SÁCH CÁC QUAN XÉT 6 Đề mục: THẤT BẠI Kinh thánh: Các Quan xét Câu gốc: Các Quan xét 17:6 (Hoặc 21:25)
*******************************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta đã học qua sách Các Quan Xét theo Bố cục của sách. Hôm nay, tôi xin Chúa cho chúng ta một lần nữa học lại nội dung sách Các Quan Xét với Đề tài: SỰ THẤT BẠI, để thấy được hậu quả tội lỗi đáng kinh khiếp dường nào, để mau xưng nó ra và lìa bỏ nó hầu cho được thương xót (Châm. 28:13).
I/. 1: - 3:6 – NGUYÊN NHÂN THẤT BẠI –
Trong phân đoạn Kinh thánh nầy, chúng ta cũng tìm thấy hai nguyên nhân khiến cho dân Chúa thất bại, mặc dù họ đang ở trong Đất Hứa.
Lý do thứ - Không đuổi dân Ca-na-an – Đoạn 1.
Quý vị hãy đọc những câu sau đây trong đoạn 1, câu 19b, câu 21, câu 27-28, câu 29-31, và câu 33
Qua 8 câu Kinh thánh đã đọc, Quý vị thấy một nhóm từ luôn được lặp lại: Không Đuổi Được, Không Đuổi Được. Đó chính là nguyên nhân thứ nhất khiến dân Chúa thất bại trong đời sống theo Chúa.
Chúng ta biết rằng, đến sách Các Quan xét, dân Y-sơ-ra-ên thật sự đã được nhận lấy Đất Hứa, các chi phái đã nhận phần sản nghiệp, mỗi người đều có phần riêng cho mình. Nhưng vấn đề là họ vẫn còn phải tiếp tục chiến đấu để đuổi những cư dân Ca-na-an còn sót lại trong xứ.
Nhưng dân Y-sơ-ra-ên đã không đuổi được. Tại sao không đuổi được? Có 2 lý do
câu 19b nêu lý do thứ nhất, ấy là dân Y-sơ-ra-ên không đuổi được những cư dân Ca-na-an vì chúng nó có những xe bằng sắt. Thực chất không phải vì kẻ thù mạnh, mà vì dân Chúa yếu đuối. Bằng cớ là Ca-lép - một người già 85 tuổi, vẫn có đủ sức để đánh đuổi những loại kẻ thù như vậy.
câu 27b nêu lý do thứ hai khiến dân Y-sơ-ra-ên không đuổi được những cư dân Ca-na-an, ấy là họ “cũng chẳng đuổi… cũng chẳng đuổi đi”; câu 29, cũng chẳng đuổi… Rõ ràng là dân Y-sơ-ra-ên sẵn sàng chấp nhận chứa chấp những cư dân Ca-na-an. Đây là thái độ DUNG CHỨA TỘI LỖI, dưỡng hổ di họa.
Trong Dân số ký 33:55-56, Chúa đã cảnh cáo dân Y-sơ-ra-ên trước về sự dung dưỡng tội lỗi, Chúa phán: “Còn nếu các ngươi không đuổi dân của xứ… chúng nó… sẽ như gai trong con mắt, và như chông nơi hông các ngươi, chúng nó sẽ theo bắt riết các ngươi”
Rõ ràng bài học nầy làm hình bóng về đời sống thuộc linh của người tin Chúa Jêsus trên đường Nên Thánh thực nghiệm theo Chúa.
có những người sau khi tin Chúa Jêsus Christ và được cứu, thì trở nên lười biếng, không muốn chống lại những sự cám dỗ, nghĩ rằng như vậy thì dễ được yên thân. Lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 10:5-6 là lời cảnh cáo cho những đời sống buông mình, thả mình theo dòng cám dỗ, phần nhiều trong vòng họ… đã ngã chết nơi đồng vắng.
Lời Chúa dạy chúng ta phải quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương chúng ta (Hê. 12:1). Một sự dung dưỡng tội lỗi trong đời sống chúng ta, hôm nay nó là con beo con không có gì nguy hiểm, ngày mai nó sẽ là một con beo lớn vồ lấy chúng ta; nó sẽ là gai trong mắt, chông nơi hông. Gai nơi tay, chông nơi chân, đã gây khó chịu dường nào; huống chi mắt và hông là hai chỗ hiểm yếu.
Chúng ta phải cảm tạ Chúa về việc Đức Thánh Linh sắp xếp để đặt sách Quan xét vào vị trí đặc biệt nầy, bày tỏ cho chúng ta những điều đáng trách trong đời sống theo Chúa: không được buông mình để yên thân; cũng không được dung dưỡng tội lỗi - dù nó dường như quá nhỏ.
Lý do thứ 2: Lập ước với dân ngoại – 2:2; 3:5-6.
2:2, Chúa ra lịnh cho dân Chúa: chớ lập ước cùng dân xứ nầy, thế mà dân Y-sơ-ra-ên không vâng lời Chúa dạy. Sự bất trung nầy khiến Chúa phải thắc mắc mà hỏi dân Chúa: Tại sao các ngươi đã làm điều đó? Chúa muốn hỏi dân Chúa: Chúa đã dạy, đã ra lịnh, đừng lập ước với dân trong xứ, tại sao họ vẫn không nghe lời Chúa dạy, tại sao họ vẫn lập ước với dân ngoại?Chẳng những lập ước mà dân Y-sơ-ra-ên còn cưới gả với dân Ca-na-an và hầu việc các thần của dân Ca-na-an.
Đặc tánh của tội lỗi là lây lan, tội lỗi nầy sanh ra tội lỗi khác. Trong nguyên ngữ Hi văn của Kinh thánh, tội lỗi được dùng ở giống cái, nghĩa là tội lỗi sẽ sanh sản.Từ tội kết ước, thỏa thuận sống chung với tội lỗi - một đường lối thỏa hiệp, đức tin ai nấy giữ, thần ai nấy thờ.
Giai đoạn lây lan kế tiếp là cưới gả - bắt đầu liên kết với nhau bằng những cái gọi là cuộc vui, tiệc vui. Rồi điều gì phải đến đã đến, tội lỗi đã cai trị trên kẻ thỏa thuận với nó, khiến kẻ đó hầu việc nó.
Tác giả Thi thiên 1:1 đã cho thấy sự tai hại của những việc lập ước với tội lỗi: trước hết là THEO, kế đó là ĐỨNG LẠI, kết quả bao giờ cũng NGỒI xuống với tội lỗi.
Quý vị lưu ý, ngay sau 3:6, bước qua câu 7, chúng ta thấy hậu quả tai hại của tội lỗi diễn ra tức thì: “Dân Y-sơ-ra-ên còn làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va”, dân Chúa đã làm ác, họ làm điều ác trước mặt Chúa, nghĩa là công khai phạm tội, không còn kể Chúa là gì đối với họ.
Đối với Đức Chúa Trời, trắng là trắng, đen là đen; thánh là thánh, tội là tội; Chúa không chấp nhận xám xám được, không thể vừa thánh vừa tội được. Một sự thỏa hiệp với thế gian, thỏa hiệp với tội lỗi không thể dẫn đến sự sáng, không dẫn đến sự thánh khiết, mà chắc chắn sẽ dẫn đến làm ác, quên Chúa… thờ hình tượng… và nhận lấy cơn giận của Chúa đổ xuống.
Đó là hai nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của dân Y-sơ-ra-ên được ghi trong sách Các Quan xét.
II/. TÌNH CẢNH THẤT BẠI – 3:7 - 16:
Nhìn toàn cảnh, cả sách Các Quan xét có thể ví như một cảnh ban đêm trong cơn mưa bão, thỉnh thoảng chợt lóe lên một chút ánh sáng, rồi lại tiếp tục mưa bão và bóng đêm. Sau cơn mưa bão, trời vẫn lại tối.
Suốt từ đoạn 3 đến đoạn 16, sách đã ghi lại:
7 lần dân Y-sơ-ra-ên làm điều ác, quên Chúa, thờ hình tượng
7 lần dân Y-sơ-ra-ên bị Chúa phạt bằng cách cho phép các dân tộc chung quanh như: dân Mê-sô-pô-ta-mi, dân Mô-áp, dân Phi-li-tin, dân Ca-na-an, dân Ma-đi-an, hà hiếp, cướp bóc, khổ sở trăm chiều.
7 lần dân Y-sơ-ra-ên trong cảnh khổ cùng cực, họ lại ăn năn quay lại kêu cứu với Chúa.
7 lần Chúa đã nghe tiếng kêu cứu của dân Chúa và đã dấy lên các Quan Xét để giải cứu họ khỏi tay kẻ hà hiếp.
Dân Y-sơ-ra-ên phạm tội, bị Chúa hình phạt, ăn năn, được giải cứu, rồi lại phạm tội. Chu kỳ đó cứ tiếp diễn suốt gần 400 năm, sau khi Giô-suê qua đời đến vị Quan Xét cuối cùng là Sa-mu-ên.
Qua những lần dân Y-sơ-ra-ên phạm tội rồi ăn năn được Chúa tha thứ, sách Các Quan xét đã làm nổi bật hai đối tượng hoàn toàn trái ngược nhau:
Đối tượng con người qua dân Y-sơ-ra-ên chính là người tin Chúa Jêsus ngày nay, dù đã tin Chúa, đã từng nếm trải bao ơn phước của Chúa, nhưng cứ yếu đuối. Hễ khi được thịnh vượng, no đủ thì quên ơn Chúa; lúc khổ cực quá thì lại kêu cầu Chúa.
Đối tượng thứ hai là CHÚA - với bản tánh như Chúa đã từng hô danh Ngài trước Môi-se: “Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận… nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội” (Xuất 34:6-7). Chúa như Vị Cha yêu thương phạt cho bị thương tích rồi Chúa lại chữa lành cho, dù trong cơn giận Chúa cũng không khép sự nhân từ.
Có một lần tôi nghe ca sĩ Elvis Phương hát bài CHÚA KHÔNG LẦM với điệp khúc như sau: Nhưng lòng Chúa quá bao la, Dù cho bao phen con yếu đuối Thành tâm ăn năn thống hối, thì Ngài lại thứ tha.
Thật Chúa nhân từ biết bao, dù cho bao phen con yếu đuối, nhưng khi con biết ăn năn thống hối, thì Chúa lại thứ tha.
Sách Các Quan xét mô tả thật rõ nét tội vô tín, tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên, đồng thời cũng làm rõ nét bản tánh nhân từ yêu thương của Chúa. Có thể nói như Phao-lô đã nói trong thư Rôma 5:20, nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa. Điều đó không có nghĩa là chúng ta cứ ở trong tội lỗi hầu cho ân điển được dư dật. Phao-lô nói: chẳng hề như vậy! (Rôma 6:1)
Nguyện Chúa dùng bài học nầy để chúng ta thấy được ân điển của Chúa, mà thêm lòng kính sợ Chúa, yêu thương Chúa và tin cậy nơi sự nhân từ của Chúa càng hơn, để bởi đó chúng ta sẵn sàng ăn năn tội lỗi của chính mình trước khi hình phạt xảy đến.
III/. BIẾN CHỨNG CỦA SỰ THẤT BẠI – 17: - 21:
Năm đoạn cuối cùng của sách Các Quan xét ghi lại ba biến chứng của một đời sống thất bại,
Đoạn 17 - 18
Một cảnh trạng của những kẻ quên Đức Chúa Trời là cúi mình thờ lạy hình tượng, một sự thờ lạy hình tượng được che đậy bằng vài vật dụng để thờ phượng Chúa như: ê-phót (17:4-5), tổ chức nghi thức theo cách của Chúa như lập thầy tế lễ theo chi phái Lê-vi (17:12-13).
Một sự pha trộn giữa tội lỗi với thánh khiết. Đó có phải là điều mà Hội Thánh ngày nay đang thực hiện trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời không? Người ta đang tìm cách đưa những tư tưởng, những cách tổ chức, những luật lệ của thế gian vào giáo lý của Hội Thánh, nghi thức của Hội Thánh, luật lệ của Hội Thánh, với ý nghĩ rằng để Tin Lành hợp thời hơn, dễ chấp nhận hơn
Chính Chúa phán về sự pha trộn đó trong Ê-sai 1:13b, “ta chẳng khứng chịu tội ác hội hiệp nơi lễ trọng thể”.
Đoạn 19.
Chúng ta có thể nói, đoạn 19 của sách Các Quan xét là đoạn kinh khủng nhất trong toàn bộ Kinh thánh. Mỗi nhân vật trong đoạn là một tội nhân cực ác:
người Lê-vi - người phục vụ Chúa lại có vợ bé (19:1).
người vợ bé gian dâm, bỏ chồng (19:2)
người Bên-gia-min không ân cần tiếp khách dọc đường theo luật của Chúa (19:13)
một thành phố dâm loạn quá mức.
một người cha già dám giao con gái mình và khách lạ cho người ta làm nhục.
một người chồng dùng dao chặt vợ mình ra mười hai đoạn.
Đến nỗi ai cũng nhìn nhận rằng chưa hề làm hoặc chưa hề thấy việc như vậy. Thật không còn một từ ngữ nào để đặt cho tội ác trong đoạn nầy, tôi chỉ biết mượn một thành ngữ dùng trong Kinh thánh nói về tội lỗi quá mức: “Tội ác chúng nó đã lên thấu trước mặt Chúa”.
Đoạn 20 - 21
Biến chứng thứ ba của tội lỗi hay nói theo đề mục là biến chứng của Sự Thất Bại Thuộc linh, ấy là nội chiến - một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, anh em tàn sát nhau (20:13-14). Cuộc chiến nầy suýt chút nữa đã tiêu diệt chi phái Bên-gia-min (20:43-48; 21:1). Một Hội Thánh thất bại thuộc linh, một đời sống thất bại thuộc linh, chắc chắn sẽ đem đến những biến chứng khủng khiếp. Trong Ma-thi-ơ 12:43-45, Chúa Jêsus Christ đã nói đến thảm họa của một đời sống thất bại thuộc linh bằng cách so sánh: Một người chưa tin Chúa thì chỉ có một quỉ cai trị; còn người đã tin Chúa mà không để Chúa cai trị đời sống, thì sẽ như có bảy quỉ cai trị, số phận người ấy sau lại xấu hơn trước.
Kinh thánh là sách thánh của Đức Chúa Trời Chí Thánh, nhưng không phải chỉ ghi những việc, những người thánh, mà cũng ghi cả những tội ác cực kỳ kèm theo những hậu quả, những biến chứng khủng khiếp ngay trên đất. Bằng chứng là qua nội dung sách Các Quan xét. Cảm ơn Chúa cho chúng ta được học sách Các Quan xét để thấy lẽ thật đó. Học để làm gì? Chắc chắn là để chúng ta nhờ ơn Chúa thì phải tránh đi, chớ buông mình vào!