2 Sử Ký


SÁCH E-XƠ-RA 1
CUỘC LƯU ĐÀY

**********************************


Kính chào Quý vị, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta cùng học Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời, qua đó đã học được 10 sách, từ Sáng thế ký đến II Sử ký. Bắt đầu từ hôm nay, nhờ ơn Chúa, chúng ta cùng nhau học sách E-xơ-ra, một trong 03 sách của thời hậu và cuối 70 năm lưu đày.
Dù vậy, trước khi học, nhờ ơn Chúa chúng ta cùng tìm xem những điều xảy ra trước và trong thời điểm 70 năm lưu đày, hầu có cái nhìn thấu suốt thời chuyển tiếp cuối sách II Sử ký và sách E-xơ-ra.
I/. LÝ DO LƯU ĐÀY
Kinh thánh ghi rõ lý do tạo nên hai cuộc lưu đày:

  • Lý do Y-sơ-ra-ên bị lưu đày.

II Các Vua đoạn 17 ghi cảnh nước Y-sơ-ra-ên phía Bắc được Giê-rô-bô-am – thường được gọi là Giê-rô-bô-am Đệ I để phân biệt Giê-rô-bô-am Đệ II làm vua Y-sơ-ra-ên năm 793 TC (II Vua 14:23-29).
Giê-rô-bô-am Đệ I - một người Ép-ra-im, lãnh đạo 10 chi phái phía Bắc Y-sơ-ra-ên tách khỏi sự cai trị của nhà Đa-vít, sau cái chết của vua Sa-lô-môn vào năm 930 TC, đang do vua Rô-bô-am là con trai của Sa-lô-môn cai trị. Kể từ năm 930 TC này, Y-sơ-ra-ên chia thành hai: Nước Y-sơ-ra-ên phía Bắc với 10 chi phái; nước Giu-đa phía Nam với hai chi phái là Giu-đa và Bên-gia-min.
Suốt thời gian hơn 200 năm, từ năm 930 đến 722 TC, sách II Các Vua đoạn 17 nói về tình trạng tội lỗi của nước Y-sơ-ra-ên phía Bắc với Sa-ma-ri là thủ đô như sau: “Vả, dân Y-sơ-ra-ên đã phạm tội cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của họ, là Đấng đã rút họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô, và khỏi tay hà hiếp của Pha-ra-ôn, vua Ê-díp-tô; chúng đã kính thờ các thần khác, theo thói tục của các dân tộc mà Đức Giê-hô-va đã đuổi khỏi trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, và theo lệ mà các vua Y-sơ-ra-ên đã định” (17:7-18).
Theo đoạn 17:1-6, thì việc vua Y-sơ-ra-ên là Ô-sê bị vua A-si-ri bắt giam và nước Y-sơ-ra-ên bị quân A-si-ri chiếm, và dân Y-sơ-ra-ên là do vua Ô-sê của Y-sơ-ra-ên mưu phản Đế quốc A-si-ri, muốn dựa vào Ai Cập, nhưng nhìn từ phương diện của Đức Chúa Trời thì do dân Y-sơ-ra-ên phạm tội từ bỏ Chúa, thờ lạy hình tượng các tà thần. Nhất là Đức Giê-hô-va đã sai nhiều tiên tri phán dạy: “Song Đức Giê-hô-va cậy miệng các đấng tiên tri và những kẻ tiên kiến mà khuyên Y-sơ-ra-ên và Giu-đa rằng: Khá từ bỏ đường ác của các ngươi, hãy gìn giữ điều răn và luật lệ ta cậy những tiên tri, là tôi tớ ta, mà truyền cho tổ phụ các ngươi. Nhưng chúng không muốn nghe” (17:13-14).
10 chi phái Y-sơ-ra-ên đã bị đem qua A-si-ri, tức Iraq ngày nay, bên bờ sông Cha-bo, đồng thời theo chính sách cai trị của A-si-ri, họ đem các dân vào Sa-ma-ri pha trộn chủng tộc, xóa bỏ ranh giới quốc gia, tạo một chủng lai mới, khiến các dân không còn lệ thuộc một nước nào. Hiểu được điều nầy, người học sẽ hiểu được chuyện Chúa Jêsus bên giếng Si-kha được ghi trong sách Tin Lành Giăng.

  • Lý do cuộc lưu đày thứ hai – Lý do nước Giu-đa bị lưu đày

Nước Y-sơ-ra-ên phía Bắc bị đày, bị chiếm, nhưng Chúa còn cho nước Giu-đa phía Nam kéo thêm 100 năm nữa, đến năm 586 TC, vì muốn người Giu-đa thấy gương Y-sơ-ra-ên mà ăn năn, rất tiếc, Chúa phán: “Dầu ta đã bỏ Y-sơ-ra-ên bội nghịch và đã cho nó tờ để, vì cớ nó ngoại tình, ta cũng còn thấy em gái quỉ quyệt nó là Giu-đa, chẳng sợ sệt chi; nhưng nó cũng cứ đi hành dâm… Dầu vậy, em gái quỉ quyệt nó, là Giu-đa, cũng chẳng trở về cùng ta cách hết lòng, chẳng qua là giả dối, Đức Giê-hô-va phán vậy” (Giê-rê-mi 3:8, 10).
100 năm tồn tại bởi ân điển của Chúa dành cho nước Giu-đa với hình ảnh quốc gia anh em Y-sơ-ra-ên bị diệt và lưu đày, với vài cuộc phục hưng đời vua Ê-xê-chia và Giô-si-a, là những cố gắng bùng lên, với kết quả thắng được A-si-ri, sửa sang Đền thờ cho Chúa. Đáng tiếc, vua Giô-si-a cô độc trong cố gắng gây dựng niềm tin cho cả nước, cuối cùng lộ ra chỉ có một mình Giô-si-a tìm kiếm Chúa, còn cả nước chỉ phục hưng theo vua Giô-si-a. Cái gì phải đến thì đã đến, quân đội Ba-by-lôn đã đến đánh Giu-đa và bao vây Giê-ru-sa-lem.
Chúa đã dùng những tiên tri lớn như Ê-sai, với bao nỗ lực rao những sứ điệp kỳ diệu như đã được ghi trong sách tiên tri Ê-sai, truyền những phép lạ cứu Giê-ru-sa-lem khỏi tay A-si-ri, theo lệnh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời chữa cho vua Ê-xê-chia được lành, nhưng rồi bị vua Ma-na-se giết bằng cách cưa xẻ ông (Hê-bơ-rơ 11:37). Vào giờ phút cuối, tiên tri Giê-rê-mi với tất cả nhiệt huyết yêu quê hương, yêu đồng bào, với bao nước mắt: “Ôi! ước gì đầu tôi là suối nước, mắt tôi là nguồn lụy! hầu cho tôi vì những kẻ bị giết của con gái dân ta mà khóc suốt ngày đêm” (Giê. 9:1). Giê-rê-mi đã rao giảng sự ăn năn, kêu gọi vâng lời Chúa, nhưng Giê-rê-mi chỉ nhận cái kết đắng cho chức vụ qua lời than: “Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi là kẻ làm dữ auen rồi, sẽ làm lành được” (Giê. 13:23).
II/. DIỄN TIẾN GIU-ĐA BỊ LƯU ĐÀY.
Một lần nữa người học Kinh thánh cần tham khảo sách II Các Vua đoạn 23 đến đoạn 25 và sách II Sử ký đoạn 36 để biết chi tiết diễn tiến cuộc lưu đày của dân Giu-đa, đồng thời cũng để biết sự nhân từ của Đức Chúa Trời đã chờ đợi Giu-đa ăn năn, nhưng Giu-đa đã phạm tội chối bỏ Chúa của vua và cả nước Giu-đa đến mức Đức Chúa Trời không còn nhịn nhục và hình phạt được Chúa thi hành (A-mốt 8:1-2).
Sau cố gắng đơn độc tạo phục hưng của vua Giô-si-a, khi Giô-si-a qua đời, con trai của người là Giô-a-cha lên ngôi, người làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, theo trọn gương của các tổ phụ mình đã làm, người bị vua Ai Cập bắt giam tại Ríp-la, trong xứ Ha-mát, hầu cho người không cai trị tại Giê-ru-sa-lem, vua Ai Cập bắt người tiến cống một trăm ta lâng bạc và một ta lâng vàng.
Vua Nê-cô của Ai Cập truất ngôi bắt đày Giô-a-cha qua Ai Cập và người qua đời tại đó. Đoạn vua Ai Cập lập Ê-li-a-kim, em trai Giô-a-cha (sách II Các Vua ghi là con trai) làm vua, đổi tên Ê-li-a-kim thành Giê-hô-gia-kim.
Qua 11 năm cai trị, vua Giê-hô-gia-kim được Kinh thánh ghi như sau:

  • Vua Giê-hô-gia-kim làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va theo trọn gương các tổ phụ mình đã làm… lại cũng tại cớ huyết vô tội mà người đổ ra; vì người đã làm cho Giê-ru-sa-lem đầy huyết vô tội, thì Đức Giê-hô-va không khứng tha thứ người.
  • Vua Giê-hô-gia-kim thần phục Ba-by-lôn 3 năm thì phản lại, nên một liên quân Canh đê, Sy-ri, Mô-áp và quân Am-môn hủy hại Giu-đa, như lời Chúa truyền qua các tiên tri. Vua Ai Cập cũng không dám can thiệp vì sợ quân Ba-by-lôn.
  • Vua Giê-hô-gia-kim bị vua Ba-by-lôn đến đánh hạ, xiềng Giê-hô-gia kim đem qua Ba-by-lôn cùng với những khí dụng trong đền Đức Chúa Trời.

Con trai của Giê-hô-gia-kim là Giê-hô-gia-kin, mười tám tuổi, lên ngôi thay vua cha, tiếp tục làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, và diễn biến như sau:

  • Quân Ba-by-lôn bao vây Giê-ru-sa-lem, vua Giê-hô-gia-kin cùng hậu cung gồm mẹ mình, các tôi tớ mình, các quan tướng, và các hoạn quan mình đi ra đầu hàng vua Ba-by-lôn.
  • Nhằm năm thứ tám, vua Ba-by-lôn sai bắt Giê-hô-gia-kin đem qua Ba-by-lôn cùng với những vật tốt đẹp trong đền Đức Giê-hô-va, lấy hết thảy những bửu vật của đền Đức Giê-hô-va và những bửu vật của cung vua, đập bể các khí dụng bằng vàng mà Sa-lô-môn, vua Y-sơ-ra-ên đã làm cho đền thờ của Đức Giê-hô-va. Vua Ba-by-lôn dẫn đi cả dân Giê-ru-sa-lem, hết thảy những quan tướng và những lính chiến mạnh mẽ, số là một muôn người; lại cũng bắt hết thảy các thợ mộc và thợ rèn; chỉ còn lại những thường dân của xứ.

Vua Ba-by-lôn lập cậu của Giê-hô-gia-kin, sách II Sử ký gọi là em của người, làm vua thế cho người, đổi tên cho là Sê-đê-kia.
Sê-đê-kia được 21 tuổi lên ngôi, cũng làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, không hạ mình xuống trước mặt Giê-rê-mi, là đấng tiên tri vâng mạng Đức Giê-hô-va mà khuyên bảo người. Sê-đê-kia cũng dấy nghịch cùng vua Ba-by-lôn là vua đã buộc người chỉ Đức Chúa Trời mà thề; song người lại cứng cổ rắn lòng không khứng trở về cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Những thầy tế lễ cả và dân sự đều theo những sự gớm ghiếc của các dân ngoại bang mà phạm tội lỗi nhiều quá đỗi; làm cho ô uế đền của Đức Giê-hô-va mà Ngài đã biệt riêng ra thánh tại Giê-ru-sa-lem. Kinh thánh ghi lại sự yêu thương của Chúa như sau: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng, vì có lòng thương xót dân sự và đền của Ngài, nên hằng sai sứ giả đến cùng chúng; nhưng chúng nhạo báng sứ giả của Đức Chúa Trời, khinh bỉ các lời phán Ngài, cười nhạo những tiên tri của Ngài, cho đến đỗi cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng dân sự Ngài, chẳng còn phương chữa được. Vì vậy, Đức Chúa Trời khiến vua dân Canh-đê lên hãm đánh chúng…”. Tiên tri Giê-rê-mi đã nói với Chúa về tội khinh bỉ lời Chúa của dân Giu-đa thời nầy: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã khuyên dỗ tôi, và tôi đã chịu khuyên dỗ; Ngài mạnh hơn tôi và đã được thắng. Trọn ngày tôi cứ làm trò cười, và ai cũng nhạo báng tôi. Mỗi lần tôi nói thì cất tiếng kêu la; tôi kêu rằng: Bạo ngược và hủy diệt! Vì lời của Đức Giê-hô-va làm cho tôi cả ngày bị sỉ nhục chê cười. Nếu tôi nói: Tôi sẽ chẳng nói đến Ngài nữa; tôi sẽ chẳng nhơn danh Ngài mà nói nữa…” (Giê. 20:7-9).
Ba đời vua từ Giê-hô-gia-kim, Giê-hô-gia-kin và Sê-đê-kia, với những hình phạt từ vua Ai Cập, rồi vua Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lôn, dù có những tiên tri được Đức Chúa Trời sai đến quở trách tội lỗi, kêu gọi ăn năn, tiếc thay vua và dân Giu-đa vẫn cứng lòng tiếp tục thờ lạy thần tượng, chối bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời, bịt tay không nghe lẽ thật. “Bởi cơn giận của Đức Giê-hô-va nổi lên, nên Ngài giáng trên Giê-ru-sa-lem và Giu-đa những tai họa nầy, cho đến đỗi Ngài trừ bỏ chúng nó khỏi trước mặt Ngài” (II Vua 24:20), chẳng còn phương cứu chữa được.
Tham khảo sách II Các Vua đoạn 25 với sách II Sử ký đoạn 36 mô tả chi tiết cuộc tấn công của quân Ba-by-lôn thật kinh khủng lắm. Sách II Các Vua đoạn 25 ghi lại chi tiết như sau:
Ba-by-lôn vây Giê-ru-sa-lem hai năm, từ năm thứ chín đời Sê-đê-kia đến năm thứ 11, làm cả thành bị đói kém. Quân Canh đê bắt được vua Sê-đê-kia, giết các con của Sê-đê-kia trước mặt người, móc mắt người, xiềng người bằng xích đồng rồi đày qua Ba-by-lôn. Quân Ba-by-lôn thiêu đốt đền thờ, cung vua, và mọi nhà trong thành Giê-ru-sa-lem. Một số người Y-sơ-ra-ên nổi loạn, giết người đại diện Ba-by-lôn, rồi kéo trốn qua Ai Cập.
Sách II Sử ký 36:20-21, “Phàm ai thoát khỏi gươm, thì người – tức người Canh đê, bắt đem qua Ba-by-lôn; chúng làm tôi mọi cho người và cho con trai người cho đến đời nước Phe-rơ-sơ hưng khởi”.
Câu hỏi được đặt ra, tại sao Đức Chúa Trời đầy nhân từ lại phạt dân Chúa bằng những hình phạt ghê gớm như vậy, ấy là chưa nói đến nỗi khổ nhục lưu đày 70 năm. II Sử ký 36:21 trả lời: “để cho ứng nghiệm lời của Đức Giê-hô-va đã cậy miệng Giê-rê-mi phán ra, tức cho đến khi xứ được hưởng các năm sa-bát của nó; vì trọn lúc xứ bị bỏ hoang, thì dường như giữ sa-bát, cho đến mãn hạn bảy mươi năm”. Đọc những lời giải thích lý do nầy, cũng hãy đọc Thi thiên 130:3-4, “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố chấp sự gian ác, thì, Chúa ôi! ai sẽ còn sống? Nhưng Chúa có lòng tha thứ cho, để người ta kính sợ Chúa”, để nghĩ đến sự nhịn nhục của Chúa đối với chính cá nhân mình qua bao nhiêu lần phạm tội với Chúa. Xin Chúa tỉnh thức!