Các Quan Xét

SÁCH CÁC QUAN XÉT 1
TÊN SÁCH
************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta bắt đầu được cùng học sách Các Quan Xét, học về một thời kỳ tối tăm kéo dài 400 năm của Lịch sử nước Y-sơ-ra-ên trong thời gian mới lập quốc, còn quá mới mẻ. Do đó, với thời gian 400 năm nầy, có một điệp khúc cứ lặp đi lặp lại ít nhất là BẢY lần suốt sách, điệp khúc đó là ‘phạm tội – bị Chúa phạt – dân Chúa ăn năn – được Chúa dùng người giải cứu’. Do đó, xin Chúa cho người học sách Các Quan Xét không bị nhàm chán, trái lại tìm được nhiều bài học cho mình, nhất là trong thời kỳ Hội thánh bước vào tình trạng dễ sa sút trước ngày Chúa Jêsus Christ tái lâm.
Theo thông lệ, bài học đầu tiên về sách Các Quan Xét, chúng ta sẽ cùng học về Tên Sách. Tên sách ‘Các Quan Xét’ nói đến thời kỳ chuyển tiếp từ chế độ Thần quyền do chính Đức Chúa Trời trực tiếp cai trị dân Chúa chuyển sang thời chế độ phong kiến được cai tri bởi các vua loài người..
Như chúng ta đã học qua 5 sách của Môi-se, bắt đầu với sách Sáng thế ký đến khi dân Y-sơ-ra-ên chiếm được Đất Chúa Hứa, nhân loại nói chung đã trải qua những thời kỳ thay đổi liên tục như sau:
NGUYÊN NHÂN CÓ THỜI KỲ QUAN XÉT.
Trước khi bước vào Thời kỳ Các Quan Xét, qua Kinh thánh, lịch sử loài người ghi nhận loài người đã trải qua hai Thời kỳ khác nhau:

  • Thời kỳ Lương tâm.

Thời kỳ nầy kéo dài từ sau khi tổ phụ loài người phạm tội sống theo lương tâm đúng hoặc sai. Tuy nhiên, người ta nói: Lương tâm loài người là chiếc đồng hồ reo, trong khi ngón tay của loài người đặt trên nút reo. Sách Sáng thế ký đoạn 4 ghi lại câu chuyện Ca-in và A-bên đã giải thích câu nói đó. Vì lòng ganh tị trước việc Đức Chúa Trời nhậm của lễ bởi đức tin của A-bên, nghĩa là A-bên dâng của lễ cho Đức Chúa Trời vì A-bên muốn bày tỏ mình có được những vật đó là do Đức Chúa Trời ban cho, như Phao-lô nói: “tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi (Hê-bơ-rơ 11:4; Phi-líp 4:13); trong khi đó, Đức Chúa Trời không nhậm của lễ của Ca-in vì người dâng chỉ muốn chứng tỏ công sức riêng “tôi làm được mọi sự”. Khi Ca-in bị cáo trách ý đồ mưu giết A-bên là em mình, lời Chúa phán: “Nếu ngươi làm lành há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó” (Sáng. 4:7). Kết quả sự cáo trách cảnh cáo bị Ca-in bỏ qua, bịt đi tiếng reo của chiếc đồng hồ lương tâm. Tại sao có tình trạng lương tâm không được nghe theo? Kinh thánh và chỉ có Kinh thánh có câu trả lời, Phao-lô đã giải thích: “Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi. Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng; nhưng tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi vậy” (Rô. 7:21-23).
Kể từ đó, loài người cứ sống đời sống không có Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô giải thích thời kỳ nầy: “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được… vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời … song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm” (Rô. 1:19-22).
Trong sâu thẳm con người mang ảnh tượng của Đức Chúa Trời nên vẫn ý thức làm lành; nhưng ma quỉ và tội lỗi cai trị con người buộc con người cứ phải làm dữ, lương tâm là tiếng nói lành thiện đã bị tội lỗi bịt tiếng.

  • Đến thời kỳ thứ hai là Thời kỳ Luật pháp. Đức Chúa Trời phải đợi đến khi dân Y-sơ-ra-ên được Chúa cứu khỏi Ai Cập, thoát cảnh nô lệ, được trở nên một dân tự do, khi ấy Đức Chúa Trời ban cho dân Chúa Bộ Luật Pháp bởi Môi-se, căn bản là Mười Điều Răn, như Chúa Jêsus phán: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi… cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình! Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra” (Math. 22:37-40).

Cũng vì tội lỗi cai trị trong con người, không một người nào làm trọn luật pháp (Rô. 3:10, 23), vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy” (Gia-cơ 2:10).
Điểm quan trọng đối với dân Y-sơ-ra-ên là trong Thời kỳ Luật pháp, chính Đức Chúa Trời trực tiếp cai trị họ, có thể qua một người như Quan Xét, cho nên thời kỳ Luật pháp cũng được gọi là Chế Độ Thần Quyền. Chính Chúa phán với Tiên tri Sa-mu-ên về chế độ Thần quyền khi dân Y-sơ-ra-ên đòi chuyển qua Chế Độ Phong Kiến: “Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng:… ấy chẳng phải chúng nó từ chối ngươi đâu, bèn là từ chối ta đó, hầu cho ta chẳng cai trị chúng nó nữa” (I Sam. 8:7).
Giai đoạn thứ ba là Thời kỳ Phong kiến, tức là vua loài người cai trị. Tiên tri Sa-mu-ên nói về Chế Độ Phong Kiến như sau: “Sa-mu-ên thuật lại mọi lời của Đức Giê-hô-va cho dân sự đã cầu  xin Ngài một vị vua, mà rằng: Nầy là cách của vua sẽ cai trị các ngươi. Người sẽ bắt con trai các ngươi đặng đánh xe mình, hoặc đặt vào quân kị, để chạy trước xe của người. Người sẽ lập chúng nó làm trưởng ngàn người và trưởng năm mươi người, hoặc bắt chúng nó cày ruộng người, gặt mùa màng người, chế tạo binh khí người, và đồ đạc của xe cộ người. Người sẽ bắt con gái các ngươi làm thợ chế dầu thơm, làm đầu bếp, và thợ bánh mì. Người sẽ thâu vật tốt nhứt của ruộng, vườn nho, và cây ô-li-ve của các ngươi, đặng phát cho tôi tớ người. Người sẽ đánh thuế một phần mười về ngũ cốc và vườn nho các ngươi, mà phân phát cho những quan hoạn và tôi tớ người. Người sẽ bắt những tôi trai, tớ gái, trai tráng hạng của các ngươi, đến đỗi bắt con lừa các ngươi, mà dùng vào công việc người” (I Sam. 8:10-18).
Và sách Các Quan Xét được viết ra để thuật lại thời gian giao thời giữa Thời kỳ Luật pháp và Thời kỳ Phong kiến. Nói rõ hơn, sách Các Quan Xét giải thích nguyên nhân dân Y-sơ-ra-ên đòi có Chế độ Phong kiến, vì họ nghĩ rằng trong Chế độ Phong kiến họ sẽ tự do làm theo ý họ lấy làm phải, dù Tiên tri Sa-mu-ên đã báo trước, họ đã rơi vào cám dỗ của ma quỉ từ những dân tộc chung quanh thay vì đi theo sự cai trị của Đức Chúa Trời, họ đã theo con đường của Ê-va nghĩ rằng ăn trái cây biết điều thiện và điều ác sẽ khôn bằng Đức Chúa Trời (sáng. 3:1-5), không ngờ dân Y-sơ-ra-ên chìm đắm trong tội lỗi suốt 400 năm.
Nói như Văn hào André Maurois: ‘Đi ngược lại con đường của Đấng Tạo hóa, xem ra không được may mắn’.
Ý NGHĨA CHỨC VỤ ‘QUAN XÉT’.

  • Tên sách Các Quan Xét trong tiếng Hi-bá-lai là Shophetim, nghĩa là Sách của Các Quan Xét. Bản dịch tiếng Việt đã lấy tên theo tiếng Hi-bá-lai là sách: ‘Các Quan Xét’.

Căn cứ vào từ ngữ ‘Quan Xét’, chúng ta có hai chức năng của chức vụ nầy:

  • ‘Quan’: Quan là một người giữ chức vụ có chức năng là ‘trị’, cai trị, không phải là vua, nghĩa là không có quyền tuyệt đối.
  • ‘Xét’ nghĩa là xét xử, thẩm xét, xử lý những vấn đề xảy ra trong phạm vi chức vụ cai trị.

Bản dịch tiếng Trung quốc dịch tên sách theo chức vụ nầy là: Quan Sư, gồm hai danh từ ‘Quan’ là cai trị; còn ‘sư’ là thầy là người dạy một ngành nào đó. Trong Thời đen tối nầy, chữ ‘sư’ hàm ý dạy người dân điều lành, điều gì đẹp lòng Chúa, dạy luật pháp của Đức Chúa Trời, họ không dạy điều họ biết hoặc họ nghĩ, như các Triết gia Đông phương dạy người trong thời loạn thế Xuân Thu, Chiến Quốc: Lão tử, Khổng Tử, Mặc Tử, Hàn Phi Tử… Hãy nghe người Trung quốc không tin Chúa Jêsus nói về các Triết gia của họ: Cái học của Lão Trang xa rời trần thế, đề xướng vô vi mà trị, nhưng thiên hạ hiện nay, nếu như vô vi, căn bản  sẽ không thể trị, bởi vậy nên không thể dùng. Cái đạo Khổng Mạnh lấy nhân nghĩa làm gốc, lấy lễ nhạc làm khuôn, nhưng thiên hạ từ lâu đã lễ băng, nhạc hoại, bất nhân bất nghĩa, nên cũng khó thực hành. Cái học của Mặc Dương, tu thân thì có thừa, nhưng trị thế lại không đủ, nên các chư hầu cũng bỏ đi mà không dùng. Cái học hình danh chỉ đề xướng lấy sức phục lòng người, khó lòng tiến xa…(Trích: Hàn Xuyên Tử, Quỷ Cốc Tử, NXB Văn học, tập 2, trang 331 - 2013).
Chức vụ Quan xét không phải là vua, cũng không cao trọng như chức vụ của Môi-se, hoặc Giô-suê. Các Quan Xét được Đức Chúa Trời dấy lên để giải cứu dân Chúa trong những lúc có cần, họ có thể là những chiến sĩ cầm quân ra trận, hoặc xuất thân từ nông dân như Ghê-đê-ôn, hoặc xuất thân từ một người có uy tín giữa dân chúng như Sam-sôn, có khi cũng làm nhiệm vụ xét xử công bình cho dân Chúa, nói chung là không bắt buộc xuất thân từ một giai cấp nào, chỉ có một đặc điểm chung là tất cả Các Quan Xét đều kính sợ Chúa.
Trong đời các Tổ phụ như Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, các Trưởng tộc, Trưởng lão chi phái cũng là một dạng các Quan Xét.
Sách Các Quan Xét ghi lại những việc xảy ra trong dân Y-sơ-ra-ên thời kỳ dân Y-sơ-ra-ên chưa có vua, “Nhằm lúc không có vua trong Y-sơ-ra-ên… Đương lúc đó, không có vua trong Y-sơ-ra-ên; ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải” (19:1a; 21:25). Nghĩa là từ khi Giô-suê qua đời đến khi Sau-lơ lên làm vua. Chúng ta có một niên biểu về lịch sử dân Y-sơ-ra-ên như sau:

  • Từ khi ra khỏi Ai Cập là năm 1446 TC. – cũng có ý kiến tính từ năm 1280 TC.

Đức Chúa Trời đã dùng 14 Quan xét. Sách Các Quan Xét chỉ ghi lại 12  vị Quan xét, còn 2 vị Quan xét được ghi trong sách I Sa-mu-ên tên là Hê-li và Sa-mu-ên.

  • Tên sách Các Quan Xét trong tiếng Hi Lạp là Sapheteim nghĩa là ‘Các sự phán xét’

Tên gọi nầy chú trọng vào 6 lần Đức Chúa Trời phán xét dân Chúa vì tội lỗi của họ đối với Chúa:

  • 3:7-8, "Dân Y-sơ-ra-ên còn làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, cúng thờ các hình tượng Ba-anh và A-sê-ra. Vì vậy, cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va nổi phừng cùng Y-sơ-ra-ên, Ngài phó chúng nó vào tay Cu-san – Ri-sa-tha-im, vua nước Mê-sô-bô-ta-mi. Dân Y-sơ-ra-ên bị tám năm phục dịch vua Cu-sa – Ri-sa-tha-im”
  • 3:12, Dân Y-sơ-ra-ên lại làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va; nên Đức Giê-hô-va khiến Éc-lôn, vua Mô-áp trở nên cường thịnh để hãm đánh Y-sơ-ra-ên… Dân Y-sơ-ra-ên bị phục dích Éc-lôn, vua Mô-áp, trong mười tám năm”.
  • Ngoài ra sách còn ghi tiếp những lần Chúa phạt dân Y-sơ-ra-ên trong 4:2; 6:1; 10:7; 13:1.

Sáu lần phán xét nầy, dân Y-sơ-ra-ên bị Chúa phạt vì họ bỏ Chúa đi theo các tà thần.
Cảm ơn Chúa, những câu Kinh thánh ghi lại những lần đoán phạt dân Y-sơ-ra-ên, lời Chúa đều ghi Danh xưng của Chúa là Đức Giê-hô-va để nhắc đến Danh giao ước của Chúa; lời Chúa cũng ghi người bị phạt là Dân Y-sơ-ra-ên để nhắc đến kẻ Chúa yêu thì Ngài sửa phạt. Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên những đặc quyền, nhưng Chúa không bao giờ ban đặc quyền để phạm tội (Xuất. 34:6-7).