Các Quan Xét

SÁCH CÁC QUAN XÉT 9.
ĐỜI QUAN XÉT
Kinh thánh: Quan xét 2:10-15
Câu gốc: Quan xét 2:10
Mục đích: nhắc nhở con cái Chúa quan tâm việc dạy dỗ thế hệ con cái.

********************************************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa đã ban cho chúng ta quyển Kinh thánh và cũng ban cho chúng ta có cơ hội được cùng nhau học Lời Chúa. Mục đích việc chúng ta học Kinh thánh là để biết cách sống đẹp lòng Chúa hầu cho cá nhân, gia đình, Hội thánh, và cộng đồng xã hội chúng ta đang sống được may mắn và được phước. Một trong những lời dạy của Chúa cho chúng ta qua Kinh thánh là cách chúng ta dạy con cái của mình được lớn lên trong sự hiểu biết Chúa như chúng ta. Cảm ơn Chúa, sách Các Quan Xét đã ghi lại cho chúng ta bài học quý báu về việc dạy con.
I/. CẢNH TRẠNG ĐỜI CÁC QUAN XÉT. 2:11-15
Qua những câu Kinh thánh nầy, chúng ta được mô tả cảnh trạng Đời Quan xét thật là một thời kỳ khủng khiếp trong hai phương diện:

  • Tình trạng đối với Chúa: 2:11-13.

Ba câu Kinh thánh nầy cho thấy tình trạng thuộc linh của dân Y-sơ-ra-ên cực kỳ sa sút, hầu như họ không còn một chút gì kính sợ Chúa. Mỗi câu là một bản án đối với dân Y-sơ-ra-ên:

  • Câu 11, dân Y-sơ-ra-ên làm ác trước mặt Đức Giê-hô-va.
  • Dân Y-sơ-ra-ên hầu việc các thần tượng của Ba anh.
  • Câu 12, dân Y-sơ-ra-ên bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ mình
  • Dân Y-sơ-ra-ên tin theo các thần khác của những dân tộc chung quanh.
  • Dân Y-sơ-ra-ên quì lạy các thần
  • Dân Y-sơ-ra-ên chọc giận Đức Giê-hô-va
  • Câu 13, chúng nó bỏ Đức Giê-hô-va
  • Dân Y-sơ-ra-ên hầu việc Ba-anh và Át-tạt-tê.

Những từ ngữ: Làm ác, hầu việc các thần tượng, bỏ Đức Giê-hô-va, tin các thần…, quì lạy các thần, chọc giận Đức Giê-hô-va… cứ lặp đi lặp lại, càng lúc càng tô đậm tội ác của dân Y-sơ-ra-ên trong Đời Các Quan xét. Từ ngữ ‘chọc giận’, rõ ràng dân Y-sơ-ra-ên cố ý chối bỏ Chúa như một sự thách thức Chúa.
Qua sách Các Quan xét, nhiều lần Chúa đã giải cứu họ khi họ kêu cầu Chúa, nhưặg rồi lúc được bình an họ lại đi thờ thần tượng. Hành động khinh lờn Chúa như thế nầy lặp đi lặp lại ít nhất 7 lần trong 400 năm Đời Quan xét.

  • Tình trạng sống: 2:14-15

Một lần nữa, mỗi câu là một màu đen của dân Y-sơ-ra-ên trong Đời Quan xét:

  • Câu 14, dân Y-sơ-ra-ên bị cướp bóc, bị bóc lột, bị bán cho kẻ thù nghịch chung quanh, không thể chống cự với các kẻ thù nghịch.
  • Câu 15, dân Y-sơ-ra-ên đi đâu cũng bị tai họa. Chúng bị cơn hoạn nạn lớn lao thay

Thật không còn một từ nào có thể thêm để mô tả cảnh trạng đen tối của dân Y-sơ-ra-ên trong Đời Quan xét. Nếu anh chị em đọc đến những đoạn cuối của sách Các Quan xét, sẽ thấy tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên đã lên đến cực điểm:
Đoạn 17-18, dân Y-sơ-ra-ên đã hình tượng hóa Đức Chúa Trời của họ, là điều Chúa cấm kỵ. Tại sao họ làm như vậy? Đó là điều họ bắt chước các dân tộc chung quanh, sống theo quan niệm thế gian thay vì sống theo Lời Chúa dạy. Họ đã đem mô hình tôn giáo đời nầy thay cho Lời Chúa dạy.
Đoạn 19-21, tình trạng vô đạo đức dâm dục, giết người diễn ra công khai, suýt chút nữa, dân Y-sơ-ra-ên đã mất một chi phái Bên-gia-min trong Đời Quan xét.
Các nhà giải kinh đều chọn câu gốc cho sách Các Quan xét là: 17:6 hoặc 21:25, “ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải”, mọi người Đời Quan xét sống theo ý riêng, sống theo lẽ phải của chính mình. Người Việt Nam có câu: chín người mười ý, đủ để cho chúng ta thấy được cảnh trạng rối loạn Đời Quan xét
II/. NGUYÊN NHÂN ĐỜI QUAN XÉT: 2:10
Đúng ra là chúng ta nói đến nguyên nhân Đời Quan xét trước, nhưng vì chúng ta cần được giới thiệu cảnh trạng Đời Quan xét trước để anh chị em có thể hình dung sự bại hoại, vô tín, tội ác cực kỳ của dân Y-sơ-ra-ên Đời Quan xét. Thấy được như thế, chúng ta mới có thể đặt câu hỏi: Tại sao xảy ra tình trạng kinh khiếp dường ấy?
2:10 là câu trả lời rõ ràng cho chúng ta: “Hết thảy người đời ấy cũng được tiếp về cùng tổ phụ mình; rồi một đời khác nổi lên, chẳng biết Đức Giê-hô-va, cũng chẳng biết các điều Ngài đã làm nhơn vì Y-sơ-ra-ên”.
Câu gốc nói rằng nguyên nhân gây ra Đời Quan xét đen tối, kinh khiếp, là vì thế hệ con cái của những người đời Giô-suê không biết Chúa, không biết việc quyền năng Chúa đã làm cho tổ phụ họ, cho chính họ.
Tại sao thế hệ con cái của họ không biết Chúa? Có hai lý do:

  • Lý do từ cha mẹ:

Vì những người đi trước, là cha là mẹ, là anh là chị, đã không dạy cho con em của mình về Chúa. 2:6 nói rằng mọi người đi vào sản nghiệp, nhận lấy xứ, một hình ảnh sống thịnh vượng, bình an, không còn gì khó khăn nữa. Cuộc sống an nhàn đã làm cho họ quên dạy con em của họ lý do mà được thịnh vượng ngày nay.
Bao nhiêu lần Lời Chúa dạy các bậc phụ huynh phải dạy con về Chúa và công việc của Chúa:

  • Phục truyền 6:6-7, “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi”.
  • Châm ngôn 5:23, “Nó sẽ chết vì thiếu lời khuyên dạy, và bị lầm lạc vì ngu dại quá”
  • Châm ngôn 22:6, “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó”.

Nhưng buồn thay, sách Các Quan Xét 2:10 nói rằng những bậc phụ huynh chết đi, mà con cái họ không biết Chúa, khiến tai họa xảy đến khủng khiếp trên đời sống thế hệ con em họ cả thuộc thể lẫn thuộc linh.
Tại sao những phụ huynh nầy không dạy con về Chúa? Phải chăng họ nghĩ rằng bây giờ sống khỏe rồi, vật chất đầy đủ rồi, chuyện thuộc linh để sau hẳn hay. Họ cho rằng có thực mới vực được Đạo, ăn no rồi mới tính chuyện đạo đức.
Phải chăng cuộc sống giàu có, bình an, khiến họ không có thì giờ để dạy con em mình. Hãy nhìn vào cuộc sống vật chất ngày nay, những người có nhiều tiền bị thu hút càng muốn có nhiều tiền và tiện nghi, họ chẳng còn thì giờ dạy con em. Họ đã làm một việc mà họ nghĩ rằng đó là bổn phận cha mẹ: Cho con nhiều tiền, nó muốn gì cho nấy là đủ rồi. Họ không cần quan tâm con em họ nghĩ gì, sống thế nào cho đến một ngày. Còn những người ít tiền, không có tiền thì sao? Họ nghĩ rằng nếu tay họ ngừng thì họ chết đói, gia đình họ sẽ chết đói, ngày nào cũng lao mình vào tìm kiếm tiền để sống, con em họ cũng phải lao mình theo, học vấn con em họ không còn cần thiết, đạo đức không cần quan tâm, miễn cho tiền để sống.
Kết quả là gì? Con em họ là những cư dân Đời quan xét.

  • Lý do từ con cái:

Chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng nguyên nhân có tình trạng Đời Quan xét cũng do thế hệ tuổi trẻ không chịu học, không còn quan tâm đến đạo đức, và nhất là không quan tâm đời sống kinh nghiệm về Chúa. Thế hệ trẻ đã nhìn vào Chúa như một thần tượng nào đó mà họ thấy nơi các tôn giáo chung quanh. Lời Chúa trở thành một thứ giáo thuyết, triết lý nặng nề, hơn là Chân lý sống động có cần cho đời sống của họ.
Phao-lô nói trong II Timôthê 4:3-4 rằng, “Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn”. Do đó, tội lỗi đã càng ngày càng gia tăng, đạo đức càng ngày càng suy đồi. Đức tin nơi Chúa hình như không còn cần thiết nữa. Và Đời Các Quan xét đã và đang xảy ra.
Anh chị em ơi, vì tiền đồ của Hội thánh, tôi tha thiết kêu gọi quí vị phụ huynh đừng để tái diễn Đời Các Quan Xét đen tối đó nữa, bằng cách quan tâm việc dạy Lời Chúa cho con em mình. Tôi thiết tha kêu gọi những người trẻ tuổi, các Thanh thiếu niên trong thế hệ mới nầy đừng bước vào tương lai với Đời Các Quan Xét, các Bạn hãy đọc sách Các Quan xét để thấy cảnh trạng đó mà kinh sợ tránh đi bằng cách hãy quan tâm đến việc học Lời Chúa, lo tìm kiếm Chúa, nhìn biết Chúa. Chúa đã hứa với gia đình cũng hứa với chúng ta: “Quyển sách luật pháp nầy cho xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước” (Giô-suê 1:8).
III/. ĐỂ CHẤM DỨT ĐỜI QUAN XÉT:
Chúng ta phải cảm tạ Chúa, sau 400 năm Đời Các Quan Xét tối tăm, đã có những người ý thức được lỗi lầm không dạy cho con em mình biết Chúa, trong đó có Bà Na-ô-mi và Bà An-ne. Cũng thật là kỳ diệu, Đức Thánh Linh đã cho phép xếp hai sách Ru-tơ và Sa-mu-ên tiếp theo sau sách Các Quan xét để giới thiệu hai người mẹ nầy:

  • Bà Na-ô-mi dạy Ru-tơ:  Rutơ 1:16-17

1:1, sách Ru-tơ xác nhận câu chuyện nầy xảy ra vào Đời Các Quan xét. Tôi không biết Bà Na-ô-mi đã dạy dỗ Ru-tơ cách nào về Chúa, nhưng qua câu nói của Ru-tơ chứng tỏ sự dạy dỗ của Na-ô-mi đã chinh phục được nàng dâu của bà cho bà và cho Chúa. Ru-tơ nói: “Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của con”.
Ru-tơ là một người Mô-áp thuộc dân tộc bị rủa sả, dân tộc đáng bỏ đi đối với Đức Chúa Trời, nhưng Ru-tơ đã học được về Đức Chúa Trời và đã nhận Đức Chúa Trời làm Đức Chúa Trời của nàng.
Điều tôi cảm động khi nghĩ về Na-ô-mi, bà chi là một phụ nữ, nhưng qua những khốn khổ mà gia đình bà và cá nhân bà đã nếm trãi Đời Các Quan xét, bà đã biết quay lại sự dạy dỗ con mình, dù đó chỉ là một người con dâu, để rồi cuối sách Ru-tơ, dường như Đời Các Quan xét không còn nữa.

  • Bà An-ne dạy Samuên: I Samuên 1:10-11, 26-28

Người thứ hai đã góp phần chấm dứt Đời Các Quan xét khốn khổ là Bà An-ne. An-ne đã dạy con bằng cách cầu nguyện cho con từ khi nó chưa sinh ra; An-ne đã dạy con bằng cách đem nó đến Đền thờ; An-ne dạy con bằng cách dâng con của bà cho Chúa. Chẳng những bà An-ne dẫn con đến Đền thờ, nhưng bà luôn quan tâm mỗi năm con bà cao lớn thế nào bằng cách may áo dài cho con để biết sức nó lớn lên.
Cảm ơn Chúa, chúng ta đều biết là Samuên lớn lên làm một Quan xét và là người chấm dứt Đời Các Quan xét.
Hãy dạy con em! Nếu quí vị phụ huynh không muốn thế hệ sau của mình bại hoại, tội lỗi, ngay bây giờ hãy góp phần dạy con ngay từ phút nầy. Góp phần bằng cách nào? Hội thánh hãy tổ chức những chương trình dạy Lời Chúa hằng tuần, hằng Quý, mỗi kỳ Hè. Quí vị phụ huynh đóng góp tiền bạc để tổ chức, để khuyến khích con em học Lời Chúa. Quí vị phụ huynh trực tiếp răn dạy con em, cầu nguyện cho con em mình!