Lê-Vi Ký


LÊ-VI KÝ (1)
******************




Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Ms. SƠN. Cảm ơn Chúa cho qua Chương trình Phát Thanh Tin Lành,  chúng ta được cùng học Lời Đức Chúa Trời là Kinh thánh. Chúng ta đã cùng học được hai sách đầu của Kinh thánh là sách Sáng thế ký và sách Xuất Ê-díp-tô ký, bắt đầu từ hôm nay chúng ta sẽ cùng tiếp tục học sách thứ ba của Kinh thánh là sách Lê-vi ký. Việc đầu tiên là chúng ta học về:
TÊN SÁCH LÊ-VI KÝ:
Trong Kinh Thánh tiếng Hi-bá-lai, sách được gọi theo những chữ đầu của sách, chữ nầy là “VÀ CHÚA GỌI”, khi được dịch từ tiếng Hi-bá-lai sang tiếng Hi Lạp thì có nghĩa là: thuộc về người Lê-vi, hoặc sách ghi những việc liên quan đến người Lê-vi.
Khi dịch sang Việt ngữ lấy tên là Lê-vi ký. Chữ ‘Ký’ có nghĩa là Bảng ghi chép, như vậy sách có nghĩa là bảng ghi chép những việc về chi phái Lê-vi, tức là những việc liên quan đến chức năng của người Lê-vi đối với Đức Chúa Trời.
Lê-vi là ai? Có liên quan gì trong Kinh thánh?
Sách Sáng. 29:16-30 trong Kinh thánh đã ghi lại nguồn gốc của Lê-vi như sau: “Vả, La-ban có hai con gái, con lớn tên là Lê-a; con nhỏ tên là Ra-chên. Mắt Lê-a yếu, còn Ra-chên hình dung đẹp đẽ, vẻ mặt tốt tươi. Gia-cốp yêu Ra-chên…, Gia-cốp vì Ra-chên, phải giúp việc trong bảy năm; nhưng bởi yêu nàng, nên coi bảy năm bằng chừng đôi ba bữa. Kế đó, Gia-cốp nói cùng La-ban rằng: Hạn tôi đã mãn rồi; đâu! Xin cậu hãy giao vợ tôi lại đặng tôi đến gần cùng nàng. La-ban bèn mời các người trong xóm, bày một bữa tiệc; đến chiều tối, bắt Lê-a, con gái mình, đưa cho Gia-cốp… Sáng bữa sau, mới biết là nàng Lê-a, thì Gia-cốp hỏi La-ban rằng: Cậu đã đãi tôi cách chi vậy? Có phải vì Ra-chên mà tôi mới giúp việc cho nhà cậu chăng? Sao cậu lừa gạt tôi? La-ban đáp rằng: Phong tục ở đây chẳng được gả em út trước, rồi chị cả sau. Hãy ở với đứa nầy trọn một tuần đi, rồi ta sẽ gả luôn đứa kia cho; về đứa kia cháu phải giúp công cho cậu thêm bảy năm nữa…” Đức Giê-hô-va thấy Lê-a bị ghét, bèn cho nàng sanh sản, và Lê-vi là con trai thứ ba mà Lê-a sanh cho Gia-cốp. Khi sanh con trai thứ ba nầy, Lê-a mong ước chồng là Gia-cốp sẽ dính díu với nàng, nên nàng đặt tên con là Lê-vi, nghĩa là dính díu.
Tuy nhiên, một việc trọng đại đã xảy ra trên con đường Gia-cốp trở về xứ Ca-na-an, đến thành Si-chem, Kinh thánh ghi lại sự việc nghiêm trọng này như sau: “Nàng Đi-na, con gái của Lê-a sanh cho Gia-cốp, đi ra thăm bọn con gái của xứ đó. Si-chem, con trai Hê-mô, người Hê-vít, hoàng tử xứ đó, thấy nàng, thì cướp đi, nằm với nàng và làm điếm nhục nàng. Tâm hồn chàng vấn vít cùng Đi-na, con gái Gia-cốp, thương mến con gái tơ đó, lấy lời ngon ngọt nói cùng nàng. Si-chem nói cùng Hê-mô, cha mình, rằng; Hãy cho tôi con gái nầy làm vợ. Vả, Gia-cốp hay được rằng chàng làm hư danh giá Đi-na, con gái mình, nhưng các con trai mình mắc ở ngoài đồng cùng súc vật, nên người làm thinh đến khi họ về.
Lúc đó, Hê-mô, cha Si-chem, đến cùng Gia-cốp đặng nói chuyện cùng người. Các con trai Gia-cốp ở ngoài đồng về, vừa hay được việc ấy, bèn nổi nóng và giận lắm, vì việc ô danh mà Si-chem đã xui cho họ Y-sơ-ra-ên, nằm cùng con gái của Gia-cốp, là việc chẳng bao giờ nên làm. Hê-mô nói cùng họ rằng: Tâm hồn Si-chem, con trai tôi, đã dan díu cùng con gái các ông; xin hãy gả nàng cho nó làm vợ. Hãy kết sui gia cùng nhau; các ông gả con gái cho chúng tôi, rồi cưới các con gái chúng tôi lại. Hãy ở cùng chúng tôi; xứ sẵn dành cho các ông; hãy ở, buôn bán và dựng cơ nghiệp tại đó.
Si-chem thưa cùng cha và các anh em của người con gái rằng: Xin cho tôi được ơn trước mặt các ông, và điều chi các ông nói, tôi xin nạp cho. Xin hãy đòi một lễ cưới cho lớn, sính nghi cho cao, tôi xin nạp theo y lời các ông nói; nhưng hãy gả con gái đó cho tôi làm vợ. Các con trai Gia-cốp đáp lại cùng Si-chem và Hê-mô, cha chàng, cùng dùng mưu nói chuyện với họ, vì Si-chem đã làm mất danh giá của Đi-na, em gái mình. Các người ấy nói rằng: Gả em gái chúng tôi cho ai chẳng chịu cắt bì, ấy là một việc chúng tôi làm không được, vì sẽ là một nỗi nhuốc nha cho chúng tôi vậy. Chúng tôi sẽ nhậm lời các ông được, là khi nào các ông trở nên giống như chúng tôi, tức là mọi người nam chịu cắt bì; vậy, chúng tôi sẽ gả con gái chúng tôi cho các ông, và sẽ cưới con gái các ông lại; đoạn ta ở chung nhau, thành ra một dân mà thôi. Còn nếu không khứng nghe theo lời, và không chịu phép cắt bì, thì chúng tôi bắt con gái lại và đi ở nơi khác.
Bao nhiêu lời họ nói làm cho đẹp dạ Hê-mô và Si-chem, con trai người. Chàng trẻ tuổi đó không ngần ngại các việc họ đã định, vì con gái của Gia-cốp đẹp lòng chàng. Vả chàng đây là một người quí trọng hơn mọi người trong nhà cha mình.
Vậy, Hê-mô và Si-chem, con trai người, đi đến cửa thành mình, nói cùng dân trong thành như vầy: Các người đó ăn ở hòa thuận giữa vòng chúng ta; vậy cho họ ở trong xứ đặng buôn bán. Nầy, xứ cũng rộng cho họ ở, chúng ta sẽ cưới con gái họ làm vợ, và gả các con gái chúng ta lại. Nhưng họ bằng lòng ở cùng chúng ta đặng thành một dân, miễn khi nào các người nam trong bọn mình phải chịu phép cắt bì chính như mọi người nam của họ vậy. Thế thì, há rằng các súc vật, các tài sản và bầy của họ sẽ chẳng thuộc về chúng ta sao? Thôi, ta hãy nhận theo họ điều đó đi, để họ ở chung cùng chúng ta.
Mọi người đi ra cửa thành mình đều nghe theo lời Hê-mô và Si-chem, con trai người, và hết thảy người nam đi ra cửa thành mình đều chịu phép cắt bì.
Đến ngày thứ ba, khi mọi người đương đau đớn, thì hai con trai Gia-cốp, là Si-mê-ôn và Lê-vi, anh nàng Đi-na, cầm mỗi người một thanh gươm, thừa khi ai nấy yên ổn, xông vào thành giết hết thảy người nam. Hai người giết Hê-mô và Si-chem, con trai người, đem nàng Đi-na ra khỏi nhà Sichem, rồi đi. Vì cớ họ làm mất danh giá em gái mình, nên các con trai Gia-cốp xông vào những xác chết và phá cướp thành; bắt các bầy chiên, bò, lừa, cùng vật chi trong thành và ngoài đồng; cướp đem đi hết tài vật, các con trẻ và đờn bà, cùng mọi vật chi ở trong nhà vậy (Sáng. 34;1-29).
Biến cố nầy đã khiến Lê-vi mất quyền thừa kế sau khi Ru-bên phạm tội mất quyền trưởng nam, người kế tiếp thừa kế là Si-mê-ôn và Lê-vi cũng mất (Sáng. 35:22; 34:25-26). Trong lời chúc phước cho 12 đứa con trai, Gia-cốp đã nói tiên tri về Lê-vi và dòng dõi của Lê-vi: “Si-mê-ôn và Lê-vi là anh em ruột. Thanh gươm chúng nó thật khí giới hung tàn. Cầu cho tâm hồn cha chớ có đồng mưu, vinh hiển cha chớ hiệp cùng hội họ; vì họ đã giết người trong cơn giận dữ họ, cắt nhượng bò đực vì ý riêng mình. Đáng rủa sả thay cơn giận dữ họ, vì thật là hùng mạnh! Đáng rủa sả thay khí giận họ, vì dữ dằn thay! Ta sẽ phân chia họ ra trong nhà Gia-cốp, tán lạc họ trong dân Y-sơ-ra-ên” (Sáng. 49:5-7). Bởi đó quyền trưởng nam thừa kế từ Ru-bên đến Si-mê-ôn, rồi sang Lê-vi, cuối cùng chuyển sang chi phái Giu-đa (Sáng. 49:8-12).
Kinh thánh cho biết 12 con trai của Gia-cốp đã trở thành 12 chi phái của dân Y-sơ-ra-ên (46:1-27), và Lê-vi là tổ phụ của chi phái Lê-vi. Cảm ơn Chúa, đến sách Xuất Ê-díp-tô ký thì chi phái Lê-vi đã có sự chuyển biến phước hạnh, có thể nói sách Xuất Ê-díp-tô ký là câu chuyện của những người thuộc chi phái Lê-vi, là Môi-se, A-rôn, Mi-ri-am, tất cả được Đức Chúa Trời dùng để đưa dân Chúa ra khỏi Ai Cập và dắt về Đất Hứa, còn sách Lê-vi ký là sách ghi chi tiết những công việc của chi phái Lê-vi.
CÔNG VIỆC CỦA NGƯỜI LÊ-VI.
Qua sách Xuất Ê-díp-tô ký, ngay bắt đầu sách (2:1), Đức Chúa Trời đã chọn một người thuộc chi phái Lê-vi đi cưới con gái Lê-vi làm vợ. Nàng thọ thai, và sanh một con trai…, đứa con trai này được công chúa Ai Cập cứu và đặt tên là Môi-se, nghĩa là được cứu khỏi nước. Và câu chuyện Đức Chúa Trời giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập bắt đầu từ chi phái Lê-vi.
Người đầu tiên thuộc chi phái Lê-vi được Đức Chúa Trời chuẩn bị cho công việc lãnh đạo dân Chúa là Môi-se được sanh ra trong bối cảnh dân Y-sơ-ra-ên đang bị người Ai Cập tìm cách bách hại diệt chủng. Môi-se chỉ được sống trong gia đình có 3 tháng tuổi, rồi được mẹ thả trôi sông. Đức Chúa Trời đã dự bị cho công chúa Ai Cập vớt được và nuôi dưỡng trong cung điện của Pha-ra-ôn học cả sự khôn ngoan của người Ê-díp-tô – thời cực thịnh của Ai Cập cách đây hơn 3.500 năm; lời nói và việc làm của Môi-se đều có tài năng (Công. 7:32)
Cảm ơn Chúa cho Môi-se có người chị biết yêu thương em mình, đã gặp công chúa Ai Cập với đề nghị tìm vú nuôi, và vú nuôi không ai ngoài chính mẹ của Môi-se. người chị nầy của Môi-se tên Mi-ri-am, đã cùng Môi-se dong ruổi gần suốt 40 năm lưu lạc trong đồng vắng. Mi-ri-am được Đức Chúa Trời dùng làm Nữ Tiên tri, chỉ huy đoàn dân Y-sơ-ra-ên hát mừng ngợi khen Chúa sau khi vượt Biển Đỏ kỳ diệu (Xuất. 15:20).
Người Lê-vi thứ ba trong gia đình thuộc chi phái Lê-vi được Đức Chúa Trời dùng là A-rôn, anh của Môi-se. Sau khi Môi-se cố từ chối sự kêu gọi của Chúa để lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, Kinh thánh ghi những lời như sau: “Môi-se thưa rằng: Ôi! lạy Chúa , Chúa muốn sai ai đi, thì sai. Đức Giê-hô-va bèn nổi giận cùng Môi-se mà phán rằng: Có phải A-rôn, người Lê-vi, là anh ngươi chăng? Ta biết người đó có tài nói giỏi… (Xuất. 4:13-14). Và Đức Chúa Trời đã dùng A-rôn, một người Lê-vi nữa trong gia đình thuộc chi phái Lê-vi, làm Thầy Tế Lễ Thượng phẩm, biệt riêng chi phái Lê-vi làm chi phái lo việc Đền thờ và việc tế lễ đời đời cho Chúa.
Quả thật chi phái Lê-vi đã được Đức Chúa Trời chọn, bắt đầu với 3 người quan trọng nầy. Đó là công việc trung gian giữa Đức Chúa Trời với dân Chúa (Dân. 1:47-54). Người Lê-vi được đóng Trại chung quanh Đền Tạm để bảo vệ Đền Tạm, sau này là Đền thờ, họ vì Chúa giữ gìn sự thánh khiết, công bình của Đức Chúa Trời giữa con người, hay nói cách khác, người Lê-vi vừa làm Thầy Tế Lễ, vừa làm một quan Tòa cho dân Chúa, và người Lê-vi còn là một y sĩ cho dân Chúa khi xét định một số bịnh tật trong vòng dân Chúa, đặc biệt là bịnh phung. Chúng ta cũng không thể quên một người Lê-vi được Đức Chúa Trời dùng dọn đường cho Chúa Jêsus Christ đến thế gian, là Giăng Báp-tít (Luca 1:5, 63; Giăng 1:6-8).
ĐẶC ÂN CỦA NGƯỜI LÊ-VI.
Những người Lê-vi không có phần đất làm sản nghiệp. Thay vào đó, người Lê-vi được nhận thuế một phần mười về sản vật trong xứ của các chi phái. Đến lượt, họ cũng trích một phần mười ra dâng cho các thầy tế lễ như công nhận sự dâng mình cao trọng hơn (Dân số 18:21, 24, 26; Nê-hê-mi 10:37). Chúa ban cho chi phái đó bốn mươi tám thành và đất chung quanh thành làm đồng cỏ nuôi bầy vật (Dân số 35:2). Có sáu thành được chọn làm thành ẩn náu cũng vì lòng tôn kính của dân sự đối với những người Lê-vi đó. Trong suốt cả xứ, người Lê-vi không bị bỏ bê, được đồng hưởng sự vui vẻ về các phước lành mà Chúa ban cho dân sự (Phục truyền 12:19Phục truyền 14:26-27Phục truyền 26:11). Cứ ba năm, người Lê-vi được thêm phần về huê lợi trong xứ (Phục truyền 14:28Phục truyền 26:12). "Các thầy tế lễ về dòng Lê-vi có nhiệm vụ gìn giữ, sao chép, và giảng nghĩa luật pháp (Phục truyền 17:9-12Phục truyền 31:26). Chúng ta không thể quên công khó của một người Lê-vi, tên là E-xơ-ra thời hậu lưu đày Ba-ba-lôn, người đã quyết chí sưu tập và hoàn thành Bộ Kinh Cựu Ước của Kinh thánh, được người Y-sơ-ra-ên nhìn nhận là Lời Đức Chúa Trời.
Đặc biệt, Đức Chúa Trời đã cho phép Môi-se dành một sách viết tất cả phần việc mà người Lê-vi phải chịu trách nhiệm với Chúa và với người, đó là sách Lê-vi ký.