Các Quan Xét

 

SÁCH CÁC QUAN XÉT 2
NIÊN HIỆU VIẾT SÁCH
VÀ NIÊN HIỆU TRONG SÁCH CÁC QUAN XÉT
*****************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho hôm nay chúng ta cùng học bài thứ 2 về sách Các Quan Xét, nói về Niên hiệu của sách, gồm niên hiệu sách được viết ra và niên hiệu được đề cập trong sách.
I/. THỜI GIAN VIẾT SÁCH.
Đặc điểm của Kinh Thánh khi ghi lại lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên thường chia ra từng thời kỳ, mỗi thời kỳ là 400 năm:

  1. Từ Áp-ra-ham đến Giô-sép qua đời tại Ai Cập - Thời kỳ Gia Tộc là 400 năm.
  2. Từ khi Giô-sép qua đời đến khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập - Thời kỳ Chi Phái (Bộ tộc)       400 năm.
  3. Từ khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập đến vua Sau-lơ - Thời kỳ Thần Chính - 400 năm.
  4. Từ vua Sau-lơ đến vua Sê-đê-kia bị lưu đày - Thời kỳ vương quyền – 400 năm.

Dĩ nhiên, thời gian 400 năm là làm tròn cho dễ nhớ, xác suất hơn kém có thể chấp nhận. Ví dụ, thời gian dân Y-sơ-ra-ên ở tại Ai Cập theo như sách Sáng thế ký là 400 năm; còn theo sách Xuất Ê-díp-tô ký 12:40 ghi là 430 năm.
Sách Các Quan xét thuộc thời kỳ thứ ba - Thời kỳ Thần Chính: Thời kỳ dân Y-sơ-ra-ên mới lập quốc, Chúa là vua của họ, nhưng dân Y-sơ-ra-ên đã không muốn theo thể chế Thần Chính nầy (I Samuên 8:4-6).
Các nhà giải nghĩa Kinh thánh cho chúng ta biết chi tiết thời gian các sự kiện từ khi Đức Chúa Trời dựng nên trời đất, muôn vật , đến khi dân Y-sơ-ra-ên ra Khỏi Ai Cập, và đến sách Các Quan Xét, liên quan đến các khám phá khoa học như sau:

  1. Từ lúc Đức Chúa Trời dựng nên trời đất đến thời kỳ Tháp Ba-bên, không xác định thời gian. Như chúng ta đã học trong sách Sáng-thế ký, Kinh thánh dùng từ ngữ Ban Đầu nghĩa là không xác định, giải thích như Bản dịch tiếng Trung thì từ ngữ đó là Khởi Sơ nghĩa là ‘Một sự khởi đầu từ lúc sơ khai’, xác nhận vũ trụ cùng muôn vật và loài người chúng ta ‘có một thời gian bắt đầu dù thời gian đó không được biết, nhưng đã có một khởi sự. Sách Truyền đạo đoạn 3:1-8, mọi vật được dựng nên đều có kỳ định, muôn vật có kỳ được dựng nên chắc chắn có kỳ mất đi. Nhơn nói về từ ngữ Ban Đầu của sách Sáng thế ký 1:1 có nghĩa là Khởi sơ, chúng ta phải hiểu từ ngữ Ban Đầu nầy khác với từ ngữ Ban Đầu của sách Tin Lành Giăng 1:1, là nói đến Nguồn gốc của Ngôi Lời là Đức Chúa Trời, nên Bản tiếng Trung dịch là Thái sơ với từ Thái nghĩa là ‘LỚN LẮM, XA LẮM’, không biết được.
  2. Khoảng năm 2.500 TC, khoa khảo cổ cho rằng thời gian nầy người Ai Cập đã khám phá ra cây sậy sông Nile hoặc cây chỉ thảo đan xen với nhau rồi ép lại làm giấy viết, và người Ai Cập cũng khám phá mực viết, lập những thư viện; người Ai Cập cũng làm được những sản phẩm bằng sắt thởi cổ vùng Cận Đông (những trích dẫn sau đây từ LIFE APPLICATION STUDY BIBLE, Tyndale House Published, Inc. Wheaton, Illinois 1996)
  3. Khoảng 2.400 TC, người Ai Cập nhập khẩu vàng từ các vùng Phi châu.
  4. Năm 2.331, Thủ lĩnh người người Sê-mít tên là Sargon chinh phục dòng Sumer, trở thành người đầu tiên chinh phục thế giới.
  5. Năm 2.300, giống ngựa được thuần hóa ở Ai Cập và giống gà được thuần hóa ở Ba-by-lôn, cung tên được sử dụng trong chiến tranh. Đặc biệt, hai dân tộc Ai Cập và Ba-by-lôn được nhìn nhận là hai dân tộc có nền văn minh rất cao, với những phát minh làm ngạc nhiên thế giới ngày nay, như: năm 2.100, khám phá thủy tinh từ những bãi cát bị đốt nóng chảy nơi các bãi biển vùng Mê-sô-bô-ta-mi; các Kim tự tháp giống như tháp Ba-bên trong sách Sáng thế ký đoạn 11; biết sử dụng rượu làm thuốc giảm đau. Người ta cũng cho rằng năm 2.000 TC, thổ dân ở Mỹ còn được gọi là người da đỏ từ phía Bắc Á châu đã di dân đến Bắc Mỹ; cũng năm nầy, người Trung quốc biết làm thủy lợi và chăn nuôi. Năm 1.750, Toán học Ba-by-lôn đã hiểu được khối lập phương và căn bậc hai; ngoài ra cột đá Ham-mu-ra-bi của Ba-by-lôn lần đầu cung cấp toàn bộ những mã hợp pháp. Năm 1.700, những tài liệu bằng giấy cây chỉ thảo về y học và quy trình phẫu thuật. Năm 1500, tức là thời kỳ Môi-se được sanh ra và lớn lên ở Ai Cập, đồng hồ mặt trời được sử dụng ở Ai Cập và Kim tự tháp Mặt Trời được người Mexicô xây dựng. Biết những phát minh tối thiểu như đã nói, chúng ta mới có thể nhận thức được nền văn hóa Ai Cập mà Môi-se đã tiếp thu, tiếp thu với tư cách ‘con trai của công chúa Ai Cập’ nữa, để cảm ơn Đức Chúa Trời đã huấn luyện một người như Môi-se từ học vấn 40 năm, rồi còn thêm 40 năm huấn luyện tánh tình trầm tỉnh trong đồng vắng Ma-đi-an.
  6. Năm 2166 TC., Áp-ra-ham được sanh ra.
  7. Năm 2091 TC., Áp-ra-ham đến xứ Ca-na-an
  8. Năm 2066 TC., Y-sác được sanh ra
  9. Năm 2006, Ê-sau và Gia-cốp được sanh ra.
  10. Năm 1929, Gia-cốp chạy trốn đến Cha-ran
  11. Năm 1915 TC., Giô-sép được sanh ra
  12. Năm 1898 TC., Giô-sép bị bán làm nô-lệ
  13. Năm 1885., Giô-sép làm Thủ Tướng cai trị Ai Cập.
  14. Năm 1805 TC., Giô-sép qua đời.
  15. Năm 1526 TC., Môi-se được sanh ra.
  16. Năm 1446 TC., dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập. – cũng có ý kiến tính từ năm 1280 TC.
  17. Năm 1445 TC., Đức Chúa Trời ban Mười Điều Răn cho dân Y-sơ-ra-ên.
  18. Năm 1406 TC., dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa Ca-na-an hoặc từ năm 1240 TC.
  19. Từ năm 1375 TC., khởi đầu thời kỳ Các Quan Xét
  20. Năm 1105 TC., Sa-mu-ên được sanh ra
  21. Năm 1050 TC., Sau-lơ được xức dầu làm vua
  22. Năm 1010 TC., Đa-vít lên ngôi.

Căn cứ vào những sự kiện nói đến trong Sách, Sách Các Quan Xét được viết ra vào cuối thời Các Quan Xét.
II/. THỜI GIAN ĐỀ CẬP TRONG SÁCH:
Sách Các Quan Xét ghi khoảng thời gian từ khi Giô-suê qua đời (Giô-suê 24:29) cho đến khi Sam-sôn qua đời (Quan. 16:31).
Theo I Vua 6:1, thời gian từ khi ra khỏi Ai Cập đến khi xây cất Đền thờ - tức là năm thứ 4 đời vua Sa-lô-môn, tổng cộng là 480 năm, gồm các sự kiện như sau:

  1. 40 năm lưu lạc trong đồng vắng
  2. thời gian chiếm xứ Ca-na-an do Giô-suê chỉ huy.
  3. thời gian sau khi Giô-suê qua đời - Quan. 2:10
  4. thời gian Hê-li làm Quan xét - I Sam. 4:18.
  5. thời gian Sa-mu-ên làm Quan xét - I Sam. 7:15
  6. thời gian Sau-lơ làm vua 40 năm - Công vụ 13:21
  7. thời gian Đa-vít làm vua 40 năm - I Vua 2:11
  8. và 4 năm đầu đời vua Sa-lô-môn

Như vậy còn lại đời Các Quan xét độ 300 năm là thời gian ghi trong sách Các Quan Xét. Rất khó tính chính xác - Quan. 11:26 - trong khi tổng cộng tất cả các năm ghi trong sách thì khoảng 410 năm trừ những năm của A-bi-mê-léc và dân Y-sơ-ra-ên bị ức hiếp, còn lại 296 năm.
Căn cứ vào các năm xảy ra sự kiện dân Y-sơ-ra-ên phạm tội, rồi ăn và được Đức Chúa Trời ban Các Quan Xét giải cứu, chúng ta có chi tiết các năm như sau:

  1. Sách Các Quan Xét 3:7-10, Ốt-ni-ên thuộc chi phái Giu-đa được Đức Giê-hô-va dấy lên giải cứu dân Chúa sau 8 năm họ bị vua nước Mê-sô-bô-ra-mi hà hiếp, rồi làm Quan Xét 40 năm đến lúc qua đời.
  2. Sách Các Quan Xét 3:12-30, Ê-hút thuộc chi phái Bên-gia-min, được Chúa dấy lên giải cứu dân Chúa sau 18 năm phục dịch vua Mô-áp. Đặc biệt Ê-hút là người thuận tay tả, mượn việc nộp cống vật để ám sát Éc-lôn vua Mô-áp, rồi dẫn quân đánh đuổi quân thù nghịch Mô-áp. Ê-hút làm Quan Xét 80 năm. Câu chuyện Ê-hút tự làm gươm ám sát vua Mô-áp là người mập béo được Kinh thánh ghi lại chi tiết rất hay, và hay hơn truyện Kinh Kha ám sát Tần Thủy Hoàng của Trung quốc.
  3. Sách Các Quan Xét 3:31, Sam-ga làm Quan Xét – Kinh thánh không ghi bao nhiêu năm. Đặc điểm là Sam-ga rất khỏe mạnh đã dùng một cây đót bò giết sáu trăm người Phi-li-tin.
  4. Sách Các Quan Xét đoạn 4 và đoạn 5, ghi lại Đê-bô-ra làm Quan Xét 40 năm với Ba-rác. Đọc qua câu chuyện nầy, đáng lẽ vinh quang thuộc về Ba-rác thuộc chi phái Nép-ta-li, nhưng một người đàn ông nhát sợ được nhiều người học Kinh thánh biết đến qua câu nói: “Nếu bà đi với tôi, thì tôi sẽ đi; nhưng nếu bà không đi với tôi, tôi sẽ không đi” (4:8), do đó bà Đê-bô-ra nói: “Ừ, phải, ta sẽ đi với ngươi, song sự vinh hiển của việc nầy sẽ chẳng về ngươi (4:9). Trong câu chuyện nầy, Kinh thánh còn ghi lại công trạng của một người phụ nữ tên Gia-ên dùng mưu giết tướng chi huy quân của vua Ca-na-an, giúp dân Chúa thắng trọn vẹn (4:17-22).
  5. Sách Các Quan Xét đoạn 6 đến đoạn 8, Ghê-đê-ôn làm Quan Xét 40 năm. Ghê-đê-ôn là một thanh niên thuộc chi phái Ma-na-se, với lý lịch được chính Ghê-đê-ôn liệt kê như: “Than ôi! hỡi Chúa, tôi sẽ lấy chi giải cứu Y-sơ-ra-ên? Kìa, trong chi phái Ma-na-se, họ tôi vốn nghèo hơn hết; còn tôi là nhỏ hơn hết trong nhà cha tôi” (6:15). Người học Kinh thánh sách Các Quan Xét sẽ vô cùng thích thú với cách đánh trận của Ghê-đê-ôn với số quân 300 người biết lợi dụng sương mù, ảo giác và tiếng vang trong vùng núi, để chiến thắng kẻ thù là một liên minh quân sự được Kinh thánh mô tả: “Vả, dân Ma-đi-an, dân A-ma-léc và hết thảy người phương Đông bủa ra trong trũng đông như cào cào, còn lạc đà của chúng nó thì vô số, khác nào cát nơi bờ biển” (7:12). Ghê-đê-ôn sử dụng thiên thời là sương mù, địa lợi là vùng được đồi núi bao quanh gây tiếng dội, và yếu tố nhân hòa với lòng dân Y-sơ-ra-ên, thì dù chỉ 300 người nhưng quyết tâm trong lúc lòng kẻ thù thì hoang mang (7:13-14).
  6. Sách Các Quan Xét 10:1-2, Thô-la làm Quan Xét 23 năm.
  7. Sách Các Quan Xét 10:3-5, Giai-rơ làm Quan Xét 22 năm
  8. Sách Các Quan Xét 10:6 đến 12:7, Giép-thê làm Quan Xét 6 năm. Câu chuyện Giép-thê thật làm cảm động trước sự hiếu thảo của con gái Giép-thê giúp cha của nàng làm trọn lời hứa nguyện với Chúa, cũng là bài học cảnh tỉnh người tin Chúa cẩn thận khi hứa nguyện với Chúa (Truyền. 5:2).
  9. Sách Các Quan Xét 12:8-10, Iếp-san làm Quan Xét 7 năm
  10. Sách Các Quan Xét 12:11-12, Ê-lôn làm Quan Xét 10 năm
  11. Sách Các Quan Xét 12:13-15, Áp-đôn làm Quan Xét 8 năm
  12. Sách Các Quan Xét đoạn 13 đến đoạn 16, Sam-sôn làm Quan Xét 20 năm. Câu chuyện của Sam-sôn làm cho Trung tâm Điện Ảnh Hollywood phải dựng thành phim về một anh hùng không qua được ải mỹ nhân, khiến câu đố: Ai mạnh nhất trong Kinh thánh? được trả lời là Đa-li-la.

Tổng cộng thời gian Các Quan Xét làm Quan Xét trong dân Y-sơ-ra-ên được Kinh thánh ghi lại là 346 năm, chưa tính thời gian của Quan Xét tên Sam-ga. Ngoài ra còn những năm A-bi-mê-léc và những năm dân Y-sơ-ra-ên bị hà hiếp nữa. Như vậy con số tròn 400 năm được xem là chính xác.
Nếu có một lời về sách Các Quan Xét, tôi xin Quý vị hãy đọc sách Các Quan Xét, chắc chắn mọi người đều sẽ thấy sự hấp dẫn của Kinh thánh, và say mê Kinh thánh. A-men!