Đề mục: BA ĐIỀU ƯỚC Kinh thánh: Giê-rê-mi 8:18 – 9:3 Câu gốc: Giê-rê-mi 8:18
******************************************
Kính thưa Quý vị, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa đã cho chúng ta có cơ hội cùng học Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời suốt năm Canh Tý vừa qua. Hôm nay nhân ngày Xuân Mới Tân Sửu, theo thông lệ của mọi người, nếu là người Tây phương Âu châu hoặc Mỹ châu, thì họ đã gởi gắm ước muốn vào đầu Năm Mới Dương Lịch 2021 rồi; còn chúng ta là người Việt Nam, hay người Á Đông, tôi xin được phép học gương của Tiên tri Giê-rê-mi chia sẻ cùng Quý vị BA ĐIỀU ƯỚC trong Năm Mới Tân Sửu nầy, xin Chúa ban cho mỗi chúng ta cũng có Ước Nguyện như Tiên tri của Chúa cho Quê hương Việt Nam, cho đồng bào Việt Nam chúng ta.
I/. ĐIỀU ƯỚC 1: ƯỚC ĐƯỢC YÊN ỦI. 8:18-22, Giê-rê-mi nói: “Ước gì tôi được yên ủi, khỏi sự lo buồn! Lòng tôi mỏi mệt trong tôi!
Là một tiên tri, Giê-rê-mi có chức vụ yên ủi người khác, nhưng hôm nay Giê-rê-mi lại Ước gì tôi được yên ủi. Tại sao? c.18, vì Giê-rê-mi nói ước ao của ông: “Ước gì tôi được yên ủi, khỏi sự lo buồn! Lòng tôi mỏi mệt trong tôi!
Điều gì đã khiến Giê-rê-mi lo buồn, mệt mỏi? Có phải vì thiếu thốn? có phải vì hoạn nạn, ốm đau? Không.
C.19, Giê-rê-mi nói ông lo buồn, mỏi mệt vì: “Nầy, có tiếng kêu la của con gái dân ta, kêu từ đất xa lắm, rằng: Đức Giê-hô-va không còn ở trong Si-ôn sao? Vua của thành ấy không còn ở giữa thành sao? Sao chúng nó dùng tượng chạm của mình và vật hư không mà chọc giận ta vậy?
Lòng người yêu Chúa đau đớn vì nhìn thấy dân tộc mình đầy hình tượng, Giê-rê-mi nói: “Có nước nào thay đổi thần của mình, mặc dầu ấy chẳng phải là thần không? Nhưng dân ta đã đổi vinh hiển mình lấy vật vô ích… Hỡi người Giu-đa, ngươi có bao nhiêu thành, có bấy nhiêu thần; Giê-ru-sa-lem có bao nhiêu đường phố, các ngươi cũng lập bấy nhiêu bàn thờ cho vật xấu hổ, tức những bàn thờ đốt hương Ba-anh” (2:13; 11:13).
Sứ đồ Phao-lô cũng hòa lòng để nói: “Vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, ma không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc hư không , và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm, mà trở nên điên dại; họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng” (Rô. 1:21-23).
Ôi sao giống như phán về quê hương, về dân tộc Việt Nam tôi quá!
C.20, tiên tri Giê-rê-mi nói lý do thứ hai ông mỏi mệt, buồn rầu, “Mùa gặt đã qua, mùa hạ đã hết, mà chúng ta chưa được cứu rỗi! Thì giờ cứu rỗi mà Đức Chúa Trời dành cho loài người đã hết, nhưng dân tộc của ông chưa được cứu.
Chưa bao giờ loài người chúng ta cảm nhận được loài người đang đi vào thời kỳ cuối cùng như hiện nay. Trước ngày 6 tháng 8, 1945, người ta chế nhạo Kinh thánh vì Lời Chúa rao báo trái đất sẽ trống không và hoang vu vì Chúa đoán phạt; nhiều người chế nhạo lời Chúa phán ngày Chúa phạt loài người với những hình phạt ghê gớm: “Vả, nầy sẽ là tai vạ mà Đức Giê-hô-va dùng để phạt mọi dân tranh chiến cùng Giê-ru-sa-lem: Ngài sẽ làm cho ai nấy khi chơn đương đứng thị thịt mục nát ra, mắt mục trong vành nó, lưỡi mục trong miệng nó” (Xach. 14:12). Nhưng sau khi hai trái bom nguyên tử bỏ xuống hai thành phố Hiroshima và Nagashaki của Nhật bản, những kẻ chống đối Kinh thánh đã nín lặng, vì hai thành phố đó trở nên trống không và hoang vu, và dân hai thành phố đó đã chết mục ruỗng trước khi họ nhận biết.
Ngày 28-9-2019, khi bão Dorian đi ngang qua quần đảo Bahamas, để lại sự trống không và hoang vu, cả một thị trấn bị quét sạch.
Năm Canh Tý đi qua, cả thế giới đã gánh thảm họa nCovid 19, biết bao người chưa được cứu rỗi đi vào hư mất.
Lời Chúa không hù dọa, thế giới đều nhìn nhận hai chữ tận thế, người Việt Nam chúng ta cũng biết, vì các tôn giáo đều nói đến với những danh từ khác nhau. Trong khi đó Kinh thánh nhiều lần rao báo Thời kỳ Ân điển của Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt, sự nhịn nhục chờ đợi của Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt (II Cô. 6:2; II Phi. 3:6-7), nhất là qua sách Khải huyền.
Cơ hội rao báo Tin Lành không còn mà dân tộc mình chưa được cứu rỗi, và nhìn thấy điều đó, Giê-rê-mi đã thốt lên: Ôi ước gì tôi được yên ủi, nghĩa Giê-rê-mi ước gì dân tộc ông được nghe Tin Lành yêu thương của Đức Chúa Trời cứu trước ngày Đức Chúa Trời đoán phạt thế giới.
Cảm ơn Chúa, sứ đồ Phao-lô cũng mang tâm tình cho dân tộc mình: “Hỡi anh em, sự ước ao trong lòng tôi và lời tôi vì dân Y-sơ-ra-ên [tôi xin nói cách gần gũi: vì dân tộc Việt Nam tôi]cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, ấy là cho họ được cứu” (Rô. 10:1)
Và chính Chúa Jêsus Christ đã làm gương mong ước cho dân tộc mà Ngài mượn quốc tịch vào đời – Luca 19:41-44
Nói đến đây, xin Chúa tha thứ cho người tin Chúa Việt Nam trong xứ cũng như Hải ngoại, sau 50 năm, dường như đã mất hay không còn ƯỚC cho dân tộc mình được cứu, chỉ còn lo cho cá nhân, lo cho cục bộ tổ chức Hội thánh. Người Tin Lành Việt Nam dường như đã mất cảm giác đau buồn, mỏi mệt khi nhớ đến dân tộc mình càng ngày càng chìm đắm trong mê tín, tội lỗi, thờ lạy hình tượng.
Xin Chúa ban lại cho chúng ta cảm giác như Giê-rê-mi, Phao-lô, như chính Chúa Jêsus Christ, để ai nấy đều nói như Giê-rê-mi: Ôi ước gì tôi được yên ủi, được thấy dân tộc mình được cứu rỗi trước ngày Chúa đến.
II/. ĐIỀU ƯỚC 2: ƯỚC GÌ ĐƯỢC KHÓC. 9:1
Người đời có câu: ‘Nước mắt là vũ khí của phụ nữ’; cũng có câu: ‘Nam nhi đổ máu, không đổ lệ’. Nhưng hôm nay có một người đàn ông đã khóc, ước ao được khóc.
Giê-rê-mi là người đàn ông, lại là người đàn ông Y-sơ-ra-ên – một dân tộc mà Chúa phán là dân cứng cổ, cứng lòng (Công vụ 7:51; Hê. 3:8, 15), nhất là một Giê-rê-mi khi được Chúa kêu gọi phục vụ Chúa, Chúa đã phán: “Nầy, ngày nay, ta lập ngươi lên làm thành vững bền, làm cột bằng sắt, làm tường bằng đồng…” (Giê-rê-mi 1:18). Vậy mà, hôm nay Giê-rê-mi ước ao được khóc, không phải chảy nước mắt, không phải nhỏ vài giọt lệ, nhưng “Ôi, ước gì đầu tôi là suối nước, mắt tôi là nguồn lụy! Giê-rê-mi ước khóc thật nhiều, thật thiết tha, suốt ngày đêm.
Tại sao Giê-rê-mi khóc nhiều như vậy? Vì dân tộc ông vì những kẻ bị giết của con gái dân ta mà khóc suốt ngày đêm.
Tôi không biết có dân tộc nào khổ nạn như người Y-sơ-ra-ên ngoài dân Việt Nam. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết những dòng nhạc về khổ nạn của người Việt Nam trong bài Gia tài của mẹ: Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, Một trăm năm đô hộ giặc Tây, Hai mươi năm nội chiến từng ngày…
Trong cảnh khổ, dân Việt Nam mình tin Chúa Jêsus nhiều lắm, loại bỏ hình tượng, mê tín. Nhưng rồi khi bình an, thế là người Việt Nam chúng ta dựng lại hình tượng, mê tín.
Người đời có câu: ‘Hiện tại chở đầy quá khứ, và chất chứa tương lai’. Nếu lời đó đúng thì tương lai dân Việt Nam mình còn xa vời lắm. Chúng ta là người Việt Nam đã nếm biết Đức Chúa Trời Tạo Hóa yêu thương qua những từ ngữ: Trời cho, Trời mưa, Trời nắng, lộc Trời cho, v.v…, sao không học gương của Giê-rê-mi khóc lóc cầu xin Chúa cho dân tộc mình sớm được cứu? Sao không bắt chước Phao-lô cầu xin Chúa: “Hỡi anh em, sự ước ao trong lòng tôi và lời tôi vì dân Việt Nam tôi cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, ấy là cho họ được cứu (Rô. 9:1-3; 10:1). Sao anh em không học gương của Chúa Jêsus Christ khóc cho dân tộc mình?
II Sử. 7:14, lời Chúa phán: Nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, VÀ CỨU XỨ HỌ KHỎI TAI VẠ” (II Sử. 7:14). Nếu Hội thánh là những người được gọi là dân Chúa hạ mình xuống… Chúa sẽ tha thứ tội chúng nó và cứu xứ họ khỏi tai vạ. Còn thiếu gì đó khiến Chúa chưa tha thứ họ và chưa cứu xứ họ khỏi tai vạ. Lạy Chúa, chúng con còn thiếu điều gì?
Xin Chúa dấy lên trong Hội thánh nhiều người có chung Điều Ước thứ 2, biết cầu nguyện cho dân tộc mình được cứu, cầu nguyện với nước mắt khóc suốt ngày đêm.
III/. ĐIỀU ƯỚC 3: ƯỚC MỘT CÁI QUÁN KHÁCH. 9:2
Khi đọc câu Kinh thánh nầy anh em có thắc mắc tại sao Giê-rê-mi không Ước ông có một căn nhà, một lâu đài, mà chỉ Ước một cái quán khách không?
Trước khi trả lời anh em, anh em phải nghe lý do Giê-rê-mi ước như vậy. Giê-rê-mi nói: “Ôi, ước gì tôi có một cái quán khách bộ hành trong đồng vắng! để tôi được bỏ dân ta mà đi cho xa khỏi họ”. Giê-rê-mi giận dân tộc ông cứng lòng không chịu nghe Lời Chúa, cứ cúi mình trước hình tượng. Thêm vào đó Giê-rê-mi còn gặp tình cảnh đáng giận: “… Trọn ngày tôi cứ làm trò cười, và ai cũng nhạo báng tôi. Mỗi lần tôi nói thì cất tiếng kêu la; tôi kêu rằng: Bạo ngược và hủy diệt! Vì lời của Đức Giê-hô-va làm cho tôi cả ngày bị sỉ nhục chê cười. Nếu tôi nói: Tôi sẽ chẳng nói về Ngài nữa; tôi sẽ chẳng nhơn danh Ngài mà nói nữa…” (20:7-9)..
Trong cái giận, Giê-rê-mi muốn bỏ dân ta mà đi cho xa khỏi họ. Nhưng thật cảm động biết bao, dù giận, Giê-rê-mi cũng chỉ ước có một cái quán khách bộ hành trong đồng vắng, ông chỉ muốn tạm lánh ra nước ngoài, tạm xa, tạm ở quán trọ để rồi sẽ trở về với dân tộc mình.
Giê-rê-mi ước cái quán khách trong đồng vắng, không phải ở một thành phố sang trọng, không ai ở lâu dài nơi quán trọ, không ai ở lâu dài nơi đồng vắng, chỉ là tạm thôi.
Nói đến đây, tôi không dám yêu cầu anh em có Điều Ước 3 nầy, nhưng chính tôi dâng lên Chúa điều Ước thứ 3: Ước gì Chúa cho tất cả người Việt Nam tin Chúa Jêsus chúng con, dù xa quê hương, hoặc trong nước đều có Ba Điều Ước như Tiên tri Giê-rê-mi, để từ mỗi chúng con, Chúa có thể cứu sự sống của dân Việt Nam chúng con, ban cho chúng con nhận trách nhiệm rao báo Tin Lành, để dân tộc chúng con hưởng được yêu thương của Đức Chúa Trời.
Xin Chúa cho chúng ta đồng lòng hiệp ý với Giê-rê-mi trình cho Chúa 3 Điều Ước trong Ngày Đầu Xuân Mới:
Ước gì cho dân tộc mình được cứu khỏi hình tượng, khỏi mê tín, thoát khỏi hình phạt của Đức Chúa Trời kịp giờ.
Ước xin Chúa cho chúng ta biết cầu nguyện với những giọt nước mắt khóc cho dân tộc mình sớm được cứu.
Ước xin Chúa cho mỗi chúng ta sẵn lòng nhận trách nhiệm rao báo Tin Lành cho bất cứ người Việt Nam nào, nhất là những người thân trong gia đình chúng ta.