SÁCH TIÊN TRI Ê-SAI Đề tài:NGƯỜI ĐƯỢC CỨU Kinh thánh: Ê-sai 6:1-13 Câu gốc: Ê-sai 6:7b, “Nầy, cái nầy đã chạm đến môi ngươi; lỗi ngươi được bỏ rồi, tội ngươi được tha rồi”. Mục đích: Bày tỏ dấu hiệu một người được cứu rỗi.
****************************************************
Kính chào Quý vị, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta bắt đầu cùng học xuyên suốt Suốt Kinh thánh phần các sách Đại Tiên Tri với sách Tiên tri Ê-sai.
Hôm nay chúng ta cùng học về kinh nghiệm được cứu của cá nhân Ê-sai, không phải vì ông là người Y-sơ-ra-ên, cũng không phải vì Ê-sai là thầy tế lễ hoặc Tiên tri, nhưng vì Ê-sai là một người tiêu biểu cho loài người trong đó có chúng ta.
I/. NGƯỜI CẦN ĐƯỢC CỨU – Ê-sai 6:1-4.
Trong câu 1, tác giả tự giới thiệu mình qua nhân xưng đại danh từ số ít ngôi thứ nhất: TÔI. ‘Tôi’ đây là ai? ‘Tôi’ chính là Ê-sai. Ê-sai là người như thế nào?
Tên của Ê-sai có một ý nghĩa rất thuộc linh là: “Đức Giê-hô-va đã cứu rỗi”, đồng nghĩa với Danh của Chúa Jêsus. Một người có một cái tên rất thiêng liêng hàm ý là có cha mẹ là người yêu mến Chúa mới đặt tên cho con như vậy. Người như thế cũng cần phải được cứu rỗi. Dĩ nhiên, cái tên tốt, một cái tên thuộc linh, là cơ hội để nhắc người mang tên ấy tỉnh thức ăn năn để được cứu. Cái tên tốt không cứu ai, nhưng cái tên tốt là một trong những phương tiện Chúa dùng để nhắc người có tên biết Chúa.
Nhóm từ “Về năm vua Ô-xia băng”, tham khảo với 37:1-2; 39:3, cho thấy Tiên tri Ê-sai rất thân cận với vua, các học giả Kinh thánh đều nhìn nhận Ê-sai có liên hệ với Hoàng tộc, có thể là một trong các Cố vấn của vua. Dù là một người có quyền thế, Ê-sai cũng cần được cứu rỗi.
Ê-sai là một thầy tế lễ, một người làm việc Tôn giáo, gần gũi với công việc thánh, nhưng rõ ràng chức tế lễ của ông không cứu được ông, và ông đã ghi lại kinh nghiệm của cá nhân ông cần được cứu rỗi.
Qua nội dung sách Ê-sai, chúng ta thấy Ê-sai là một người học thức cao, biết rất nhiều về các phương diện như: thiên văn, tôn giáo, chính trị, quân sự… Nhưng học thức đó không cứu được ông, cho đến khi ông khám phá cá nhân ông cần được cứu rỗi như trong đoạn 6 nầy.
Cảm ơn Chúa, dù Ê-sai biết nhiều về Chúa, nhưng sự hiểu biết ấy chỉ là sự hiểu biết theo truyền thống, từ cha mẹ ông bà truyền lại, người tin Chúa Jêsus VN gọi là đạo Dòng, thích đi vòng vòng ngoài sân, cho đến một ngày cá nhân Ê-sai thấy Chúa và khi đó ông mới thật sự được cứu rỗi.
Đây là kinh nghiệm có cần cho biết bao nhiêu người tin theo theo tổ chức tôn giáo Tin Lành ngày nay, nhất là những thuộc viên trong Hội thánh từ cha mẹ ông bà để lại.
Có một Mục sư sau buổi giảng Truyền giảng, ông gặp một Thanh niên và hỏi người Thanh niên ấy: ‘Chào anh, anh tin Chúa chưa?’. Người Thanh niên ấy trả lời: ‘Cảm ơn Mục sư, ba của tôi là Chấp sự của Hội thánh tại đây’. Mục sư lại hỏi: ‘Ô, tôi hỏi là anh tin Chúa Jêsus chưa?’. Người Thanh niên có vẻ khó chịu và đáp: ‘Ông Mục sư không biết ba của tôi là Chấp sự Hội thánh tại đây sao?’. Ông Mục sư vỗ vai người Thanh niên ấy và nói: ‘Anh ơi, Đức Chúa Trời có con mà không có cháu’.
Anh chị em, nhất là các bạn trẻ, mỗi người trong chúng ta phải kinh nghiệm gặp Chúa cách cá nhân. Truyền thống đức tin của gia đình mà Chúa cho chúng ta có là cơ hội tốt để chúng ta gặp Chúa, nhưng cá nhân chúng ta không được cứu rỗi cho đến chừng nào cá nhân chúng ta kinh nghiệm gặp Đức Chúa Trời như Ê-sai.
Ê-sai thấy Chúa như thế nào?
6:1, Ê-sai kinh nghiệm về một Chúa cao cả, uy quyền, không phải loại cao cả uy quyền của một vị vua trần thế, dù vua đó là anh hùng dân tộc như Ô-xia. Vinh quang đó không hạn chế trong Đền thờ, mà bao trùm cả Đền thờ và bao trùm khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển của Ngài (6:3b).
Ê-sai 6:2-4, Chẳng những cá nhân Ê-sai kinh nghiệm thấy một Chúa vinh hiển, mà ông còn kinh nghiệm một Chúa Chí Thánh đến nỗi các thiên binh thiên sứ phải chúc tụng ca ngợi Đức Chúa Trời, dù các thiên sứ đó cao trọng ở chung quanh Ngai của Đức Chúa Trời, nhưng các vị cũng không xứng đáng đứng trước Đức Chúa Trời, phải che mặt che chân.
Kinh nghiệm nầy vượt qua các của lễ vật chất, sự Thánh khiết của Chúa khiến cho các Sê-ra-phin là các bậc thiên sứ Thánh ở bên ngai của Đức Chúa Trời cũng phải run sợ che mặt, che chân lại, khiến các khối vật chất như Đền thờ cũng rúng động. Sự Thánh khiết của Chúa khiến các thiên sứ thánh khi hát ca tụng không biết dùng ngôn ngữ nào hơn là nhắc đi nhắc lại: THÁNH THAY ba lần, theo cách dùng so sánh cấp của tiếng Hi-bá-lai là:Thánh, Chí Thánh, Cực Thánh.
Đây là một khám phá cá nhân. Tôi quyết chắc Ê-sai cũng như bất kỳ người Y-sơ-ra-ên nào cũng biết rõ Chúa có uy quyền, Chúa là Thánh đáng kính sợ (Thi. 111:9), nhưng điều quan trọng để được cứu rỗi là Chúa có QUYỀN trên đời sống tôi không? Chúa là Đấng Thánh có phản chiếu sự thánh khiết của Ngài đến nỗi làm lộ ra sự ô uế bất khiết của cá nhân tôi không? Đây cũng là thước đo cho mỗi người trong chúng ta:
Thật sự Chúa có quyền trên đời sống của tôi không?
Mỗi lần đối diện với sự Thánh khiết của Chúa, tôi có nhìn thấy tôi là tội nhân, ô uế, đáng chết không? Đền thờ là khối vật chất còn biết rúng động, còn lòng tôi, con người tôi có rúng động trước sự Thánh khiết của Chúa không?
II/. CÁCH MỘT NGƯỜI ĐƯỢC CỨU – Êsai 6:5-7.
Ba câu Kinh thánh nầy bày tỏ hai phương diện một người muốn được cứu:
Phương diện con người – Ê-sai 6:5
Sau khi gặp Chúa, biết rõ Chúa, Ê-sai nhận diện chính mình là một tội nhân đáng chết, đến nỗi Ê-sai tự rủa sả chính mình: “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi!”.
Một thánh đồ khác cũng đã phải thốt lên lời rủa sả mình giống như Ê-sai, đó là Thánh Phao-lô. Sau những tìm tòi, nghiên cứu, Phao-lô khám phá rằng ý thức đạo đức trong ông muốn làm điều lành, nhưng bản năng tội lỗi của ông buộc ông làm ác, làm tội. Khám phá sự thất bại đạo đức của chính mình, Phao-lô đã la lên: “Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?” (Rôma 7:24).
Ê-sai biết tội và Ê-sai xưng tội với Chúa: “Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy”. Ê-sai muốn nói gì?
Ê-sai muốn nói cả con người của Ê-sai đã ô uế, tội lỗi, ngay cả cái miệng của ông cũng không dám tự nhận là sạch.
Môi trường chung quanh ông sống cũng đầy dẫy tội lỗi.
Anh chị em phải nhớ Ê-sai là một người học thức, một người có quyền thế, một người trẻ, một người Y-sơ-ra-ên chưa sanh ra đã biết Chúa, một thầy tế lễ hằng ngày làm việc trong Đền thờ. Nhưng bây giờ Ê-sai đã thấy được tội lỗi của cá nhân mình.
Chính vua Đa-vít đã nhìn nhận tội lỗi mình theo cách đó trong Thi thiên thứ 51:
Thi thiên 51:5, Đa-vít nhìn nhận: “Kìa tôi sanh ra trong sự gian ác, mẹ tội đã hoài thai tôi trong tội lỗi”. Chưa sanh ra đã có tội rồi.
Thi thiên 51:3, Đa-vít nhìn nhận: “Vì tôi nhận biết các sự vi phạm tôi, tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi”. Chẳng những được hoài thai và được sanh ra trong tội lỗi, Đa-vít còn nhìn nhận cá nhân ông cũng phạm tội, làm ra tội.
Đây là bước thứ nhất để một người được cứu: Cá nhận người đó phải nhận tội và bằng lòng ăn năn xưng tội với Chúa. Và đây cũng là bước khó nhất trong đời sống con người. Hãy vào dự các phiên xử trong Tòa án sẽ thấy, hầu hết những bị cáo đều không chịu nhận tội lỗi của mình, như Ê-va và A-đam, nên họ không được cứu.
Dù vậy, xin Chúa ban cho chúng ta một tấm lòng bằng thịt, mềm mại, lúc nào cũng sẵn sàng ăn năn tội lỗi để được tha thứ và được cứu.
Phương diện từ Chúa - Ê-sai 6:6-7.
Khi Ê-sai nhìn nhận tội lỗi, và kêu cứu, thì phần của Chúa, Chúa đã sai Thiên sứ dùng than lửa đỏ, than đang cháy đỏ, nơi bàn thờ, để trên miệng Ê-sai nơi tội lỗi nhất của con người, nơi mà người ta dùng để chối tội nhiều nhất, kèm theo là một lời tuyên bố tha thứ. Chúa đã ban sự tha thứ cho Ê-sai.
Đây là hình ảnh hai chiều của Thập tự giá: Con người ăn năn và sự ban tha thứ từ Chúa.
Con người biết tội, ăn năn tội, mà không có sự tha thứ từ Chúa thì hành động ăn năn của con người chỉ là vô ích.
Ngược lại Chúa ban tha thứ, nhưng con người không chịu ăn năn xưng tội, thì con người cũng không được tha thứ.
Người được cứu nào cũng phải có hai phương diện đó. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng ta rờ lòng tự hỏi về bước đầu tiên như Ê-sai: Tôi Có Thật Sự nhìn nhận tội của tôi và hạ mình xưng tội với Chúa chưa? Tôi quả quyết rằng, nếu chúng ta thực hiện bước thứ nhất, Chúa sẽ thực hiện ngay bước thứ hai của Ngài.
III/. DẤU HIỆU CỦA NGƯỜI ĐƯỢC CỨU – Ê-sai 6:8-13.
Dấu hiệu rõ ràng làm chứng Ê-sai là người đã được cứu nên Ê-sai sẵn sàng đứng lên ra đi rao truyền sự cứu rỗi của Chúa cho người khác.
Câu hỏi của Chúa dường như chung chung: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Dường như Chúa không trực tiếp hỏi Ê-sai, cũng có thể câu hỏi của Chúa thường xuyên lắm, nhưng hôm nay Ê-sai mới nghe được cho chính mình.
Như vậy, tiếng Chúa kêu gọi ra đi rao giảng Tin Lành Cứu Rỗi vang động khắp nơi, và kêu gọi không ngừng.Tại sao đến giờ nầy Ê-sai mới nghe được tiếng Chúa kêu gọi để sẵn sàng hầu việc Chúa? Từ ngữ đầu câu 8 là “ĐOẠN” đã nói lên lý do cho đến bây giờ Ê-sai mới nghe được thấy được nhu cần đem sự cứu rỗi cho người khác, nghĩa là sau khi Ê-sai thật sự kinh nghiệm được cứu, ông mới có được sự nóng nảy, có được sự sẵn sàng, đem sự cứu rỗi mà mình có, điều mình kinh nghiệm, truyền cho người khác.
Tôi quả quyết rằng một người đã kinh nghiệm được cứu rỗi của Chúa, thì không có gì ngăn cản được lòng ước ao muốn chia sẻ Tin lành cứu rỗi cho người khác.
Giăng 1:40-41, Anh-rê vừa khi gặp Chúa Jêsus Christ, vừa kinh nghiệm được cứu, lập tức giới thiệu Chúa Jêsus Christ cho anh mình là Phi-e-rơ.
Giăng 1:45, Phi-líp vừa gặp Chúa Jêsus Christ, lập tức giới thiệu cho bạn mình là Na-tha-na-ên.
Giăng 4:28-30, ngay cả người đàn bà xấu nết ở làng Si-kha, thành Sa-ma-ri, vừa khi bà gặp và tin Chúa Jêsus Christ là Đấng Cứu Thế, thì bà lập tức chạy vào thành chia sẻ Chúa Jêsus Christ cho mọi người trong làng.
Chắc chắn việc giảng Tin Lành cứu rỗi là một việc khó như Chúa đã xác nhận với Ê-sai: “Đi đi! Nói với dân nầy rằng: Các ngươi hãy nghe nhưng chẳng hiểu chi; hãy xem nhưng chẳng thấy chi. Hãy làm cho dân ấy béo lòng, nặng tai, nhắm mắt, e rằng mắt nó thấy được, tai nó nghe được, lòng nó hiểu được, nó trở lại và được chữa lành chăng!(6:9-10). Cảm ơn Chúa, Ê-sai đã không vì cớ đó mà rút lui, nhưng ông vẫn trung tín và tiếp tục. Dù không hi vọng rằng mọi người nghe chúng ta đều sẽ được cứu, nhưng ít nhất chúng ta cũng giữ cái gốc thánh cho Chúa.
Nguyện Chúa ban cho mỗi một người trong anh em sẵn sàng đứng lên chia sẻ, làm chứng Tin Lành cứu rỗi vô giá trong Chúa Jêsus Christ cho mọi người, để chứng minh rằng mình là người ĐÃ ĐƯỢC CỨU!