Các Quan Xét

SÁCH CÁC QUAN XÉT 3
NGƯỜI VIẾT SÁCH CÁC QUAN XÉT
******************************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta đã học được hai bài về sách Các Quan Xét, hôm nay, chúng ta cùng học biết về người viết sách Các Quan Xét. Trước khi đi vào Đề tài Người Viết sách Các Quan Xét, chúng ta cần tìm biết về cách Kinh thánh được viết ra.
Trong sách Công vụ 1:16, sứ đồ Phi-e-rơ đã giải thích cách Kinh thánh được viết ra: “Hỡi anh em ta, lời Đức Thánh Linh đã nhờ miệng vua Đa-vít mà nói tiên tri trong Kinh thánh về tên Giu-đa, là đứa đã dẫn đường cho chúng bắt Đức Chúa Jêsus thì phải được ứng nghiệm”. Theo lời giải thích nầy, chúng ta được dạy:

  • Về phần Đức Thánh Linh. Chắc chắn Đức Thánh Linh là Tác Giả chính của Kinh thánh, như Phi-e-rơ đã khẳng định trong thư II 1:20-21, “Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời”. Thánh Linh Đức Chúa Trời chủ động truyền phán những điều Đức Chúa Trời muốn mặc khải, có khi là việc trong quá khứ - như truyện Đức Chúa Trời dựng nên trời đất, không ai biết được vì không ai có mặt lúc bấy giờ để ghi lại, nhưng chính Thánh Linh mặc khải cho Môi-se biết để viết ra; có những điều Chúa mặc khải về hiện tại và có khi Chúa mặc khải đề những việc trong tương lai (Khải 1:1). Chúa Jêsus Christ phán: “Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên Ủi khác, để ở với các ngươi đời đời, tức là Thần lẽ thật mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở các ngươi và sẽ ở trong các ngươi… Ta còn có nhiều chuyện nói cùng các ngươi nữa nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến” (Giăng 14:16-17; 16:12-13). Nói rõ hơn, nếu Đức Chúa Trời không mặc khải thì con người không biết gì về Đức Chúa Trời; và để mặc khải mọi điều Đức Chúa Trời muốn mặc khải thì chính Đức Thánh Linh làm công việc đó.
  • Về phần con người. Kinh thánh cho chúng ta biết Đức Thánh Linh là Linh, và Chúa Jêsus phán: "thần – hoặc linh thì không có thịt xương”, do đó Đức Thánh Linh không hiện hình, khi cần bày tỏ sự hiện diện thì Thánh Linh mượn hình (Math. 3:16). Vì vậy, để Kinh thánh được viết ra, thì trừ những lần chính ngón tay của Đức Chúa Trời viết trực tiếp trên hai bảng đá, bàn tay viết trên tường cho Ba-by-lôn (Xuất. 32:15-16; Đa-ni-ên 5:5). Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Hỡi anh em, lời Đức Thánh Linh đã nhờ miệng vua Đa-vít mà nói tiên tri trong Kinh thánh”. Dĩ nhiên, Đức Thánh Linh nhờ vua Đa-vít không phải vì Đa-vít là vua, trong Kinh thánh có rất nhiều vua không phải lời vua kể cả lời vua Đa-vít là lời Chúa, nhưng vì Đa-vít là người yêu mến Chúa. Ngoài Đa-vít, Thánh Linh cũng dùng nhiều hạng người khác như chăn chiên, đánh cá, y sĩ… Cũng không phải lời nào của Đa-vít đều là lời được mặc khải, cả cuộc đời của Đa-vít nói rất nhiều lời, soạn nhiều Thi thiên, nhưng không phải lời nào, Thi thiên nào của Đa-vít đều là lời Chúa.
  • Cũng từ sách Công vụ 1:16, Phi-e-rơ còn đưa ra một tiêu chuẩn được công nhận lời Chúa, ấy là lời mặc khải là lời phải được ứng nghiệm.

Tóm lại, để diễn tả việc Đức Thánh Linh dùng một người viết ra Kinh thánh, Kinh thánh dùng nhiều từ ngữ như: hà hơi hoặc soi dẫn (II Tim. 3:16-17), cảm động hoặc cảm thúc (II Phi. 1:20-212), mặc khải hoặc khải thị (Khải. 1:1). Kết hợp tất cả các từ ngữ nói trên, chúng ta có thể phát biểu về cách Kinh thánh được viết ra: “ Thánh Linh bày tỏ cho một người yêu mến Chúa về những điều thuộc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc tương lai của một người hoặc một quốc gia, hoặc cả thế giới liên quan chương trình của Đức Chúa Trời đối với sự cứu rỗi trong Chúa Jêsus Christ. Thánh Linh tác động vào người đó, thúc giục người đó viết ra. Đang khi người viết ra, Đức Thánh Linh soi sáng, hướng dẫn người đó viết không ai trật ý muốn của Đức Chúa Trời, dù vẫn theo cá tánh người viết. Sau khi người đó viết, Đức Thánh Linh hà hơi thổi sự sống vào những lời đã viết hầu cho lời đó có sự sống tác động trên người đọc, trên cộng đồng.
Điều kỳ diệu nữa là bởi Thánh Linh là Tác Giả Chính, còn những người viết là những trước giả viết lại những điều Chúa đã mặc khải cho họ, viết theo phong cách, cá tánh riêng của họ, cho nên suốt 1.500 năm từ Môi-se viết Bộ Ngũ Kinh vào năm 1450 TC. đến năm 90 SC., toàn bộ Kinh thánh 66 sách chỉ có một Đại Đề Chung là Sự Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời qua Chúa Jêsus Christ, với độ 40 người viết Kinh thánh:

  • 40 người viết Kinh thánh ở nhiều nơi khác nhau, như Môi-se viết Bộ Ngũ Kinh đang lúc lưu lạc cùng dân Y-sơ-ra-ên trong hoang mạc Ma-đi-an, phía nam Biển Chết. Còn Đa-vít thì có khi viết các Thi thiên của ông lúc lưu lạc lánh nạn Sau-lơ, lúc lánh nạn Áp-sa-lôm, lúc ở trong cung điện sau khi bị Chúa phạt vì phạm tội với Bát-sê-ba. Còn Văn sĩ E-xơ-ra sưu tập các sách Lịch sử sau những ngày hồi hương từ lưu đày Ba-by-lôn; hoặc Phao-lô viết các Thư Tín ở nhiều nơi khác nhau, có khi viết trong nhà tù tại La Mã, như các Thư Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se…
  • 40 người viết Kinh thánh đã sống trong thời gian khác nhau. Như Môi-se sống khoảng 1450 năm TC., Còn Đa-vít sống vào năm 1.000 TC. Tiên tri Ê-sai sống khoảng năm 740 năm TC. Còn A-ghê, Xa-cha-ri và Ma-la-chi thì sống sau lưu đày Ba-by-lôn, tức vào khoảng sau năm 500 TC. Riêng các Trước giả Tân Ước hầu hết sống đến hậu bán thế kỷ thứ I, và sứ đồ Giăng được biết là vị sứ đồ cuối cùng sống vào khoảng năm 90 SC., Hầu hết các trước giả Kinh thánh không gặp nhau, nhưng đề tài viết ra có mục đích giống nhau. Chúa Jêsus Christ đã xác nhận mục đích chung nầy trước khi Ngài chịu chết: “Các ngươi dò xem Kinh thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời; ấy là Kinh thánh làm chứng về ta vậy” (Giăng 5:39), và một lần nữa sau khi chịu chết và đã sống lại, Chúa Jêsus Christ tái xác quyết mục đích chính mà các trước giả Kinh thánh viết ra: “Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh thánh… Đoạn, Ngài phán rằng: Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các thi thiên phải được ứng nghiệm”  (Luca 24:27, 44).
  • 40 người viết Kinh thánh có nghề nghiệp khác nhau. Thật là kỳ diệu khi Thánh Linh Đức Chúa Trời sử dụng những người viết Kinh thánh, ngoài lòng yêu mến và kính sợ Chúa, con người chúng ta không thể hiểu được tại sao Chúa dùng người nầy mà không dùng người kia viết ra Kinh thánh. Ví dụ, Đức Thánh Linh dùng A-mốt, một người chăn chiên nghèo làm nghề chăn thuê và hái trái vả thuê, nhất là A-mốt không phải Tiên tri chính qui (Am. 7:14); nhưng Chúa Thánh Linh không dùng những Tiên tri nổi tiếng và là những Tiên tri có Trường lớp đào tạo như Ê-li, hoặc Ê-li-sê. Thánh Linh Đức Chúa Trời dùng những người như Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, Giăng, viết Kinh thánh, mà không dùng người như Giăng Báp-tít. Việc Thánh Linh Đức Chúa Trời dùng những người viết Kinh thánh không phải vì họ văn hay chữ đẹp, mà nghề nghiệp của họ rất đa dạng: Sa-mu-ên là một Quan Xét kiêm thầy tế lễ, Đa-vít, Sa-lô-môn là vua, Giô-na là một Tiên tri chính qui, một Y-sĩ như Luca, một học giả như Phao-lô, bên cạnh đó là Phi-e-rơ chỉ là người đánh cá quê mùa. Chỉ duy một điều là tất cả độ 40 người đa dạng nầy đều viết chung mục đích: giới thiệu Đấng Cứu Thế là Chúa Jêsus Christ.
  • Độ 40 người viết Kinh thánh nầy đã viết với những đề tài khác nhau, văn phong khác nhau. Người đọc Kinh thánh nghiệm ra đặc điểm của Ngũ Kinh qua cách viết của một học giả đầy thẩm quyền như Môi-se. Người đọc Kinh thánh có thể nhận ra văn phong của những người viết sau thời lưu đày như E-xơ-ra, Nê-hê-mi. Người đọc sẽ ngạc nhiên với chủ đề Chúa Jêsus Christ là Vua theo cách viết của Ma-thi-ơ qua nhóm từ “Để được ứng nghiệm lời đấng tiên tri”; Mác viết với chủ đề Chúa Jêsus Christ là Đầy Tớ phục vụ bằng từ ngữ: tức thì – làm việc ngay, mà đầy tớ thì không cần gia phổ; rồi không thể lẫn lộn với ai khác qua cách viết của Bác-sĩ Lu-ca luôn chen vào những từ ngữ chuyên môn trong y học như: bà Ê-li-sa-bét không thể sanh con được, Ma-ri thọ thai sau Ê-li-sa-bét sáu tháng và gần ngày sanh lúc về Bết-lê-hem, Lu-ca lại xác định bà gia Phi-e-rơ đau rét nặng lắm. Đến sách Tin Lành Giăng, người đọc sẽ thấy một Chúa Jêsus Christ là Đức Chúa Trời với danh xưng Ngôi Lời đầy tánh chất siêu hình và kèm theo đó so sánh với một Giăng Báp-tít không đáng mở giây giày cho Ngài, để rồi kết thúc sách Giăng với những lời làm chứng mục đích có chọn lựa (Giăng 20:30-31; 21:24-25).

Dù vậy, bởi sự điều khiển của Thánh Linh Đức Chúa Trời, độ 40 người gồm ba hạng viết Kinh thánh:

  • Hạng người viết được xác định: như Môi-se, Đa-vít, Phi-e-rơ, Phao-lô…
  • Hạng không xác định: như một số Thi thiên vô danh.
  • Hạng được các nhà giải kinh phỏng đoán như một số Thi thiên, thư Hê-bơ-rơ, và như sách Các Quan Xét.

Vị Quan Xét kiêm nhà Tiên tri Sa-mu-ên được cho là người viết sách Các Quan Xét, với những bằng cớ như sau:

  • Có 4 lần sách Các Quan Xét ghi ‘Trong lúc đó không có vua nơi Y-sơ-ra-ên’ - 17:4; 18:1; 19:1; 21:25 - nên chắc chắn sách được viết lúc Y-sơ-ra-ên đã có vua.
  • Công vụ 3:22-24, trong bài giảng tại Cửa Đẹp ở Đền thờ Giê-ru-sa-lem, sau khi nhơn danh Chúa Jêsus Christ ở Na-xa-rét chữa lành cho người què khiến dân thành Giê-ru-sa-lem ngạc nhiên và hiểu lầm Phi-e-rơ có quyền chữa bịnh, Phi-e-rơ nhắc đến người đầu tiên viết Kinh Thánh là Môi-se, người thứ hai là Sa-mu-ên. Nếu tính theo Phi-e-rơ thì sau Bộ Ngũ Kinh của Môi-se, trừ sách Giô-suê đã xác định do Giô-suê viết, thì sách Các Quan Xét có thể được Phi-e-rơ ám chỉ là Sa-mu-ên viết sách thứ 7 nầy của Kinh Thánh.

Nói chung, cho đến bây giờ các nhà giải nghĩa Kinh thánh đều nhận người viết sách Các Quan Xét là Sa-mu-ên, và cũng không tìm thấy người nào có thẩm quyền như Sa-mu-ên để viết sách Các Quan Xét.
Điều đáng nói là người học sách Các Quan Xét không phải để chứng minh ai là người viết sách Các Quan Xét, nhưng học sách Các Quan Xét để nhận ra chính mình như Thi thiên 130:3, “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố chấp sự gian ác, thì, Chúa ôi! ai sẽ còn sống? Nhưng Chúa có lòng tha thứ cho, để người ta kính sợ Chúa.
Có người nói với vị mục sư, ‘tôi thách Đức Chúa Trời đó, xem Ngài có đánh chết tôi không?’ Vị mục sư khoan hòa đáp: ‘Ông ơi, nếu Đức Chúa Trời cố chấp như tôi và ông, thì Chúa đâu còn là Đức Chúa Trời nữa. Vả lại, nếu Đức Chúa Trời đánh chết ông rồi thì ông đâu còn cơ hội ăn năn để được Chúa tha thứ!?’ Hãy ăn năn tội khi còn cơ hội, vì “Kìa, hiện nay là thì thuận tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi! Hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi, trước khi những ngày gian nan chưa đến – mà dường như đến rồi… (II Cô. 6:2; Truyền. 12:1).Mong lắm thay!