Các Quan Xét

SÁCH CÁC QUAN XÉT 11
BINH PHÁP GHÊ-ĐÊ-ÔN
Sách Các Quan Xét đoạn 6 và đoạn 7

***********************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta được cùng nhau học Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời. Để khích lệ nhau yêu mến Lời Chúa là Kinh thánh, chúng ta cần có một cái nhìn Kinh thánh thích hợp với những điều mà con người quan tâm trong đời thường. Ví dụ, có một sinh viên nói với tôi: ‘Sao tôi thấy Kinh thánh không liên quan gì đến ngành học của tôi’. Tôi hỏi sinh viên đó học ngành nào, và được biết là đang học ngành kinh tế. Tôi nói: ‘Ngay khi mở sách đầu tiên của Kinh thánh, chúng ta đã có bài học về Kinh tế tuyệt vời.’ Anh sinh viên đó lập tức hỏi: ‘Ở đâu?’ Tôi đáp: Ông Giô-sép là nhà kinh thế học lỗi lạc. Điều mà thế giới 200 năm qua cố làm mà chưa làm được; còn Giô-sép chỉ cần 14 năm đã gồm thu tất cả tài sản, đất đai, nô lệ hóa thần dân về cho vua Ai Cập. Giô-sép đã tạo ra 7 năm kinh tế thịnh vượng, và qui luật kinh tế khi đạt đỉnh điểm sẽ lao xuống gây ra khủng hoảng kinh tế vì thặng dư của cải. Với Giô-sép, sau 7 năm được mùa sẽ kéo theo 7 năm khủng hoảng’.
Tôi cũng muốn mọi người nhìn vào Kinh thánh không phải kinh kệ, mà học từ Kinh thánh những bài học lớn lao:

  1. Với một Môi-se qua 40 năm đưa một dân tộc bị nô lệ 400 năm, không có quê hương, không luật lệ pháp độ, trở thành một dân tộc độc lập, có luật pháp, có cách sống văn minh tiến bộ.
  2. Với các sách Lịch sử sẽ cho người học Kinh thánh một bộ sách với những trận đánh có chiến lược, chiến thuật rõ ràng.
  3. Với các sách Văn thơ, người học Kinh thánh sẽ tìm thấy những vần thơ mang những hình ảnh gây cảm xúc, không chỉ là văn tự.
  4. Với các sách tiên tri, người học Kinh thánh sẽ có thể nghiên cứu về những sinh hoạt xã hội.
  5. Với sách Ma-thi-ơ, người học Kinh thánh gặp được một học giả Ma-thi-ơ với cách sử dụng vốn kiến thức Cựu Ước có chủ đích dành cho một vị Vua.
  6. Với sách Mác, người học Kinh thánh sẽ khám phá Chúa Jêsus Christ không phải là một vị thần, hoặc một giáo chủ, nhưng là một con người làm việc.
  7. Với sách Luca, người học Kinh thánh sẽ gặp một Bác sĩ qua những thuật ngữ y khoa.
  8. Với sách Giăng, người học Kinh thánh sẽ học được những bài học tâm lý khi tiếp xúc với từng hạng người.
  9. Với sách Công vụ, người học Kinh thánh tìm thấy được một sử gia chép sử vừa chính xác, vừa đáng tin, vừa thứ tự.
  10. Với các thư tín, người học Kinh thánh chắc chắn không thể bỏ qua những cách lý luận chặt chẽ, những mặt xã hội, những bài học quản trị.
  11. Với sách Khải huyền, chắc chắn người học Kinh thánh phải thốt lên: Tuyệt với! từ cách viết ẩn dụ, đến những trình bày chi tiết về kiến thức Ba Giới: trên trời, dưới đất và bên dưới đất không mang một chút thần thoại, mê tín.

Hôm nay, chúng ta hãy học Binh Pháp Ghê-đê-ôn. Chúng ta đã nghe nói đến Binh pháp Tô Vũ, Binh pháp Ngô Khởi, Bịnh thư Nhạc Phi. Tây phương cũng có những thiên tài chiến tranh như Napoleon của Pháp, Bismark của Phổ. Và chúng ta là người Việt Nam sẽ không quên những thiên tài quân sự như Lý Thường Kiệt, như Nguyễn Huệ Quang Trung.
Sách Các Quan Xét dành hai đoạn 6 và 7 để ghi lại cách Ghê-đê-ôn lãnh đạo cuộc chiến tiêu diệt đạo quân Ma-đi-an hùng mạnh, đông đúc. Nói đến Binh Pháp là nói đến ba yếu tố mà Ghê-đê-ôn đả sử dụng: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa.
VỀ THIÊN THỜI CỦA GHÊ-ĐÊ-ÔN.
Sách Các Quan Xét đoạn 6 bắt đầu với tình cảnh bị hà hiếp bốc lột mà dân Ma-đi-an đối với dân Y-sơ-ra-ên. “Vì sợ người Ma-đi-an, nên dân Y-sơ-ra-ên làm cho mình những nơi ẩn náu trong núi, trong các hầm và đồn… dân Ma-đi-an… không để lại trong Y-sơ-ra-ên lương thực gì, hoặc chiên, bò hay là lừa… Vì chúng nó – tức dân Ma-đi-an, đi lên đem theo bầy súc vật và trại mình, loán đến khác nào một đám cào cào. Người và lạc đà vô số đến trong xứ đặng phá hại. Vậy, vì cớ dân Ma-đi-an, Y-sơ-ra-ên bị nghèo khổ bẩn chật” (6:5-6).
Trước tình cảnh dân Chúa thê thảm, Ghê-đê-ôn được Chúa kêu gọi: “Hỡi người dõng sĩ… hãy dùng sức của ngươi vẫn có mà đi giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Ma-đi-an” (6:12-14).
Đối với Ghê-đê-ôn, tấm lòng đã có, vì Chúa gọi ông là dõng sĩ nghĩa là người khỏe mạnh, có tâm nguyện cứu dân tộc, cho nên thiên thời là Chúa có dùng ông để đánh kẻ thù không? Và Ghê-đê-ôn đã tìm biết thiên thời:

  1. Đoạn 6:17-18, Ghê-đê-ôn muốn dọn đãi thiên sứ của Chúa một bữa ăn, và thiên sứ chấp nhận.
  2. Đoạn 6:36-40, Ghê-đê-ôn xin dấu hiệu từ Chúa qua lốt chiên ướt chung quanh khô; và lần thứ hai với lốt chiên khô chung quanh ướt đầy sương mù.

Đánh trận cần phải liên hệ với thời tiết, Ghê-đê-ôn xác nhận sương mù lúc đó dày đặc, phải chăng trong tâm trí của ông đã hình thành việc lợi dụng sương mù trong cuộc chiến đối phó với đạo quân quá đông của liên minh “dân Ma-đi-an và dân A-ma-léc và hết thảy người phương Đông bủa ra trong trũng đông như cào cào, còn lạc đà của chúng nó thì vô số, khác nào cát nơi bờ biển” (7:12).
VỀ ĐỊA LỢI.
Việc đạo quân đông nầy đóng quân trong trũng chung quanh là đồi núi, vị trí nầy nằm trong cách đánh của Ghê-đê-ôn trong thời tiết dày đặc sương mù sáng sớm. Kinh thánh ghi lại cách dàn quân của Ghê-đê-ôn:

  1. “Đoạn, người chia ba trăm người làm ba đội, phát cho mỗi tên những kèn, bình không, và đuốc ở trong bình, mà dặn rằng: Hảy ngó ta và làm y như ta làm…(7:16)
  2. Thời gian khởi đánh là: Ghê-đê-ôn và một trăm quân theo người đi đến đầu trại quân vào lúc canh ba, hồi mới giao canh” (7:19). Đây là giờ mọi người buồn ngủ nhất và lơ là việc canh gác, nhất là đạo quân đang tự kiêu chắc thắng, không thể thiếu một đêm ăn uống say sưa.
  3. Cách sử dụng vũ khí: “Bấy giờ, ba đội quân thổi kèn, và đập bể bình, tay tả cầm đuốc, tay hữu cầm kèn đặng thổi; đoạn cất tiếng reo lên rằng: Gươm của Đức Giê-hô-va và của Ghê-đê-ôn! Chúng đứng vây quanh trại quân, ai cứ chỗ nấy, cả trại quân bèn vỡ chạy, cất tiếng la và trốn đi. Ba trăm người cứ thổi kèn, và khắp trại quân, Đức Giê-hô-va khiến trở gươm của mỗi người  chém lẫn bạn mình” (7:20). Ghê-đê-ôn đã được Chúa ban khôn ngoan để lợi dụng sương mù và tiếng dội echo trong vùng núi gây ảo ảnh do ánh đuốc và âm thanh kèn thổi, khiến kẻ thù chợt thức mơ màng không phân biệt thực giả, gây xáo trộn, hỗn loạn do số đông trong mơ màng vừa tỉnh dậy còn say ngủ khiến đạo quân liên minh người Ma-đi-an không phân biệt thù bạn, tự chém giết lẫn nhau,

VỀ NHÂN HÒA.
Về mặt sử dụng người của Ghê-đê-ôn đã áp dụng câu binh pháp thường nói: Binh quý hồ tinh, bất quý hồ đa, sức mạnh quân sự quý là binh sĩ được huấn luyện tinh nhuệ, không cần phải nhiều. Có số lượng đông mà không được huấn luyện, không đồng lòng, thì chỉ là đạo quân ô hợp.
Chính Đức Giê-hô-va đã dạy cho Ghê-đê-ôn cách dùng người trong chiến trận ngay trong khi Chúa kêu gọi Ghê-đê-ôn đứng lên giải cứu dân Chúa:

  1. 6:7-10, Chúa đã sai tiên tri của Chúa đến quở trách dân Chúa, chỉ cho họ thấy tội lỗi bỏ Chúa mà họ đã phạm. Điều thiếu sót của Hội thánh ngày nay là dân sự chưa kinh nghiệm được cứu, hoặc không còn nhớ công ơn cứu chuộc của Chúa Ngài vực tôi thoát khỏi chốn sập sình, dùng tay âu yếm cứu vớt thân linh, vì vậy những vận động kêu gọi truyền giảng Tin Lành, tham gia công việc Chúa trong Hội thánh chỉ là tiếng kêu trong đồng vắng.
  2. 6:12, Chúa đã khích lệ Ghê-đê-ôn, khơi gợi cho Ghê-đê-ôn thời cơ đã đến bằng cách gọi Ghê-đê-ôn: “Hỡi người dõng sĩ! Đức Giê-hô-va ở cùng ngươi”, vừa nhắc khả năng cá nhân, vừa nhắc mong muốn trong lòng của ông, vừa xác nhận Chúa sẽ cùng làm việc với ông.
  3. 6:22, Chúa cho Ghê-đê-ôn kinh nghiệm quyền năng của Chúa theo những dấu hiệu ông đã xin với Chúa, ngoài ra còn bảo vệ ông dẹp hình tượng chứng tỏ cho người chung quanh sau bao nhiêu năm thờ lạy hinh tượng nhận rõ hình tượng là hư không; thử lốt chiên để giúp Ghê-đê-ôn hình thành cách đánh trận sương mù.

Cảm ơn Chúa, những gì Ghê-đê-ôn đã học nơi Chúa, Ghê-đê-ôn đem áp dụng huấn luyện cho những người theo ông, như đã được ghi trong đoạn 7:

  1. 7:1-4, Ghê-đê-ôn tìm những tấm lòng can đảm. Dĩ nhiên, công việc chung thì khi thổi kèn kêu gọi ai cũng muốn dự phần dù nhiều hoặc ít, nhưng người lãnh đạo cần khôn ngoan bắt đầu từ quý hồ tinh, bất quý hồ đa..
  2. 7:5-8, Chúa đã dạy Ghê-đê-ôn củng cố lòng tin của những người theo ông, họ phải được biết quyền năng của Chúa, và cũng biết được sự run sợ của kẻ thù. Binh pháp dạy: Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Ghê-đê-ôn đã cho những người theo ông nghe ý kiến run sợ của kẻ thù.
  3. 7:17, tôi thích câu nói nầy của Ghê-đê-ôn: “Hãy ngó ta, và làm y như ta làm; khi ta đến đầu trại quân, các ngươi sẽ làm theo điều ta làm”. Người đời nói vui: ‘lãnh đạo là lãnh đạn’, người xưa Việt Nam cũng nói: ‘làm lớn, làm ráo, làm ông táo đội nồi cơm’. Chúa Jêsus Christ phán: “Khi đã đem chiên ra hết, thì người chăn đi trước, chiên theo sau, vì chiên quen tiếng người” (Giăng 10:4). Sứ đồ Phao-lô nói: “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy” (I Cô-rinh-tô 11:1)

Tôi mới nghe một Hội thánh rất ít người, nhưng đa số lười nhát không muốn làm việc Chúa, dù Hội thánh có khả năng tài chánh. Hai vị mục sư là Quản nhiệm và phụ tá kêu gọi, lên kế hoạch truyền giảng, tổ chức lại Hội thánh bằng cách thuê người nơi khác đến phụ trách vài phần việc trong Hội thánh, như dạy thiếu nhi. Đáp lại chỉ là sự im lặng và không quan tâm, cả hai mục sư cũng nản lòng. Nghe xong, tôi nhớ đến Ghê-đê-ôn, ông nói với Chúa ông không có tiền, không có quyền, chỉ là người nhỏ nhất trong gia đình của một chi phái nhỏ nhất. Chúa đã dùng Ghê-đê-ôn! Chúa đã dùng những người theo Ghê-đê-ôn khi Ghê-đê-ôn và họ thật sự kinh nghiệm quyền năng của Chúa, ý thức nhu cần của dân tộc, được trang bị dù là những khí giới đơn sơ như những chiếc kèn – tôi không tin là những chiếc kèn đồng đắc tiền, mà chỉ là những chiếc tù-và bằng những chiếc sừng trâu, sừng bò, sừng dê; khí giới họ có chỉ là cái bình trống không với cây đuốc rẻ tiền. Vậy mà Ghê-đê-ôn và đạo quân của ông đã thắng, thắng cách vẻ vang. Tất cả hiệp một, hiệp một khải tượng cứu dân tộc mình, hiệp một lòng, hiệp một cái không có để Chúa dùng làm thành cái có. Chúa phán với Ghê-đê-ôn: “Hãy dùng sức – khả năng, cái gì mà ngươi vẫn có, mà đi giải cứu dân Chúa!” (6:14).
Điều phải học là, “Lạy Chúa xin hãy phục hưng Hội thánh của Ngài, bắt đầu từ chính mình con”, Lời Chúa phán: “Ôi! ước gì Ngài xé rách các từng trời, Ngài ngự xuống và làm rúng động các núi trước mặt Ngài, như lửa đốt củi khô, như lửa làm sôi nước, hầu cho kẻ thù nghịch biết danh Ngài các dân tộc run rẩy trước mặt Ngài” (Ê-sai 64:1). Vấn đề là phải có những người lãnh đạo như Ghê-đê-ôn dám đi đầu và dám nói với dân Chúa: “Hãy ngó ta, và làm y như ta làm; khi ta đến đầu trại quân, các ngươi sẽ làm theo điều ta làm”.