Sáng Thế Ký


SÁNG THẾ KÝ  (1)
******************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Ms. SƠN. Cảm ơn Chúa cho qua Chương trình Phát Thanh Tin Lành,, chúng ta có cơ hội cùng nhau học Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời, với mong ước Chúa cho chúng ta cùng nhau đi qua 66 sách trong Kinh thánh, đề có một khái niệm tổng quát về Kinh thánh hầu yêu thich Kinh thánh hơn. Hôm nay chúng ta hãy bắt đầu với sách Sáng thế ký.
I/. TÊN SÁCH:

  • Tên sách theo tiếng Hi-bá-lai là BAN ĐẦU hoặc BẮT ĐẦU (BERSHITH)
  • Tên theo tiếng Hi Lạp là GỐC TÍCH (GENESIS)
  • TÊN Theo ViỆt ngữ là SÁNG THẾ KÝ. Tên sách theo tiếng Việt là dịch theo Hán tự, nghĩa là Sáng = Sáng tạo; Thế = Thế giới; và Ký = Bảng ghi chép. Nghĩa chung sách là Bảng Ghi Chép Cuộc Sáng Tạo Thế giới.

Nói đến tên các sách trong Kinh thánh, cảm ơn Chúa đã ban cho các vị Tiền bối phụ trách dịch Kinh thánh đã được Thánh Linh Đức Chúa Trời dẫn dắt để dịch. Chúng ta biết là tiếng Việt Nam của chúng ta đã tập hợp nhiều loại ngôn ngữ trên thế giới, trong đó đa phần từ Hán ngữ.
Ví dụ, khi dịch Danh Chúa Jêsus, trong Ban Dịch đa số là các Giáo sĩ Mỹ thì sẽ dùng JESUS – CHỬ E không có dấu; hoặc lúc Kinh thánh được dịch thì Việt Nam chúng ta còn lệ thuộc thực dân Pháp thì phải dịch JÉSUS với chữ E có dấu sắc; nhưng Thánh Linh Đức Chúa Trời không muốn Tin Lành bị người Việt Nam hiểu lầm là Đạo của người Pháp, hoặc người Mỹ,hoặc người Tàu, nên Chúa đã cho dịch là JÊSUS với chữ E có dấu mũ, Chúa muốn người Việt Nam hiểu rằng Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời không phải là một người ngoại quốc trên đất.
Khi dịch Kinh thánh, tên sách đầu tiên được dịch theo Bản tiếng Hoa là Sáng thế ký, sách thứ hai thì thay vì theo tiếng Hoa dịch Xuất Ai Cập ký thì các Vị Tiền bối đã dịch dùng cả tiếng Hoa là Xuất và ký, còn tên nước Ai Cập theo âm tiếng Pháp là Ê-díp-tô. Kế tiếp là tên sách theo âm tiếng Hoa, nhưng đến sách thứ 5 của Cựu Ước thì thay vì là Sanh Mạng ký thì được dịch theo ý nghĩa nội dung sách là Phục truyền luật lệ ký – truyền lại hoặc nhắc lại luật lệ của Chúa cho dân Y-sơ-ra-ên trước khi họ vào Đất hứa.
Tên sách thứ 1 của Kinh thánh theo nguyên ngữ Hi-bá-lai là Ban Đầu hay Bắt Đầu, đó là Chủ đề của sách Sáng thế ký, và nhờ vậy chúng ta có thể có Bố cục của sách Sáng thế ký như sau:
Câu chìa khóa của sách: được chọn là 1:1, “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời [và] đất”.
Chủ đề của sách: BAN ĐẦU hay BẮT ĐẦU.
Từ ngữ đầu tiên của Kinh thánh là Ban Đầu hay Bắt Đầu nầy, so với Giăng 1:1 trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Việt, đều dịch giống nhau. Tuy nhiên trong Hoa ngữ, thì được dịch khác nhau:

  • Sáng thế ký 1:1 được dịch là Khởi sơ, nghĩa là trời đất hoặc vũ trụ nầy có một khởi đầu lúc sơ khai. Nói theo sách Truyền đạo 3:1-2, “Phàm sự gì có thì tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định. Có kỳ sanh ra, và có kỳ chết…”. Vì vậy, thế giới nầy, vũ trụ nầy, trái đất nầy đã có kỳ được sanh ra, được Đức Chúa Trời dựng nên thì sẽ có kỳ kết thúc. Trời đất được dựng nên, được sanh ra khi nào? Kinh thánh trả lời: trời đất, muôn vật được dựng nên, được sanh ra buổi sơ khai, có một lúc đã bắt đầu.

Còn

  • Giăng 1:1 thì dịch là Thái sơ. Câu nầy nói về Ngôi Lời là Chúa Jêsus Christ là Đức Chúa Trời, thì Kinh thánh xác nhận Chúa Jêsus Christ hiện hữu từ Thái sơ với chữ Thái là quá mức, to lớn quá, lớn lắm, buổi sơ khai xa xưa lắm, không biết được, nói theo Kinh thánh Đức Chúa Trời hay Chúa Jêsus Christ hiện hiện hữu từ Ban đầu, từ thời thái cổ (Ê-sai 48:12).

Từ ngữ thứ hai trong Kinh thánh là danh từ Đức Chúa Trời. Với 3 từ nầy, chúng ta có Đức là tiếng tôn xưng với lòng kính trọng; từ Chúa chỉ về một Đấng Chủ Tể; và từ thứ ba chỉ về vị trí cao nhất. Tuy nhiên trong nguyên ngữ Hi-bá-lai thì danh xưng Đức Chúa Trời được dùng ở số nhiều, trong khi động từ dựng nên lại dùng ở số ít, bằng cớ chứng minh Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hiệp Một.
Kế tiếp từ ngữ thứ ba trong câu đầu tiên của Kinh thánh là động từ dựng nên, sáng tạo, Kinh thánh không dùng từ làm nên, làm ra. Dựng nên hoặc sáng tạo là từ không làm ra có, còn loài người chúng ta chỉ làm ra cái có nầy từ cái có khác. Kinh thánh xác chứng rằng: “Bởi đức tin, chúng ta biết rằng thế gian đã được dựng nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến” (Hê. 11:3).
Cảm ơn Chúa, ngay đoạn 1 câu 1, câu Kinh thánh đầu tiên, đã đánh đổ các lý thuyết tôn giáo của thế gian.

  • Trong khi thuyết Vô Thần chủ trương không có Đức Chúa Trời, thì vừa mở Kinh thánh, Sáng thế ký 1:1 xác quyết Đức Chúa Trời thực hữu, có thật.
  • Đối với thuyết Đa thần chủ trương có nhiều thần, đến nỗi có vô sồ thần, thì Sáng thế ký xác quyết chỉ có Một Đức Chúa Trời.
  • Đối với những người theo thuyết Duy Vật chủ trương chỉ có vật chất, thì Sáng thế ký 1:1 xác quyết vật chất do Đức Chúa Trời dựng nên.
  • Đối với Phiếm thần thuyết chủ trương mọi vật đều là thần, thì Sáng thế ký 1:1 xác qu6e61t Đức Chúa Trời có trước muôn vật, và muôn vật bởi Đức Chúa Trời dựng nên.
  • Đối với thuyết Tiến Hóa Tôn giáo chủ trương tôn giáo phát sinh từ sơ bộ đến nhận thức thô sơ mê tín tiến đến nhận thức phức tạp qua các giai đoạn: thờ linh hồn người chết, chưa có ý thức về thần linh, đến bước kế tiếp loài người phát giác (?) các vị thần, linh hồn, ngự trong đá, cây, sông, núi…nên bắt đầu thờ lạy. Bước kế là tôn thượng đẳng thần, loài người lựa ra các thần đứng đầu, trong đó có Đức Chúa Trời Tạo Hóa.

Tuy nhiên, qua Kinh thánh sách Sáng thế ký 1:1, Lời Chúa bày tỏ hoàn toàn trái ngược lại: Ban đầu, chỉ có một Đức Chúa Trời dựng nên muôn loài vạn vật, đến nỗi vật thấy được và vật không thấy được (Côl. 1:15-17), chỉ sau khi phạm tội con người mới bày ra các thần tưởng tượng cho mình.
Bây giờ, chúng ta dò theo từng đoạn của sách Sáng thế ký để tìm thấy những điều bắt đầu trên thế giới.
ĐOẠN 1 – Bắt đầu muôn vật.
Về nguồn gốc muôn vật gồm vũ trụ và trái đất, các tôn giáo Đông Tây đều cố giải thích theo tánh chất thần thoại và mơ hồ. Nhờ Kinh thánh, ngay Sáng thế ký đoạn 1, câu đầu tiên của sách đã ghi: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”. Có rất nhiều điều kỳ diệu trong câu Kinh thánh đầu tiên nầy:

  • Kinh thánh xác nhận Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất. Đức Chúa Trời là ai? Người Việt Nam chúng ta ai cũng biết Đức Chúa Trời và với lòng tôn kính Đấng Tạo Hóa, người Việt Nam đã xưng gọi Đấng ấy là Ông Trời được hiểu là Đấng Tạo Hóa với những ngôn ngữ bình dân: Trời nắng, Trời mưa, Trời gió, nói chung điều gì con người không làm được thì người Việt Nam sẽ giao cho Ông Trời với câu: Chỉ có Trời làm! Nói chung, như Kinh thánh phán: “Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời, chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghiếc; chẳng có ai làm điều lành” (Thi. 14:1; 53:1). Lời Chúa muốn dạy có những người ngoài miệng nói không có Đức Chúa Trời, nhưng trong lòng vẫn nhìn nhận Đức Chúa Trời có thật.
  • Kinh thánh đã dạy tiến trình Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật hợp lý như con người của thế kỷ 21 biết. Trước khi sự sống xuất hiện trên trái đất, sách Sáng thế ký đã ghi lại thứ tự xuất hiện như sau: (1:2-10)
  • đầu tiên là có NƯỚC – người Việt Nam chúng ta đã có nền khoa học bình dân khi nói: có nước là có cái.
  • Giai đoạn tiếp theo là xuất hiện Sự Sáng.
  • Rồi giai đoạn thứ ba là Không khí.
  • Giai đoạn thứ tư là Đất.

Bốn yếu tố đó là nền cho sự sống của cây cỏ thực vật xuất hiện, và để loài thực vật lớn lên, phát triển, Đức Chúa Trời đã dựng nên Mùa Tiết, Ngày Đêm có hạn định, tạo điều kiện thời tiết cho sự tăng trưởng thực vật. Dù Quý vị không tin Đức Chúa Trời thực hữu, nhưng khi xem xét quy trình sáng tạo như Kinh thánh ghi lại, Quý vị phải nhớ nhưng dòng chữ đó đã được viết từ 1.450 năm trước khi Chúa Jêsus giáng sanh, nghĩa là cách đây 3.500 năm. Tôi xin mượn lời người Việt Nam để thốt lên: ‘Chỉ có Trời làm!’
Trang lịch sử sáng tạo muôn loài được sách Sáng thế ký ghi tiếp lại làm người thế kỷ 21 nầy phải ngạc nhiên, bây giờ Đức Chúa Trời dựng nên các loài thủy sinh vật, các loài chim, các loài động vật trên mặt đất. Hãy giả định thứ tự sáng tạo nầy đảo ngược lại, Đức Chúa Trời dựng nên các loài cá, chim, động vật trước rồi mới xuất hiện các loài thực vật, hoặc không khí, nước, thì điều gì xảy ra? Chắc chắn không có gì xảy ra, vì không còn gì để xảy ra, tất cả đều đã chết vì không có gì để ăn, không có gì để thở, và không có gì tồn tại.
Có một người nhìn vào muôn vật đã cảm xúc viết những lời rất cảm động như sau:
Khi xem muôn vật do tay Chân Chúa sáng tạo chúng,
Hỡi Chúa của tôi, lòng cảm xúc bao kinh sợ.
Tôi xem sao trời, tôi nghe muôn tiếng sấm rền nổ,
Khắp khắp đó đây, quyền của Chúa ôi vô bờ.
Khi tôi lên ngọn non cao trông xuống dưới vực thẳm,
Suối róc rách reo hóa tấu khúc ca êm đềm.
Tôi vô sâu rừng, muôn cây chen chúc có mọc xanh,
Ríu rít tiếng chim mừng hót khúc ca thanh bình.
Hồn ngợi khen Chúa, Cứu Chúa tôi Đức Chúa Trời.
Lớn bấy duy Ngài, quyền bính thay Ngài!
Hồn ngợi khen Chúa, Cứu Chúa tôi Đức Chúa Trời,
Duy Ngài đại năng, cao cả quyền oai!
Xin Chúa là Đức Chúa Trời bởi Chúa Jêsus Christ ban cho Quý vị mỗi lần ngước mắt nhìn lên trời cao, vươn vai hít một hơi không khí trong lành; hoặc mỗi lần ra biển nhìn thấy đại dương xanh thẳm bao la hùng vĩ với tiếng gió gào, thấy những ngọn sóng đua nhau vươn vào bờ, lòng Quý vị nhận ra có một Đức Chúa Trời Tạo Hóa để mau mau quay lại thờ phượng Ngài qua hành động tiếp nhận Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế cho đời sống mình. Đây không phải vấn đề tôn giáo, mà là con người đối với Đấng Tạo Hóa; vấn đề người con lưu lạc quay về với Vị Cha yêu thương dựng nên mình, ban mọi sự cho mình. Mong lắm thay!