SÁCH Ê-XƠ-TÊ 7
CÁC NHÂN VẬT TRONG SÁCH Ê-XƠ-TÊ
****************************************************
Kính chào Quý vị, tôi là Mục sư SƠN.Cảm ơn Chúa cho chúng ta được cùng học Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời.Hôm nay, chúng ta tiếp tục học sách Ê-xơ-tê, bài thứ 7 với chủ đề là CÁC NHÂN VẬT TRONG SÁCH Ê-XƠ-TÊ.Xin Chúa cho qua các nhân vật nầy, chúng ta tìm được những bài học quý báu cho đời sống cá nhân chúng ta cũng như tìm thấy trách nhiệm mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta có đối với cộng đồng dân Chúa và dân tộc chúng ta.
I/. VUA A-SUÊ-RU:Ê-xơ-tê 1:1-4
Sách Ê-xơ-tê bắt đầu với việc giới thiệu tên vua A-suê-ru, thuộc nước Phe-rơ-sơ, vị vua cai trị một Đế quốc rộng lớn từ Ấn Độ đến Ê-thi-ô-bi, chia thành 127 tỉnh. Nhìn vào bản đồ thế giới, chúng ta thấy Đế quốc của A-suê-ru vua nước Phe-rơ-sơ chiếm từ vùng Nam Á đến Phi châu. Tính theo ngày nay, đây là vùng đất giàu dầu mỏ và hương liệu nhất thế giới.
Theo truyền thuyết, khi vua A-lịch-sơn dẫn quân Hi Lạp tiến về phía Đông, sau 10 năm chinh chiến, đạo quân Hi Lạp tiến đến sát rặng núi Hi-mã-lạp-sơn. Nhìn ngọn núi cao nhất thế giới, A-lịch-sơ Đại Đế nghĩ rằng đã đến tận cùng thế giới, vua không vượt qua, trong khi đó lòng quân Hi Lạp sau 10 năm kéo dài cũng nản và nhớ nhà, nên đòi A-lịch-sơn quay về. Vì vậy, chúng ta cũng có thể hiểu là quan niệm thời đó cho rằng Ấn Độ là xa nhất, giống như người Việt Nam chúng ta ở Nam Bộ có nhóm từ đi Huế hàm ý là xa lắm.
Còn phía Tây Nam, vì có hai con sông lớn nhất thế giới là sông Tiger và Ơ-phơ-rát ngăn trở, kèm theo Địa Trung Hải là vùng biển gây khó khăn khi muốn tiến về phía Tây, lại còn Ai Cập đang là Đế quốc hùng mạnh đương thời. Do đó, Ê-thi-ô-bi thời bấy giờ là chỉ về Ai Cập, chiếm được Ê-thi-ô-bi là chiếm được Phi châu.
Nói chung, sách Ê-xơ-tê bắt đầu cho biết câu chuyện Kinh thánh nói đến sẽ diễn ra trong Đế quốc hùng mạnh, bá chủ thời bấy giờ.
Tuy nhiên, lúc đầu người ta không biết A-suê-ru là ai, về sau nhờ một Sinh viên tên Georg Friedrich Grotefend thuộc Đại học Gottingen giải thích những thủ bản được tìm thấy ở thành Ba-tư Cổ là Persepotis, thì biết đó là con trai của vua Darius, được giải ra là Khshayarsha, dịch sang Hi-văn là Xerxes, dịch từng chữ sang tiếng Hi-bá-lai là Akhashoerash, dịch ra Anh ngữ là Ahasuerus, và Việt ngữ phiêm âm là A-suê-ru.
Như vậy tên A-suê-ru là đọc âm tiếng Ba-tư. Vua nầy cai trị Đế quốc Ba-tư từ 485-465 TC.
Chính A-suê-ru nầy đã ra lịnh xây dựng chiếc cầu bắc ngang eo biển Hellespont để tiến quân đánh quân Hi Lạp. Tuy nhiên, chiếc cầu nầy đã bị sập ngay khi xây xong bởi một cơn bão. Vua A-suê-ru tức giận ra lịnh đánh xuống biển 300 roi để trừng phạt biển, rồi làm một cặp xiềng sắt ném xuống biển để xiềng biển lại tại Hellespont, sau đó chặt đầu tất cả những người xây cầu.
Ê-xơ-tê 1:3, bữa tiệc nầy là cơ hội để vua ăn mừng kế hoạch đánh quân Hi Lạp, sau bốn năm chuẩn bị, vua tổ chức Đại Tiệc khao quân trước khi lên đường tây chinh. Thời gian giữa đoạn 1 và đoạn 2 sách Ê-xơ-tê là thời gian vua A-suê-ru dẫn 5 triệu quân đi đánh quân Hi Lạp mới nổi lên ở phía Tây.
A-suê-ru đã bị quân Hi Lạp đánh bại tại Thermopylac và Salamin, phải rút về. Trận chiến nầy làm thay đổi cục diện thế giới thời đó, vì thắng được trận nầy, quân Hi Lạp trở nên hùng mạnh và lần lần tiến về phía Đông tấn công và triệt hạ Đế quốc Phe-rơ-sơ
2:16, bốn năm sau A-suê-ru lập Ê-xơ-tê lên làm Hoàng hậu. Có lẽ là để tìm sự an ủi sau khi bại trận.
Dĩ nhiên vua A-suê-ru là người Ba-tư, một người thuộc dân ngoại, nhưng Đức Chúa Trời đã dùng A-suê-ru theo ý Ngài muốn. Kinh thánh sách Châm ngôn nói rằng:“Đức Giê-hô-va đã dựng nên muôn vật để dùng cho Ngài; đến đỗi kẻ ác cũng vậy, để dành cho ngày tai họa” (Châm 16:4).
Trong quyền năng và khôn ngoan đời đời của Chúa, ngay cả kẻ ác Chúa cũng dùng. Đây là điều tiên tri Ha-ba-cúc thắc mắc với Chúa khi ông thấy quân Ba-by-lôn tràn vào xâm chiếm đất thánh, làm hại dân thánh, tàn phá thành thánh, ông nói: “Mắt của Chúa thánh sạch, chẳng nhìn xem sự dữ, nhưng sao Chúa để kẻ dữ nuốt người công bình hơn nó” (Hab. 1:13). Và Chúa đã trả lời: quân Ba-by-lôn là cái roi Chúa dùng để sửa phạt dân Chúa (Ha. 2:13-14). Nhưng trong sách Ê-xơ-tê, Chúa dùng vua A-suê-ru để cứu dân Chúa, phạt tên Tể Tướng Ha-man độc ác mưu diệt dân Chúa.
Đối với thế gian, thì vua có quyền rất cao, quyết định theo ý mình, nhưng đối với Chúa, vua chỉ là công cụ trong tay Chúa. Lời Chúa phán: “Lòng của vua ở trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy; Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn” (Châm. 21:1).
Sách Ê-xơ-tê cho thấy Đức Chúa Trờidùng vua A-suê-ru chọn Ê-xơ-tê làm Hoàng hậu mà không cần biết lý lịch của nàng, Đức Chúa Trời chuẩn bị cho kế hoạch giải cứu dân Chúa.
II/. HOÀNG HẬU Ê-XƠ-TÊ:
Phải đợi đến đoạn 2:7, người viết sách mới cho Ê-xơ-tê xuất hiện với những đặc điểm về nàng Ê-xơ-tê:
2:7, Ê-xơ-tê là một thiếu nữ mồ côi cha mẹ, được người anh cô cậu của nàng là Mạc đô-chê bảo dưỡng.Nàng có tên theo tiếng Hi-bá-lai là Ha-đa-sa, nghĩa làcây mía, ám chỉ là ngọt ngào; nàng cũng có tên theo tiếng Ba-tư là Ê-xơ-tê, nghĩa làngôi sao.Ê-xơ-tê được Kinh thánh làm chứng rằng nàng là một thiếu nữ xinh đẹp, kết hợp hai cái tên của thiếu nữ nầy chỉ ra nàng vừa đẹp chói sáng vừa dịu dàng.
2:9, đặc biệt là vừa gặp quan Chưởng quản thái giám tên Hê-gai, Ê-xơ-tê lập tức được Hê-gai vừa lòng và sẵn sàng giúp đỡ. Thông thường trong những cuộc tuyển phi thời phong kiến, các hoạn quan như Hê-gai có quyền hành rất lớn, và luôn đòi hỏi những người muốn được tuyển hay không muốn được tuyển những món quà hối lộ rất lớn. Nếu không được lo lót, các thiếu nữ được tuyển vào cung suốt đời cũng không được gặp vua. Cảm ơn Chúa, chúng ta chẳng nghe Ê-xơ-tê hối lộ, mà ngược lại nàng được quan Chưởng quản Thái giám đặc biệt chăm lo. Rõ ràng có bàn tay của Đức Chúa Trời đặt vào.
2:15, Ê-xơ-tê rất khiêm nhu, không chú trọng chưng diện bên ngoài. Và một lần nữa chúng ta nghe được một câu khen ngợi của những người chung quanh: Ê-xơ-tê được ơn trước mặt mọi người gặp nàng.
4:16, Ê-xơ-ê có một đời sống đức tin vững vàng, trong gian nguy nàng đã biết dành thì giờ kiêng ăn cầu nguyện, nàng biết kêu gọi những người thuộc Đức Chúa Trời cầu nguyện. Một lần nữa, chúng ta làm sao chối bỏ bàn tay của Đức Chúa Trời hành động, dù sách không nói đến Danh Chúa?
4:16 phần cuối câu, Ê-xơ-tê thật là một người can đảm, khi tuyên bố: Nếu tôi phải chết thì tôi chết.
7:3-4, Ê-xơ-tê là một người yêu thương dân tộc của nàng, nàng đã vì dân tộc mình mà cầu thay xin vua giải cứu dân tộc mình.
Với tất cả những đặc tánh khiêm nhu, yêu thương dân mình, các nhà giải nghĩa Kinh thánh đã đồng ý cho rằng Ê-xơ-tê là hình bóng về Chúa Jêsus Christ là Đấng cầu thay cho người tin Chúa Jêsus bên cạnh Đức Chúa Cha, như:
Rôma 8:34, “Ai sẽ lên án họ ư? Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng đã chết (Ê-xơ-tê liều chết) và cũng đã sống lại nữa, Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta”.
I Giăng 2:1b, “chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Đấng Công bình”.
III/. TỂ TƯỚNG (HAY THỦ TƯỚNG) HA-MAN:
Bắt đầu đoạn 3, xuất hiện một người khác thường, đó là HA-MAN, được gọi là:
3:10b, “kẻ cừu địch dân Giu-đa”
8:1, kẻ ức hiếp dân Giu-đa.
9:10, kẻ hãm hiếp dân Giu-đa.
9:24, kẻ hãm hiếp hết thảy dân Giu-đa.
Câu chuyện của Ha-man bắt đầu năm thứ mười hai đời vua A-suê-ru, tức là năm năm sau khi Ê-xơ-tê làm Hoàng hậu. Vấn đề nổi bật là âm mưu của Ha-man muốn tiêu diệt dân Do Thái (3:9)
Về phương diện con người, thì đây là âm mưu diệt chủng của Ha-man, như đã xảy ra thời Môi-se ở Ai Cập (Xuất 1:15, 22); như âm mưu của Adolf Hitler vào thế chiến thứ hai, với những lò thiêu sống đã giết 6 triệu người Do Thái.
Nhưng về phương diện thuộc linh, rõ ràng ma quỉ đã dùng Pha-ra-ôn của Ai Cập, dùng Ha-man đời Ê-xơ-tê, cũng như đã dùng Hê-rốt trong Ma-thi-ơ 2:16; để tìm cách phá bỏ chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại qua tuyển dân Y-sơ-ra-ên theo Chúa hứa trong sách Sáng thế ký 3:15, bằng cách tiêu diệt tuyển dân Y-sơ-ra-ên là dân tộc mà Đấng Cứu Thế sẽ đến qua họ. Đây là điều mà sách Khải huyền 12:1-4, 13-18 đã mô tả.
Có người đã tính theo số tên HAMAN theo tiếng Hi-bá-lai cộng lại là 666 như số của con thú trong Khải huyền 13:18.
Cảm ơn Chúa, 7:9-10, cuối cùng Ha-man đã bị xử tử bằng cách bị treo trên chính mộc hình mà hắn đã dựng chuẩn bị treo Mạc đô chê. Đó cũng là hình ảnh của Satan và những kẻ theo nó trong ngày phán xử cuối cùng của Chúa (Khải huyền 20:10).
IV/. MẠC-ĐÔ-CHÊ:
2:5-7 Kinh thánh giới thiệu Mạc-đô-chê:Mạc-đô-chê là người Giu-đa, thuộc chi phái Bên-gia-min.Mạc-đô-chê vốn đã bị lưu đày từ Y-sơ-ra-ên qua kinh đô Ba-by-lôn, dù hiện tại theo chiếu lịnh của Si-ru nước Phe-rơ-sơ đã hủy án lưu đày, ông ở kinh đô Su-sơ từ thời cha hoặc ông của Mạc-đô-chê bị bắt làm phu tù chung với vua Giê-cô-nia, tức là vua Giê-hô-gia-kin (Giê. 22:24-28; 24:1). Mạc-đô-chê đã đứng ra bảo dưỡng cho người em gái cô cậu của ông là Ê-xơ-tê.
3:2, câu chuyện được khởi động bằng việc Mạc-đô-chê không chịu quì lạy Ha-man, theo như lịnh của vua.Hành động không chịu quỳ lạy cúi mình trước Ha-man chứng tỏ Mạc-đô-chê biết Lời Chúa, biết Luật pháp của Chúa trong Xuất. 20:5 (xem thêm Đa-ni-ên 3:16-18).
4:13-14 là câu nói nổi tiếng của Mạc-đô-chê: “Song nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ hội hiện lúc nầy mà ngươi được vị hoàng hậu sao?”
Mạc-đô-chê biết chương trình của Đức Chúa Trời đối với đời sống mình là để phục vụ Chúa, không phải để thụ hưởng.Địa vị, chức vụ mà chúng ta hiện có được là để làm gì?Há không phải Chúa cho chúng ta có được là để góp phần vào công việc cứu đồng bào và gây dựng Hội Thánh sao?
Tôi thường nói với các con cái Chúa trong các Hội Thánh không có người chăn rằng: Đó là cơ hội Chúa cho họ được vị hoàng hậu. Nhưng phải nhớ là chỉ làm Hoàng hậu thôi, đừng leo lên làm vua.
Bốn nhân vật chính trong sách đủ để chúng ta nhận diện được một gương nào cho mình để sống theo đúng mục đích của Đức Chúa Trời dành cho mình (II Tim. 3:16-17).