SÁCH CHÂM NGÔN 1
TÊN SÁCH & TÁC GIẢ
**************************************
Kính chào Quý vị, tôi là Mục sư SƠN.Cảm ơn Chúa cho chúng ta được cùng học Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Hôm nay, nhờ ơn Chúa, chúng ta cùng học một sách khác trong Bộ Năm Sách Văn Thơ của Kinh thánh, sau sách Gióp và Thi thiên, chúng ta cùng học đến sách Châm Ngôn.
Trước hết chúng ta cùng học về Tên Sách và Tác Giả sách Châm Ngôn.
I/. TÊN SÁCH CHÂM NGÔN.
Theo Nguyên văn Hi-bá-lai:
Trong nguyên văn Hi-bá-lai, sách có tên là Mishle Shelomoh, có nghĩa là:‘Châm ngôn của Sa-lô-môn’, như có ghi trong 1:1, “Châm ngôn của Sa-lô-môn, con trai Đa-vít, vua Y-sơ-ra-ên”. Từ ngữ Châm ngôn có nghĩa rất rộng, được dùng để chỉ:
Một bài diễn thuyết.
Những câu châm ngôn.
Những thành ngữ.
Từ ngữ Châm ngôn(Mishle) được dịch trong:
Dân số ký 23:7, “Ba-la-am bèn nói những lời ca mình mà rằng…”, cũng nhắc lại trong câu 18, bản Việt ngữ dịch làlời ca, lời sấm, từ ngữ nầy trong nguyên ngữ Hi-bá-lai có nghĩa là quở trách(taunt). Như vậy, Lời Ca của Ba-la-am mang tánh chất một lời quở trách, răn dạy., cũng có tánh chất tiên tri.
Ê-sai 14:4,“thì ngươi sẽ dùng lời thí dụ nầy”, nghĩa chính làlời chế nhạo, châm biếm(oracle). Như vậy, đây là lời chế nhạo vua Ba-by-lôn ẩn giấu trong một thí dụ.
Êx. 17:2, “Hỡi con người, khá ra câu đố, kể lời ví dụ cho nhà Y-sơ-ra-ên”. Ví dụ hoặc ẩn dụvới ẩn ý ngầm chế nhạo, châm biếm mang tính tiên tri.
Tên sách theo tiếng Hi-lạp cũng có nghĩa như 1:1, “Các Châm ngôn của Sa-lô-môn” (Paroimiai Salomontos).
Tên sách theo tiếng La-tinh là“Sách của Những câu Châm ngôn” (Liber Proverbiomrum).
Các tác phẩm của Rabbi Do-thái giáo gọi sách là“Sách của Sự Khôn ngoan (Sepher Hokhmah).
Theo Anh ngữ thì sách mang tên có nghĩa là tục ngữ, cách ngôn,có nghĩa Một Cách Nói Đơn Giản, thay vì nói bằng nhiều chữ ((Proverb gồm: pro = for; verba = words).
Theo Việt ngữ:
Bản Việt ngữ dịch tên theo Hoa ngữ là Châm Ngôn gồm hai từ: (1) Châm = nghĩa làrăn, dạy về phương diện luân lý, đạo đức; Ngôn = là‘lời nói’.Như vậy, Châm ngôn là những lời răn dạy, có khi được nói, có khi được viết, có khi có vần.
Xét như thế, Kinh Thánh vừa là một quyển sách vừa như một Thư Viện, Kinh Thánh tập hợp nhiều loại sách với những thể loại văn chương khác nhau: Luật pháp, Lịch sử, Chính trị, Văn thơ, Tiên tri, đồng thời Kinh Thánh cũng có nhóm sách Triết học như sách Gióp, Châm ngôn, Truyền đạo.Tuy nhiên, tính chất Triết học của Kinh Thánh không phải theo phương diện lý thuyết, nhưng là những luật lệ của Thiên đàng áp dụng cho đời sống trên đất.
II/. TÁC GIẢ SÁCH CHÂM NGÔN:
Giống như Thi thiên là bộ sách có nhiều tác giả, nhưng đa phần là của Đa-vít, nên nhiều người hễ nghe nói đến Thi thiên là nghĩ ngay đến Đa-vít là tác giả.Sách Châm ngôn cũng vậy, là sách của nhiều tác giả, nhưng phần lớn là của Sa-lô-môn, nên nói đến Châm ngôn là nói đến vua Sa-lô-môn.
1:1 ghi rõ là sách của vua Sa-lô-môn, “Châm ngôn của Sa-lô-môn, con trai Đa-vít, vua Y-sơ-ra-ên”.
Đầu đề đoạn 10:1 đến 29:27 ghi rõ: “Quyển thứ nhứt góp các Châm ngôn của Sa-lô-môn”, nhưng hàm ý ai đó đã góp nhặt sưu tập những câu Châm ngôn của Sa-lô-môn.
Đoạn 22:17 đến đoạn 24:34, có thể do những người khôn ngoan vô danh hoặc dân gian ghi lại được sưu tầm.
Đoạn 25 đến đoạn 29 ghi là của Sa-lô-môn do vua Ê-xê-chia sưu tập, “Đây cũng là những châm ngôn của Sa-lô-môn, mà các người của Ê-xê-chia, vua Giu-đa, sao tả” (25:1)
Nếu tham khảo với sách I Vua 4:32, chính Sa-lô-môn đã nói 3,000 câu Châm ngôn.Tuy nhiên, chúng ta phải ghi nhận vào thời đại của vua Sa-lô-môn có rất nhiều châm ngôn khuyên dạy, chưa kể trong vòng dân gian cũng có những lời dạy luân lý, đạo đức.
Rất tiếc thế hệ kế thừa Sa-lô-môn như con trai vua Sa-lô-môn là Rô-bô-am và những người trẻ trong triều đã không biết, không học hoặc không áp dụng cho mình. Bởi vậy, khi người dân đòi hỏi chánh sách mềm sau đời sưu cao thuế nặng của vua Sa-lô-môn, được thế hệ già khuyên nên nghe theo, thì vua Rô-bô-am đã nghe theo giới cai trị trẻ tuyên bố hà khắc hơn với những lời thật đáng hỗ thẹn: “Nhưng Rô-bô-am không theo mưu các trưởng lão đã bàn cho mình; bàn nghị cùng các kẻ trai trẻ đồng lớn lên với mình,mà rằng: Dân sự nầy đã tâu với ta rằng: Hãy giảm nhẹ cái ách mà thân phụ vua đã gán cho chúng tôi… Các gã trai trẻ đồng lớn lên với người đáp rằng: … vua phải đáp lại cùng chúng như vầy: Ngón tay út ta còn lớn hơn lưng của cha ta. Vậy cha ta đã gán một cái ách nặng cho các ngươi, ta sẽ làm cái ách các ngươi thêm nặng hơn nữa: cha ta sửa phạt các ngươi bằng roi da, ta sẽ sửa phạt các ngươi bằng roi bọ cạp – một thứ roi có gai” (I Vua 12:8-11). Rô-bô-am, con trai của Sa-lô-môn, cai trị Giu-đa, khi lên ngôi, Rô-bô-am đã được bốn mươi mốt tuổi (I Vua 14:21), không phải là tuổi trẻ người non dạ, nhưng không học cách cai trị khôn ngoan, không học lời êm dịu.
Có Kinh thánh mà không học Kinh thánh, như Châm ngôn dạy: “Nó sẽ chết vì thiều lời khuyên dạy, và bị lầm lạc vì ngu dại quá… Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận; còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm.(5:23; 15:1).
Mới đây nhìn tòa nhà 12 tầng bị lún sập tại bờ biển Florida – Hoa Kỳ, có người nhận xét họ xây nhà trên đất cát; tôi phải nói thêm: Nhưng ngày nay họ có nghe Lời Chúa đâu mà đòi họ làm theo. Một mục sư trẻ nói với tôi: Mỗi tuần nghe một vị mục sư trẻ giảng trên online rất hay, nhưng mục sư đó giảng Kinh thánh thì ít mà lời của ông ấy nói thì nhiều. Đáng tỉnh thức lắm thay!
Người đời có câu đáng học: Từ khi có máy chụp ảnh, người ta thích nhìn thiên nhiên qua máy ảnh hơn là trực tiếp nhìn thiên nhiên. Tôi xin được thêm một lời: Ngày nay người thích nghe lời giảng Kinh thánh hơn là trực tiếp đọc và nghe từ Kinh thánh. Người ta không còn nghe Lời Chúa là Kinh thánh thì làm gì có việc ‘có làm theo hay không’, nên nền luân lý, đạo đức và niềm tin là tòa nhà cao tầng nhưng không có nền móng phải có. Nhìn tòa nhà 12 tầng sụp đổ thì biết, dù chưa có mưa sa, nước chảy, gió lay…
Đoạn 30 là của A-gu-rơ. Đây là một nhà hiền triết, bạn của Sa-lô-môn. Căn cứ câu 4, tác giả A-gu-rơ đòi hỏi người nghe trả lời, cho nên có lẽ Y-thiên và U-canh là hai môn đệ của A-gu-rơ.
Đoạn 31 là lời của mẹ của Lê-mu-ên. Đây có thể là tên riêng của Sa-lô-môn, hoặc tên một vua A-rạp, anh em của A-gu-rơ
III/. NIÊN HIỆU:
Đoạn 1 đến đoạn 9,
Có lẽ SAU LƯU ĐÀY, vì nội dung đề cập nhiều về tội tà dâm và cách hành văn cho phép định niên hiệu là vào thế kỷ thứ V TC, là tệ nạn hai sách E-xơ-ra 9: - 10 và Nêhêmi 13:23-29 đề cập nhiều, cùng cách giải quyềt rất cứng rắn..
Thời kỳ Hậu Lưu đày trong Y-sơ-ra-ên sanh ra nhiều tệ nạn tà dâm. Lý do có tệ nạn nầy là do dân sự không biết Lời Chúa trong thời gian lưu đày, và ảnh hưởng từ các dân tộc ngoại bang chung quanh khi bị lưu đày.
Đoạn 10 đến đoạn 29
Các đoạn nầy có niên hiệu TRƯỚC LƯU ĐÀY, vì do vua Ê-xê-chia sưu tập.
Đoạn 30 đến 31, không định chắc.
IV/. NỘI DUNG:
Các Đề tài:
Qua sách Châm ngôn, chúng ta sẽ được nghe rất nhiều lời dạy về các đề tài như:
Sự khôn ngoan.
Công bình.
Kính sợ Đức Chúa Trời.
Tri thức.
Luân lý.
Sự thánh khiết.
Chuyên cần.
Tiết độ.
Tin cậy Đức Chúa Trời.
Dâng phần mười.
Cách sử dụng tiền bạc.
Lòng yêu thương người nghèo.
Giữ gìn lời nói.
Khoan dung kẻ thù.
Chọn bạn.
Tránh người đàn bà xấu nết.
Khen ngợi người nữ tài đức.
Dạy con.
Trách kẻ biếng nhác
Những Qui tắc Sống:
Sách Châm ngôn có mục đích dạy những qui tắc sống, những đức tánh đã được nêu ra trong toàn bộ Kinh Thánh, nói chung, sách Châm ngôn chuyên sâu về luân lý và đạo đức mà một người kính sợ Đức Giê-hô-va phải tuân theo.Sách không dùng cách dạy như Luật pháp: Đức Chúa Trời phán…, Đức Giê-hô-va phán…, như một mạng lịnh.
Trái lại những sự dạy dỗ trong sách Châm ngôn là những điều phát xuất từ những kinh nghiệm của những người yêu mến Chúa, kính sợ Chúa.
Cho nên sách Châm ngôn là những lời dạy giúp những người tin Chúa thành công trên đường đời cùng co đường theo Chúa.
Nói về người nữ:
Sách Châm ngôn đã bắt đầu với những lời cảnh cáo về người nữ tà dâm, nhưng lại chấm dứt với lời khen người nữ tài đức.Với Châm ngôn 31:30 có thể là kết luận tốt nhất cho Nữ Giới, “Duyên là giả dối, sắc lại hư không; Nhưng người nữ nào kính sợ Đức Giê-hô-va sẽ được khen ngợi”.
Tại sao người nữ kính sợ Đức Giê-hô-va được khen ngợi? Câu trả lời đã được ghi từ đoạn 9:10, “Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan; sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng”.
Cảm ơn Chúa đã ban cho loài người chúng ta quyển Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời với lời dạy: Hãy đọc và suy gẫm ngày và đêm, vì như vậy, ngươi sẽ được may mắn trong con đường mình và được phước”. Chúng ta đã có Kinh thánh, cũng thường xuyên học Kinh thánh, tôi tin rằng ai cũng nhìn thấy rõ Kinh thánh không chỉ dạy vấn đề phương diện Giáo lý, nhưng cũng dạy những việc thuộc phương diện cách sống thành công giữa đời nầy của người biết mình là người kính sợ Đức Chúa Trời đã có được đời sau.