Giô-suê

GIÔ-SUÊ 1
NGƯỜI VIẾT SÁCH GIÔ-SUÊ.

*********************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta được cùng nhau học tiếp sách thứ 6 của Kinh thánh, là sách Giô-suê. Nói đến sách Giô-suê, tôi nhớ đến câu chuyện vào năm 1960 của thế kỷ 20, trong Hội Đồng Tổng Liên Hội của Hội thánh Tin Lành VN (Miền Nam), Cụ Cố Mục sư Lê văn Thái sau 15 năm giữ chức vụ Hội Trưởng Hội thánh Tin Lành VN vượt qua những biến cố trọng đại của Đất Nước, Mục sư Thái tuyên bố sẽ không ứng cử chức vụ Hội Trưởng nữa với lời nói đầy cảm động: ‘Đã đến lúc, Thế hệ đồng vắng nhường lại cho Thế hệ Đất Hứa’. Người xưa dạy: Quyền thế lớn không nên giữ mãi. Và bây giờ chúng ta hãy đồng hành với Thế hệ Đất Hứa của Giô-suê.
Bài học đầu tiên về sách Giô-suê, chúng ta sẽ nói đến Người Viết Sách Giô-suê. Tên sách Giô-suê là tên của Người viết sách.
I/. 1:1 – CON NGƯỜI CỦA GIÔ-SUÊ, “… Giô-suê, con trai của Nun…”
Lần đầu tiên tên của Giô-suê xuất hiện trong sách Xuất Ê-díp-tô ký đoạn 17:9, Môi-se bèn nói cùng Giô-suê… Xem như vậy, chúng ta biết rằng Giô-suê là một trong số người Y-sơ-ra-ên từng bị làm nô lệ tại Ai Cập, từng được Đức Chúa Trời giải cứu ra khỏi xứ Ai Cập.
Điều rất đáng cho chúng ta chú ý và gây thích thú cho chúng ta là trong những ngày làm nô lệ ở Ai Cập, làm sao Giô-suê có cơ hội học tập binh pháp, thế mà vừa ra khỏi Ai Cập, Giô-suê đã lập tức có thể chỉ huy các tráng sĩ Y-sơ-ra-ên đánh trận với quân chính qui người A-ma-léc. Dĩ nhiên, có người sẽ cho rằng Giô-suê thắng trận là do Môi-se được hai người A-rôn và Hu-rơ đỡ tay giơ lên, Kinh thánh ghi: “Vả, hễ đương khi Môi-se giơ tay lên, thì dân Y-sơ-ra-ên thắng hơn; nhưng khi người xụi tay xuống, dân A-ma-léc lại thắng hơn” (Xuất. 17:11). Rất đúng, nhưng đây chính là giáo lý chiều ngang và chiều dọc của thập tự giá, giáo lý Đức Chúa Trời yêu thương thế gian nhưng cũng phải hễ ai tin nữa. Môi-se giơ tay lên nhưng cũng phải có Giô-suê cầm quân giết giặc. Môi-se nói với Giô-suê: “Hãy chọn lấy tráng sĩ cho chúng ta, ra chiến đấu cùng dân A-ma-léc; ngày mai ta sẽ đứng nơi đầu nỗng, cầm gậy của Đức Chúa Trời trong tay” (Xuất. 17:9). Cảm ơn Chúa Giô-suê đã thắng trận – một trận thắng không chỉ do tài cầm quân của Giô-suê nhưng cũng cộng với sự cầu nguyện của Môi-se (Xuất. 17:8-16).
Đạo của Chúa kỳ diệu là thế, Đức Chúa Trời sẽ không hành động, dù Chúa là toàn năng, nếu con người chỉ thụ động không làm việc. Đức Chúa Trời dựng nên con người không phải là một robot được cài đặt sẵn, nhưng được giống ảnh tượng của Đức Chúa Trời, để cộng tác với Đức Chúa Trời. Ngược lại con người được Chúa giao quản trị muôn vật nhưng con người không phải là Đức Chúa Trời trên đất. Phao-lô nói: “Tôi làm được mọi sự”, nhưng Phao-lô không ngừng ở đó, nếu ngừng lại thì Phao-lô đã làm một Thượng đế vong thân rồi, Phao-lô còn nói tiếp: “nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”, Phao-lô làm được mọi sự là nhờ Chúa. Nếu Phao-lô nói nhờ Chúa ban cho mà Phao-lô không làm gì cả, có thể Phao-lô làm được vài ‘sự’ gì đó, nhưng không làm được mọi sự, Phao-lô trở thành kiêu ngạo hoặc là một cái máy. Bởi kinh nghiệm bản thân, Phao-lô khuyên người tin Chúa Jêsus: “Hãy siêng năng mà chớ làm biếng… ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa” (Rô. 12:11; II Tê. 3:10).
Sự biến đổi mau lẹ của Giô-suê từ một nô lệ sang một chiến sĩ dũng cảm, có lẽ Môi-se cũng đã nhìn thấy, nên Môi-se đã đổi tên của ông từ Hô-sê, nghĩa là Người cứu thành Giô-suê nghĩa là Giê-hô-va là Cứu Chúa (Dân số ký 13:16).
Chúng ta phải thật cảm tạ Chúa, vì trong ý chỉ đời đời của Chúa, Chúa đã cho phép sự đổi tên nầy để dự bị một hình bóng kỳ diệu trong chương trình cứu rỗi cho chúng ta:

  • Môi-se là biểu tượng của Luật pháp –

Người ta thường vẽ hình Môi-se với hai tay ôm hai bảng đá ghi 10 Điều răn của Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên - và Môi-se chỉ dẫn tuyển dân đến biên giới Đất Hứa, nhưng không thể đưa tuyển dân VÀO Đất Hứa.

  • Giô-suê là biểu tượng của Ân điển,

Vì chính Giô-suê từng là một nô lệ đáng chết nơi nhà Ai Cập, chẳng những mắt thấy, mà chính Giô-suê còn chịu hà hiếp, chịu vâng phục làm nô lệ, thế mà Chúa đã cứu ông ra khỏi nhà nô lệ đó, còn dùng ông trong công việc Nhà Chúa. Tên Giô-suê của ông đã nói lên sự cứu rỗi chỉ có Chúa mới làm được - Giê-hô-va là Cứu Chúa. Và đặc biệt hơn nữa, Chúa đã dùng Giô-suê để đưa dắt tuyển dân vào Đất Hứa, hình ảnh của Giô-suê là hình bóng về Chúa Jêsus Christ lãnh đạo Hội Thánh chiếm lấy Đất Hứa thuộc linh bởi ân điển (Êph. 2:8-9), vì tên của Giô suê chính là tên của Chúa JÊSUS, như trong Ma-thi-ơ 1:21, thiên sứ phán: “… ngươi khá đặt tên là JÊSUS, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội”.
Nói đến sự thay đổi tên của Giô-suê, chúng ta cảm ơn Chúa vì chẳng những đổi tên, nhưng cũng đã đổi tánh, sống nếp sống xứng đáng để làm cho người khác biết được Đấng Cứu Thế về sau.
Tôi biết một Cơ-Đốc nhân, trước khi tin Chúa, sống cuộc sống rượu chè, ăn chơi, phóng túng, đến nỗi dám lấy tên trong khai sanh là LÊ BỤI ĐỜI. Cảm ơn Chúa, khi tin Chúa, đời sống được biến cải, anh đã xin Tòa án cho anh đổi tên thành LÊ THÀNH CÔNG, và anh thật đã thành công trong đời sống thuộc linh.
Nhiều người chúng ta ngày nay trong Hội Thánh cũng thích đổi tên của mình hoặc đặt tên cho con mình theo tên các thánh đồ như: Đa-vít, Phao-lô, Sa-mu-ên… hoặc những tên gợi nhớ liên quan đến Chúa như: Ân điển, Thiên Ân, Thánh Khiết… Nguyện Chúa cho những người mang tên như vậy thật giống như Giô-suê, chẳng những mang tên, mà cũng sống như Giô suê xứng đáng với tên mà mình có.
II/. Giô-suê 24:15b – GIA ĐÌNH CỦA GIÔ-SUÊ:
Hầu hết các người Việt Nam tin Chúa Jêsus đều thuộc câu Kinh thánh Giô-suê 24:15b: “Ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va”, chẳng những học thuộc mà còn gắn câu Kinh thánh nầy trên tường nhà mình. Theo Giáo-sư Kim Định viết trong sách của Giáo sư, thì chỉ có người Indonesia và người VN gọi người chồng hoặc người vợ của mình là Nhà Tôi.
Đọc Kinh thánh, chúng ta không hề thấy Kinh thánh nói đến tên của Bà Giô-suê hoặc Bà đã làm gì cho Chúa hoặc cho Giô-suê, dù Giô-suê có vợ và có con.
Chúng ta cũng biết rằng khi Giô-suê nói: TA và NHÀ TA sẽ phục sự Đức Giê-hô-va, là lúc gần cuối đời của ông, sau bao nhiêu năm tháng phục vụ Chúa .
Nếu tính tuổi của Giô-suê, vì Giô-suê đồng niên với Ca-lép, mà sách Giô-suê 14:9-10, Ca-lép cho biết rằng lúc chia xứ thì Ca-lép đã 85 tuổi, thì Giô-suê cũng tương đương. Còn Giô-suê 24:29, lúc qua đời, Giô-suê được 110 tuổi.
Như vậy, Giô-suê đã dâng mình phục vụ Chúa độ 40 tuổi đến lúc chết là 110 tuổi, tổng cộng là 70 năm. 70 năm đó có biết bao nhiêu sóng gió trong cuộc đời, từ những lúc dân Y-sơ-ra-ên nổi loạn, đến những cuộc tấn công của những dân tộc chung quanh, rồi bao nhiêu cuộc chiến để chiếm Đất Hứa. Tôi không biết bà Giô-suê đã làm gì để giúp đỡ cho Giô-suê, nhưng đến cuối cuộc đời, Giô suê đã mạnh dạn đứng giữa mọi người mà tuyên bố: TA và NHÀ TA sẽ phục sự Đức Giê-hô-va, nghĩa là người vợ mà Chúa đã ban cho ông đã và sẽ cứ tiếp tục phục sự Chúa với ông. Chắc chắn bà Giô-suê Giô-suê rất thương ông, sẵn sàng chia sẻ với ông những vui buồn trong chức vụ.
Người VN có câu: Vợ ngoan làm quan cho chồng. Người Trung quốc viết chữ AN, an bình, an ổn, bằng cách vẽ chữ nữ - người nữ dưới mái nhà, nhà có người nữ lo toan thì nhà đó bình an. Đó là Sáng thế ký 2:18, 20, Đức Chúa Trời dựng nên người nữ là để giúp đỡ người nam, không phải giúp việc.
Rất tiếc, nhiều người tin Chúa Jêsus dù thuộc Giô-suê 24:15b mà không hề quan tâm áp dụng cho mình, họ chỉ nói ‘Ta phục sự Chúa’ mà không nói Ta và Nhà Ta, chồng ta hoặc vợ ta.
Có một nữ nhân sự trong Hội thánh than thở với tôi: ‘Mục sư ơi, không biết lý do gì chồng của tôi tự nhiên làm đơn li dị’. Tôi hỏi: ‘Cô có làm gì chồng cô buồn không?’ Cô quả quyết là không, rồi cô kể lể: ‘Sáng, tôi thức dậy lúc 6 giờ đi cầu nguyện ở nhà thờ, đến 7:30 thì cùng Ban Thăm Viếng Chứng Đạo, ăn sáng qua loa, lên đường đi chứng đạo, thăm viếng. Đến 4 hoặc 5 giờ chiều về nhà. Tôi có làm gì đâu. Tôi hỏi cô: ‘Chồng cô làm nghề gì?’ Cô đáp: ‘Sửa điện nhà. Sáng 8 giờ đi làm; chiều 4 giờ về’. Tôi nói: ‘Anh ấy li dị là phải. Cô trố mắt: Tại sao? Tôi giải thích: ‘Cô xem. Sáng anh ấy thức dậy không thấy vợ đâu, không ai lo cho anh ấy có gì ăn sáng. Chiều về, anh ấy cũng không thấy vợ đâu, còn nhà thì hoang vắng, bếp thì lạnh tạnh. Thế thì có vợ làm gì? Tôi đề nghị, cô sửa lại bằng việc quan tâm anh ấy để anh ấy ủng hộ cô phục sự Chúa.
Sách I Sa-mu-ên 30:1-5 ghi lại câu chuyện Đa-vít dẫn quân đánh trận, trong lúc đó quân thù nghịch lại dẫn quân tấn công vào phía nam Xiếc lác, xông vào Xiếc lác và đã phóng hỏa nó. Chúng bắt lấy các người nữ và hết thảy kẻ lớn nhỏ ở tại đó. Chúng nó chẳng giết một ai, song khi đi, có dẫn tù hết thảy. Khi Đa-vít và những kẻ theo người đến thành, thì thành đã bị lửa cháy; vợ, con trai, con gái của chúng đều đã bị dẫn tù. Bấy giờ, Đa-vít và những kẻ theo người đều cất tiếng lên khóc , khóc đến nỗi không còn sức khóc nữa… Không khóc làm sao được! Ma quỉ có thể hi sinh cho chúng ta thắng ngoài tiền tuyến, trong việc truyền giảng, giảng dạy, nhưng bù lại chúng nó hốt sạch những người thân của chúng ta ở hậu phương vì chúng ta không dành thì giờ quan tâm ‘Nhà Tôi’. Giô-suê nói: Tôi và Nhà tôi phục sự Đức Giê-hô-va, không phải chỉ một mình tôi. Giô-suê không quên hậu phương Nhà tôi là vợ tôi hoặc chồng tôi, con tôi, cái nhà của tôi!
Nghe những lời nói đó, mỗi chúng ta học được điều gì về gia đình của Giô-suê?

  • Điều thứ nhất, chắc chắn Giô-suê là người rất quan tâm đến gia đình của ông, dù ông rất bận rộn công việc Chúa.
  • Điều thứ hai, Giô-suê chẳng những quan tâm đến gia đình - vợ và các con - về phương diện vật chất, nhưng Giô-suê cũng đã biết hướng dẫn cả gia đình vào trọng tâm hầu việc Chúa.
  • Điều thứ ba, việc không đề cập đến vợ và con trong quá trình phục vụ Chúa, chứng tỏ Giô-suê đã đặt vị trí của gia đình đúng chỗ, đó là ở vị trí hậu phương ủng hộ ông thay vì dựa vào uy quyền của ông.
  • Điều thứ tư, tôi thật cảm phục bà Giô-suê và các con của Giô-suê, họ đã âm thầm giúp ông hoàn thành trách nhiệm với Chúa, mà không đòi hỏi một chút quyền lợi nào theo vai trò là những người thân của lãnh đạo Giô-suê.

Có một câu danh ngôn nói rằng: ‘Trên bước đường thành công của một người, bao giờ cũng có bóng dáng của một trong hai người phụ nữ: người Mẹ và người Vợ’. Tôi nghĩ rằng câu nói nầy đúng với Giô-suê.
Anh chị em cũng biết rằng, hai chữ NHÀ TA cũng có nghĩa là CÁI NHÀ CỦA TA. Thời Môi-se và Giô-suê, dân Y-sơ-ra-ên chỉ ở trong những cái Trại, không ở trong những căn nhà cố định, dù vậy cũng là một căn nhà - một căn nhà với những tiêu chuẩn thánh sạch về nghi lễ lẫn nghĩa đen cụ thể. Cảm ơn Chúa, Giô-suê đã mạnh dạn nói: TA VÀ NHÀ TA… ông cũng muốn nói TA, VỢ CON CỦA TA, VÀ CĂN NHÀ CỦA TA nữa cũng để phục vụ Chúa.
Ai quán xuyến căn nhà cho Giô-suê? Há không phải là vợ và các con của ông sao? Nguyện Chúa cho mỗi chúng ta học được bài học quí báu nầy, mỗi gia đình của chúng ta chung một mẫu số với gia đình của Giô-suê.