. Bất ngờ, đến tối thứ tư, một vài em thanh niên trong Hội Thánh về, cha mẹ các em báo tin cho tôi. Cảm ơn Chúa đến cuối tuần, tất cả các em đều về đầy đủ cả và không bị làm khó dễ gì. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết tại sao các em trở về, trừ ra lời giải thích là Chúa gọi các em về, còn các em thì nói có sự thúc giục các em về, và về trong tuần đó.
Ở TÙ LẦN THỨ NHẤT.
Sáng Chúa nhât ngày 30 tháng 4 năm 1978, tôi giảng Thi thiên 146, đến câu 7, Ðức Giê-hô-va giải phóng người bị tù, tôi thấy mình giảng giải khô khan, gượng ép khi giải thích. Trưa Chúa nhật, sau giờ thờ phượng Chúa, tôi lên đường đi Sàigòn để buổi tối sẽ giảng cho Hội Thánh tại Bàn Cờ ở đường Ðiện Biên Phủ (đường Phan Thanh Giản cũ), do cụ Mục sư Trần Xuân Hỉ làm chủ tọa, Truyền Ðạo Châu văn Sáng làm Phụ tá. Cùng đi với tôi có ba thanh niên người Thượng Chrau trong Hội Thánh tại Túc Trưng là Ðiểu Nhậu, Ðiểu Dậu, Ðiểu Ðậu.
Buổi nhóm thật vui với những bài Thánh ca do các em Thiếu nhi hát. Sau buổi nhóm, tôi nhờ Thầy Truyền Ðạo Sáng đem giấy phép đi đường của tôi và ba thanh niên người Thượng trình địa phương tạm trú.
Ðến khoảng 11 giờ khuya, Công An khu vực và Tổ Trưởng Tổ Dân Phố đến gọi chúng tôi lên Công An Phường 14, Quận 10, ngay góc đường Ðiện Biên Phủ và Cao Thắng, nói là để ký tên tạm trú. Chúng tôi hơi ngạc nhiên, Cụ Mục sư Hỉ hỏi Tổ Trưởng Dân Phố, thì người Công An trả lời không có gì, chỉ là thủ tục.
Tại Công An Phường, tôi thấy có hai Công An đang ngồi chờ sẵn. Vừa vào, họ bảo chúng tôi mỗi người ngồi cách xa nhau, bắt đầu quát tháo cho rằng chúng tôi dùng giấy phép đi đường giả. Tôi khẳng định, nếu muốn biết thật hay giả thì họ cứ gọi về Túc Trưng sẽ biết ngay. Rồi họ lại quay qua xét hành lý của chúng tôi, tất cả chỉ là những vật dụng tạm thay một ngày. Tôi cẩn thận nhìn kỹ vì lo rằng họ có thể bỏ vào một món gì bất hợp pháp để vu cáo chúng tôi. Tôi chợt nghe tiếng của người Công An quát tháo một trong ba thanh niên kia: “Mày còn cầm gì nữa đó? Ðưa ngay ra!” Họ lên cò súng rốp rốp. Tôi quay lại thấy Ðiểu Dậu cũng đang nhìn tôi đầy vẻ sợ hãi, hai tay đang giấu dưới bàn. Tôi tình thật: ‘Cứ đưa cho anh ấy xem”. Không ngờ đó là giấy chứng nhận của FULRO (Fulro là nhóm người Thượng đòi tự trị từ thời Ðệ Nhất Cộng Hòa), họ cấp cho Ðiểu Dậu. Thế là cả bốn chúng tôi cùng với Thầy Truyền Ðạo Sáng bị tống giam vào nhà thù của Công An Quận 10 ngay giờ đó.
Trước năm 1975, tôi từng nhiều lần vào các Trại giam để giảng Tin Lành như: Trại giam Cần thơ, Biên hòa, Nha-trang. Nhưng lần nầy chính tôi vào Trại giam với thân phận là tù nhân. Lúc ấy khoảng một hoặc hai giờ sáng, cánh cửa tù là cửa song sắt mở ra, vừa bước chân vào, một mùi hơi người nồng nặc xông ra, mắt tôi chỉ thấy hai hàng người nằm sát nhau, tôi ngồi xuống ở mép nền nhà cao hơn cái trũng nơi cánh cửa độ hai tấc. Tôi nghe một tiếng nói nho nhỏ: “Ông Thầy bị hồi nào vậy?” Tôi nhìn thấy một người đang nằm cách tôi một người đang ngẩng đầu lên nhìn tôi và hỏi. Tôi trả lời: “Mới hồi nãy”. Người ấy vỗ nhẹ người nằm bên cạnh, rồi cả hai lách mình ra dành cho tôi một chỗ nằm trên nền gạch.
Cảm ơn Chúa dự bị cho tôi có một người bạn trong tù đầu tiên, tên anh là Nguyễn Quốc Úy, một người Công giáo Lamã theo Phong Trào Thánh Linh. Khi biết tôi là Mục sư Tin Lành, anh đã nhường chỗ nằm phía ngoài gần cửa của anh cho tôi, còn anh thì phải vào tận trong cùng đáng lẽ là chỗ của tôi như qui định của phòng giam dành cho người mới vào.
Phòng giam là một phòng nhỏ, bề ngang độ ba mét, bề dài sáu mét, không có hệ thống vệ sinh, tù nhân đi tiểu ngay ngoài cửa phòng giam, nơi đó có một vòi nước để dội ra ngoài. Mỗi ngày vào buổi sáng hay trưa, họ sẽ mở cửa để tù nhân ra ngoài hành lang đi vệ sinh hoặc tắm. Chỉ có ba phòng vệ sinh mà có đến đôi ba chục người. Còn tắm thì tù nhân lấy nước trong phòng và phòng giam kế bên (phòng giam kế bên cử người ngồi ngay cửa vói tay xối nước ra cho người phòng bên tắm. Rồi sau đó đổi ngược lại). Ðể cố gắng kéo dài thời gian cho mọi người có thể đi vệ sinh và tắm, anh em trong phòng giam phụ trách quét dọn phòng làm bộ làm chậm hơn, dù phải chịu la rầy.
Với kích cỡ phòng giam như vậy, họ nhốt ít nhất là hai mươi người, có khi lên đến ba mươi người. Do đó tù nhân phải nằm ngủ kiểu ‘six x neuf’ (6x9), nghĩa là nằm trở đầu, đôi khi phải nằm nghiêng suốt đêm. Họ không cho ngồi sau giờ báo ngủ.
Mái phòng giam bằng tole rất thấp, khi đứng lên phía mái thấp, có thể bị đụng đầu, vì thế từ trưa đến chiều, cộng với hơi người nóng kinh khủng. Phía trên trần nhà, họ kéo kẽm gai ngăn ngừa tù nhân vượt ngục.
Họ nhốt đủ mọi loại tù nhân, chính trị có, trộm cướp có, xì-ke ma túy có, cán bộ có … Có người vào hôm trước, hôm sau chuyển đi nơi khác; cũng có người như tướng cướp Mười Lung bị giam ở đó trên hai năm. Ðiểu Ðậu bị giam nơi phòng giam có tướng cướp Mười Lung làm trưởng phòng giam. Mười Lung là tướng cướp nổi tiếng một thời ở vùng Cần-thơ, chuyên bắt cóc người đòi tiền chuộc. Chúa dùng tướng cướp nầy che chở và nuôi Ðiểu Ðậu suốt những tháng tù tại Trại giam Công An Quận 10, vì thấy Ðậu còn nhỏ tuổi nhưng sống hiền lành đạo đức. Nhờ đó Ðiểu Ðậu không bị ăn hiếp, trái lại còn được ăn uống đầy đủ. Các thanh niên khác như Ðiểu Dậu, Ðiểu Nhậu, cũng nhờ các tướng cướp khác che chở.
Tôi nhớ ngày họ di lý chúng tôi về Trại giam Ðồng nai, tướng cướp Mười Lung đã leo lên lỗ gió của phòng giam la lớn: “Chào ông Mục sư. Cảm ơn ông đã cho tôi gặp Ðiểu Ðậu. Ông Mục sư và mấy em đi bình an”. Tôi chỉ thấy thoáng gương mặt của ông, vì ông ở trong phòng giam tối.
Lúc bấy giờ là năm 1978, là năm đói kém bắt đầu trong cả nước. Trại giam không có cơm, họ dùng bột mì đem nhồi rồi cán từng cái tròn đường kính độ ba tấc, dầy độ một phân, đem luộc, cắt ra làm bốn phần, phân phát cho tù nhân mỗi người một góc tư. Cảm ơn Chúa dự bị cho tôi có anh Nguyễn Quốc Úy, vì nhà của anh ở Ngã Sáu Hiền Vương (nay là Võ thị Sáu), nên gia đình của anh hầu như tiếp tế mỗi tuần. Anh Úy đã chia xẻ cho tôi phần cơm gia đình gởi vào, còn anh tình nguyện ăn bột luộc. Anh thuộc vài bài Thánh ca, nên thường rũ tôi song ca với anh, nhất là bài Thánh ca “Thật tôi có sự bình an”. Mỗi sáng anh đều lấy nước sôi của Trại giam phát pha sữa, pha bột gạo lức, chia cho tôi uống. Thật Chúa có thương xót sự yếu đuối của tôi. Ngoài anh Úy, Chúa cho các anh em khác trong tù cũng dành cho tôi tình cảm tốt đẹp.
Những ngày chất cung đầu tiên làm tôi mệt mỏi vì những người Công An trẻ hống hách. Một Công An trẻ độ hai mươi tuổi, không biết y mang cấp bậc gì (tôi không biết cấp bậc của người Cộng sản). Khi tôi vừa ngồi xuống ghế trước bàn chất cung, y vỗ bàn, hò hét, vừa nói vừa đi qua, đi lại, nào là đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại. Tôi không thích thái độ bất lịch sự đó, nhưng tôi cũng biết những hạng người như vậy rất dễ làm bậy, nên tôi giả vờ như người điếc, nhìn quan sát chung quanh hơn là nghe. Hơn ba mươi phút sau, anh ấy dừng lại nhìn tôi và hỏi: “Nãy giờ anh không nghe tôi nói gì à?” Tôi đáp: “Nghe chớ.” Anh hỏi tiếp: “Thế tại sao anh không nói gì?” Tôi đáp: “Những điều anh nói đâu liên quan gì đến tôi. Anh bảo phải thật thà khai báo, anh khỏi cần nói, người Tin Lành chúng tôi theo Lời Chúa dạy: Kẻ nào nói dối thì không được vào Thiên đàng, nên lúc nào chúng tôi cũng nói thật.” Anh ấy suy nghĩ một chút rồi từ từ ngồi xuống nói: “Bây giờ tôi hỏi, anh có nói không?” Tôi đáp: “Dĩ nhiên, điều gì tôi biết thì tôi nói.”
Sau đó vài ngày, tôi nghe những người trong phòng giam có Thầy Truyền Ðạo Sáng, khi họ ra tắm trước phòng giam tôi, anh em cho hay là Thầy Sáng đã cự cãi với người Công An hỏi cung, nên bị còng tay kiểu số 9 hai ngày nay (còng kiểu số 9 là một khóa ở cườm tay, một khóa ở bắp tay) nhưng họ đã siết chặt bắp tay Thầy Sáng làm nghẽn mạch máu, hiện cánh tay của Thầy đã bị liệt rồi. Lập tức, tôi nhờ mấy anh em trong phòng giam la lên yêu cầu cho tôi gặp Cán bộ Chấp pháp. Họ tưởng tôi cung khai gì đó, nhưng tôi đã khiếu nại việc Thầy Sáng bị còng cách độc án như vậy. Cảm ơn Chúa, Trưởng Trại giam ra lịnh tháo còng cho Thầy Sáng, rồi họ cho nhắn tin người nhà của Thầy gởi thuốc rượu vào để xoa bóp, đồng thời cũng nhờ những người trong phòng giam hết lòng giúp đỡ lấy muối với nước sôi bóp cho Thầy, nhờ đó cánh tay của Thầy lần lần được phục hồi.
Sau một tuần từ thứ hai ngày 1 tháng 5 đến chiều thứ năm ngày 4 tháng 5 năm 1978, một Cán bộ Công An gọi tôi ra chất cung, anh ấy tự giới thiệu là Trung Tá bên Sở Công An Thành phố, rồi lịch sự hỏi thăm sức khỏe của tôi, tiếp đến anh ấy vào đề bằng câu hỏi bất ngờ với tôi: “Anh Sơn, hình như anh có tài làm Ðiếu văn phải không?” Tôi trả lời là tôi không biết làm Ðiếu văn. Anh ấy nói: “Tôi hỏi vậy, vì anh có viết một bài Ðiếu văn cho Tổng Ðoàn Thanh niên Tin Lành”. Tôi chợt nhớ bài thơ mà tôi đã viết sau khi Cụ Mục sư Hội Trưởng Ông văn Huyên đứng giữa Hội Ðồng Tổng Ðoàn Thanh niên lần thứ 17, ra lịnh cho các Ðại biểu Thanh niên không được thảo luận, chỉ cần đưa tay biểu quyết giải tán Tổng Ðoàn Thanh niên.. Tôi trả lời: “À, đó là bài thơ vớ vẩn tôi viết cho Tổng Ðoàn Thanh niên”. Anh ấy hỏi tôi: “Anh còn nhớ bài thơ đó không?”, và yêu cầu tôi đọc lại bài thơ.
Tôi đọc:
Anh! Anh chết đi khi tuổi anh vừa mười bảy.
Anh chết đi khi chồi non vừa mới nảy.
Tôi thương Anh,
Tôi khóc Anh, mà nước mắt tôi không chảy.
Năm phút thôi,
Một số người cắt gân, lóc thịt, lột da Anh…
(Sự việc như thế nầy: Vào buổi sáng khai mạc Ðại Hội Tổng Ðoàn Thanh niên Tin Lành Toàn quốc lần thứ 17, tại nhà thờ Sàigòn, Cụ Mục sư Hội Trưởng Ông văn Huyên đã giảng cho Hội Ðồng theo sách Ê-xê-chi-ên đoạn 37, khích lệ Thanh niên tự đứng trên chân mình, phải lắp thịt, lắp gân vào, v.v… Ðến chiều, tự nhiên chúng tôi nghe râm ran là sẽ có quyết định quan trọng. Sau phần nghi thức thờ phượng, Cụ Mục sư Hội Trưởng xuất hiện bước lên tòa giảng tuyên bố: “Hội Ðồng không được bàn luận gì cả, tôi yêu cầu Hội Ðồng đưa tay biểu quyết giải tán Tổng Ðoàn ngay giờ nầy”. Một vài cánh tay đưa lên muốn phát biểu gì đó, nhưng Cụ Mục sư Hôi Trưởng đã gạt phăng, yêu cầu biểu quyết giải tán Tổng Ðoàn. Kết quả đa số cánh tay đưa lên, không cần đếm, biên bản được lập và Tổng Ðoàn giải tán. Tức cảnh sinh tình, tôi lấy viết và cuốn sổ tay trong túi nguệch ngoạc vài vần thơ tựa đề “Khóc Tổng Ðoàn Thanh Niên Tin Lành” như sau:
Anh!
Anh chết đi khi tuổi Anh vừa mười bảy,
Anh chết đi khi chồi non vừa mới nảy.
Tôi thương Anh!
Tôi khóc Anh, mà nước mắt tôi không chảy.
Năm phút thôi,
Một số người cắt gân, lóc thịt, lột da Anh.
Thân xác Anh không còn một mảy,
Nhưng hồn Anh, hồn của những trinh nữ đồng nam,
Hãy theo tôi! Hãy ám ảnh tôi trên suốt linh trình.
Tôi thương Anh! Tôi nhớ Anh!
Tôi tin hồn Anh còn mãi mãi,
Trong tấm lòng tất cả Thanh niên.
Viết xong, tôi đưa bài thơ cho bạn tôi là Mục sư Nguyễn Thành Tâm, Phó Ðoàn Trưởng Thanh niên Ðông Nam Bộ xem. Mục sư Tâm mượn tôi bài thơ và đã trả lại tôi buổi tối hôm đó. Mục sư Tâm cho biết là đã đọc bài thơ cho buổi cầu nguyện của Ðoàn Thanh niên nghe. Thật lạ là bây giờ Công An Thành phố biết(?)).
Vừa đọc đến “Một số người cắt gân, lóc thịt, lột da Anh”, người Cán bộ Công An chận lại và hỏi tôi: “Lúc ấy anh có đưa tay không?” Tôi trả lời: “Không”. Người Công An ấy hỏi tiếp: “Anh có biết đó là lịnh của Chánh quyền yêu cầu giải tán Tổng Ðoàn Thanh niên Tin Lành của mấy anh không? Anh không đưa tay tức là anh cố ý chống lại Chánh sách của Ðảng và Nhà Nước”. Tôi đáp: “Tôi có nghe phong thanh lịnh như vậy, nhưng tôi không đồng ý giải tán. Mấy anh làm như vậy vô tình đã ký tên vào bản án của chế độ trước để lại về Cộng sản”. Anh ấy chồm người tới: “Chế độ trước nói gì về chúng tôi?” Tôi đáp: “Chế độ trước nói rằng Cộng sản là Vô Tôn Giáo. Bây giờ các anh vừa vào đây đã dẹp các tổ chức Thanh niên như Ðoàn Thanh niên Phật tử, Thanh Sinh Công của Công giáo, giờ lại dẹp Tổng Ðoàn Thanh niên Tin Lành. Rõ ràng các anh chủ trương Vô Tôn giáo. Tổng Ðoàn Thanh niên Tin Lành chúng tôi mỗi năm chỉ họp một lần nghe giảng Bồi linh, ngoài ra đâu có làm gì khác, thế mà mấy anh cũng dẹp”.
Tôi đã có một cuộc tranh luận gay go những vấn đề tổ chức Hội Thánh, từ việc bầu cử các chức vụ lãnh đạo, vấn đề thông tin báo chí của Hội Thánh … suốt buổi chiều thứ năm hôm đó.
Chiều thứ sáu ngày 5 tháng 5 năm 1978, tôi lại được gọi ra gặp người Công An hôm qua. Vừa khi tôi bước vào phòng chất cung, anh ấy đứng nghiêm nói với tôi: “Thay mặt lãnh đạo Sở Công An Thành phố, tôi xác nhận anh Sơn vô tội. Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết để anh trở về kịp ngày mai thứ bảy lo việc nhà thờ”. Xong phần tuyên bố, anh ấy mời tôi ngồi và vào đề: “Hôm nay, tôi thay mặt Sở Công An Thánh phố đề nghị với anh một việc. Chúng tôi biết anh đã xin đổi về Sàigòn bốn lần (Tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe việc nầy. Khi ra khỏi tù, tôi có hỏi Cụ Mục sư Hội Trưởng Ông văn Huyên tại sao Công An biết tôi xin đổi bốn lần? Cụ Mục sư Hội Trưởng cũng ngạc nhiên nói với tôi rằng những đơn xin đổi của tôi gởi Tổng Liên Hội, Cụ chưa hề đem ra bàn, chỉ cá nhân Cụ xem và gặp tôi khuyên đừng thay đổi, thế mà Công An biết) – anh ấy tiếp: “Bây giờ chúng tôi có ba điều kiện ưu đãi cho anh:
1. Anh sẽ được đổi về Thành phố (Sàigòn) như anh đã bốn lần xin thay đổi.
2. Anh sẽ được chọn bất cứ nhà thờ nào anh muốn.
3. Tất cả những hoạt động vè tài chánh của anh sẽ do Nhà Nước đài thọ.
Ðiều kiện của chúng tôi chỉ cần anh xác nhận những người sau đây là phản động”. Anh ấy nêu tên từ Mục sư Phó Hội Trưởng Ðoàn văn Miêng đã nhận của Hội Truyền Giáo Mỹ 4 tấn vàng; Mục sư Phạm văn Thâu giữ bao nhiêu tiền và xe của Hội Biếu Tặng Kinh Thánh; Mục sư Hồ Hiếu Hạ đã lùa dân bỏ Chánh quyền Cộng sản từ Quảng Ðức chạy về Ðà-lạt, bây giờ trốn trong Sàigòn; Mục sư Ðinh Thiên Tứ xúi giục tín đồ chống Chánh quyền … Anh ấy yêu cầu tôi chỉ cần ký tên xác nhận là đủ.
Tôi nói với anh ấy rằng: “Chức năng xác nhận ai là người phản động là chức năng của Công An, không phải chức năng của Mục sư. Vả lại, vấn đề bốn tấn vàng tôi quả quyết rằng không thể có, vì Hội Truyền Giáo CMA là Hội nghèo, 4 ký vàng còn chưa có, làm gì có 4 tấn vàng”. Sau hơn một tiếng đồng hồ một bên cố ép, một bên nhất định từ chối. Tôi nói mạnh: “Anh đừng bắt một con chim đại bàng làm chuyện của con chim se sẻ. Tôi làm người không phải là chó săn!” Anh ấy tức giận trả tôi vào phòng giam với lời dặn: “Khi nào có gì cần, anh cứ bảo cán bộ quản giáo cho gặp Hai Hải bên Sở Công An, tôi sẽ qua”. Tôi đợi hoài không thấy lịnh cho về như đã hứa.
Tôi ở Trại giam Quận 10 đến năm tháng, không ai gọi ra, không ai hỏi đến, bao nhiêu người bị tống vào phòng giam, rồi lại chuyển đi đâu đó. Rốt cuộc chỉ còn tôi là tù nhân lâu nhất trong phòng giam nầy.
Những ngày trong tù tại đây, tôi chứng kiến bao nhiêu cảnh đời không thể gặp ngoài đời thường.
§ Một thanh niên quê ở Mỹ tho lên Sàigòn, bị bắt giam, cứ cho rằng bị oan ức. Hai hôm sau, người thanh niên đó thình lình lấy chai nước tương đập bể phần dưới chai rồi cầm đầu chai đâm vào bụng tự sát, ruột lòi ra. Một người trong phòng giam lanh ý thoi anh một đấm, anh thanh niên ngã xuống. Lập tức có người lấy tay ấn ruột vào, kêu cấp cứu. Nghe nói thanh niên ấy được chở vào Bịnh Viện Chợ Rẩy may bụng lại và cho về.
§ Mỗi tuần Trại giam cho thăm nuôi một lần. Ngày thăm nuôi thì những người ghiền thuốc lá hút thỏa thích. Một hôm chưa tới kỳ thăm nuôi mà trong phòng giam không ai còn thuốc hút. Tôi thấy những người ghiền thuốc hết sức yên lặng kềm chế cơn ghiền. Buổi trưa, một Công An đến đứng trước cửa phòng giam điểm danh, người Công An đó rít một hơi thuốc rồi quăng tàn xuống đất, ngay chỗ mỗi lần trong phòng giam đi tiểu thì dội nước cho chảy ra đó. Những người ghiền thuốc trong phòng nhốn nháo. Người cán bộ Công An thắc mắc, còn những người ghiền thuốc trong phòng vừa chỉ tàn thuốc vừa nói: “Dế nhủi”. Người cán bộ ấy nói: “Thôi, dơ lắm”. Thế mà sau khi người Công An đó đi rồi, họ nắm tay nhau để người ngoài cùng cầm cây chổi quét phòng vói tay ra khều cho được tàn thuốc. Tàn thuốc đã bị ướt, họ lấy mảnh giấy báo nhỏ, dùng nhựa thuốc lào trong điếu cầy trét lên, rải nhúm thuốc vụn lên, thay nhau hà hà làm cho sợi thuốc khô lại. Khi xong, họ vấn lại thành một điếu thuốc nhỏ như đầu đũa ăn, thay nhau hít với đôi mắt vô cùng thích thú. Tôi thật không ngờ thuốc lá làm cho con người mất cả danh dự, lương tri như vậy.
§ Một thiếu niên 15 tuổi bị tống giam vì tội sử dụng xì-ke ma túy. Em thiếu niên nầy bị cơn ghiền vật vã, la hét, ói mửa. Những người trong phòng lấy nước lạnh tạt vào người của em nầy, theo lời giải thích của họ là để giảm bớt sự khó chịu trong người. Mấy ngày sau em nầy tỉnh lại, bò lại gặp tôi và hỏi: “Chú ơi chú, chú là Mục sư hả?” Tôi ngạc nhiên và xác nhận. Em thiếu niên đó nói: “Con tên Vũ. Ông ngoại con cũng là Mục sư”. Tôi lại càng ngạc nhiên hơn nữa, hóa ra em nầy là cháu ngoại của Cụ Mục sư Lưu văn Mão, vì cha mẹ li dị, Vũ buồn gia đình nên lao vào nghiện ngập. Tôi cầu nguyện cho Vũ, nhơn đó người trong phòng đối xử tử tế với Vũ, trái với thông thường là người trong phòng rất ghét người nghiện xì-ke.
Bẵng đi gần 10 năm, một hôm tôi đang đứng trên vĩa hè chờ sửa chiếc xe gắn máy, thình lình có một thanh niên lái một xe gắn máy chạy lên lề đường nhắm thẳng vào tôi. Chiếc xe thắng ngay sát chân tôi, vừa lúc ấy người thanh niên trên xe lên tiếng: “Mục sư, con là Vũ nè”. Tôi nhìn và cố nhớ, nhưng vẫn không nhớ được. “Con là Vũ, cháu ngoại của Mục sư Mão nè”. À, thì ra! Cảm ơn Chúa cho Vũ đã gặp Chúa, trở nên một thanh niên khỏe mạnh, đẹp trai, và nhất là đã trở lại lòng yêu mến Chúa.
§ Một trong vài tình huống trớ trêu. Vào lúc nửa đêm, một thanh niên bị đưa vào phòng giam, chân đi có tật, thế mà Công An lại còn còng một chân của anh vào song cửa sắt. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho anh, nhưng chưa kịp nói gì, người Công An vừa quay lưng đi một chút, bất ngờ anh thanh niên cúi xuống tháo một khúc chân ra – À, hóa ra cái chân bị còng là chân giả, với một chân, bất kể những kẽm gai giăng trên trần nhà, anh ấy phóng lên thật mạnh làm bung mái tole, lẹ làng thót người trèo ra khỏi phòng giam. Vài tiếng súng nổ lốp bốp, tiếng la hét rượt đuổi. Nghe nói là anh ấy chạy trên mái nhà của một người gần bên Trại giam, rủi cho anh là mái tole chỗ đó đã mục, anh rớt xuống nhà và bị bắt lại.
TRẠI TÙ B5 BIÊN HÒA
Sau khi bị giam 5 tháng tại trại giam của Công An Quận 10, không thấy giải quyết, tôi đòi hỏi phải giải quyết và nhắc lại sự xác nhận của Cán bộ Hai Hải. Câu trả lời cho tôi chỉ là sự yên lặng. Tôi bắt đầu tuyệt thực, không ăn, không uống. Ðến ngày thứ tư, sức khỏe của tôi xuống nhiều, thì có lệnh kêu tôi đem quần áo ra ngoài, họ cho hai người trong phòng dìu tôi ra. Và họ giải giao tôi với ba thanh niên người Thượng về Trại giam B5 thành phố Biên hòa, thuộc tỉnh Ðồng nai.
Trại giam B5 Biên hòa là một Trại giam lớn, đối diện với Bịnh Viện Tâm Thần Biên hòa. Trước năm 1975, tôi cũng có dịp cùng với Mục sư Nguyễn văn Quan vào thăm, lúc ấy là Trại giam những tù binh Cộng sản. Trại giam gồm 12 phòng, chưa kể những phòng biệt giam mà họ gọi là ‘Phòng Cải Hối’. Ngoài ra còn những phòng giam dành cho những người đã được cho ra ngoài làm lao dịch.
Mỗi phòng giam dài 18 mét, ngang 5.8 mét. Họ nhốt từ 70 đến 100 người, thường là ở con số 90 đến 100, có lúc lên đến 108 người, những người trong phòng giam gọi đùa là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử. Mỗi phòng giam chỉ có hai cửa sổ độ một mét vuông, và một cửa ra vào có song sắt, khoảng chiều sụp nắng thì họ đóng bít cửa đi bằng một bửng sắt dầy và kín. Tù nhân thuộc đủ mọi thành phần, kể cả cán bộ Cộng sản có chức vụ khá cao như các Trưởng Ty.
Tôi đã gặp anh Lê văn Thương, là Trưởng Ty Lao Ðộng Ðồng nai, có vợ là Ðại biểu Quốc hội đang làm Giám đốc Công ty Dệt Bo-Chang Biên hòa. Anh Thương bị bắt giam chung phòng với tôi. Theo lời anh kể thì anh đã ký giấy phép mua gạo cho Cơ quan của anh, và người bạn của anh đã dùng giấy phép đó để buôn gạo bất hợp pháp khiến anh bị tù.
Tôi không để ý anh được xếp nằm cạnh tôi, sau nầy vài người cho rằng anh đã được đưa vào để theo dõi tôi, vì lúc ấy có rất nhiều người bị bắt về tội làm chính trị. Tuy nhiên, đối với tôi, đó là cơ hội tôi làm chứng về Chúa cho anh. Anh nói với tôi về chuyện bà Giang Thanh bên Trung quốc và những điều anh nhìn thấy trong chế độ Cộng sản mà anh chưa thỏa lòng. Còn tôi thì nói về Chúa cho anh. Câu nói cuối cùng của anh khi rời phòng giam đi đâu đó tôi không biết, chỉ biết là sau khi anh ra khỏi phòng giam, tôi bị đưa vào phòng biệt giam ba ngày không được cho biết lý do, anh nói: “Cảm ơn anh Sơn, nhưng dù có một vài đốm sáng, trong mắt tôi vẫn là màu đỏ”.
Câu chuyện về anh Thương qua đi theo thời gian, đến một ngày gần 10 năm sau, một con cái Chúa người Hoa, tên Dịch Dương, vượt biển sang được đảo Bidong gởi thư về cho Hội Thánh tại Bình Tây (Chợ lớn), trong đó kèm theo một bức thư của một người Việt-nam gởi cho tôi. Thật kỳ diệu, thư đó là của anh Lê văn Thương, anh cho tôi biết anh đã vượt biên, đang ở đảo Bidong, bây giờ anh nghe lời tôi nên đã tin Chúa. Tình cờ anh đi nhóm ở nhà nguyện tại Bidong, gặp anh Dịch Dương đang cầm một quyển Thánh ca tiếng Hoa, trong đó có đề tên của tôi, anh hỏi thăm và nhờ Dịch Dương chuyển thư về. Anh cũng nhờ tôi báo tin cho vợ con của anh biết là anh đã tin Chúa và muốn vợ con của anh tin Chúa. Tôi đã gởi thư cho Mục sư chủ tọa Hội Thánh tại Biên hòa nhờ đến địa chỉ của vợ con anh thăm viếng và kèm theo thư của anh gởi cho tôi.
Trong một buổi ra ngoài sân phơi nắng, một tù nhân lớn tuổi tên Võ Ðình Châu đến gặp tôi với lời đề nghị thật bất ngờ: “Anh Sơn, tôi với anh làm thơ nhé!” Rồi không cần tôi đồng ý, ông chỉ vào một người Công An đang dắt một cụ già mặc bộ đồ bà ba trắng, bới tóc, với một thanh niên ăn mặc rằn ri vào phòng giam, ông Châu ra đề:
Một người, một ngợm, một đười ươi,
Tôi hiểu ông Châu muốn nói cụ già là người, anh thanh niên ăn mặc rằn ri là ‘ngợm’, và anh Công an là ‘đười ươi’ vì người Cộng sản tự cho họ có nguồn gốc từ loài khỉ tiến hóa thành.
Không biết sao Chúa cho tôi buột miệng tiếp lời:
Hai đứa nhăn nhăn, một đứa cười
(Ý tôi muốn nói là hai tù nhân thì nhăn mặt vì bị vào tù, còn người Công an cười vì bắt nhốt được người).
Ông Châu vỗ tay nghe một cái ‘bốp’ và la lên: “Hay! Hay quá!” Ông Châu là một sĩ quan mang cấp bậc Ðại Úy từ năm 1956, lúc Tổng Thống Ngô Ðình Diệm mới về chấp chánh. Rồi ông xin giải ngũ, bây giờ bị bắt. Ông Châu cũng là cựu học sinh Trường Tabert Công Giáo Lamã, nên khi tôi nói về Kinh Thánh thì ông lắng nghe và cũng thuộc một số câu Kinh Thánh. Ông Châu như một cuốn Từ Ðiển Anh Việt sống, bất cứ ai hỏi ông một chữ nào, ông đều có đáp án và còn giải thích cặn kẽ. Ông đã hiệp với tôi tìm cách dạy chữ Việt cho một vài thanh niên tù nhân mù chữ bằng cách khi ra ngoài sân, chúng tôi lượm vài viên gạch nhỏ đem vào phòng, rồi khi có thì giờ ngồi lại với các thanh niên đó, viết lên nền xi-măng. Việc làm nầy bị Trại giam cấm, nhưng nhờ những người trong phòng giam che giấu, nên chúng tôi không bị rắc rối.
Một tù nhân già sáu mươi lăm tuổi, mới được chuyển qua phòng giam, tên ông là Vũ Quý Cát. Ông Cát người cao, để râu dài, ốm vì thiếu ăn do không có người nhà thăm nuôi. Sau nầy tôi được biết ông Cát nguyên là Sĩ quan của chế độ Sàigòn, cấp bậc Thiếu Tá, dạy chính trị cho tù Cộng sản tại Trại B5 trước 1975. Một sáng Chúa nhật, ông đến chỗ tôi đang ngồi và nói: “Thưa Mục sư, hôm nay là Chúa nhật, tôi muốn Mục sư giải thích Kinh Thánh cho tôi nghe”. Ðây thật là một đề nghị quá bất ngờ. Trong phòng giam, nói về Ðạo, nói về Chúa là điều cấm kỵ, nhưng cảm ơn Chúa cho là không ai trong phòng giam báo cáo về tôi. Thậm chí có người khi nhận quà thăm nuôi của gia đình, khi họ thấy những túi đựng thức ăn là những trang Kinh Thánh Tân Ước Ghi-đê-ôn được rứt ra dán lại, họ đã cho tôi, gom lại là một số đoạn của thư Rôma và thư Philíp. Cảm ơn Chúa hơn nữa là những lúc xét phòng giam theo thông lệ vài tuần xét một lần, họ sẽ tìm thu những vật nhọn, những giấy tờ kể cả những mảnh báo của chế độ cũng không được xem, các anh em trong phòng giam tự nguyện cất giấu giúp tôi những tờ Kinh Thánh đó. Tôi có cảm nghĩ ông Cát là người quen thuộc Kinh Thánh, nên hỏi ông Cát: “Bác Cát muốn tôi nói sách nào trong Kinh Thánh?” Ông Cát nói “Tôi muốn nghe Mục sư nói về sách Khải huyền”. Tôi thăm dò tiếp: “Sách Khải huyền có 22 chương, Bác Cát muốn tôi nói chương nào?” Ông Cát trả lời: “Tôi muốn Mục sư nói về tương lai của thế giới”.
Chúng tôi không có Kinh Thánh trong tay, nhưng ông Cát đã tỏ ra am hiểu Kinh Thánh rất nhiều. Sau nầy tôi biết là ông từng liên hệ với Giáo hội Cơ-đốc Phục Lâm. Tôi giải thích từng đoạn theo những gì tôi nhớ, ông Cát cũng góp ý về những suy nghĩ của ông, ông dùng một hình thức giải nghĩa Kinh Thánh theo quan điểm người Ðông phương áp dụng Ngũ Hành, Bát Quái (Tôi đã đưa cách giải thích nầy vào quyển “Giải Nghĩa Khải Huyền” của tôi – 2002 – sau khi tham khảo lại Kinh Thánh).
Với hai người bạn vong niên nầy, tôi nhận ra Cơ-đốc nhân có quá ít người thuộc Kinh Thánh, ham mến Kinh Thánh như họ, dù họ là người chưa tin Chúa. Ða số những người trong phòng giam là người Công giáo Lamã, họ cho rằng người Tin Lành là những người thuộc Kinh Thánh, nên bất chợt họ có thể hỏi tôi một câu Kinh Thánh nào đó mà họ chỉ nhớ một vài chữ với văn phong khác bản Kinh Thánh Tin Lành, và nếu tôi trả lời được, họ dành cho tôi một sự kính trọng đặc biệt. Tôi thường chia sẻ việc nầy để khích lệ con cái Chúa trong Hội Thánh cố gắng học Kinh Thánh.
Những ngày trong Trại giam B5 thật là đầy kham khổ.
Như tôi đã nói, với số lượng người đông trong một diện tích phòng giam như vậy, không khí để thở cũng trở nên quý hiếm, nhất là những ngày nắng nóng. Mỗi tù nhân đều phải có một cây quạt để quạt liên tục trên tay. Những chiếc quạt lá buông hay quạt xếp bằng giấy đều được những bàn tay khéo léo bọc lại bằng những miếng nhựa plastic hoặc bằng vải, rồi may lại cách cẩn thận.
Nước sử dụng vệ sinh cũng thật quý, vì cả phòng chỉ có một vòi nước duy nhất chung một đường ống cho cả Trại giam, nên suốt ngày không thể nào có nước chảy. Mỗi người chỉ được hai thau nước để tắm, một thau rửa mặt buổi sáng hoặc vệ sinh. Mỗi thau độ 2 lít nước, muốn có một thau nước, chúng tôi phải kê miệng vào vòi nước dùng hơi hút và nhả liền vào thau để sử dụng. Những hôm nắng nóng, những người yếu sức không cách nào hút được nước, nhất là những người già. Cảm ơn Chúa cho cá nhân tôi vì lúc bấy giờ ốm yếu, được anh em trong phòng giúp hút nước.
Vì không khí trong phòng lúc nào cũng oi bức do hơi người quá đông toát ra, nên việc được đến phiên tắm là một tin vui. Tất cả người trong phòng chia ra 4 Tổ, người muốn tắm thì vắt khăn tắm của mình trên một dây kẽm giăng bên chỗ tắm, mỗi Tổ một người. Mỗi lần tắm, tôi cảm nhận chất nhờn của hơi người chung quanh bám vào mình.
Ngủ cũng là một vấn đề quan trọng. Vì quá đông, nên mỗi người được phân một kích thước qui định bắt buộc với bề ngang là 4 tấc rưởi, bề dài là 1 mét 7, không được vượt quá qui định. Có lúc đông quá, bề ngang thu lại còn 4 tấc. Mỗi đêm từ khoảng 6 giờ chiều thì tù nhân bắt đầu trải chiếu, chiếu nọ chồng lên chiếu kia chừa lại đúng qui định. Thêm nữa là vì Trại giam ở trong một cái trũng, chung quanh là những khu trồng rau tưới bằng phân người rất hôi, ban ngày thì đầy ruồi, ban đêm thì vô số muỗi, do đó phải giăng mùng để ngủ. Ðúng 10 giờ tối, tất cả phải thả mùng xuống, lập tức một sự ngột ngạt kéo đến, nhưng phải chịu vì không cách nào khác hơn. Sự ngột ngạt tăng thêm bởi tấm bửng sắt cửa cái đóng lại vào lúc 5 hay 6 giờ chiều. Những người bị giam trong phòng lâu năm thường chiếm vị trí gần một trong hai cửa sổ. Thứ tự chỗ ngủ cũng là chỗ ‘ở’ của tù nhân trong phòng sẽ được áp dụng theo cách đôn lên, khi có một người ra khỏi phòng giam, chỗ của người mới vào bao giờ cũng là sát bên khu vực vệ sinh. Cảm ơn Chúa cho tôi từ ngày vô tù, luôn được những người trong phòng giam dành cho chỗ khá tốt, không phải nằm gần những nơi dơ bẩn. Vì chỗ nằm quá chật hẹp, nên thường xảy ra việc đánh nhau trong đêm khuya do vô tình nằm mơ thấy đánh nhau.
Việc ăn uống của tù nhân thật là tồi tệ. Ở Trại giam Quận 10, thức ăn thường là bột mì nhồi thành miếng để luộc, còn ở Trại giam B5 thì thường là bo-bo, một thứ hột màu nâu sậm hay màu vàng vàng, nghe nói là để làm thức ăn cho gia súc ở Trung quốc hay Liên Xô. Hôm nào được bo-bo vàng thì dễ ăn hơn vì mềm. Khi ăn, có người giả tiếng gà kêu, hoặc ngựa hí.
Ngoài ra còn có khoai mì – loại khoai mì công nghiệp, củ to, nhựa khoai đầy chất độc làm cho người ăn bị say. Loại khoai mì nầy chỉ dùng để chế biến mặt hàng gì đó như bột ngọt, nhưng bây giờ đem cho tù nhân ăn. Những người tù gọi nó là ‘Sâm Việt-nam’. Có người còn làm thơ châm biếm khi ăn khoai mì:
Sống đầy đủ nhờ củ với khoai,
Sống lai rai nhờ khoai với củ.
Thắng Ðiện Biên phủ nhờ củ với khoai,
Nước Việt ta còn hôm nay là nhờ khoai với củ.
Thật là cả một sự cay đắng, oán hờn!
Cũng có người lại cầm những miếng khoai mì ấy rồi nhại theo điệu bài ca ‘Mùa Xuân trên thành phố …’ để hát ‘ba mươi năm nay ta mới gặp mi (chỉ miếng khoai mì), vui sao nước mắt lại trào?’
Thường những củ mì được nấu nhừ ra, rồi người phân chia thức ăn tán đều, dùng chén xúc chia mỗi người một chén. Cảm ơn Chúa, ngay lần đầu tiên nhận chén khoai mì, Chúa cho có anh em trong phòng giam lập tức không cho tôi ăn, họ đổi cho tôi thức ăn khác, vì lo rằng tôi ăn sẽ bị say. Tôi đã chứng kiến những người say khoai mì, có người bị co giật như kinh phong, có người lờ đờ như mất trí, thật đáng sợ.
Ðôi khi họ cho ăn bắp hột. Tôi nghĩ chỉ có tù nhân mới ăn được những hột bắp đó, vì hột bắp còn nguyên cả mày bắp, loại bắp công nghiệp nuôi gia súc, rất cứng. Họ hầm cho hột bắp nở to, mỗi người được một chén, thế là phải ngồi lặt từng cái mày hột mới ăn được. Có vài người lúc đầu mới vào không biết hay lười biếng, ăn nguyên hột không lặt mày, khi đi vệ sinh họ phải khóc đau đớn vì những mày bắp không tiêu hóa được.
Cơm trắng là một đặc ân hiếm hoi trong Trại giam, thường chỉ có vào những ngày Lễ, Tết.
Nước uống được phân phát vào buổi sáng, mỗi người được một phần nước nóng độ nửa lít, để pha với bột dinh dưỡng do người nhà gởi vào, hoặc để dành uống trong ngày.
Thức ăn chỉ là nước muối pha màu giả làm nước mắm, thỉnh thoảng có vài lát ớt. Hoặc ‘canh’, tôi phải mở ngoặc cho chữ ‘canh’, vì đó chỉ là một thau nước 5 lít kèm theo một nhúm rau, thường là những cọng rau muống dài để nguyên cả rể, thật lòng mà nói là tôi nghĩ họ chỉ rửa sơ mà thôi, vì nước rau đen lắm, và nhất là rau nầy được sản xuất từ vùng đất chung quanh Trại giam lớn lên bởi phân bón từ các phòng giam thải ra. Những người tù gọi đây là ‘canh toàn quốc’ – toàn nước.
Ðiều đáng buồn là chỉ vì vài lát ớt hay vài cọng rau chia không đồng đều vừa ý, có thể gây đánh nhau.
Thật sự, thức ăn chủ yếu là do người nhà của tù nhân gởi vào tiếp tế mỗi tháng một lần. Ðể bảo quản thức ăn trong một tháng giữa thời tiết nóng ẩm, người nhà phải chế biến thật mặn, thức ăn bắt buộc phải có là muối đậu. Họ không cho gởi muối trắng vào, vì sợ tù nhân dùng muối làm mục các song sắt. Vài hôm có những ‘anh nuôi’, tức là những người tù ở lâu hoặc sắp được thả về, hoặc những người có tiền mua chức ‘anh nuôi’, đến nhận đem ra nhà bếp của Trại giam hâm lại cho nóng.
Tôi thật cảm động khi vào một Lễ Giáng sanh, vài người trong phòng giam hiệp lại làm một ổ bánh Nôên bằng chuối chín nhồi với bột dinh dưỡng, đường, trên mặt ổ bánh họ lấy đậu phọng trang trí thành chữ Mừng Chúa Giáng sanh. Họ mời tôi đến hát và cầu nguyện trước khi cắt bánh ăn. Ðây là việc làm bị cấm, nhưng anh em trong phòng giam rất thương tôi nên không ai báo cáo. Tôi đã nhẫm trong trí một vài lời thơ cảm nghĩ của tôi cho Lễ Giáng sanh năm đó:
Mùa giáng sanh nầy con không về,
Con không hề được nghe tiếng nhạc,
Vút lên cao để mừng Chúa xuống trần.
Con không được dự phần trong ban hát
Cất lời ca khen ngợi Chúa Ngôi Hai,
Ôi êm đềm như bản Silent Night,
Mỗi lần trổi biết bao là an ủi.
Nhớ những buổi tối trời điểm sao lấp lánh,
Khắp đó đây ánh điện chiếu muôn màu.
Kia ngôi giáo đường với đỉnh tháp thật cao
Ðứng im lìm, uy nghiêm, cổ kính.
Nay bỗng rực rỡ với muôn đèn, hoa, giấy.
Cũng thời gian, cũng không gian ấy,
Sao con thấy lòng mình dâng niềm rộn rã,
Chúa vì con Ngài đã giáng sanh.
Nay con ngồi đây khi tiết trời lành lạnh,
Không giáo đường, không tiếng nhạc, không Thánh Kinh.
Con cầu xin mà không biết nói gì,
Con chỉ biết cúi đầu thổn thức,
Với nỗi niềm uất ức,
Vì con không được về viếng Chúa hôm nay.
Con xin hẹn một ngày mai,
Con sẽ về, con sẽ về hát lại khúc Thiên Tình.
Họ giam tôi trong Trại giam B5, đôi ba tháng gọi tôi ra hỏi một câu vớ vẩn như: “Sao, lúc nầy anh có khỏe không? Có gì mới không? Họ chờ tôi đầu hàng để làm việc cho họ. Hoặc hỏi: “Anh có gặp người nhà không? Họ không cho tôi gặp người nhà của tôi, nhưng hỏi tôi như vậy để gợi ý tôi, hầu cho họ ban ơn huệ.
Một lần họ gọi tôi ra. Trong phòng xét hỏi có một người lớn tuổi ngồi nơi bàn, nói giọng Bắc, tự giới thiệu là Trung Tá bên Công An Tỉnh Ðồng nai; một người trẻ hơn, mặt mày khắc khổ, nói giọng Nam, có vẻ hách dịch, tự giới thiệu là Ðại Úy cũng bên Công An Tỉnh Ðồng nai, anh nầy cứ đi qua đi lại như muốn hù dọa tôi. Người ngồi bàn chào hỏi xã giao xong, nói với tôi: “Hôm nay kêu anh ra đây để cho anh biết một tin. Chúng tôi vừa cho học tập tuyên truyền ở Túc Trưng, sau đó có 200 người ra nộp giấy tờ Fulro, mà 200 người đó đều là tín đồ Tin Lành do anh quản lý. Anh nghĩ sao?” Tôi trả lời: “Vậy là tôi mừng!” Người Công An mang cấp bậc Ðại Úy lập tức quay lại trợn mắt nhìn tôi nói lớn: “Tại sao anh mừng?” Tôi hơi khó chịu vì cách nói chuyện bất lịch sự của anh, trong lúc bên cạnh anh có người mang cấp bậc cao hơn, “Tôi mừng vì anh em tín đồ đã biết nghe lời tôi dạy họ”. Viên Ðại Úy đó hỏi dồn tới: “Anh dạy họ điều gì?” Tôi cứ từ từ nói: “Tôi nói với các con cái Chúa trong Hội Thánh tôi phụ trách rằng, điều gì mình làm mà người khác không đồng ý, nói là sai, mình biết sai thì sửa lại. 200 người ra nộp giấy đều là tín đồ Tin Lành, biết đâu còn có nhiều người khác không phải là tín đồ Tin Lành, họ đã không nộp giấy. Tín đồ nghe lời tôi dạy, thì tôi phải mừng chớ”. Viên Ðại Úy đó im miệng bỏ ra ngoài luôn. Anh ấy tưởng rằng hù dọa được tôi.
Sau 5 tháng bị giam ở Trại giam Công An Quận 10, thêm 19 tháng bị giam ở Trại giam B5, ngày 23 tháng 4 năm 1980, tức hai năm chỉ là ‘tạm giam’, tôi được kêu ra gặp một người tự xưng là Ðại Úy Minh bên Công An tỉnh Ðồng nai, anh ấy nói: “Tôi đại diện cho Công An tỉnh Ðồng nai báo cho anh biết là chúng tôi cho anh về với quyết định miễn tố. Chúng tôi xin lỗi anh, vì muốn trắng đen rõ ràng, lại thiếu cán bộ chuyên môn, nên việc xác minh một người làm Tôn giáo như anh phải kéo dài hai năm. Anh thông cảm”. Và tôi đã ra về sau giờ đó với lời yêu cầu thông cảm. Họ trả lại tiền của tôi khi bị bắt, nhưng không trả tôi chiếc nhẫn cưới, họ nói là cán bộ khác đã gởi bên Ngân Hàng, khi khác lên làm đơn khiếu nại, sẽ giải quyết.
Hai năm xa Hội Thánh, nay trở về với gia đình, với Hội Thánh với biết bao vui buồn. Tôi đã ngồi suốt đến tối mịt để trả lời từng câu thăm hỏi của các con cái Chúa trong Hội Thánh tại Túc Trưng nô nức đến thăm.
Mãi đến chiều tối, Nhà tôi mới từ Sàigòn về đến nhà. Giờ đó tôi mới biết suốt hai năm tôi bị tù, cả nước cũng đói kém, con cái Chúa cũng đói, cũng vất vả, hầu như không có gì để dâng hiến ngoài số ít gạo. Và Nhà tôi phải gởi các con tôi (ba trai một gái còn nhỏ) cho bà gia tôi trông coi, ngược xuôi buôn bán lặt vặt để có tiền nuôi tôi trong tù và nuôi các con tôi, còn phải thay tôi gánh vác công việc Chúa bên cạnh Ban Trị Sự Hội Thánh. Nhà tôi thật ốm, mua từ bọc mì gói từ Sàigòn đem về chia ra vô bịch, bán lại cho cửa hàng tạp hóa bên cạnh. Cuộc sống khó khăn quá, đến nỗi bà gia tôi phải cho các con tôi ‘ăn cơm lường’ theo tiêu chuẩn mỗi đứa một chén, không được ăn quá qui định. Dù còn nhỏ, nhưng qui định một chén cơm lưng lửng không đủ cho chúng nó no, nên có lúc chúng nó phải phản đối bà ngoại, đòi ăn thêm, làm bà gia tôi thật xót xa khi phải từ chối. Còn tín đồ thì có người vừa khóc vừa kể cho tôi nghe như lời xưng tội, vì đói quá phải vô rẫy của người khác ăn cắp chuối đem về ăn đỡ đói. Tôi phải an ủi con cái Chúa mà nói: “Hết chuyện rồi, tín đồ đi ăn cắp mà còn khoe với Mục sư”.
Biết bao gian khổ cho người ở nhà!
Tôi không nghe có ai giúp đỡ, kể cả Giáo hội, trong công việc Chúa, chẳng vị Mục sư nào đến thăm Hội Thánh suốt hai năm dài, có lẽ họ sợ liên lụy với kẻ ở tù. Chúa đã cho gia đình chúng tôi và Hội Thánh tại Túc Trưng vượt qua cơn bão lớn. Cảm ơn Chúa hơn nữa, là hai tuần sau, ba thanh niên tín đồ bị bắt chung với tôi cũng được trở về bình an.
Một tháng sau, tôi được giấy của Công An Tỉnh Ðồng nai gọi xuống mà không cho biết lý do gì. Gia đình và Hội Thánh lại một phen lo lắng. Khi đến nơi, hóa ra Công An gọi tôi xuống là để cho tôi biết hai việc:
1. Việc thứ nhất họ cho tôi biết rằng có người tố cáo Thầy Truyền Ðạo sinh Nhu Siol (còn có tên là Ðiểu Vui), đang là phụ tá của tôi, đã từng làm thông dịch viên cho Mỹ,
2. Việc thứ hai là Thầy Truyền Ðạo Mai Hải ở Hàm Tân làm phản động trốn vào Túc Trưng, đang ở trong Hội Thánh tại Túc Trưng. (Ðầu năm 1980, lúc tôi còn ở trong tù, vì nhà thờ Phúc Âm tại Bình Tuy – Huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải bị chánh quyền ra lịnh đóng cửa, do biến cố một Truyền Ðạo cùng một số tín đồ có vũ khí chống lại Chánh quyền. Sau đó nhóm người nầy bị bắt và Thầy Truyền Ðạo bị tử hình bằng cách xử bắn. Biến cố nầy khiến cả ba nhà thờ tại Phước Hiệp, Phúc Âm I và Phúc Âm II, bị đóng cửa trên 10 năm. Thầy Truyền Ðạo Mai Hải cũng bị bắt giam một thời gian. Thầy và gia đình bị ép chế quá đỗi từ đời sống vật chất đến thuộc linh, nên cũng như nhiều tín đồ trước đó đã bỏ trốn vào Túc Trưng dù không có giấy tờ tùy thân, họ phải đi ban đêm cách lén lút. Khi vào đến Túc Trưng, nhờ một con cái Chúa là ông Nguyễn văn Xinh làm Trưởng Ấp Ðức Thắng đứng ra giúp đỡ chỗ ở, ổn định giấy tờ).
Tôi phải binh vực Thầy Nhu-Siol bằng cách cho họ biết là trước năm 1975, có ông bà Giáo sư người Anh, tên là David Thomas, thuộc Hội Ngôn Ngữ Học, biết tiếng Việt, được Hội Ngôn Ngữ Học gởi đến Long Khánh phụ trách đặt chữ cho người Thượng Chrau. Thầy Nhu-Siol là người Chrau, nên họ nhờ giúp họ cách phát âm tiếng Chrau cho đúng thôi. Thầy ấy đâu biết tiếng Mỹ mà làm thông dịch.
Còn Truyền Ðạo Mai Hải là bạn cùng Khóa Tốt Nghiệp Thần Học Viện với tôi. Gia đình Thầy nghèo gần chết, có 8 đứa con, suốt ngày không đủ ăn, thì làm gì có thì giờ mà làm phản động.
Cuối cùng họ buộc tôi phải làm giấy bảo lãnh chịu trách nhiệm hai người đó. Cảm ơn Chúa cho hai người được yên thân.
|