Dân Số Ký

DÂN SỐ KÝ 1
Tên sách

*************************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta cùng nhau học Lời Chúa là Kinh thánh được 3 sách: Sáng thế ký, Xuất Ê-díp-tô ký, và Lê-vi ký. Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu cùng học sách thứ tư của Kinh thánh, là sách Dân số ký.
Theo thường lệ, chúng ta sẽ cùng học phần thứ nhất về Tên Sách. Theo nguyên ngữ Hi-bá-lai thì như chúng ta đã biết, năm sách đầu của Kinh thánh nguyên là một Bộ, được gọi là Ngũ Kinh Môi-se được chia ra làm năm phần, lấy những nhóm từ đầu tiên mỗi phần làm tên sách. Do đó, tên quyển thứ tư nầy được lấy tên là: Tại đồng vắng (1:1), hàm ý sách là câu chuyện của dân Y-sơ-ra-ên những ngày trong đồng vắng.
Khi được dịch sang tiếng Hi Lạp, tức bản 70, sách được đặt tên là Những Con Số. Khi dịch sang tiếng Việt đã dịch âm tên sách theo Bản tiếng Hoa, có tên là Dân Số ký, do trong sách ghi lại hai lần Chúa bảo Môi-se kiểm tra dân số người Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng:

  • Kiểm tra dân số lần thứ 1 khi bắt đầu sách (đoạn 1)
  • Kiểm tra dân số lần thứ 2 ở cuối sách (đoạn 26)

Cũng có thể nói lần kiểm tra thứ 1 là kiểm tra dòng dõi cũ và kiểm tra lần thứ 2 là kiểm tra dòng dõi mới. Chúng ta sẽ tìm học DÒNG DÕI CŨ nầy trong sách Dân số ký đoạn 1 đến đoạn 4.
I/. TU BỘ DÒNG DÕI CŨ. Đoạn 1 đến đoạn 4.
Ngay khi bắt đầu sách, chúng ta đã nghe được mạng lịnh của Chúa truyền cho Môi-se kiểm tra dân số: “Ngày mồng một tháng hai, năm thứ hai, sau khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se ở trong hội mạc, tại đồng vắng Si-na-i, mà rằng: Hãy dựng sổ cả hội dân Y-sơ-ra-ên, theo họ hàng và tông tộc của họ, cứ đếm từng tên của hết thảy nam đinh từ hai mươi tuổi sắp lên, tức là mọi người trong Y-sơ-ra-ên đi ra trận được; ngươi và A-rôn sẽ kê sổ chúng nó tùy theo đội ngũ của họ” (1:1-3).
ĐOẠN 1 ĐẾN ĐOẠN 2
Việc tu bộ cho kết quả là có 603.550 người từ 20 tuổi trở lên. So với số người khi ra khỏi xứ Ai Cập là độ 600.000 người (Xuất. 12:37), xem như không tăng, nếu có tăng thì sinh suất là 3.550 người trong một năm.
Mục đích việc tu bộ nầy là để dân Y-sơ-ra-ên chính thức có một đội quân với hạng tuổi có thề ra trận, đồng thời để bố trí nơi đóng trại cùng thứ tự ra đi. Quý vị thính giả hãy tưởng tượng một đoàn 603.550 người từ 20 tuổi sắp lên, giả định mỗi người có vợ và 2 con, thì tổng cộng gần 3 triệu người, ấy là chưa kể còn có những dân tạp đi theo từ lúc ra khỏi Ai Cập (Xuất. 12:38), lại có bầy gia súc gồm bò, chiên, dê và những vật dụng cần thiết cho đời sống hằng ngày nữa. Nếu không có qui định vị trí mỗi chi phái đóng trại khi dừng lại hoặc khi ra đi, ai muốn đóng trại ở đâu cũng được, hoặc di chuyển nếu ai cũng đi theo ý muốn của mình, thì sự rối loạn không thể nào diễn tả cho hết.
Cảm ơn Chúa, Đức Chúa Trời lại qui định lấy vị trí Đền Tạm làm trung tâm, các chi phái theo qui định đóng trại chung quanh. Rõ ràng Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời của trật tự (I Cô. 14:33). Đó cũng là lý do sứ đồ Phao-lô khuyên tổ chức Hội thánh phải làm cho phải phép và có thứ tự (I Cô. 14:40).
ĐOẠN 3 ĐẾN ĐOẠN 4
Hai đoạn nầy qui định việc tu bộ riêng chi phái Lê-vi như sau:

  • Gia đình của A-rôn thuộc chi phái Lê-vi được Chúa chỉ định biệt riêng làm Thầy Tế lễ.
  • Các gia đình còn lại thuộc chi phái Lê-vi, được gọi tên là Người Lê-vi, có nhiệm vụ lo công việc nơi Đền Tạm, và phụ giúp các Thầy Tế lễ.
  • Dù là Thầy Tế lễ hoặc người Lê-vi, tất cả đều được Đức Chúa Trời qui định nơi đóng trại và thứ tự ra đi như tất cả các chi phái khác, không có sự miễn trừ. Đặc biệt, A-rôn và toàn thể người Lê-vi có trách nhiệm nặng hơn khi phải bảo vệ Đền Tạm.

Qua 4 đoạn đầu của sách Dân số ký, với việc tu bộ dân số, chúng ta có những bài học quý báu dành cho người tin Chúa Jêsus Christ:

  • Những nam đinh thuộc các chi phải từ 20 tuổi trở lên sẽ là những chiến sĩ ra trận chiến đấu và bảo vệ đoàn dân và Đền Tạm
  • Những người thuộc gia đình A-rôn làm Thầy Tế lễ với chức năng thay dân Chúa liên lạc với Chúa qua Đền Tạm.
  • Người Lê-vi là những nhân viên có phận sự phục vụ Chúa qua việc phục vụ Đền Tạm.

Bài học cho người tin Chúa Jêsus Christ bao gồm ba nhiệm vụ:

  • Đối với ma quỉ là kẻ thù của chúng ta. Người tin Chúa Jêsus Christ phải là những chiến sĩ của Chúa Jêsus Christ chống lại những cám dỗ, mưu chước của ma quỉ tấn công chúng ta hằng ngày, cũng như tranh chiến với ma quỉ để đem nhiều người trở lại với Chúa Jêsus Christ, đồng thời hiệp lại bảo vệ Hội thánh của Chúa.
  • Đối với Chúa. Người tin Chúa Jêsus Christ phải là những Thầy Tế Lễ hằng ngày vì dân Chúa là Hội thánh của Chúa cầu thay, xin Chúa mở mang Vương quốc của Chúa trên đất, cũng vì người chưa tin Chúa mà cầu thay cho họ được cứu.
  • Đối với Hội thánh của Chúa. Người tin Chúa Jêsus Christ phải là công nhân cùng làm việc trong ruộng của Đức Chúa Trời, trong nhà của Đức Chúa Trời, để xây dựng Hội thánh.

Đây là điều sứ đồ Phao-lô đã nói: “Anh em là ruộng của Đức Chúa Trời, là nhà của Đức Chúa Trời, … nhờ Ngài [Chúa Jêsus Christ] mà anh em được dự phần vào nhà đó (I Cô. 3:9; Êph. 2:22). Sứ đồ Phi-e-rơ đã rao báo: “Anh em là dòng giống được lựa chọn, là thầy tế lễ nhà Vua, là dân thánh…” (I Phi. 2:9).
Xin Chúa cho mỗi chúng ta nhận ra địc vị cao quý của Chúa cho mình, hầu sống xứng đáng mà Chúa đã gọi anh em.
II/. NHU CẦN DÒNG DÕI CŨ.  Đoạn 5 đến 10:10
4 đoạn đầu ghi lại sự thành lập Trại quân Y-sơ-ra-ên, 5 đoạn kế tiếp dạy về những điều kiện để được ở trong những Trại quân đó. Lời Chúa qui định như sau: “hầu cho họ không làm cho trại quân bị ô uế, là nơi ta ngự ở trong” (Dân. 5:3b).
Đó là nền tảng kỷ luật chính do Đấng Thánh ở giữa dân Chúa là dân thánh, nên người trong Trại quân thánh phải sống thánh, cũng chính là nguyên tắc cho người tin Chúa Jêsus ở trong  Hội thánh như con người thánh của Chúa ngày nay, vì Lời Chúa xác nhận: “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt ở giữa chúng, và ở giữa những chơn đèn có ai giống ta (Giăng 1:14), và sứ đồ Giăng làm chứng: “vừa xây lại, thấy bảy chơn đèn vàng… Hãy viết cho thiên sứ của Hội thánh tại Ê-phê-sô rằng: Nầy là lời phán của Đấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu và đi chính giữa bảy chơn đèn vàng” (Khải. 1:13; 2:1)
ĐOẠN 5, Phương diện cá nhân.
Chúa dạy dân thánh cách sống trong Trại thánh. Cá nhân phải sạch (tượng trưng qua bịnh tật), phải sống không được dối trá, phải rõ ràng minh bạch
ĐOẠN 6 ĐẾN ĐOẠN 8. Phương diện Luật thánh
Với những hứa nguyện Na-xi-rê, biệt mình cho Chúa phải trả, dâng hiến phải trả, và sự dâng mình phải như người Lê-vi.
ĐOẠN 9 ĐẾN 10:10. Phương diện dẫn dắt của Chúa.
Có hai sự dẫn dắt từ Chúa.
Một là bằng Mắt thấy qua trụ mây ban ngày cũng làm bóng mát cho dân Chúa khỏi nắng nóng và trụ lửa ban đêm để soi sáng và sưởi ấm cho dân Chúa vì ban đêm nơi hoang mạc rất lạnh. Chúa dẫn dắt cả ngày lẫn đêm.
Chúa dẫn dắt dân Chúa chẳng những bằng mắt thấy, mà còn dẫn dắt dân Chúa bằng Tai Nghe qua Hai Ống Loa. Giống như người tin Chúa Jêsus Christ ngày nay: Ống Loa thứ nhất là Lời Chúa dẫn dắt bên ngoài; Ống Loa thứ hai là sự dẫn dắt bởi Thánh Linh Chúa bên trong (Thi. 32:8).
Tôi không biết lòng Quý Vị thế nào khi học qua những sự dạy dỗ mà Chúa dành cho chúng ta là dân Chúa trong Chúa Jêsus Christ:

  • Chúa dạy từ cách sống cá nhân, nhất là đối với những chứng bịnh mà mãi đến thế kỷ 20, nhân loại mới nhận ra nguy hiểm như bịnh phung, bịnh nam nữ.
  • Chúa dạy người tin Chúa những vấn đề thuộc linh nghiêm túc, Chúa dẫn dắt từng ngày, từng đêm, bằng những phương tiện cụ thể tai nghe, mắt thấy.

Cá nhân tôi cảm nhận sự gần gũi thân thương của Chúa đối với cá nhân mình như một người cha người mẹ yêu thương con mình, chăm sóc từng li, từng tí, thân cận với con ngày đêm.
Quý vị có thấy thần nào, người nào đối với chúng ta như vậy không? Chắc chắn là KHÔNG! Thế mà dân Y-sơ-ra-ên cũng như người tin Chúa Jêsus Christ cứ lằm bằm, oán trách Chúa.
III/. HÀNH TRÌNH CỦA DÒNG DÕI CŨ. 10:11 ĐẾN 14.
Từ đoạn 1 đến đoạn 10:10, Kinh thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cách chu đáo cho dân Chúa, từ kế hoạch dựng trại, một quốc gia gương mẫu với Đức Chúa Trời là trung tâm qua Đền Tạm (Khải. 1:12-13).
Tất cả đã sẵn sàng lên đường!
Ngoài sách Sáng thế ký đoạn 3, thì phần Kinh thánh sách Dân số ký đoạn 10:11 đến đoạn 14 nầy là phần Kinh thánh buồn nhất. Chúng ta có thể chia nỗi buồn nầy ra làm 3 phần:
Những yếu đuối
Từ 10:11 đến 11:3, ngay vừa mới khởi hành, Môi-se đã yếu đuối không hoàn toàn tin cậy nơi sự dẫn dắt của Chúa, Môi-se đã tìm sự dẫn đường của người anh vợ, dù chính Môi-se đã giảng dạy dân Chúa tin cậy trọn vẹn nơi Chúa, vậy mà cá nhân Môi-se lại nhìn vào con người. Chúng ta dễ dựa vào những gì thấy được thay vì tin cậy nơi Đức Chúa Trời Toàn năng không thấy được.
ĐOẠN 11:1. Rồi đến sự yếu đuối của dân Chúa: “Vả, dân sự bèn lằm bằm, và điều đó chẳng đẹp tai Đức Giê-hô-va.
Ca-na-an đã hiện ra trước mắt, cuộc sống nô lệ sẽ không còn nữa. Đáng lẽ dân Chúa phải hát một bài ca vui mừng, nhưng họ lại lằm bằm than trách, một hành động chống lại Đức Chúa Trời!
Lý do yếu đuối.
Đoạn 11:4 nêu ra lý do khiến dân Chúa yếu đuối là bọn dân tạp xui giục. Dân tạp là dân gì?
Xuất. 12:38 cho biết khi dân Y-sơ-ra-ên được cứu khỏi Ai Cập thì những người nầy không phải dân Y-sơ-ra-ên cũng đi theo, họ giả làm dân Chúa, chân đi theo mà lòng vẫn ở Ai Cập với dưa chuột, củ hành, củ kiệu (11:5-6).
Đoạn 12:2, sự yếu đuối cũng xảy ra trong chính gia đình của Môi-se với những ganh tị, ganh ghét. Sự yếu đuối trong gia đình không mới mẻ gì, Kinh thánh nêu ra để người tin Chúa Jêsus ngày nay học mà tránh.
ĐOẠN 13 VÀ 14,
Sự yếu đuối như một rễ đắng đâm sâu (Hê-bơ-rơ 12:15), đây là phân đoạn buồn nhất, đau đớn nhất. 12 thám tử sau 40 ngày do thám Đất Hứa trở về báo cáo giống nhau nhưng kết luận khác nhau: 10 thám tử vô tín chỉ thấy khó khăn trong cơ hội, thấy xứ tốt tươi, cũng thấy người giềnh giàng, không thấy Chúa Toàn Năng Thành tín; 2 thám tử Giô-suê và Ca-lép bởi đức tin đã thấy cơ hội trong khó khăn. Sự vô tín đánh bại những người không tin (Unbelief defeats the unbeliever!), họ đã trả giá bằng 40 năm lang thang trong đồng vắng để ngã chết hết.
Vô tín không phải là chưa tin, nhưng là biết rõ, biết chắc mà không tin. Lời Chúa phán: “Còn những kẻ…chẳng tin [vô tín], phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng” (Khải. 21:8)
Xin Chúa dùng bài học dòng dõi cũ tỉnh thức chúng ta!.