Gióp


SÁCH GIÓP 1
SƠ LƯỢC VỀ NGƯỜI TÊN GIÓP.

**********************************



Kính chào Quý vị, tôi là Mục sư SƠN.Cảm ơn Chúa cho chúng ta được tiếp tục cùng nhau học Lời Chúa là Kinh thánh. Tôi nói tiếp tục vì chúng ta đã vượt qua chặng đường dài gồm 5 sách Luật pháp của Môi-se, kế đó là 12 sách lịch sử từ sách Giô-suê đến sách Ê-xơ-tê. Tính về thời gian, chúng ta đã cùng nhau đi từ thời Đức Chúa Trời sáng tạo vũ trụ cùng thế giới chúng ta đang sống đến khi dân Y-sơ-ra-ên kết thúc 70 năm lưu đày trở về tái lập nước Y-sơ-ra-ên sau lưu đày, tức khoảng năm 400 năm trước khi Chúa Jêsus giáng sanh.
Hôm nay, nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ bước vào việc cùng học một thể loại mới của Kinh thánh, đó là thể loại Các Sách Văn Thơ, gồm 5 sách từ sách Gióp, Thi thiên, Châm ngôn, Truyền đạo, và Nhã ca. Năm sách nầy được viết theo dạng Thơ, nhưng vì có sự hạn chế trong khi dịch do vấn đề ngôn ngữ khác nhau, nên người Việt Nam chúng ta cần hiểu trong giới hạn ngôn ngữ, tuy nhiên chúng ta không bị hạn chế trong việc thưởng thức cái hay cái đẹp về văn chương và nhất là không bị hạn chế tìm ra bài học ích lợi cho cá nhân chính mình.
Sách đầu tiên được nói đến trong 5 sách Văn Thơ là Sách Gióp.Sách mang tên Gióp vì thuật chuyện về đời sống của ông Gióp.
GIÓP LÀ AI?
I/. GIÓP LÀ MỘT NGƯỜI KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI.
Lược qua sách Gióp, sách mang tên của nhân vật chính được nói đến trong sách. Ngay câu đầu tiên, Kinh thánh xác nhận những mặt tốt của Gióp: “Tại trong xứ Út-xơ, có một người tên là Gióp; người ấy vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác”. Có mấy điều cần nói đến lời giới thiệu về Gióp:

  • Xứ Út-xơ:

Căn cứ vào sách Sáng thế ký (6:9; 10:23; 22:21; 36:28), Út-xơ là vùng đất ở về phía đông sông Giô-đanh, bao gồm Ê-đôm ở phía nam và các xứ A-ram thuộc phía bắc. Chắc chắn là vùng đất rộng phì nhiêu nên Gióp có thể nuôi số lượng gia súc rất lớn (1:3). Tham khảo với 1:13-19, Út-xơ ở giữa những dân Sê-ba, Canh-đê, vùng có gió nóng và gần sa-mạc. Sách Giê-rê-mi 25:20-21, tiên tri Giê-rê-mi đã xếp các vua Út-xơ đứng đầu các dân tộc khu vực Trung đông bấy giờ.

  • Về đời sống của nhân vật Gióp.

Nhóm từ “người ấy vốn trọn vẹn và ngay thẳng”, nhắc chúng ta nhớ đến hai người:

  • Nô-ê.

Sách Sáng thế ký 6:9 ghi rõ về Nô-ê, “Nầy là dòng dõi của Nô-ê. Nô-ê trong đời mình là một người công bình và trọn vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời”.
Và người thứ hai là:

  • Áp-ram hay Áp-ra-ham.

Lời Chúa trong sách Sáng thế ký 17:1 nói về Áp-ram, “Khi Áp-ram được chín mươi chín tuổi, thì Đức Giê-hô-va hiện đến cùng người và phán rằng: Ta là Đức Chúa Trời toàn năng; ngươi hãy đi ở trước mặt ta làm một người trọn vẹn”.
Xét về cách gọi Nô-ê và Áp-ram là người công bình và trọn vẹn, so với cách giới thiệu Gióp cũng là người trọn vẹn và ngay thẳng, có thể cả ba người nầy sống trong khoảng thời gian tương đương, dù trong đó Nô-ê là người cao tuổi hơn hết.

  • Gia đình của Gióp: 1:2-5

Cuối câu 1 của đoạn 1, Kinh thánh nói về đức tin của Gióp là người: “Kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác”, kế tiếp trong câu 2 nói đến các con của Gióp: “Người sanh được bảy con trai và ba con gái”, tổng cộng Gióp có 10 đứa con.
Là một người kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác, Gióp không sống như một tu sĩ, ẩn sĩ, ích kỷ riêng chính mình, dù Gióp có rất nhiều của cải, “có bảy ngàn chiên, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái, và tôi tớ rất nhiều; người ấy lớn hơn hết trong cả dân Đông phương” (1:3).
Theo lẽ thường thì nhiều bậc cha mẹ giàu có cho con cái tiêu xài tự do; ngược lại những con cái các đại gia cũng thường ỷ lại sự giàu có của cha mẹ nên đã hư hỏng, hoang phí, ngay cả đời nay cũng không ngoại lệ khá hơn.
Cảm ơn Chúa, Gióp không chỉ sống riêng mình kính sợ Đức Chúa Trời và cá nhân lánh khỏi điều ác, nhưng Gióp là một người cha gương mẫu trong đời sống tin kính Chúa. Kinh thánh ghi lại cách Gióp yêu thương con cái:

  • 1:4, “Các con người hay đi dự tiệc, đãi thay phiên nhau trong nhà của mỗi người; và sai mời ba chị em gái mình ăn uống chung với mình”. Các con của Gióp thật biết yêu thương nhau, trong cảnh giàu sang. Những người con nầy vẫn biết hưởng thụ sung sướng qua việc thay nhau đãi tiệc ăn uống, nói như thế chứng tỏ các con của Gióp sống riêng nhau.
  • 1:5, chúng ta lại có thêm một bằng cớ chứng mình Gióp kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác: “Xảy khi các ngày tiệc yến xong rồi, Gióp sai người đi dọn các con cái mình cho thánh sạch, thức dậy sớm, dâng của lễ thiêu tùy số chúng nó; vì người nói rằng: Dễ thường các con ta có phạm tội, và trong lòng từ chối Đức Chúa Trời chăng. Gióp hằng làm như vậy”. Không chỉ cá nhân Gióp, nhưng Gióp cũng hướng dẫn các con đi trong sự kính sợ Chúa, nhất là sau những lúc vui chơi, người ta thường dễ phạm tội với Chúa. Thật là người cha gương mẫu kính sợ Đức Chúa Trời, đáng học thay!

II/. GIÓP BỊ THỬ THÁCH.
Câu chuyện về đời sống của Gióp bị thử thách bắt đầu với sự ganh tị của quỉ Sa-tan trước sự yêu thương của Đức Chúa Trời đối với một người yêu mến Chúa như Gióp.
Lần thứ nhất, quỉ Sa-tan thưa với Đức Chúa Trời rằng: “Gióp há kính sợ Đức Chúa Trời luống công sao? Chúa há chẳng dựng hàng rào binh vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao? Chúa đã ban phước cho công việc tay người, và làm cho của cải người thêm nhiều trên đất”. Quỉ Sa-tan cho rằng vì Đức Chúa Trời ban cho Gióp thịnh vượng, giàu cónên Gióp kính sợ Chúa, và quỉ Sa-tan cáo kiện Gióp: “Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt” (1:9-11).
Và Đức Chúa Trời đã cho phép Sa-tan đụng đến tài sản, con cái của Gióp, đến nỗi trong một ngày Gióp mất hết. Cảm ơn Chúa, Kinh thánh xác nhận: “Trong mọi sự ấy, Gióp không phạm tội, và chẳng nói phạm thượng cùng Đức Chúa Trời” (1:22).
Lần thứ hai, sau khi bị quỉ Sa-tan khiến Gióp bị cướp, bị thiên tai, làm cho mất hết tài sản, mất hết con cái, và quỉ Sa-tan thật không ngờ Gióp vẫn giữ lòng kính sợ Chúa với câu nói rất nổi tiếng: “Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!”. Gióp vẫn ngợi khen Chúa, và quỉ Sa-tan tiếp tục muốn làm cho Gióp mất lòng kính sợ Đức Chúa Trời bằng cách thưa với Chúa: “Lấy da đền da, phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng sống mình. Nhưng bây giờ xin Chúa hãy giơ tay ra, đụng đến hại xương thịt người, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt” (2:4-5). Quỉ Sa-tan xảo quyệt nghĩ như quan niệm an ủi của người không tin Chúa, có rằng còn người còn của, lấy của thay người, nên tìm cách hành hại thân thể Gióp.
Trong lần thứ hai bị hoạn nạn thử thách nầy, Gióp bị quỉ Sa-tan tấn công từ ba mặt:

  • Mặt thứ nhất Gióp bị quỉ Sa-tan tấn công:

Đoạn 2:7-8, Gióp bị quỉ Sa-tan hành hại bởi bịnh ung độc, từ bàn chơn cho đến chót đầu, đến nỗi Gióp phải lấy một miếng sành đặng gãi mình, và ngồi trong đống tro.

  • Mặt thứ hai Gióp bị quỉ Sa-tan tấn công:

Đoạn 2:9-10, quỉ Sa-tan dùng chính người vợ của Gióp tấn công đức tin của ông với những lời cay đắng, xúi Gióp phạm tội với Đức Chúa Trời. Kinh thánh ghi: “Vợ người nói với người rằng: Ủa? Ông hãy còn bền đỗ trong sự hoàn toàn mình sao?... Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời, và chết đi! Thật là cay độc, trong giờ phút mất tất cả của cải, mất hết con cái, người an ủi, xẻ chia đau buồn sẽ là người vợ thân thương, thế mà vợ của Gióp bị quỉ Sa-tan cám dỗ xúi giục Gióp chối bỏ Đức Chúa Trời, rủa sả Đức Chúa Trời.

  • Mặt thứ ba Gióp bị quỉ Sa-tan tấn công:

Quỉ Sa-tan lại dùng những người bạn của Gióp nghe tin Gióp hoạn nạn đã đến thăm, sách Gióp ghi: “Vả, khi ba bạn hữu của Gióp, là Ê-li-pha người Thê-man, Binh-đát người Su-a, và Sô-pha người Na-a-ma, hay được các tai nạn đã xảy đến cho người, mỗi người bèn hẹn nhau từ xứ mình đi đến đặng chia buồn và an ủy người (2:11). Nhưng thay vì những lời an ủi, khích lệ tin cậy Đức Chúa Trời, thì mỗi người bạn đưa ra cách lý giải nguyên nhân Gióp bị hoạn nạn theo quan niệm theo lý trí con người.Gióp nói về ba người bạn của ông: “Còn các ngươi là kẻ đúc rèn lời dối trá; thảy đều là thầy thuốc không ra gì hết. Chớ chi các ngươi nín lặng! Đó sẽ là sự khôn ngoan của các ngươi (13:4-5).
Dù vậy, qua những lời tranh luận giữa Gióp với các bạn, cuối cùng Đức Chúa Trời đã phán với Gióp (40:1). Nghe được lời Đức Chúa Trời phán, Gióp đã thưa với Chúa: “Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm. Kẻ nầy là ai, không hiểu biết gì, lại dám che ám ý chỉ của Chúa? Phải, tôi đã nói những điều tôi không hiểu đến, tức các sự lạ lùng quá cho tôi, mà tôi chẳng thông biết… Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ mắt tôi đã thấy Ngài; vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi” (42:1-6).
Quỉ Sa-tan dùng những hoạn nạn, những người chung quanh Gióp, kể cả những người thân để cám dỗ Gióp mất đức tin nơi Đức Chúa Trời, kết quả trái lại giúp Gióp nhận biết Đức Chúa Trời càng sâu nhiệm hơn.
Cuối cùng Đức Chúa Trời đã ra lịnh những người bạn chỉ trích Gióp phải xưng nhận tội lỗi của họ và dâng tế lễ chuộc tội, còn Gióp được Đức Chúa Trời ban thưởng của cải, con cái gấp đôi. Bài học về Gióp khiến Thánh Gia-cơ phải tuyên bố: “Phước cho người bị cám dỗ [hay bị thử thách]; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài”, và thánh Gia-cơ đã nhắc lại đời sống của Gióp để kết luận thư của ông: “Anh em đã nghe nói về sự nhịn nhục của Gióp, và thấy cái kết cuộc mà Chúa ban cho người; vì Chúa đầy lòng thương xót và nhơn từ” (Gia-cơ 1:12; 5:11b).
Đức Chúa Trời biết người tin Chúa cần đứng vững giữa phong ba cám dỗ đời nầy và trong thời kỳ nầy, nên Thánh Linh Đức Chúa Trời đã cho Kinh thánh có sách Gióp để chúng ta học và sống vui mừng trong hoạn nạn.