Chương IV
ÐỨC TIN TIN LÀNH DU NHẬP
Công việc của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp
Từ năm 1911 – 1927
Trái với điều mọi người tin, các giáo sĩ Công Giáo Lamã không phải là những đại diện đầu tiên của Cơ-Ðốc giáo vào Việt-nam. Các giáo sĩ của Nestorien đã thăm viếng nước Việt-nam cổ trên đường sang Trung hoa, trước khi mãn thế kỷ thứ X[1] . Theo Sử Ðịa của Earisi, Loukin (Kinh thành Lou có lẽ là Hoa Lư, kinh đô nước Việt-nam vào thế kỷ thứ 10) đã được thăm bởi Nedjran trong hành trình truyền giáo sang Trung hoa năm 980[2] . Tuy nhiên không có dấu hiệu chỉ rằng những giáo sĩ Nestorien đã hoàn thành công trình đáng kể nào tại Việt-nam.
Trong đời Hoàng đế Lê Anh Tông (1557-1573), một thập tự giá rất cổ được tìm thấy trong bức tường trong quá trình vẽ lại kiểu mấy ngôi đền thờ cổ. Theo báo cáo, sự khám phá nầy đã gây một ấn tượng trên vị quân vương đến nỗi người hạ lịnh tiếp nhận các giáo sĩ Công Giáo Lamã, tạm thời bãi bỏ lệnh cấm đạo áp đặt năm 1553 bởi Lê Trang Tông vào lúc mà hầu hết các xứ Ðông Nam Á lánh mặt họ. Dầu người Công Giáo Lamã khởi sự công việc của họ tại Việt-nam vào thế kỷ thứ XVI và thành công trong việc xây dựng một giáo hội mạnh trong thế kỷ XVIII, chẳng có nhà lãnh đạo Tin Lành nào chú ý đến xứ nầy, ngay cả trong thế kỷ thứ XIX, thường được gọi là ‘thế kỷ quan trọng của các Hôi Truyền giáo Tin Lành.’
George Bois, trong sách không xuất bản của ông về các Hội Truyền giáo Tin Lành tại Ðông Dương, báo cáo rằng tùy theo những điều chung đoán của Jacques Pannier trong cuốn khảo cứu cấp tốc tại Thư viện Quốc gia ở Hà-nội, có vài giáo sĩ Tin Lành đã đến Ðông Dương vào thế kỷ thứ XVII. Một số người Tin Lành từ miền Picardic (miền Bắc Pháp) đã vào phục dịch trong Công ty Hòa Lan và Ðông Âu như những thương gia, ủy viên, chủ tàu và thủy thủ, binh sĩ và sĩ quan. Charles Martsingh, một thương gia và nhà ngoại giao của nhóm nầy đã thiết lập sự định cư đầu tiên của Công ty trong vùng châu thổ sông Hồng (Bắc kỳ). Năm 1794, J. H. Chaigeaux, một sĩ quan hải quân Tin Lành cùng với các sĩ quan và kỹ thuật gia Pháp khác, đã gia nhập các lực lượng bao vây của Gia-Long trong cuộc nội chiến khốc hại nhất tại Việt-nam, và trong 29 năm đã giúp người tái thống nhất xứ sở và củng cố triều đại nhà Nguyễn. Sau ba năm về nghỉ hạn ở Pháp, Chaigeaux trở lại Việt-nam vào năm 1821 như vị lãnh sự và đại biểu của chính phủ Pháp, nhưng nhất định phải rời khỏi xứ năm 1821, hỏng việc bởi chính sách của Minh Mạng đối với nước Pháp. Tuy nhiên, ông thành công trong việc giúp 4 giáo sĩ Công Giáo Lamã bí mật đổ bộ lên miền duyên hải Nam Việt-nam. Sau cuộc chinh phục Việt-nam bởi quân đội Pháp vào cuối thế kỷ thứ XIX, một số tuyên úy Tin Lành đã đến xứ nầy phục vụ thời gian ngắn trong các đơn vị khác nhau, đặc biệt là đạo quân lê dương ngoại bang.
Năm 1884, Hội truyền giáo Tin Lành ở các thuộc địa của Pháp gửi vị mục sư đầu tiên đến thành phố cảng Hải Phòng để tổ chức một Hội thánh cho ‘các tín hữu Tin Lành Âu châu’ cả dân chính lẫn quân nhân. Có hai Hội thánh khác đã được thiết lập sau đó ở Hà-nội và Sàigòn (1902). Dưới sự lãnh đạo đắc lực của Adolphe de Richmond, Jacques Pannier, D. de Saint André, T. Calas, C. D. Goekler… các Hội thánh nầy được hưng thịnh cho đến ngày 9.3.1945, khi đạo quân Nhật bản lật đổ chính thể chung của Ðông Dương, loại bỏ chính quyền Pháp và câu lưu tất cả những người có quốc tịch Pháp. Tuy nhiên, những thật sự trên có rất ít hoặc chẳng có ảnh hưởng gì đến lịch sử truyền giảng đức tin Tin Lành cho người Việt-nam. Dù đã ở Việt-nam lâu, Chaigeaux chẳng bao giờ được công nhận là người Tin Lành, ông chỉ phục vụ quyền lợi của Gia Long và của Pháp. Sự có mặt của những tuyên úy và mục sư dân chính trước thập niên 1920, người Việt-nam chẳng hề biết đến. Bị bắt buộc làm việc túi bụi bởi những đòi hỏi của giáo dân Âu châu, họ chẳng có thời gian đảm trách công việc truyền giáo giữa người Việt-nam. Vì thời gian phục vụ của họ tương đối ngắn, họ không thể học thấu đáo tiếng Việt cũng chẳng thể giao thiệp cách có ý nghĩa với người dân bản xứ. Ngay cả người Việt-nam nói tiếng Pháp cũng không được thu hút vào trong nhà thờ họ, có lẽ chỉ có một trường hợp ngoại lệ. George Bois chỉ ghi nhận có một người trở lại đạo trước năm 1911, ấy là Trung sĩ Dương, nhưng không nói rõ ông Dương đã nghe Tin Lành ở Việt-nam hay ở Pháp. Cũng rất thích thú mà ghi nhận rằng một số báo định kỳ đặc biệt “Ðức tin và Ðời sống” (do Hội thánh Tin Lành tại Pháp xuất bản tháng 11.1906) mô tả những nhu cầu của Ðông Dương, một tiếng gọi hùng biện được gửi đến các tín hữu Tin Lành Pháp vì các dân tộc Ðông Dương. Mục sư Adolphe de Richmond, tác giả của bài báo hiện hộ cho ba nguyên tắc truyền giáo, một vài điều có vẻ mới lạ trong thời kỳ đó vì dân tộc (Việt-nam) nầy đã được ‘văn minh hóa trong vòng 15 thế kỷ’ rất cần người có văn hóa cao để gánh vác công cuộc truyền giáo, họ phải cẩn thận lựa chọn địa điểm truyền giáo để tránh tranh chấp với công trình của Công Giáo Lamã, họ phải giữ mình đừng biến những người đến hỏi đạo ‘thành người Tin Lành’ nhưng thà hơn là gắng sức ‘biến cải tâm hồn họ’ chớ đừng thay đổi ‘nhãn hiệu tôn giáo’ của họ’. Dầu tín hữu Pháp chậm đáp ứng với lời kêu gọi nầy và không đóng góp tích cực vào cố gắng truyền giáo tại Việt-nam cho đến thời kỳ sau có hai tổ chức từ Anh quốc và Mỹ quốc chuẩn bị vào trong công trường truyền giáo nầy (mà chưa ai đặt chân đến) “Thánh Thơ Công Hội’ (Anh quốc và Hải ngoại) và Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp.
THÁNH THƠ CÔNG HỘI: Sau một cố gắng không thành để khởi sự công việc phiên dịch tại Sàigòn, Thánh Thơ Công Hội gửi ông Bonnet đến Ðà-nẵng (Tourane) năm 1902. Ông nầy mua một miếng đất của ông Nguyễn văn Phúc, tọa lạc ở giữa nhà ga xe lửa trung tâm thành phố và kho đạn[3] . Một trung tâm nhỏ được thiết lập và từ đó Bonnet phải có ít nhất ba nhân viên bán sách dạo (An, Lộ, và Yên) đi bán và phân phát Tân Ước và các phần sách Tin Lành bằng Hán văn trong tỉnh Quảng nam, nhưng không có kết quả tức khắc và cũng không có công tác thường xuyên được tán trợ trước năm 1911. Tuy nhiên Thánh Thơ Công Hội nầy đã siêng năng theo đuổi mục tiêu và vào giữa thập niên 1920, đã trở thành đại lý lớn nhất ở Việt-nam để truyền bá sứ điệp Cơ-Ðốc càng nhiều bằng những trang sách in.
HỘI TRUYỀN GIÁO PHƯỚC ÂM LIÊN HIỆP: Ấy là một mục sư và lãnh tụ truyền giáo Gia-nã-đại đã gây niềm hứng khởi cho các tín hữu sống ở Bắc Mỹ, phát động một chương trình có hệ thống để đem sứ điệp Tin Lành đến Việt-nam. Trên cơ sở thường xuyên. Hội Ðoàn được thiết lập năm 1889 và Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp đã sai các giáo sĩ đầu tiên đến trong các xứ năm 1911.
NGƯỜI SÁNG LẬP: Albert B. Simpson, người sáng lập Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp, sanh ngày 15 tháng 12 năm 1843 tại Bayvier, đảo Prince Edward, Gia-nã-đại[4] . Năm 21 tuổi, A.B. Simpson tốt nghiệp trường Ðại học Knox ở Toronto, trở nên mục sư của Hội Trưởng Lão Knox tại Hamilton, Ontario[5] . Mục sư trẻ tuổi nầy chẳng bao lâu đạt tới sự siêu quần vì tài hùng biện và lòng sốt sắng truyền giáo, đến nỗi năm 1873, ông đảm nhiệm Hội nghị Hội Trưởng Lão miền Bắc tại Louisville, Kentucky. Thất bại trong cố gắng hàn gắn sự rạn nứt giữa các phe cánh của các giáo phái lớn trong thành phố, Simpson phát động công tác truyền giảng để tới quần chúng ở ngoài cộng đồng giáo hội có tổ chức. Chính tại Louisville, Kentucky mà ông có ý định đi qua Trung hoa giảng Tin Lành, nhưng phải bỏ dự án đó vì vợ ông không chịu cộng tác. Ðáp lại lời mời của Hội Trưởng Lão ở phố 13 thành phố Nữu Ước, Simpson khởi sự năm 1879 một chức vụ hiến cho ông dịp tiện duy nhất chẳng những chỉ tới đến ‘quần chúng chưa nhập giáo hội’ tại khu vực lớn nhất của Bắc Mỹ, nhưng cũng khởi sự từ điểm trung tâm chiến lược nầy, một chương trình truyền giáo đã phóng ông lên địa vị chỉ huy một trong những phong trào truyền giáo quan trọng nhất của Bắc Mỹ vào thế kỷ 20. Ông khởi sự với sự xuất bản “Tin Lành trong mọi xứ”, tập san định kỳ có tranh ảnh đầu tiên của công việc truyền giáo tại Bắc Mỹ. Nhưng khải tượng truyền giáo và những cố gắng giảng Tin Lành của vị mục sư trẻ nầy ở giữa quần chúng chẳng bao lâu thấy lạc điệu với các truyền thống của ‘một qui ước giáo khu đối với người Cơ-Ðốc đáng kính’. Sau hai năm tại Nữu Ước, Simpson đệ đơn xin từ chức và yêu cầu Hội thánh cùng Ban Trưởng Lão tại Nữu Ước cho ông được nghỉ việc để giảng Tin Lành cho quần chúng.
SỰ TỔ CHỨC: Simpson quyết định phát khởi tổ chức riêng. Tuy nhiên, ông không có ý khởi sự một giáo phái mới, một điểm ông kiên quyết nhấn mạnh cho đến mãn đời ông. Ông chỉ tổ chức một đoàn thể, ‘một hội xã’ như về sau được biết, liên kết chặt chẽ các mục sư và Cơ-Ðốc nhân từ các giáo phái khác nhau, giống như ông, và đặc biệt hoạt động trong việc giảng Tin Lành cho những ‘đám quần chúng bị lãng quên’ và những người ở khắp thế gian xa xôi, chưa ai tới thăm. Ông được một nhóm người Cơ-Ðốc hăng hái ủng hộ, ở tại Old Orchard Beach tại Maine tiếp tay với ông để thành lập năm 1887, Hội Liên Hiệp Truyền giáo Tin Lành. Hội Truyền giáo mới được qui nhập tại Nữu Ước ngày 2.11.1889 dưới danh hiệu là “Liên Hiệp Giáo Sĩ Quốc Tế”. Ðược tổ chức có phương pháp theo 4 nguyên lý căn bản hồi tưởng lại các giáo lý của Hudson Taylor khi ông thành lập Hội Truyền giáo Nội Ðịa tại Trung hoa năm 1865, hiến chương của Hội ước định các điều kiện như sau:
- Hội nhắm trước tiên đến các công trường truyền giáo bị lãng quên khắp thế gian.
- Cả tín đồ thế tục và hàng giáo phẩm của các giáo phái Tin Lành đều sẽ được phái đi miễn là họ hội đủ vài tiêu chuẩn.
- Các giáo sĩ phải ‘tin cậy Ðức Chúa Trời chu cấp mọi nhu cần qua những số tiền lạc hiến của giáo dân Cơ-Ðốc’ và phải sống cách tiết kiệm tại các công trường truyền giáo mà không được bảo đảm một số lương nhất định.
- Mục đích của Hội Truyền giáo là nuôi dưỡng một ‘Hội thánh bản xứ’ trong mỗi công trường truyền giáo và cho họ có tự do ‘tổ chức và quản trị công việc tùy theo sự lựa chọn miễn là phương pháp ấy phù hợp với Kinh Thánh trong các đặc thù cốt yếu.
Một nguyên lý khác về sau được thêm vào nhấn mạnh phạm vi quốc tế của tổ chức. Nguyên lý ấy chẳng những thâu nhận nhân viên từ các xứ ngoài Gia-nã-đại và Mỹ quốc, nhưng cũng khuyến khích các giáo dân Tin Lành ở trong các xứ nầy tổ chức ‘liên minh truyền giáo’ riêng để sai phái các giáo sĩ, và đồng công cộng tác với các nhóm liên hiệp quốc tế khác như một đoàn thể.
Năm 1880, một tổ chức anh em đã được qui nhập tại Nữu Ước dưới danh hiệu Hội Liên Hiệp Cơ-Ðốc bởi cũng những người sáng lập Hội Liên Hiệp Truyền giáo quốc tế để ủng hộ hội nầy trong công trình truyền giảng toàn cầu, và cũng để khuyến giục một đời sống Cơ-Ðốc sâu nhiệm, cao hơn, cùng cộng tác để giảng Tin Lành đặc biệt là ở những giai cấp bị bỏ quên bởi các hội truyền giáo trên đường công cộng và các phương pháp thực tiễn khác. Hai tổ chức anh em hợp nhau làm một ngày 2.4.1897 để thành lập Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp.
Cộng thêm với A. B. Simpson, ban dẫn đạo đầu tiên của Hiệp Hội gồm những người thuộc giáo phái Thánh Công Hội (Episcopal), Trưởng lão, Giám lý, Báp-tít, Menonite, cộng tác mật thiết với Simpson mà không từ bỏ giáo phái riêng của họ.
CHÍNH SÁCH TRUYỀN GIÁO: Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp từ ngày khởi sự nhấn mạnh sự quan trọng của chính sách ‘Hội thánh bản xứ’. Người ta có thể lưu ý Hội thánh bản xứ trước hết được dẫn nhập vào thế giới truyền giáo Tin Lành bởi một giáo sĩ Hội Anh quốc giáo và một lãnh tụ tôn giáo Mỹ. Henry Venn, thuộc Hội Truyền giáo (Anh quốc giáo) năm 1851 đã viết về mục đích tối hậu của Hội Truyền giáo Cơ-Ðốc là ‘thiết lập một Hội thánh bản xứ … trên một hệ thống tự dưỡng.’ Rufus Anderson, Bí thư của Ủy ban Các Ủy viên Mỹ cho các Hội Truyền giáo Hải ngoại từ năm 1832-1866 đã bài xích tập tục cho các giáo sĩ định cư vĩnh viễn ở một nơi để trở nên các mục sư và quản trị Hội thánh. Ông khuyến giục rằng vừa khi nhóm tín hữu Cơ-Ðốc bản xứ được tổ chức thì nên thiết lập Hội thánh tự trị tự lập và tự truyền bá Tin Lành. John L. Nevius, một giáo sĩ Hội Trưởng Lão khởi sự công việc ở Trung hoa (Hoa Trung) năm 1855 và cuối cùng đã đi Triều Tiên, đã thành công trong một loạt thí nghiệm các công trường truyền giáo và soạn thảo ra phương pháp Nevius và chính sách ‘ Hội thánh bản xứ’ nổi tiếng như sau:
- Hãy để mọi người cứ ở yên trong vị trí khi người tin Chúa, mỗi người sẽ là một cá nhân hoạt động cho Ðấng Christ, và để Ðấng Christ sống trong vòng phụ cận người, tự nuôi mình bằng nghề nghiệp riêng.
- Phát triển cả phương pháp và guồng máy Hội thánh, chỉ đến mức độ mà Hội thánh bản xứ có thể chăm sóc và quản trị.
- Chừng nào Hội thánh có thể tự cung cấp người và phương tiện, thì để riêng những người dường như có khả năng hơn để làm công việc truyền giảng giữa những người lân cận của họ.
- Ðể những người bản xứ xây cất những nhà thờ riêng của họ. Nhà thờ phải có kiến trúc địa phương, và tùy theo kiểu mẫu họ có thể xây dựng.
Dầu Nevius được hoan hô nhiệt liệt trong các đoàn thể giáo sĩ vì những phương pháp của người thành công tại Cao-ly, mà chính Allen, một giáo sĩ Anh quốc giáo tại Trung hoa từ năm 1895-1903 trở nên lý thuyết gia rành mạch nhất về chính sách Hội thánh địa phương trong thế giới Cơ-Ðốc. Trong ba cuốn sách của ông: Những Nguyên Lý Truyền giáo, Những Phương Pháp Truyền giáo của thánh Phaolô hay của chúng ta, và Sự Bành trướng Tự Nhiên của Giáo hội, Allen biện luận rằng các giáo sĩ Cơ-Ðốc phải căn cứ công tác và sự dạy dỗ của mình trên Tân Ước, bắt chước chiến lược truyền giảng theo những nguyên lý của Phaolô, chuẩn bị phương pháp truyền giảng xứ họ đang công tác bằng các hoạt động hồn nhiên và tự do của tín đồ, chủ trương rằng ‘sự thắng lợi được đó không nhiều lắm bởi số các giáo sĩ ngoại quốc được sử dụng, hoặc bởi sự tăng trưởng của Hội thánh bản xứ trong quyền lực để bành trướng[6] .
Không giống nhiều giáo sĩ thường áp dụng chính sách Hội thánh địa phương sau một giai đoạn kiểm soát và huấn luyện Hội thánh bản xứ cho đến chừng đã trưởng thành, Allen tin rằng ‘sự tự khuếch trương tự lập và tự trị phải đi song song với nhau, tất cả đều là quyền lợi của tín đồ ngay từ thuở ban đầu. Thật không lạ mà thấy A. B. Simpson, người đồng thời với Allen, đã soạn thảo hiến chương Hội Truyền giáo mới được thành lập của ông theo các đường hướng nầy, và ngay từ buổi đầu đã chấp nhận theo phương pháp ‘tự lập, tự trị và tự khuếch trương.’
Hiến chương của Hội năm 1889 qui định đặc biệt rằng: Hội Liên Hiệp sẽ khuyến khích và tán trợ nguyên lý tự lập, toàn bộ hay một phần, nơi nào có thể thực hành trong công trường truyền giáo hải ngoại[7] . Trong các năm đầu của Hội Ðoàn, các giáo sĩ phải hành nghề để tự cung cấp những nhu cầu và như thế nêu một gương cho các mục sư bản xứ noi theo. Cho đến năm 1891, các giáo sĩ liên hiệp tại Ấn độ, Congo, và Phi-luật-tân thử tự lập bằng nông nghiệp, dự án kỹ nghệ và các công việc thương mại. Nhưng công cuộc làm ăn như thế chứng tỏ sự thất bại hoàn toàn. Ðến cuối thế kỷ, Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp đã hủy bỏ nguyên tắc ‘các giáo sĩ tự dưỡng’[8] , và từ đó trở đi, các giáo sĩ nhận, không phải là lương cố định, nhưng là ‘một phụ cấp sinh hoạt’ bao hàm nhà ở, lương thực, quần áo, chuyên chở và sự giáo dục các trẻ em cho đến năm chúng lên 18 tuổi. Tuy nhiên, sự trợ cấp nầy đôi khi phải cắt giảm tới 50% hồi kinh tế khủng hoảng hoặc hồi ngân quỹ thiếu hụt.
Tuy nhiên, Hội Liên Hiệp chủ trương nguyên lý ‘tự lập’ áp dụng cho Hội thánh quốc gia. Thể theo chính sách nầy, những cô nhi viện, chẩn y viện, nhà thương, nhà trường cho giáo dục thế tục phải giữ trong mức độ tối thiểu, vì những cơ quan nầy – trừ phi Hội thánh bản xứ hoặc chính phủ địa phương có thể chu cấp đầy đủ – thì sẽ nuốt chửng nhiều nguồn cung ứng bấp bênh của Hội Truyền Giáo và ngăn trở mục đích chính là thiết lập Hội thánh bản xứ mạnh mẽ. John F. Taylor, trong luận án về: ”Hội thánh bản xứ của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp” đã ghi nhận rằng nguyên lý tự dưỡng ‘ít được các giáo sĩ thực thi dầu họ được nhắc nhở trong hiến chương mà họ đang hoạt động và lấy đó làm chính sách của Hội Truyền giáo’, và nhận thấy rằng năm 1908 ngân quỹ truyền giáo được đem sử dụng để xây cất nhà thờ và cấp dưỡng cho các truyền đạo bản xứ. Tự trị cho Hội thánh quốc gia cũng được định nghĩa rõ trong hiến chương Hội Liên Hiệp năm 1889: “Các Hội thánh bản xứ được tự do thành lập chính thể riêng theo Tân Ước” và các phụ tá bản xứ phải được tán trợ và khuyến khích, khi họ đủ khả năng thì phải được cho phép gánh trách nhiệm, và yếu tố sự dạy dỗ, sự chăm sóc bầy chiên, sự giám thị ngoại bang phải lần lần rút lại[9] . Tuy nhiên, hiến chương còn chưa xác định hẳn chính sách tự khuếch trương, dường như có ý để Hội thánh địa phương soạn thảo một công thức cho chính họ. Hiến chương chỉ bày tỏ ‘mục tiêu của Hội Truyền giáo là thiết lập Hội thánh tự lập và tự khuếch trương.’
CÔNG TÁC HỘI TRUYỀN GIÁO PHƯỚC ÂM LIÊN HIỆP NĂM 1911: Cuối năm 1911, công trình Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp ở Hải ngoại bao hàm trong phạm vi của Hội là 17 công trường truyền giáo: 8 ở Á châu, 7 ở Mỹ châu Latinh, 2 ở Phi châu. Ấn độ là một xứ quan hệ nhất trong công trình của Hội Liên Hiệp với một Bộ Tham mưu là 03 giáo sĩ đang ở hiện trường và 16 người về nghỉ hạn. Với ba phái đoàn ở miền Tây, Trung và Hoa Nam tương đối có 13, 42, và 33 giáo sĩ, Hội Liên Hiệp bành trướng công tác dọc biên giới Tây Tạng về hướng tây Bắc và bán đảo Ðông Dương ở phía Nam. Trong khi công tác ở trong xứ Phi-luật-tân còn ở trong giai đoạn mở đường với 4 giáo sĩ trên các đảo, công trình ở Nhật bản thì đang tiến hành, đặc biệt là trong khu vực Hiroshima và Nageya. Một bộ tham mưu gồm 13 người được cắt cử sang xứ Sudan thuộc Pháp và Sierra Leone với một lực lượng gồm 21 người đang gắng công ở Congo thuộc Bỉ, trở thành công trường truyền giáo rộng nhất và lớn nhất của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp về số tín hữu. Tại Châu Mỹ Latinh, ngoài Chi-lê là công trường quan trọng nhất của bán cầu nầy, Ecuador, Venezuela, Argentina, Santo Domingo, Jamaica, Puerto Rico, mỗi xứ đều nhận một hoặc hai cặp giáo sĩ dấn thân vào công tác truyền giảng Tin Lành. Tấn sĩ R. Glover, Bí thư phụ tá của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp báo cáo trong năm 1912, tổng số lực lượng là 25 giáo sĩ hoạt động tại 89 giáo sở cùng với 375 truyền đạo địa phương để chăn dắt 4.500 giáo hữu, điều khiển 130 trường tiểu học, 19 trường trung học và trường Kinh Thánh (Thần Học Viện).
HỘI TRUYỀN GIÁO PHƯỚC ÂM LIÊN HIỆP TẠI VIỆT-NAM TỪ NĂM 1911-1927:
Việt-nam là một trong những mục tiêu đầu tiên của phong trào truyền giáo do Tấn sĩ A. B. Simpson lãnh đạo. Trong tờ Nguyệt san “Lời, Công tác và Thế giới’ (tháng 2. 1887), Simpson đã lưu ý những người theo mình về thật sự rằng ‘bán đảo Nam Á đã bị lãng quên nhiều’ và ‘vương quốc Anam rộng lớn cùng với Tây Tạng phải được coi là công trường truyền giáo tương lai của Hội’.
MỞ ÐƯỜNG: Simpson thăm viếng Ðông Á trong một vòng du lịch quanh thế giới năm 1892 và 1893. Có lẽ theo lời yêu cầu của ông, David Lelacheur, chủ nhiệm của Ðoàn Truyền giáo Liên Hiệp tại Á châu đã đến Sàigòn để nghiên cứu ngắn hạn về xứ trong năm 1893[10] . Ông lại trở qua gặp Tấn sĩ Simpson ở Singapore và trần thuật cho người về điều ông gọi là ‘các cửa mở tại Anam’. Báo cáo nầy đã ấn tượng sâu sắc trên Simpson, người về sau cứ nhắc đến xứ nầy mải trong các bài báo ông viết. Tuy nhiên, Việt-nam vẫn còn ở dưới sự bảo trợ của người Pháp, họ chẳng có lý nào hoan nghênh giáo sĩ ngoài những người Công Giáo Lamã. Theo các Hòa ước Giáp Tuất (1874), khoản 9 và Hòa ước Giáp Thân (1884) khoản 14, chỉ những giáo sĩ Pháp và Tây Ban Nha mới có phép hoạt động trong xứ. Simpson quyết định thiết lập ngay một Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp ở tỉnh Quảng Tây, Nam Trung hoa, mà ông dường như tin rằng nơi đó sau cùng có thể làm bàn đạp cho Hội tràn vào Việt-nam. Giáo sĩ và bà C. H. Reeves đổ bộ tại Macao năm 1893, kế tiếp có 5 thanh niên theo sau gồm một cặp và 3 phụ nữ. Những người nầy cùng đi với Tấn sĩ và bà R.H. Glover. Năm 1897, ban truyền giáo nầy được thiết lập xong, Reeves vượt qua biên giới và thực hiện cuộc thăm viếng ở Bắc Bộ Việt-nam. Theo báo cáo, ông được tiếp đãi cách rất lịch thiệp bởi sĩ quan và binh lính Pháp.
R. A. Jaffray, một giáo sĩ mới của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp ở Hoa Nam, đi dọc theo sông Hồng tới Hà-nội năm 1889, nhưng không chiếm được một chỗ cho công việc truyền giảng Tin Lành. Suy nghĩ rằng một người Pháp Gia-nã-đại có lẽ sẽ giao thiệp tốt hơn với nhà nước Pháp, Jaffray thuyết phục Sylvian Dayan, và vợ ông tới Việt-nam năm 1902, họ được phép đổ bộ lên Hải Phòng, nhưng sau một năm lưu lại tại đó, nhận thấy không có chỗ nứt rạn trên bức tường chống đối kịch liệt, họ sang Trung quốc, đành chịu hỏng việc. Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp tại Hoa Nam lại thử một cách khác mà các đoàn thể truyền giáo thường dùng để tiến tới một công trường truyền giáo bị đóng cửa, thiết lập một giáo sở trạm gần biên giới nhất trên một xứ bạn, rồi từ đó các sách Tin Lành có thể được mang qua biên giới và sứ điệp Tin Lành có thể được giới thiệu với khách từ xứ bị cấm viếng thăm. Kết quả là năm 1905, một giáo sở trạm được mở ở Lung Chow, một thị trấn Trung hoa gần tỉnh Lạng Sơn, từ đó hi vọng Tin Lành có thể được đưa qua biên giới mà vào Bắc kỳ và Trung kỳ. Tuy nhiên, các giáo sĩ không cứu xét đến một nhân tố lớn – tức là sự kiểm soát biên giới gắt gao áp đặt bởi các nhà chức trách Pháp – đường thâm nhập mới nầy chẳng dẫn họ đến mục tiêu ấy là quần chúng Việt-nam.
CHIẾM ÐÓNG: Không nao núng bởi những thất bại đầu tiên nầy, R.A. Jaffray cứ thử mải cho đến chừng được một chỗ đứng vững tại miền duyên hải Việt-nam. Mùa Xuân 1911, ông dẫn hai giáo sĩ mới, Paul M. Hosler và G. Lloyd Hughes tới Ðà-nẵng (Tourane, thành phố cảng lớn nhất ở Trung bộ Việt-nam). Họ được hoan nghênh bởi ông Bonnet, đại diện Thánh Thơ Công Hội ở ngay tại Trung kỳ, Về phần ông Bonnet rất thành công trong công tác của ông. Theo lời yêu cầu của Tấn sĩ Jaffray, ông nhã nhặn bán tài sản của Thánh Thơ Công Hội cho Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp và các cộng sự trẻ tuổi của ông lập tức trở về Hongkong để chuẩn bị cho một chức vụ thường xuyên tại Việt-nam. Ông Jaffray chẳng bao giờ trở nên giáo sĩ cho người Việt-nam, nhưng chẳng bao lâu ông đã tiến lên địa vị quan trọng trong các công trường truyền giáo của Hội Liên Hiệp tại Á châu. Ông chẳng những hướng dẫn Hội Truyền giáo Hoa Nam mà cũng đảm trách sự chỉ đạo tại Ðông Dương cho đến năm 1927, và cứ tiếp tục mở công trường truyền giáo tại Indonesia cho các giáo sĩ của Hội Liên Hiệp. Hosler trở qua Ðà-nẵng cùng năm đó để công tác một mình và người bạn đồng công tên Hughes qua đời tại Hoa Nam. Các nhà chức trách Pháp hồi nầy đã thay đổi thái độ và đối xử với người rất tử tế, ông hơi lạc quan về tình huống mới, báo cáo rằng ‘cho đến nay sự tự do rộng rãi nhất đã được ban cho’, nhưng cũng bày tỏ mới quan tâm về thái độ của mấy linh mục.
Tấn sĩ Simpson lập tức kêu gọi sự tăng cường từ giáo dân Bắc Mỹ, giữa vòng những người hưởng ứng đầu tiên có một người Anh, hai người Na-uy, bốn người Gia-nã-đại và hai người Mỹ. Hai người trong vòng họ đến cộng tác với Hosler năm 1912, còn các người khác đến vào năm 1913 và 1914, một giáo sở mới được mở ở Hội An.
Trận Ðệ Nhất Thế Chiến bùng nổ, ngoài những hậu quả tai hại trên đời sống kinh tế, chính trị của Việt-nam, đã tống một đấm khiến lực lượng nhỏ của các giáo sĩ tại Việt-nam phải loạng choạng. Ðầu năm 1915, chín vị giáo sĩ nhất định mở hai giáo sở mới ở Hải Phòng và Hà-nội (Bắc việt), nhưng những sự nghi kỵ bắt đầu giáng trên các giáo sĩ, vài người gốc dân Ðức. Hầu hết các giáo sĩ lúc nầy có thể nói tiếng Việt và đàm thoại thông thạo với người bản xứ. Tin đồn về Cách Mạng và cuộc tấn công các nhà chức trách Pháp đã khiến Sở Mật Thám đặt các giáo sĩ dưới sự quản thúc chặt chẽ. Tin đồn lan rộng rằng các giáo sĩ nầy là gián điệp Ðức, người Pháp dường như nghi ngại rằng họ có thể khai thác sự bất ổn trong xứ nếu không muốn nói họ thật sự xúi giục điều đó. Tháng 12.1915, mặc dầu có sự can thiệp của Tòa Lãnh sự Mỹ, chính phủ Pháp ra một Nghị định ‘cấm mở thêm công cuộc truyền giảng giữa vòng người bản xứ’, đóng cửa các nhà thờ và các giáo sở truyền giáo chỉ trừ Ðà-nẵng và truyền các giáo sĩ mà tên có thể truy đến nguồn gốc Ðức phải rời khỏi xứ. Biện pháp nầy giảm lực lượng giáo sĩ xuống còn 5 người, kể cả 3 phụ nữ, đứng đầu là một người Gia-nã-đại, Giáo sĩ E. F. Irwin. Ông và bà Hosler và một cộng sự thanh niên tên A. H. Birkel bắt buộc phải rời khỏi xứ, từ chức khỏi Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp khi về tới Mỹ, có lẽ vì sự tỉnh ngộ như là kết quả của sự chống đối đã gặp phải. Một cuộc thăm quan toàn quyền ở Hà-nội năm 1916, do giáo sĩ chính khách R. A. Jaffray ở trụ sở truyền giáo Hoa Nam đã dẹp tan mối lo sợ của chính phủ Pháp trước thế công của người Ðức, nhất là Pháp mới thắng trận Versuri, Jaffray may mắn kết thân với vị đứng đầu ngành hành pháp của chính phủ Ðông Dương. Ông tiếp tục giải thích cách thành thật và đầy đủ những mục tiêu thuần túy tôn giáo của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp trong mỗi công việc truyền giảng, chẳng những ở Ðà-nẵng, Hà-nội, Hải Phòng, nhưng còn được phép khởi công tại Nam kỳ nữa. Ngày đình chiến năm 1918, những người mới tuyển đã nâng con số giáo sĩ trở lại 9 người, kể cả người Gia-nã-đại, D. I. Jeffrey và người Na-uy, J. D. Olsen, người cùng với E. F. Irwin, người Gia-nã-đại khác đã ở lại trong xứ suốt trận thế chiến, là những người giữ vai trò quyết định trong sự mở mang công trình Hội Liên Hiệp tại Ðông Dương. Lực lượng giáo sĩ nầy tăng gấp đôi vào cuối năm 1921, và gấp ba năm 1927.
Tất cả đều đã học dưới chân Tấn sĩ A. B. Simpson tại trường huấn luyện giáo sĩ ở Nyack và tốt nghiệp sau ba năm. Vài người đã tốt nghiệp đại học, kể cả cô Grace Hazenberg (về sau là bà Cadman) đậu bằng Cao học với sự nghiên cứu rộng rãi về tiếng Hi-lạp và tiếng Hi-bá-lai, mở đường cho bà dấn thân vào việc phiên dịch Kinh Thánh. Chồng bà, W. C. Cadman, nguyên là chủ nhà in chuyên nghiệp mà cũng là nhà doanh nghiệp được định cho làm chủ nhà xuất bản của Hội Truyền giáo. Tuy nhiên, tất cả các giáo sĩ đều được lợi nhờ tài lãnh đạo sáng suốt của Tấn sĩ Jaffray và đồng thời là văn sĩ, giáo sư, chức viên hành chánh và người canh tân. Thế nhưng lực lượng hữu hiệu của Hội Truyền giáo dường chẳng đủ thiếu gì trong gắng công truyền bá Tin Lành trong một khu vực rộng hơn nước Pháp, với 20 triệu dân cư. Tuy nhiên, vào cuối năm 1927, họ đã lập được những cơ sở tại Hà-nội, Hải phòng, Thanh Hóa, Ðà-nẵng, Nha-trang, Sàigòn, Biên-hòa, Mỹ tho, Vĩnh long, Sa đéc, Cần thơ, Rạch giá, Nam Vang và Battambang tại vương quốc Kampuchia, giáo sở sau hết được mở năm 1923.
NHỮNG MỤC TIÊU: Các giáo sĩ Hội Liên Hiệp vào xứ nhằm thời kỳ đánh dấu bởi cuộc cách mạng Trung quốc năm 1911, trận Ðệ Nhất Thế Chiến và sự bất ổn do phong trào cách mạng Việt-nam gây nên, và sự đảo chánh bất thành của Hoàng đế Duy Tân chống chế độ thực dân Pháp, thường khêu gợi sự hiểu lầm và nỗi hoài nghi về những mục tiêu thật tại Việt-nam. Chẳng những nhà chức trách Pháp nhìn họ như những mật thám Ðức và Mỹ giả dạng nhưng cả một số người Việt-nam tin rằng cuối cùng họ có thể bỏ cái ách của người Pháp đặt trên cổ họ. Tin đồn truyền đi mau lẹ giữa quần chúng rằng các giáo sĩ đang thử thiết lập ‘Ðạo Hoa Kỳ’ và tuyển mộ những thanh niên trở lại đạo để huấn luyện tại Mỹ và ngay trong ngôn ngữ tôn giáo cũng có tấm màn mỏng phủ che mục đích chính trị. Người ta thường dẫn chứng hồi bấy giờ khi giáo sĩ nói về ‘sự tái lâm của Chúa Jêsus Christ’ tức là thật muốn nói về người Mỹ đến và đoạt chính quyền. Về phần các giáo sĩ họ cũng đã làm hết sức mình để làm tiêu tan mối nghi kỵ. Họ chịu khó cắt nghĩa về các cớ tích thật cho nhà chức trách Pháp và người bản xứ hỏi đạo. Họ xuất bản sách nhỏ bằng tiếng Pháp, nhan đề ‘Hội Truyền giáo Tin Lành: Lý do tồn tại’ để xác minh những mục tiêu tôn giáo tại Việt-nam. Thậm chí họ soạn thảo hiến chương của Hội để bày tỏ mục tiêu duy nhất của họ tại Ðông Dương, thật là ‘giảng Tin Lành’. Thật thế, hiến chương của Hội xác định mục tiêu như sau:
- Làm chứng về những chân lý Cơ-Ðốc, nhất là những lẽ thật về đời sống Cơ-Ðốc sâu nhiệm hơn.
- Theo đuổi sự thống nhất đức tin trong Chúa Jêsus Christ.
- Giảng Tin Lành của Nước Trời khắp thế gian để làm chứng cho các dân tộc, đặc biệt ở nơi nào Ðấng Christ không được nghe danh, như thế khiến sự tái lâm của Chúa được mau chóng.
- Giảng Tin Lành cho các khu vực bị lãng quên ở quốc nội cũng như quốc ngoại.
- Thiết lập và duy trì Hội thánh và Hội thánh ở quốc nội.
- Thiết lập và duy trì công tác truyền giáo ở công trường hải ngoại.
- Theo đuổi công tác truyền giáo ở quốc nội.
- Xây dựng và duy trì những tòa nhà cần thiết cho các mục đích trên.
- Chuẩn bị cho cá nhân tín đồ tinh thần cảm thông thân thích với nhau và không đá động đến những quan hệ giáo phái.
- Khuyến khích sự cộng tác của các nhóm giáo sở và Cơ-Ðốc nhân sẵn sàng sai phái các giáo sĩ đặt dưới quyền Ban Giám Ðốc và đóng góp tài chính vào công cuộc truyền giáo thông qua vị thủ quỹ[11] .
Lẽ cố nhiên không ai trông đợi những người dân ý thức chính trị tại Việt-nam thời kỳ nầy cả người Pháp lẫn Việt-nam, tiếp nhận lời phát biểu chính thức của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp với giá trị pháp định. Sau khi điều tra cặn kẽ những sự dạy dỗ và thực hành của các giáo sĩ trải qua nhiều năm, một nhà quan sát tinh tường đã kết luận rằng mục tiêu chính của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp gồm 4 điểm sau đây:
(a) Giới thiệu Tin Lành do sự thông hiểu và khả năng tốt nhất của họ cho càng nhiều bộ lạc và người riêng càng tốt ở tại Việt-nam, Lào, Kampuchia.
(b) Cung cấp Kinh Thánh và văn chương Cơ-Ðốc khác bằng tiếng bản xứ, tạo căn bản cho sự truyền thông sứ điệp Tin Lành cho người hỏi Ðạo và gây dựng đức tin giáo hữu.
(c) Huấn luyện người địa phương, cả hàng giáo phẩm, lẫn tín đồ thế tục, để sống theo đức tin và truyền bá niềm tin cách cá nhân.
(d) Thiết lập một Hội thánh quốc gia theo kiểu mẫu nhiều hay ít của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp mà họ tin là có tổ chức theo những nguyên tắc Tân Ước.
(e) Hội Liên Hiệp không nhắm mục đích cải cách xã hội như W. Carey đã làm tại Ấn độ. Hội không dự liệu công tác an sinh xã hội như đã làm tại Ấn độ, là công trường truyền giáo lâu nhất tại đó có những cơn đói kém hoặc thiên tai, tình trạng người cùng đinh càng đáng kinh khiếp hơn và tuyệt vọng hơn người đối cấp ở Việt-nam, ít nhất cũng trong thời kỳ nầy. Hội cũng không dấn thân vào chương trình giáo dục trong xứ như các Hội Truyền giáo Tin Lành khác đã gắng làm tại Trung hoa. Tất cả sự truyền bá, dạy dỗ, huấn luyện, kể cả ở Mỹ lẫn Việt-nam, đều nhắm mục đích độc đáo là xây dựng Hội thánh trên các nguyên tắc Tân Ước mà chẳng chóng thì chày sẽ tự mô phỏng đúng.
CHÍNH SÁCH: Mặc dầu chính sách minh bạch của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp bày tỏ trong Hiến chương và sách khái luận, Taylor ghi nhận trong luận án rằng ‘điều ấy không có nghĩa là Hội Liên Hiệp lúc nào cũng theo đúng những nguyên lý Hội thánh bản xứ’, nhất là tại Á châu năm 1917. Rất lý thú mà nhận xét rằng chính sách nầy đã trở thành mối tranh tụng hăng hái trong các đoàn thể Hội Liên Hiệp năm 1926 và chính R. A. Jaffray, vị lãnh đạo Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp tại Ðông Dương và Hoa Nam thật đã đặt nó trên căn bản ổn định hơn và phản ứng lại trong nhiều công trường truyền giáo Hội Liên Hiệp. Chính sách Hội thánh bản xứ có thể tóm tắt như sau: Một Hội thánh quốc gia phải tự lập, tự trị, và tự khuếch trương.
a) TỰ LẬP:
Tại Hội Ðồng các giáo sĩ ở công trường Ðông Dương triệu tập tại Ðà-nẵng mùa hè năm 1922, Jaffray đã phát biểu từ đầu đến cuối về tự lập cho các Hội thánh Việt-nam dầu chỉ có một lần như thế vào lúc bấy giờ. Sau khi thảo luận nhiều, Hội đồng đã chấp nhận chính sách sau đây:
Hội thánh có 10 thuộc viên chịu trách nhiệm về tất cả những chi phí bất ngờ, với 15 thuộc viên thì phải thêm vào lương người coi giữ đền thờ, có 25 thuộc viên thì thêm ¼ lương truyền đạo, với 40 thuộc viên thì thêm ½, với 60 thuộc viên thì thêm ¾ lương truyền đạo, với 80 thuộc viên thì thêm cả số lương truyền đạo , và cứ thế sự cấp dưỡng sẽ cho tất cả mọi công nhân khác, tiền thuê nhà, v.v…[12] .
Vì một Hội thánh mới mở không trông mong có ai dâng tiền, Hội Truyền giáo tạm thời đảm nhiệm việc cấp dưỡng truyền đạo. Chừng nào có một người gia nhập Hội thánh bởi Lễ Báp-têm, anh hay chị ấy khởi sự đóng góp vào mọi chi phí Hội thánh và giá phải trả để truyền giảng Tin Lành. Theo gợi ý của ông Jaffray, Hội Ðồng cũng nhất định rằng Hội thánh và Hội truyền giáo không nên trả ông truyền đạo số lương kém hơn một viên thư ký của chính phủ vào năm 1922 là 25 đồng hoặc 12 Mỹ kim mỗi tháng.
b) TỰ TRỊ:
Các Hội thánh địa phương, số bầu cử, vào dịp Hội Ðồng thường niên do mục sư hay truyền đạo sở tại chủ tọa, một số đại diện gọi là chấp sự tùy theo cỡ của Hội thánh và theo sự phân phối địa lý của thuộc viên đòi hỏi. Các chấp sự cả nam lẫn nữ đủ tư cách ứng cử vào phương vị nầy, sẽ bầu một ban trị sự ở giữa vòng họ để lo việc chung của Hội thánh. Chỉ những Hội thánh tự lập (trả hết chi phí của Hội thánh và lương truyền đạo) mới có quyền lựa chọn mục sư cho mình. Tất cả Hội thánh khác sẽ có mục sư do Hội Truyền giáo chỉ định. Tuy nhiên, chính sách nầy không được xác định rõ ràng bởi các mục sư thời bấy giờ từ các tập tục của Hội thánh tại Ðà-nẵng và từ những lời khuyên riêng của các giáo sĩ[13]
c) TỰ KHUẾCH TRƯƠNG:
Không thấy ghi chính sách qui định phương diện nầy của một Hội thánh bản xứ, dường như sớm quá để gắng sức lo vấn đề vào thời kỳ Hội Truyền giáo còn giữ sáng kiến mở các Hội nhánh. Trong các năm sau chính Hội thánh Việt-nam khai triển một kiểu mẫu, đặc biệt là sau Hội Ðồng Tổng Liên Hội năm 1927. Tại Hội nghị chung của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp năm 1926, Ban Trị Sự trên báo cáo của Hải ngoại vụ đã ghi lại 5 lời khuyến cáo cho chính sách Hội thánh bản xứ
1. Nhiều người bản xứ còn giá trị cho công việc hơn là chỉ vài giáo sĩ, vì vậy nên giao cho họ thêm trách nhiệm.
2. Nên có một tư lệ công nhân quốc gia cao hơn đối với các giáo sĩ hơn là 2 đối 1 như hiện có.
3. Vấn đề tự lập phải được xác định rõ hơn với giai tầng (thang) có chia độ để rút lại tiền quỹ hải ngoại.
4. Tiền hải ngoại có thể là sự ngăn trở cho Hội thánh bản xứ làm cớ cho tín đồ khỏi làm nghĩa vụ trong vấn đề tự lập.
5. Tiền hải ngoại nên dùng vào việc giảng Tin Lành và tiến tới các khu vực chưa khai thác.
Hầu hết các điều khoản nầy cuối cùng được Hội nghị chấp nhận, đã được áp dụng tại Việt-nam rồi. Tuy nhiên, khoản 1 đã được thực thi tới một mức độ nào, tại Hội Ðồng Tổng Liên Hội ngay năm sau đó.
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP: Các giáo sĩ Hội Truyền giáo đã dùng hầu hết các phương pháp và các bạn đồng công đã áp dụng tại các công trường truyền giáo khác. Như đã chỉ dẫn bởi các mục tiêu chính thức, họ cố gắng giảng Tin Lành cho mỗi người ‘sẵn sàng’.
SỰ HỌC TIẾNG: Không giống hầu hết các đối nhiệm Công Giáo Lamã ở Việt-nam thời bấy giờ, các giáo sĩ Hội Truyền giáo đã cố gắng học thấu đáo tiếng Việt hầu truyền thông sứ điệp Tin Lành cho người bản xứ hữu hiệu hơn. Cố nhiên không phải tất cả mọi người đều thành công, một phần là vì tiếng nói đơn âm mà 5 dấu lại còn phức tạp hơn bởi một số thổ ngữ khác nhau mà người Việt đang nói. Họ cũng phải học tiếng Pháp là tiếng chính thức tại Ðông Dương cho đến năm 1945. Các giáo sĩ đầu tiên học tiếng Pháp sau khi đến Việt-nam, nhưng vào năm 1921 các giáo sĩ được chỉ định qua Ðông Dương, ở một năm hay cỡ đó tại nước Pháp để học tiếng. Ðiều nầy chứng tỏ là một quyết định khôn ngoan, vì các giáo sĩ nói tiếng Pháp chẳng những có thể kết bạn, và truyền bá sứ điệp Tin Lành cho thế hệ mới gồm người Việt-nam trí thức và công chức vào lúc họ chưa biết đủ tiếng Việt để giải bày quan điểm Cơ-Ðốc.
Hơn nữa, những giáo sĩ coi việc học tiếng như một phương tiện truyền bá Tin Lành dầu bằng tiếng Việt ‘nhát gừng’. Sau một thời gian lâu và chuyên chú theo dõi sứ điệp của Ðấng Christ trong Kinh Thánh mà họ thường giúp thông dịch, hầu hết các giáo sư quyết định tiếp nhận đức tin mới và chẳng bao lâu đã trở thành chứng nhân rành rẽ cho các bạn bè và bà con của họ.
Hầu hết các giáo sĩ đáng được khen tặng vì đã học thông thạo tiếng bản xứ. Ðiều nầy bao giờ cũng đem lại một ấn tượng tốt trên người Việt-nam, vì lúc bấy giờ người Tây phương thường tỏ thái độ hơn hẳn đối với tiếng mẹ đẻ và văn hóa của họ. Tuy nhiên, điều bất hạnh là hầu hết các giáo sĩ chẳng chịu để thì giờ – như các vị đối nhiệm của họ tại Ấn độ và Trung hoa từng làm là sử dụng sự thông thạo tiếng Việt và Pháp, nắm chắc hơn văn hóa và lịch sử Việt-nam. Những bài viết của họ, kể cả những vị lãnh đạo ưu việt đôi khi cũng để lộ một sự thiếu sót trong sự thông hiểu cơ cấu xã hội, giáo lý thực hành của các tôn giáo lớn, cả đến những biến cố quan trọng nhất của sự phát triển giáo hội Công Giáo Lamã tại Việt-nam. Một sự hiểu biết đầy đủ về bối cảnh văn hóa và lịch sử các tôn giáo của xứ thuận nhận sẽ là một vật sở hữu có lợi cho chức nhiệm khó khăn và có thể giúp họ tránh được những lỗi lầm mà các giáo sĩ tiền phong đã mắc phải.
SỰ GIẢNG ÐẠO: Như đã chỉ dẫn trong hiến chương của Hội và sách khái luận cho công tác hải ngoại, sự giảng đã và đang còn là đặc trưng rất quan trọng của các phương pháp truyền giáo của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp. Tại Việt-nam, họ khởi sự giảng trước khi có thể nói tiếng bản xứ đầy đủ. Nhiều người phải dùng quá nhiều bộ tịch để gửi sứ điệp khi thiếu lời để bày tỏ. Các người khác bày tỏ bằng cách trưng những bức tranh tô màu, vẽ truyện tích Kinh Thánh thường dùng trong Trường Chúa nhật tại Mỹ quốc. E. F. Irwin, giáo sĩ niên trưởng và là vị Hội Trưởng đầu tiên của Hội Truyền giáo ở Ðông Dương, sử dụng phương pháp ‘giảng gián tiếp’ trong những năm đầu khi còn đang học tiếng. Giáo sư của ông, một học giả đã từng học 15 năm các sách cổ điển của Ðức Khổng, Mạnh, đã bày tỏ lòng ao ước muốn tin theo Ðấng Christ năm 1915, đã nghe Irwin và thử hết sức hiểu điều giáo sĩ muốn giảng bằng tiếng Việt nhát gừng, và ghi lại bố cuộc cùng những ý niệm. Kế đó giáo sư biên lại bằng tiếng Việt thông suốt và giảng trong nhà thờ. Tuy nhiên, sau ba tháng dùng cách giảng kỳ lạ đó (nói theo lời của Irwin), 18 người trở lại Ðạo được ghi nhận và ‘Hội thánh tại Tourane được sanh ra’. Khi giáo sĩ nói tiếng bản xứ trôi chảy, họ tập trung vào sự giảng dạy cho từng nhóm, hoặc mỗi cá nhân, tại nhà thờ, hoặc tại nhà riêng, trong nhà của người hỏi Ðạo hoặc tại các chợ. Những bài giảng của họ – như người ta mong đợi – gồm truyện tích Kinh Thánh, giáo lý, mệnh lệnh Kinh Thánh, và theo một mức độ lớn, phương diện rất thường được nhấn mạnh là về sự sống và sự chết của Ðấng Christ mà các người Tin Lành lúc bấy giờ hiểu được, và những ứng dụng cho cuộc sống thường nhật của các giáo hữu. Họ tin và giảng với xác tín rằng những từng trải của các Cơ-Ðốc nhân thời Tân Ước có thể mô phỏng đúng trong các tín đồ ngày nay ‘bởi đức tin trong Ðấng Christ’ và trong sự đáp lời cầu nguyện. Họ cau mặt khi thấy các truyền đạo bản xứ đem quá nhiều ‘hương vị Khổng giáo’ cho sự giảng dạy. Nhưng theo nhiều quan sát viên Việt-nam, họ thường bày tỏ trong lời giảng dạy một số nguyên tố mà có thể truy đến văn hóa Âu Tây hơn là Cơ-Ðốc giáo đời Tân Ước. Như một luật lệ, họ chối bỏ sự luận chứng triết học là sức mạnh của người Công Giáo Lamã giảng tại Việt-nam[14] . Họ ưa thích viện dẫn Kinh Thánh ‘Kinh Thánh chép’ như là quyền bính tối hậu của sự thông biết tôn giáo và cách cư xử đạo đức để giải quyết mọi sự biện bác, ngay cả với người chưa tin. Ðiều nầy không nhất thiết có nghĩa là họ bỏ qua nguyên lý logích và biện chứng pháp, họ biết và dạy những nguyên lý đó cho các truyền đạo sinh, nhưng đồng thời cũng cảnh cáo họ chớ ỷ lại vào ‘sự khôn ngoan người đời mà giảng Lời Ðức Chúa Trời’[15] . Tuy nhiên sức mạnh truyền giảng của giáo sĩ Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp tại Việt-nam là lòng xác tín của họ. Những người nghe hay hoài nghi, sau khi nghe họ, quan sát lối sống của họ, thường xác tín lòng thành thật của họ. Ho tin điều họ rao giảng, và họ có lối sống theo đức tin họ, thành thật thừa nhận lỗi lầm và thất bại của họ. Ðó là một điều mới, ít nhất cho một số người hỏi đạo đã hết mê muội với các hình thức và tập tục của tôn giáo khác.
VĂN CHƯƠNG: Theo sự thực hành chung của các giáo sĩ ở các xứ khác, Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp cũng giao những công tác đặc biệt vừa khi sự học tiếng được hoàn tất, cho một số nam nữ đã nhận được sự huấn luyện đặc biệt cho công việc phiên dịch và văn chương, sự dịch Kinh Thánh là ưu tiên trên hết. Dầu tiếng Pháp trở nên ngôn ngữ chính thức trong cả xứ Ðông Dương, Quốc ngữ (hoặc lối viết tiếng Việt theo chữ La-tinh thoạt đầu phát minh ra bởi tu sĩ dòng Tên người Bồ Ðào Nha và Ý Ðại Lợi, sau được hoàn tất bởi Ðắc Lộ, đã trở nên ngày càng phổ thông với dân chúng Việt-nam. Vào thời kỳ các giáo sĩ Hội truyền giáo đầu tiên có thể nói tiếng Việt trôi chảy, Quốc ngữ đã thay thế chữ Nho đã từng chính thức được sử dụng tại Việt-nam hơn 17 thế kỷ. Tuy thế, chữ Nho vẫn còn là tiếng của học giả thuộc thế hệ trước, ấy là những người già cả có văn học đã tiếp nhận số đầu tiên của Kinh Tân Ước và số sách Tin Lành mà Thánh Thơ Công Hội mang tới giữa khoảng 1902-1911. Thêm vào giai cấp già tinh anh nầy, có một số người Việt-nam trong 20 năm đầu của thế kỷ đã có đọc và hiểu chữ Nôm, một thứ chữ Việt rút từ những chữ Hán đã không được chính thức sử dụng qua các thế kỷ như là thứ chữ phổ thông song song với chữ Nho.
Những dịch giả của Hội Truyền giáo đứng trước tình huống rắc rối đó đã nhất định dịch các sách Tin Lành ra Quốc ngữ, đồng thời một học giả Việt-nam cũng sẽ dịch sách Tin Lành ra chữ Nôm từ bản Văn Ký[16] . W. C. Cadman và vợ ông đã khởi sự công việc dịch năm 1914. Với sự giúp đỡ của ông Nho, một học giả Việt-nam, họ khởi công với sách Tin Lành theo thánh Giăng, và cuối năm 1915 khi Toàn quyền ra lệnh đóng cửa các cơ sở truyền giáo và trục xuất các giáo sĩ thì họ đã hoàn tất, ngoài sách Tin Lành Giăng, các sách Tin Lành Mathiơ, Mác, Luca, Công vụ các sứ đồ và thư gửi cho người Lamã. Tuy nhiên, năm 1928, bản Quốc ngữ của 7 sách được in ở Thượng Hải, trong khi đó bản chữ Nôm được ấn hành tại Hà-nội, sự phân phát rộng rãi những sách Kinh Thánh tại các trung tâm lớn ở Bắc kỳ, Trung kỳ, và Nam kỳ đã đóng góp đáng kể vào sự trình bày sứ điệp Tin Lành tại Việt-nam. Phần còn lại của Tân Ước được dịch bởi J. D. Olsen với sự giúp đỡ của Trần văn Dõng, một dịch giả chuyên nghiệp, từ đầu năm 1921 đến cuối 1922. Nhu cầu lớn bắt buộc phải tái bản trong năm sau đó. Vì đa số người Việt-nam từ thập niên 1920 trở đi chỉ đọc chữ Quốc ngữ, bản dịch của Olsen cũng như các công trình sau đó về Cựu Ước được soạn trong chữ Latinh hóa nầy. Bảy cuốn sách bằng chữ Nôm được xuất bản cho đến giữa thập niên 1930, nhưng chẳng có phiên dịch thêm trong thứ chữ lỗi thời nầy.
Gia đình Cadman tiếp tục công tác dịch Kinh Thánh năm 1919. Lần nầy với sự cộng tác của ông Phan Khôi, một học giả và văn sĩ lỗi lạc, đã ở với họ trong 10 năm, họ hoàn tất Cựu Ước năm 1925. Sau khi duyệt xét kỹ lưỡng bởi các văn sĩ, mục sư, giáo sĩ, kể cả Olsen, toàn bộ Kinh Thánh đã được in tại Hà-nội năm 1926. Vừa khi cuốn Kinh Thánh Việt-nam in xong, ông Phan Khôi nhận chức chủ nhiệm một tờ báo quan trọng với giá lương gấp bội hơn lương có thể trả cho ông để dịch Kinh Thánh. Chẳng bao lâu, họ Phan khởi xướng ‘phong trào thơ mới’ đã làm rung chuyển cả những truyền thuyết văn học từ bao thế kỷ ở trong xứ và cũng phóng ông lên địa vị lãnh đạo các đoàn thể văn học[17] . Giá trị công việc của ông về bản dịch Kinh Thánh năm 1926 vẫn còn được các độc giả Việt-nam ưa thích. Trong khi Hội Truyền giáo và Hội thánh ấu trĩ cung cấp nhân viên có khả năng, Thánh Thơ Công Hội cung cấp tài chánh cho sự sửa soạn và xuất bản cả Tân Ước lẫn toàn bộ Kinh Thánh. Mãi đến năm 1948, một toán học giả khởi sự nhuận chánh Tân Ước dưới sự lãnh đạo của J. D. Olsen và Ông văn Huyên.
NHÀ IN TIN LÀNH: Nhà in Tin Lành được thành lập tại Hà-nội cuối năm 1920 xuất bản, ngoài Kinh Thánh và các phần Kinh Thánh. Một tập sách Trường Chúa nhật ra hằng tháng, tam cá nguyệt Tiếng Gọi Ðông Pháp (Anh văn), Nguyệt san Thánh Kinh Báo (The Bible Magazine), Phước Âm Yếu Chỉ, Truyền đạo đơn, một số sách bằng tiếng Kampuchia và các sách khác. Năm 1922, Cadman báo cáo rằng ‘sự bán các phần Kinh Thánh, sách và truyền đạo đơn rất chạy, đến nỗi nhà in thấy khó mà in kịp các sách tái bản. Tổng số xuất bản là 127.807 ấn bản gồm 3.197.3000 trang cho năm 1922; 3.608.280 trang cho năm 1925 và trên 5 triệu trang.
Vào một thời mà chữ Quốc ngũ trở nên ngày càng phổ thông, và các bài luận ngắn còn hiếm và mắc, sự phân phát rộng rãi Kinh Thánh, các phần Kinh Thánh, các sách nhỏ của truyền đạo đơn được hoan nghênh bởi dân chúng khao khát tìm kiếm điều gì đáng đọc. Trong nhiều gia đình Việt-nam, người có sách mới theo thói tục thường đọc to từ chương nầy qua chương khác cho cả nhà nghe vào mỗi tối, khi cả nhà họp mặt quanh ngọn đèn dầu lửa, và mỗi người vẫn tiếp tục công việc chân tay để khỏi mất thì giờ. Dưới ảnh hưởng của Khổng Mạnh, hầu hết các sách được quí trọng và đọc cách kỉnh kiền. Không lạ gì trong các năm sau nầy, nhiều giáo sĩ và các truyền đạo bản xứ cùng các tín hữu thường thấy trong các thị trấn, làng mạc xa xôi mà họ thăm viếng lần thứ nhất, có những người nam và nữ sẵn sàng tiếp nhận đức tin Tin Lành.
HUẤN LUYỆN: Ðể đốc thúc truyền bá Tin Lành và để hoàn thành chính sách Hội thánh bản xứ, các giáo sĩ Hội Truyền giáo đã chấp nhận một chương trình huấn luyện cấp tốc cả tín đồ thế tục lẫn hàng chức sắc. Rất lý thú mà nhận ra rằng những người mới tin trước tiên đã có sáng kiến yêu cầu dạy Kinh Thánh kể cả khi chỉ mới dịch xong mấy sách Tin Lành, trong khi Hội truyền giáo vẫn chưa soạn thảo kế hoạch khởi sự mở Trường Kinh Thánh. Lớp học đầu tiên được khai giảng năm 1910, tức là 3 năm trước khi Trường Kinh Thánh Tourane mở cửa. Một số người mới tin đầu tiên tại Ðà nẵng là những ‘thanh niên có học thức cao’, người biết tiếng Pháp, kẻ giỏi chữ Nho. Vì hầu hết đều đi làm 2 buổi sáng và chiều trong các văn phòng chính quyền, cho nên thì giờ thuận tiện nhất để học Kinh Thánh (buổi tối dành riêng cho việc nhóm giảng Tin Lành) là buổi trưa, từ 12 giờ đến 1 giờ 30, mỗi ngày làm việc trừ Chúa nhật. Hoàng Trọng Thừa là giáo sư dạy tiếng cho các giáo sĩ, lúc nầy đã trở nên phó Mục sư và đang theo học chương trình cấp tốc Kinh Thánh Thần học cùng Tuyên đạo pháp bằng lối hàm thụ tại trường Kinh Thánh Quảng Tây ở Hoa Nam.
Tháng 9.1921, D. I. Jeffrey mở một trường Kinh Thánh hợp thức tại Ðà-nẵng với chương trình rập theo khuôn mẫu ở Nyack (Trường Huấn luyện giáo sĩ). Chương trình gồm có: Nghiên cứu Ðại Cương Kinh Thánh, Ðấng Christ trong Kinh Thánh, Những Bài học Tân Ước nhấn mạnh đặc biệt các sách Tin Lành, thơ Lamã, Galati, Thư tín phổ thông, lời giải thích Cựu Ước, đặc biệt các Thi thiên, Ðaniên, và các tiên tri nhỏ, những giáo lý Cơ-Ðốc, Truyền đạo pháp, Luận văn Việt, Văn chương Việt, Sử ký thế giới, Lịch sử Hội thánh, Ðịa lý, Tập địa đồ Kinh Thánh và thể dục. Năm 1922, Jeffrey bày tỏ mục đích của nhà trường là ‘cho các khóa sinh một nền Kinh Thánh đầy đủ để sửa soạn họ rao giảng Tin Lành của ân sủng Ðức Chúa Trời cho quốc dân, và gây dựng Hội thánh Annam trong những lẽ thật hằng sống của Lời Ðức Chúa Trời. Chương trình sau được phát triển và nâng cao trong các năm sau bởi Olsen và Herman H Hazlett. Ban giáo sư gồm có E. F. Irwin, Hoàng Trọng Thừa, H. C. Smith, và J. D. Olsen, sau làm giám đốc nhà trường năm 1923. Các mục sư bản xứ không gia nhập ban giáo sư mãi cho đến năm 1927.
Một lớp Kinh Thánh cho phụ nữ trước tiên được tổ chức năm 1923 dưới sư đôn đốc và dạy dỗ của cô Edith Frost, do trình độ học vấn thấp của hầu hết phụ nữ Việt-nam trong thời kỳ nầy, chương trình đơn giản hơn nhiều, sắp đặt cho ăn khớp với sự huấn luyện các nữ chấp sự và vợ truyền đạo. Năm môn được dạy trong năm đầu: Cựu Ước, Bốn sách Tin Lành, Phước Âm Yếu Chỉ, Phương pháp giảng cho Thiếu nhi, Việt văn. Năm thứ hai lớp phụ nữ học sách Tin Lành Giăng, thư tín chung, Côlôse, Phương pháp giảng Tin Lành, Việt văn.
Lớp học đầu tiên là một chuồng ngựa không sử dụng trong khuôn viên của Hội Truyền giáo. Khi đặt viên đá xây dựng đền thờ tại Ðà nẵng năm 1922, một phòng lớn ở phía sau nhà thờ được dùng làm lớp học. Vì số học sinh gia tăng, một trường trại nhỏ được dựng nên năm 1924 gồm có 1 Lễ bái đường, 4 phòng học và 3 nhà ngủ đủ tiện nghi cho 90 học viên. Tuy nhiên, chương trình xây cất không được hoàn tất cho đến năm 1928. Một phòng lớn lợp tranh dùng làm phạn điếm và sau được xây lại bằng gạch năm 1937. Ðoàn học sinh gồm từ 6 người vào năm 1921 đến 47 người năm 1924 và 86 người năm 1927.
Những học sinh năm thứ nhất được gởi đi làm phó mục sư một năm, thường là làm việc dưới sự hướng dẫn của một giáo sĩ và điều khiển một Hội thánh mới mở, họ trở về học năm thứ hai, kế đó đi ra thực tập một năm. Theo lời gửi gắm của người giám thị công việc đầu tiên của họ, những truyền đạo sinh sẽ có thể trở về học năm tốt nghiệp tập trung vào thần đạo có hệ thống và thần đạo thực tiễn, nghiên cứu Kinh Thánh cao cấp. Lễ Tốt nghiệp đầu tiên cử hành vào tháng 4.1927 với 8 sinh viên tốt nghiệp, tất cả đều được tấn phong tại Hội Ðồng Tổng Liên Hội Ðà-nẵng cũng năm đó. Về sau theo luật lệ các sinh viên học xong 2 năm đi ra tập sự 2 năm trước khi trở về học năm tốt nghiệp. Cuối năm 1927, trên 150 nam nữ ghi tên học tại Trường Kinh Thánh Tournae và hầu hết đã dâng mình vào công tác Cơ-Ðốc như mục sư, giáo sư, nam nữ viên bán sách dạo.
Thêm vào sự huấn luyện các mục sư tại Trường Kinh Thánh, các giáo sĩ Hội truyền giáo cũng chú ý đến việc huấn luyện các tín đồ thường. Việc nầy được thực hiện bởi cá nhân giáo sĩ đã khôn khéo dẫn các tín đồ lanh lợi, hoạt bát, đầy hứa hẹn vào trong vài hình thức hầu việc Chúa (dạy Trường Chúa nhật, làm chứng đạo cho người lân cận và bà con, dạy các lớp mới biết đọc, biết viết, v.v…) bằng cách mời họ giúp các vị lãnh đạo trong các hoạt động của họ trong nhà thờ.
Về sau, các giáo sĩ cộng tác với các mục sư Việt-nam trong việc tổ chức Lớp Thánh Kinh Ðoản Kỳ để huấn luyện các tín đồ dẫn đạo cho các Hội thánh mới mở. Bà Homera Homer Dixon đã dạy Tiểu học Ðường tại Hà-nội từ năm 1931 đến khi Ðệ Nhị Thế chiến bùng nổ. Ðiều nầy chứng tỏ đã thành công trong việc cung cấp các tín đồ dẫn Ðạo cho các Hội thánh tại Bắc kỳ và dọn đường cho nhiều sinh viên đi học Trường Kinh Thánh Tourane để sửa soạn cho chức vụ mục sư[18] . Những lớp Phước Âm yếu chỉ trong các Hội thánh ít nhất trong các năm đầu tiên đã được tổ chức tốt và đặt tiêu chuẩn hơi cao. Một lớp huấn luyện 12 tuần học những giáo lý cơ bản và kiến thức Kinh Thánh và một sự tra xét kỹ lưỡng về kiến thức tôn giáo và cuộc sống đạo đức là cần thiết, để chịu lễ báp-têm. Người nào vắng mặt một tuần học sẽ bị loại và phải học lại trong kỳ tới.
Các trường Chúa nhật là một phần chương trình của mỗi Hội thánh. Các lớp đặc biệt cho giáo sư Trường Chúa nhật được tổ chức để huấn luyện họ, không những chỉ dạy dỗ mà còn tích cực dự phần truyền bá đức tin. Các trẻ em trong Hội thánh cũng được học truyện tích Kinh Thánh, hát và lớp mới biết đọc biết viết[19] . Nhưng công việc nầy thường tùy theo sáng kiến của giáo sĩ và mục sư vì họ thường giao lại công việc nầy cho các bà vợ. Nói chung, sự huấn luyện trẻ em không được tổ chức tốt và thiếu một lớp có hệ thống. Ðiều nầy có thể là do thiếu một sự lãnh đạo cương quyết, và có lẽ phụ nữ không được huấn luyện đầy đủ tại Trường Kinh Thánh Tourane. Tất cả những cố gắng huấn luyện nầy chỉ nhắm mục đích thiết lập Hội thánh tự trị, tự khuếch trương mạnh mẽ tại Việt-nam và được tổ chức năm 1927.
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP GÂY QUỸ: Việt-nam thường được các nước Tây phương mô tả là một xứ giàu có với nhiều tiềm năng kinh tế. Nhưng hai thế kỷ nội chiến và sau một cuộc hưu chiến ngắn ngủi, cuộc xâm lăng dai dẳng và phá hoại cùng ‘sự bình định’ bởi quân đội Pháp để lại dân chúng nghèo thiếu vào lúc các giáo sĩ Tin Lành khởi sự công tác trong xứ. E. F. Irwin đã mô tả rất đúng tình trạng kinh tế bấp bênh của người Việt-nam trong thời kỳ nầy, quần chúng An-nam sống tay làm hàm nhai và cần làm việc ngày nay để có chi sinh sống ngày mai. Một phương diện khác của tình trạng người Việt-nam dưới chế độ thuộc địa Pháp nhằm hồi nầy được phác họa bởi Chủ Tịch Hồ Chí Minh trong một bài của Tuyển tập: Từ năm 1890-1896, thuế trực thâu đã tăng gấp đôi, từ năm 1896-1898 chúng tăng lên gấp rưỡi. Khi một sự gia tăng được áp đặt trên một làng nào thì làng ấy phải cam chịu và trả. Họ còn biết kêu vào đâu? Thuế thân (một sắc thuế đánh trên nam đinh tuổi từ 18-60, bởi chính phủ Pháp) đã tăng từ 14 xu lên đến 2 đồng rưỡi. Những kẻ nào không ghi tên, tức là những thanh niên dưới 18, bây giờ chẳng có chi để trả bị đánh thuế 30 xu, tức là hơn gấp đôi những kẻ đã ghi tên trả trước kia. Tùy theo nghị định của Quan Thống Ðốc Bắc kỳ ra ngày 11.12.1919, tất cả người bản xứ từ 18-60 đều phải trả thuế thân đồng loạt 2 đồng 50 xu[20] .
Trong nhiều khu vực, người nghèo chạy trốn khỏi làng để trốn tránh các người thâu thuế nhưng chỉ ít người trốn thoát tay cảnh sát thuộc địa. Giữa cơn khốn khó, một số người dân quê Việt-nam chạy đến các giáo sĩ Mỹ hi vọng rằng sự che chở của người Mỹ có thể khiến họ được miễn, hoặc ít ra cũng được giảm thuế phần nào. Năm 1908, một phong trào quần chúng do hai nhà lãnh đạo quan trọng của phe quốc gia là Phan Bội Châu và Huỳnh Thúc Kháng đã bị chấm dứt trong đau khổ, đàn áp cách dã man và lưu huyết mà chẳng làm cho gánh nặng của người nghèo giảm bớt[21] .
Nhưng các giáo sĩ trung thành với chính sách, chẳng xen vào chính trị hoặc khiến cho đời sống kinh tế của dân chúng dễ chịu hơn. Chẳng những họ không giúp những người trở lại đạo về phần tài chánh nhưng còn dạy họ cần đóng góp vào công cuộc giảng Tin Lành ngay từ thuở ban đầu. Hội thánh ở Tourane gồm 18 thuộc viên năm 1918 đã dâng tiền đều sáng Chúa nhật ngay từ ban đầu và trở nên gần tự lập năm sau. Trong năm đó, có báo cáo là số thuộc viên trong ba Hội thánh hiện hữu, hay thật ra là nồng cốt, tăng gấp đôi nhưng tiền dâng thì đã tăng lên gấp 6 lần. Tại Hà-nội với số 10 hội viên, tiền dâng lên đến 100 đồng bạc hoặc 40 Mỹ kim năm 1920. Cùng năm ấy, Hội thánh Tourane đã có thể cấp dưỡng chẳng những cho mục sư của mình mà còn thêm một bà đi bán Kinh Thánh và một người bán sách dạo, từ số tiền dâng của Hội thánh. Các giáo sĩ cũng khởi sự khuyên giục Hội thánh dâng 1/10 lợi tức. Sự dạy dỗ nầy nhận được sự hưởng ứng lần lần, nhất là tại Ðà-nẵng, Hội-an, Mỹ tho, Bến tre, Cần thơ. Tuy nhiên nhiều Cơ-Ðốc nhân đã học từ Kinh Thánh trách nhiệm dâng 1/10 như là kết quả trực tiếp do sự huấn luyện họ và khởi sự đem 1/10 dâng vào Hội thánh hoặc bằng tiền mặt hoặc bằng hiện vật.
Nhiều giáo sĩ đã có lệ là trả lời những người hỏi đạo mà chất vấn rằng họ sẽ được bao nhiêu nếu họ gia nhập Hội thánh, một câu trực tiếp rằng: Họ sẽ chẳng nhận được gì về phần vật chất, phần trai vụ là thuộc về họ, và họ còn được trông mong và phải trả những chi phí để giảng Tin Lành trong xứ. Vào lúc mà hàng trăm hàng ngàn người đến cùng họ với những cớ tích sai lầm, họ tin rằng hiệu quả tâm lý của sự lấy tiền dâng và 1/10 là ‘quan hệ hơn số tiền nhận lãnh’ vì ‘nó có khuynh hướng là giữ tín đồ gạo ở bên ngoài Hội thánh”.
Tổng số tiền dâng của Hội thánh Ðông Dương (kể cả hai giáo sĩ ở Kampuchia) lên tới 5.432.98 Mỹ kim năm 1925, 7.882.93 Mỹ kim năm 1926 và 7.217 Mỹ kim năm 1927. Ðây hẳn phải tiêu biểu cho sự hi sinh dâng hiến về phần một dân bị bần cùng hóa. Trong số 7 Hội thánh chính do các mục sư Việt-nam điều khiển và 67 Hội thánh mới và các Hội nhánh, có 8 Hội thánh đã hoàn toàn tự lập năm 1927.
PHƯƠNG PHÁP KHUẾCH TRƯƠNG: R. A. Jaffray đã hướng dẫn công trường truyền giáo Liên Hiệp tại Ðông Dương trong những năm đầu tiên, bao giờ cũng chủ trương một phương pháp chủ động cho việc khuếch trương: “Chúng ta phải tiến lên, chúng ta phải chiếm cứ 2 giáo sở mới (cộng thêm vào Ðà nẵng và Hà-nội) một giáo sở trong thành phố Hải phòng (Bắc kỳ) và giáo sở ở Sàigòn (Nam kỳ), điều này sẽ tăng gấp đôi số trung tâm chiến lược chiếm đóng”. Các giáo sĩ Hội Truyền giáo theo mẫu mực này cho sự khuếch trương trải qua nhiều năm, họ tránh sự tập trung được chừng nào hay chừng nấy. Một cặp mới hoặc hai thanh niên sẽ hầu như bất biến thấy mình được chỉ định để điều hành giáo sở riêng rẽ hoặc mở một giáo sở mới. Nhiều người đã học tiếng Việt tại chỗ trong khi tiếp tục thực hiện, với sự giúp đỡ của mục sư bản xứ, công trình truyền giảng đều đặn. Vừa khi Hội thánh sinh ra, họ sẽ lan rộng ra từ giáo sở chính và mở giáo sở phụ với sự giúp đỡ của tín đồ thường. Khi một giáo sở chính được vững lập với một Hội thánh mạnh, các giáo sĩ lại tiếp tục đi mở chỗ khác, để lại Hội thánh hiện có cho các mục sư và tín đồ bản xứ chăm sóc. Jaffray lần này qua lần khác cảnh cáo các giáo sĩ “Hãy nhớ các bạn chẳng được phái tới Việt-nam để làm chúa, hoặc làm giám mục và bạn không được sai phái để làm mục sư của giáo hội”.
Phương pháp lan rộng mau chóng này chắc chắn có các lợi điểm. Các giáo sĩ càng có thể lan rộng thì họ càng có thể đạt đến các mục tiêu đã biểu lộ là tới đến mỗi nhóm ngôn ngữ tại Ðông Dương. Với sự xác tín này, họ đã gửi hai cặp đi Nam-vang và Battambang ở Kampuchia, dầu tổng số lực lượng ở Ðông Dương chưa đạt tới số 25 điểm. Một giáo sở khác Cơ-Ðốc mở ở giữa bộ lạc Thổ tại Lạng sơn năm 1927 bởi ông bà J. J. Van Hino cộng thêm với công việc của ông bà giữa người Việt-nam trong thành phố. Cũng theo kiểu mẫu ấy, trong khi các công trường Việt-nam và Kampuchia còn đang thiếu người, năm 1929 hai giáo sĩ được phái tới Luang Prabang, thủ đô của vương quốc Lào. Cũng năm ấy, một cặp khác đã thiết lập một giáo sở tại Ubon, Thái lan. H. A. Jackson, cũng phải từ giả chức vụ đang kết quả ở Cần thơ, Nam kỳ để khởi sự công việc tại thành phố nghỉ mát là Ðàlạt trên miền cao nguyên Nam Trung kỳ, ở giữa vòng bộ lạc Kơho. Những cố gắng này chẳng bao lâu xúc tiến mạnh với sự chỉ định các giáo sĩ mới tới Hòa bình, Sơn la, Champa, ở Bắc kỳ và Ban-mê-thuộc, Pleiku và Djiring ở Trung kỳ. Rất thích thú mà chú ý là: các tín đồ và truyền đạo Việt-nam cũng thừa tiếp lấy sức xung kích và lan rộng ấy là theo sáng kiến riêng và trong nhiều trường hợp đã thành công trong sự thiết lập các Hội thánh mới trước khi các giáo sĩ đến nơi.
NHỮNG HỘI ÐỒNG BỒI LINH VÀ CẦU NGUYỆN: Trung thành với sự thực hành đặc sắc của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp từ những năm đầu tiên và do đó Hội còn tồn tại, Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp tại Ðông Dương coi Hội Ðồng Bồi linh như là những biến cố quan trọng nhất cho cả năm. Hai hội đồng chung được triệu tập mỗi năm, một cho các giáo sĩ, còn một cho tín đồ bản xứ.
Trong 4 năm công trường Ðông Dương còn là ‘phụ thuộc’ cho Hội đồng Hoa Nam, các giáo sĩ đôi khi phải đi tới Quảng Tây, Trung Hoa để gặp các bạn đồng nghiệp cầu nguyện và nghiên cứu Kinh Thánh. Nhưng theo gợi ý của Tấn sĩ R. H. Glover, Bí thư Hải ngoại của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp đã qua thăm Việt-nam năm 1915, một Hội đồng truyền giáo khu vực được tổ chức cho các giáo sĩ phục vụ trong xứ. Mục sư Isaac Mess, Hội Trưởng Hoa Nam được bầu làm Chủ Nhiệm, R. H. Jaffray, người thay thế Mess năm sau, thường xuống Ðà-nẵng để gặp giáo sĩ Ðông Dương trong các Hội đồng thường niên chẳng những để cầu nguyện khiển trách, huấn luyện các lãnh đạo, đặc biệt là để khuyến khích các giáo sĩ mới tới, cùng gây cảm hứng cho mọi người. Các giáo sĩ cũng chia sẻ những từng trải trong chức vụ tương đối với nhau trong việc báo cáo chi tiết về những thành công hay thất bại trong năm. Sau 1930, các Hội đồng khu vực truyền giáo Ðông Dương, như một qui tắc, được triệu tập vào mùa hè tại thành phố nghỉ mát Ðàlạt, nơi họ có thể ngụ trong nhà trường nội trú của các con giáo sĩ.
Bắt đầu từ năm 1924, một Hội đồng thường niên được họp tại Tourane (là Ðà-nẵng hiện nay) cho các thủ lãnh Hội thánh bản xứ, kể cả hàng giáo phẩm lẫn đại diện tín đồ. Các giáo sĩ cũng dự hội đồng này hoặc như là diễn giả hoặc cố vấn đặc biệt là trong những năm đầu. Tourane, trung tâm của xứ, có thể đến bằng tàu thủy hoặc xe hơi, xe lửa. Những hội đồng được qui định vào lúc thuận tiện cho các học viên Trường Kinh Thánh một dịp tiện dự phần vào sự huấn luyện thêm vào cuối niên học. Các diễn giả của Hội đồng là mục sư bản xứ hoặc thủ lãnh truyền giáo từ Mỹ hoặc ở các khu vực truyền giáo, hoặc các thủ lãnh Hội thánh Á châu. Nhiều người tham dự cảm thấy đức tin được thêm bổ dưỡng và từng trải thuộc linh được phong phú bởi sứ điệp Kinh Thánh và những lời chứng cá nhân được trình bày tại hội đồng. Một số lớn các thanh niên nam nữ dâng đời mình cho chức vụ như kết quả của những báo cáo và sự kêu gọi từ các giáo sĩ và các thủ lãnh bản xứ như nhau. Nhiều đại biểu tín đồ qua những từng trải của đồng đạo, học tập dâng tiền rộng rãi hơn cho ngân quỹ Hội thánh hoặc các công tác tập thể do Hội thánh bản xứ gánh vác như cấp dưỡng cho các truyền giáo Việt-nam tới các bộ lạc, xây dựng cơ sở mới cho Trường Kinh Thánh hoặc cho văn phòng Tổng Liên Hội.
Những Hội đồng Tổng Liên Hội này cùng với các hội đồng khác trên một mức độ nhỏ hơn cấp địa hạt hoặc tỉnh, có khuynh hướng ‘mở rộng thị giác của tín đồ địa phương’, nhiều người chịu nhiều bắt bớ vì cớ đức tin mới của họ, và giúp họ nhận biết họ là ‘thuộc viên của gia đình toàn cầu’ gồm có những nhóm nhỏ rải rác trong xứ mà cũng là đoàn dân đông từ các nước ngoại quốc nói các thứ tiếng khác nhau nhưng chia sẻ cùng một hi vọng, sự xác tín và lối sống. Bởi vậy, hiệu quả tìm kiếm bao gồm cả thuộc linh và tâm lý. Các thủ lãnh giáo sĩ cũng ban lời khuyên và sự huấn luyện thực tiễn cho các thủ lãnh Hội thánh bản xứ bằng cách chia sẻ với họ những trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn các hội đồng, và điều khiển vài công việc kinh doanh của Hội thánh ở mức độ quốc gia và như vậy, chuẩn bị cho việc tổ chức sau cùng của Hội thánh Tin Lành Việt-nam vào cuối thời kỳ này.
SỰ PHÁT TRIỂN HỘI THÁNH: Như một người quan sát kỹ lưỡng sự phát triển của đoàn thể Tin Lành tại Việt-nam giữa năm 1911, khi các giáo sĩ tiền phong đổ bộ lên Ðà-nẵng và năm 1927, khi Hội thánh Tin Lành Việt-nam được chính thức thành lập, ba thời kỳ riêng biệt hiện ra, nổi bật nhất là các biến động sau:
a). Từ 1911 đến 1918 khi Ðệ nhất thế chiến kết thúc
b). Từ 1918 đến khi mở Trường Kinh Thánh Ðà nẵng năm 1921
c). Từ năm 1921 đến sự chính thức tổ chức Hội thánh Tin Lành Việt-nam năm 1927
a). 1911-1918: Với sự giúp sức chân thành của ông Bonnet, người đại diện của Thánh Thơ Công Hội tại Tourane, và với sự cộng tác của ba nhân viên bán sách đạo, Phan Ðình An, Phan Yến và Lo, Paul M. Hosler có thể khởi học tiếng và phân phát một số phần Kinh Thánh và truyền đạo đơn. Tuy nhiên, cuối năm thứ nhất, ông báo cáo có người chịu lễ báp-têm đầu tiên ở Việt-nam. Người trở lại đạo đầu tiên này tất nhiên là một trong mấy người bán sách dạo đã tiếp nhận đức tin Tin Lành qua những sách bằng chữ Nho mà ông đang bán, và cũng nhận được sự giáo huấn thêm từ vị giáo sĩ mới đến. Khi Ðệ nhất thế chiến bùng nổ, trong khi các đồng nghiệp của Hosler còn tập trung vào sự học tiếng, ông khởi sự xuất bản các đoạn Kinh Thánh bằng tiếng Việt. Cùng năm ấy thấy F. A. Soderberg và A. H. Birkel, dưới sự chỉ dẫn của Hosler mở một giáo sở ở Faifoo (Hội an) 20 dặm ở phía nam Ðà-nẵng. Những bước mới để khởi công tại Hải phòng, Hà-nội, thủ đô Ðông Dương, đầu năm 1915. Từ các giáo sở này, những sổ ghi chép chính thức thấy có 6 thuộc viên và ba người mới chịu báp-têm trong năm. Nghị định quan Toàn quyền Ðông Dương tháng 12.1915 chẳng những giảm số giáo sĩ xuống còn 5 và hạn chế hoạt động của họ đến một giáo sở thôi, mà còn gieo sự khủng khiếp để nhát nhiều người hỏi đạo và các thuộc viên tương lai không dám tới khuôn viên Ðà-nẵng.
Năm 1916 đánh dấu sự khởi đầu tăng trưởng của Hội thánh Ðà-nẵng, ghi nhận 18 người chịu lễ báp-têm, số thuộc viên là 25, một Trường Chúa nhật gồm 100 người. Có hai giáo sĩ (W. C. Cadman và vợ) định cư tại Hà-nội ngay sau khi bãi bỏ lịnh cấm giảng với sự cho phép ngầm của quan Toàn quyền. Nhưng mãi đến ngày đình chiến năm 1918, các lực lượng tăng cường mới cho phép Hội Truyền giáo xét đến sự chiếm đóng các trung tâm mới. Vào thời này, Hội thánh tại Tourane đã tăng với số tín đồ là 58 và đã mở một Hội nhánh tại Hải châu ở ngoại thành, phía Nam thị xã Tourane. Tại Hà-nội có 4 người trở lại chịu lễ báp-têm và nhà giảng nhánh, 3 hay 4 tối mỗi tuần đầy những người thuộc giai cấp thông minh lanh lợi. Những Trường Chúa nhật trong hai thành phố ghi một tổng số 400 học viên. Thời kỳ này biểu thị đặc tính bởi sự dọn đường học tiếng, triệt thoái bộ tham mưu, ngộ nhận về phần chính quyền, và những hoạt động hạn chế về phần các giáo sĩ do nhân tố chủ quan cũng như nhân tố khách quan. Sự ghi những người mới trở lại và người hỏi đạo vào lúc ngắn ngủi này chứng tỏ một ý nghĩa rằng người Việt khao khát tìm hiểu và chấp nhận đức tin mới bất kể phẩm chất của sự trình bày sứ điệp trong giai đoạn sớm này cùng sự nghi kỵ của nhà đương cuộc Pháp đang lo xiết chặt bàn tay trên dân chúng thần phục họ.
b). 1918-1921: Quân đội đồng minh chiến thắng Ðức quốc xã đã đánh tan sự sợ hãi và hoài nghi về phần chính quyền Pháp đối với những giáo sĩ Mỹ và Gia-nã-đại làm việc tại các thuộc địa và các xứ ‘bảo hộ’ của họ. Những giáo sĩ mang tên Ðức đã lìa khỏi Việt-nam không trở lại. Hai người từ miền Scandinavia đã được điều động đi Trung hoa, một người trong số đó, J. D. Olsen, được phép vào xứ nhưng chỉ sau khi thế chiến kết thúc. Ông nầy cùng với I. R. Stebbins đã đi Sàigòn, thành phố cảng lớn nhất xứ Ðông Dương, để khởi sự một Hội thánh trong khi còn học tiếng Việt và tiếng Pháp. Qua sự gắng công của họ, hai Hội thánh được sanh trong thành phố này, một cho người Huê Kiều ở Chợlớn và một Hội thánh cho người Việt ở Sàigòn. Hai năm sau, Stebbins mở một Hội thánh mới ở Sa-đéc, trong nội địa Nam Kỳ. Cần thơ, một thành phố lớn nhất miền Tây Nam kỳ, và Châu đốc, thị trấn ở gần biên giới Kampuchia, mở năm 1921 bởi H. A. Jackson và A. E. Grupe, cũng năm ấy, R. H. Jackson đã định cư tại thành phố cảng Hải phòng, từ nơi đó, hai người đến trước ông đã bị trục xuất.
Năm 1927 đánh dấu một số biến động quan trọng. Hội thánh đầu tiên ở Tourane đã hoàn toàn tự lập và có 115 thuộc viên. Một Trường Kinh Thánh hợp thức mở cửa để đón nhận một lớp học chín người, và như vậy khởi đầu sự hình thành hàng giáo phẩm bản xứ, nó chứng tỏ là chủ yếu cho sự bành trướng của Hội thánh Tin Lành chẳng những chỉ ở Việt-nam mà còn ở khắp cả Ðông Dương. Cộng thêm vào Hoàng Trọng Thừa, mục sư của Hội thánh Tourane đã nhận sự huấn luyện đặc biệt bởi các giáo sĩ và qua một lớp hàm thụ từ Trường Kinh Thánh Luchow, Hoa Nam, vài phó mục sư đã thỉnh thoảng giúp đỡ trong việc giảng Tin Lành tại Tourane, Hải châu, An hải, một Hội nhánh của Tourane. Một người trong vòng họ, Ðoàn văn Khánh, sau một sự huấn luyện ngắn hạn đã hiệp lực với Olsen ở Sàigòn và làm việc trong vài tháng, nhưng lại trở về Ðà-nẵng ngay để được huấn luyện chính thức vào dịp khai giảng Trường Kinh Thánh. Cuối năm 1921 với 22 giáo sĩ tại khu vực được 5 truyền đạo sinh giúp đỡ, Hội Truyền giáo đã vững lập 8 giáo sở và hai chi nhánh, tổng số lên đến 8 nhóm Hội thánh với 183 tín hữu.
c). 1921-1927: Ðây có lẽ là thời kỳ quan trọng nhất trong sự mở mang công trình truyền giáo tại Việt-nam trước khi Hội thánh Tin Lành Việt-nam được chính thức tổ chức. Với hầu như cùng một bộ tham mưu năm 1921, 1924, 1925, số các giáo sở chính tăng lên từ 5-10 năm 1924 và 11 năm 1925. Mỗi giáo sở chính có mục sư bản xứ hoặc truyền đạo và tổ chức riêng của Hội thánh, vì như thủ lãnh truyền giáo đã ngây thơ thừa nhận ‘các giáo sĩ không thể mở các giáo sở mới, nếu không có công nhân người An-nam giúp’. Hơn nữa, mỗi giáo sở được dùng làm cái trục cho một số chi nhánh mỗi nơi do một truyền đạo bản xứ điều khiển. Chỉ có hai chi nhánh năm 1921, nhưng tương xứng với cố công nhân gia tăng do Trường Kinh Thánh Ðà-nẵng cung cấp, tổng số chi nhánh lên tới 22 năm 1924, 37 năm 1925, và 67 năm 1927. Người ta có thể chú ý rằng: Trong thời gian phát triển mau lẹ này, phần nhiều công cuộc khai thác được làm bởi các nhân viên bán sách dạo, là những người dầu chính thức làm cho Thánh Thơ Công Hội đã được huấn luyện hoặc tại trường Kinh Thánh Ðà-nẵng hay tại Hội thánh địa phương dưới sự hướng dẫn của giáo sĩ hoặc mục sư. Một yếu tố quan trọng khác trong sự tăng trưởng của Hội thánh là sự xuất bản Tân Ước năm 1924 và toàn bộ Kinh Thánh năm 1926 bằng tiếng Việt (quốc ngữ) bởi nhà in Tin Lành tại Hà-nội. Số tín đồ chỉ vỏn vẹn 180 năm 1921 đến năm 1924 tăng lên 1.671, 2939 năm 1925 và lên đến 4.236 năm 1927, có nghĩa là trung bình tăng ngót một ngàn chịu báp-têm mỗi năm giữa các năm 1924, 1597 năm 1925, 1361 năm 1927. Như thế chỉ rằng có vài trăm trở lại tình trạng cũ, năm 1925 ghi môt số chịu báp-têm gấp đôi. Nhưng một sự phân tích tỉ mĩ bày tỏ rằng khởi đầu của sự gia tăng này đến từ Hội thánh Mỹ tho, Nam kỳ dưới sự chăm sóc của Trần Xuân Phan. Báo cáo hằng năm về hiện tượng này với những lời lẽ sáng rực như sau: Tại Mỹ tho chứng tỏ một điều độc đáo trong lịch sử truyền giáo của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp, rất hiếm có trong lịch sử của Hội đoàn nào. Ngày 1.1.1925, chỉ vỏn vẹn có 27 tín đồ tại Hội thánh này, nhưng cuối năm số tín đồ chịu báp-têm nhập hội lên tới 1017. Những thuộc viên mới đã dâng 3.105 đồng cho công việc Hội thánh trong năm. Tuy nhiên, chẳng phải ít người đã đến với cớ tích lẫn lộn và sai lạc. Năm sau, khi Lê-văn Thái, một truyền đạo sinh, nắm quyền kiểm soát Hội thánh, những cớ tích sai lầm lần lần được đem ra ánh sáng, khi ông ngay thẳng trình bày sứ điệp đơn sơ như thấy trong Kinh Thánh, chối bỏ những lời ám chỉ chính trị mà người đến trước ông đã khôn khéo gợi ý trong bài giảng mình, những lớp Kinh Thánh được cấp tốc tổ chức tại Mỹ tho và các hội nhánh giúp đỡ kiện toàn đức tin của những tín đồ chân thật và như một kết quả gián tiếp loại bỏ hàng chục ‘tín đồ giả dối’. Tuy nhiên trong một năm ông hầu việc Chúa tại Mỹ tho có 565 người trưởng thành, gia nhập Hội thánh bởi lễ báp-têm. Hội chúng lớn này chẳng bao lâu chia thành 3 Hội thánh, năm 1928 chỉ 640 người còn ở lại Hội thánh Mỹ tho. Ðây chắc hẳn là phong trào nhân dân lớn nhất tại Việt-nam trong thời kỳ này. Nhiều tín đồ tỏ ra là những chứng nhân trung thành cho đức tin, mặc dù vài người phải chịu đau khổ vì áp lực xã hội nặng nề, và trong vài trường hợp chịu bắt bớ nữa. Chính những nam nữ tín hữu này đã có sáng kiến tổ chức ba Hội thánh tại Mỹ tho, Bến tre và Gò công trên một căn bản tự lập đầy đủ, xây cất hai nhà thờ bằng gạch tại Mỹ tho và Bến tre bằng tiền túi của họ. Vào cuối năm 1927, một Hội thánh bản xứ đã hiện ra trong vùng Ðông Nam Á gồm có 4.236 thuộc viên trong 74 Hội thánh và nhóm Hội thánh ở Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ, ngay cả trong mấy thành phố ở Kamphuchia nữa.
Nói chung, sự tăng trưởng mau nhất này xảy ra ở tỉnh Quảng nam ở Trung kỳ đặc biệt là thung lũng Sông Cái, ở Trung bộ Trung kỳ, và phần trung tâm của châu thổ sông Cửu Long. Những điều kiện kinh tế khả quan hơn của những khu vực này cũng giúp các Hội thánh của họ sớm đạt đến tình trạng tự lập mau hơn là hầu hết các Hội thánh anh em khác, đồng thời cung cấp một số bách phân học viên Kinh Thánh, mục sư và công nhân tín đồ thế tục lớn hơn cho sự phát triển Hội thánh bản xứ.
Sau khi mở các Hội thánh tại Hải châu và An hải, Hội thánh Ðà-nẵng cũng khởi sự một Hội thánh ở Nam Ô, một làng đánh cá ở 5 dặm về phía Bắc thành phố, và ủng hộ tài chánh trong nhiều năm, nhưng công việc này chẳng bền lâu. Mục sư của Hội, ông Hoàng Trọng Thừa đã khởi sự cố gắng giảng Tin Lành nhắm vào các bộ lạc sống ở phía Bắc Tourane, nhưng kết quả rất hiếm và công việc bị bỏ dở.
Trung tâm thiết yếu nhất của tỉnh Quảng Nam chứng tỏ là Faifoo (Hội an) ở cửa sông Cái. Tự cơ sở này và qua những cố gắng của các mục sư hoạt năng và sự làm chứng hăng hái của tín hữu, những Hội thánh mọc lên ở Tam kỳ, Lạc thành, Ðại an, Trường an và lâu hơn chút nữa tại Thu bồn, Khánh bình, Phú lãnh, Thanh quít, ngoại trừ ở Tam kỳ, tỉnh lỵ của hạt Tam kỳ trong phần cực nam của tỉnh, tất cả Hội thánh trên đều tọa lạc ở thung lũng sông Cái, một trong những khu vực trù phú nhất ở Trung kỳ.
Theo cùng một mẫu mực đó, một nhóm Hội thánh được hình thành quanh Mỹ tho (Bến tre, Gò công, Tân thạch, Quới sơn, Tân an, Cần đước, An hóa, Lộc thuận, Bình đại trên bờ sông Vàm cỏ, và Cần thơ (Phong điền, Cái răng, Ô môn, Kế sách). Hầu hết các Hội thánh như một qui tắc, liên hệ với các hội chính bằng đường sông, nó làm dễ dàng cuộc thăm viếng của các chấp sự cũng như sự đi nhóm của các thuộc viên sống ở các nơi xa vắng vào giai đoạn đầu của cuộc vun trồng Hội thánh, hằng tuần phải đi đến Hội thánh để thờ phượng Chúa vào Chúa nhật. Cũng là việc rất ý nghĩa mà thấy rằng ngay trong thời kỳ đầu tiên của sự truyền bá đức tin Tin Lành tại Việt-nam, phần lớn sự bành trướng này được hoàn tất tự nhiên bởi tín đồ thế tục và các truyền đạo bản xứ. Ðồng thời các giáo sĩ được các mục sư bản xứ giúp đỡ mở và điều khiển các trung tâm.
QUAN HỆ HỘI THÁNH VỚI QUỐC GIA VÀ NHỮNG SỰ BẮT BỚ: Như đã chỉ ở trên, Chính phủ Pháp ngó nguýt công trình của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp tại Việt-nam. Vào một thời mà sự thống trị của người Pháp mới tạm được củng cố, sự thắng trận của Nhật trên nước Nga năm 1905, và cuộc cách mạng tại Trung hoa năm 1911 làm rung chuyển cả đấu trường chính trị Việt-nam với những hi vọng mới cho các thủ lãnh quốc gia đang thử lật đổ chế độ thuộc địa Pháp. Phong trào Ðông Du, khuyến khích các sinh viên Việt-nam du học hải ngoại, nhất là ở Nhật bản, được hướng dẫn bởi Phan Bội Châu, có lẽ là lãnh tụ cách mạng lớn nhất ở Việt-nam hồi đầu thập niên 1900. Theo báo cáo Phan Bội Châu đã tin đạo Tin Lành trong khi ông ở Trung Hoa[22]
Sau khi đã cản trở những cố gắng sớm hơn việc của các giáo sĩ tiền phong tại Ðông Dương, chính phủ Pháp khởi sự trong thập niên 1910 bao dung sự hiện diện của mấy giáo sĩ Gia-nã-đại và Mỹ tại Tourane. Nhưng chiến tranh bùng nổ thình lình với nước Ðức và sự tiến quân chớp nhoáng của Ðức trên đất Pháp giáng những đòn khiến uy danh của Pháp ở khắp thế giới phải nghiêng ngữa. Sáu trong số chín giáo sĩ làm việc tại Việt-nam năm 1915 đều sinh tại Ðức hoặc có gốc Ðức. Bởi một sự trùng hợp kỳ lạ, mấy gián điệp Ðức hành động tại Trung Hoa và Thái lan đã khuấy động trại quân cách mạng và thậm chí giúp tài chánh cho cuộc tấn công Ta Lung, một đồn bình Pháp thuộc tỉnh Cao bằng, Bắc kỳ, bởi bộ đội của Việt-nam Quang Phục Hội. Chỉ huy của quân đội chẳng ai khác hơn là Nguyễn Hải Thần, sau này trở nên Phó Chủ Tịch chính phủ Hồ Chí Minh năm 1940. Bởi đó, lẽ tự nhiên người Pháp phải nghi ngờ những ‘giáo sĩ Ðức’ này. Quan toàn quyền ra một nghị định trục xuất 5 người trong đám họ kể cả thủ lãnh của họ và đóng cửa những nơi nhóm họp của họ tháng 12.1915. Bốn giáo sĩ còn lại – một người Anh, một người Mỹ, hai người Gia-nã-đại – được phép làm việc trong nhà họ tại Tourane dưới sự quản thúc chặt chẽ của cảnh sát. Rõ ràng chính phủ định chấm dứt các cuộc tiếp xúc thân mật giữa giáo sĩ và người Việt-nam.
Cuộc tiếp đón nồng hậu với Jaffray năm 1916 bởi Quan Toàn quyền tại Hà-nội và sự ngầm cho phép Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp hoạt động trong thuộc địa Pháp ở Tourane, Hải phòng, thường được thừa nhận là nhờ tài ngoại giao của vị thủ lãnh truyền giáo này. Một nhân tố khác có thể ảnh hưởng đến sự thay đổi đột ngột về chính sách của Pháp: mặc dầu chiến thắng trận Verdun, Pháp đang tìm viện trợ cách tuyệt vọng nơi Hoa kỳ, và việc Hoa kỳ sẽ nhảy vào vòng chiến tại Âu châu, vị Chủ tịch hành pháp của Pháp ở Ðông Dương làm một cử chỉ để kết thân với một nhóm người Mỹ, cốt để thiên hạ tin, sẽ có ảnh hưởng phần nào trên công chúng Mỹ. Mặt khác, chính phủ Pháp vẫn giữ quyết định ra tháng 12.1915 và các giáo sĩ bị nghi kỵ chẳng bao giờ được phép trở lại. Khi Ðệ nhất thế chiến kết liễu, các giáo sĩ thường báo cáo đã tiếp xúc thân mật với nhà chức trách Pháp. Vài người thỉnh thoảng lại gặp sự đối nghịch về phần các quan cai trị. Tỉ dụ, I. R. Stebbins gặp khó khăn với quan đầu tỉnh Sa-đéc ở Nam kỳ, nhà chức trách Phàp dường như nắm lấy mọi cơ hội để hạ nhục các giáo sĩ và viết những báo cáo phỉ báng những hoạt động của ông với quan Thống đốc Nam kỳ. Ðể tỏ sự không quan tâm đến vấn đề, quan Thống đốc nói cho một giáo sĩ khác biết về các báo cáo trên và thêm rằng ông đã khuyên nhà chức trách kia nên để cho Stebbins ở yên. Nhưng Stebbins cũng ngây thơ nhận mình có phạm mấy lỗi, nhất là quên không chính thức đóng dấu bản cáo thị ông niêm yết trước cửa nhà thờ như luật pháp đòi hỏi. Mặc dầu trường hợp được bỏ qua và giáo sĩ được tha, nhưng việc này còn chống nghịch ông một thời gian khá dài nữa.
Trong tỉnh Quảng nam, có lệnh sung công và hủy sách đạo Tin Lành vì họ quả quyết nó thuộc loại sách cấm. Người ta có thể chú ý rằng cộng thêm vào một ác ý về phần quan lại, ít nhất có hai nhân tố liên can đến việc đó. Sự phổ biến rộng rãi tại khu vực Quảng nam Ðà-nẵng trong những năm đầu thập niên 1900, các phần sách Tin Lành nhập khẩu từ Thượng hải trùng hợp với một sự luân chuyển bí mật sách Hải Ngoại Huyết Thư của Phan Bội Châu, các truyền đơn cách mạng khác, một tổ chức được mang lậu từ Trung Hoa và thường bị đổ cho là khiến nhân dân dấy nghịch. Nhan đề của sách Tin Lành thứ nhì, chuyển dịch qua tiếng Việt là MÁC, là chữ đồng nhất với từ của người Cộng sản Việt-nam dùng cho Karl Marx. Bìa màu đỏ thường dùng cho sách này, bởi nhà in Tin Lành chỉ cốt để cung cấp sự trình bày khác nhau của 4 sách Tin Lành, giúp thêm một chứng cớ cho luận chứng, ít nhất cũng cho một số quá đa nghi trong thời kỳ cuối thập niên 1920, khi đảng Cộng sản đang tăng cường độ tuyên truyền ở khắp xứ. Nó chung các giáo sĩ Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp hưởng sự tự do rộng rãi trong các hoạt động tôn giáo ở Nam kỳ, và trong những nhượng địa ở Hà-nội, Hải phòng, Tourane. Tuy nhiên, trong phần còn lại, dân chúng theo nguyên tắc ở dưới quyền kiểm soát hữu danh vô thực từ triều đình Huế, và các nhà chức trách Pháp, theo điều họ nói, không thể can thiệp.
Thật thế, Hòa ước Giáp thân (1884) cấu thành căn bản cho chủ quyền của Pháp tại Việt-nam, chứng quyết sự bảo đảm quyền lợi của các giáo sĩ và những Cơ-Ðốc nhân tùy theo sự qui định của Hòa ước ngày 15.2.1874, thường được gọi là Hòa ước Giáp Tuất. Khoản 9 của Hòa ước này nêu rõ từng chi tiết những quyền này: Ðại Nam Hoàng đế (Việt-nam) phải ban sự tự do truyền giảng cho các giáo sĩ cũng như cho quốc dân tiếp nhận đức tin này. Những Cơ-Ðốc nhân của Ðại Nam quốc được quyền nhóm trong nhà thờ để cử hành lễ tôn giáo không hạn chế nhân số. Tất cả những luật lệ nhằm mục đích kiểm soát các Cơ-Ðốc nhân hoặc buộc họ làm những hành động phỉ báng chống với tôn giáo họ nay bị bãi bỏ, Cơ-Ðốc nhân được quyền đi thi và giữ các ghế trong chính phủ như các hội viên của tôn giáo khác. Hoàng đế nước Ðại nam thỏa thuận hủy bỏ mọi sổ sách hành động chống Cơ-Ðốc nhân đã có từ 15 năm trước và áp dụng một tiêu chuẩn cho việc thi cử và tuyển mộ cho việc đánh thuế Cơ-Ðốc nhân như các công dân khác. Giám mục và linh mục có thể được tự do lưu hành trong xứ miễn là họ mang một giấy thông hành do văn phòng Quan Thống đốc Nam kỳ cấp và bôi thự bởi Thượng thư hoặc Bộ Lại nước Ðại Nam. Các linh mục Việt-nam có đồng một quyền hành để rao giảng cũng như các đối nhiệm người Âu châu. Trong trường hợp phạm luật sự hình phạt đánh đòn bằng hèo, bằng roi vọt sẽ được thay thế bằng hình thức khác. Giám mục và linh mục Việt-nam được quyền mua, bán, thuê nhà cửa hoặc tài sản để xây cất đền thờ, nhà thương, nhà trường, Cô nhi viện… Những tài sản sung công của các Cơ-Ðốc nhân phải hoàn trả. Các giáo sĩ Tây Ban Nha cũng được hưởng những đặc ân trên như các giáo sĩ Pháp.
Hòa ước này được áp đặt trên chính phủ Hoàng gia hồi cuộc xâm lăng Pháp kết thúc, thường được giải thích bởi các nhà chức trách Pháp và Việt-nam chẳng những để đảm bảo quyền của Giáo hội Công Giáo Lamã truyền bá giáo lý tại Việt-nam, nhưng đồng thời bởi cùng một dấu hiệu cũng trục xuất mọi tôn giáo khác từ hải ngoại đến. Bởi vậy Ðạo Tin Lành phải đặt ở dưới lệnh cấm này tại Bắc kỳ và Trung kỳ trải qua hơn 100 năm.
Hội nhánh tại Faifoo đóng cửa năm 1915 theo sau sự trục xuất 4 vị giáo sĩ, vẫn còn bị đóng cửa năm 1920. Các giáo sĩ bị trục xuất, tuy nhiên những người dân tại vùng phụ cận Faifoo đã đến Tourane tiếp nhận đức tin mới và trở về nhà với các sách đạo Cơ-Ðốc và các lời chứng đầy xác tín. Năm 1921, 40 người đã tin đạo, nhiều người phải đi hàng 20 dặm mỗi chiều thứ bảy để nhóm buổi sáng Chúa nhật tại Tourane, và khi họ trở về nhà chiều Chúa nhật thì truyền bá Tin Tức Tốt Lành. Khi số tín đồ thêm lên, họ muốn thành lập Hội thánh riêng tại Faifoo, nhưng không xin được phép.
E. F. Irwin, Hội Trưởng Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp hồi bấy giờ được phép hội kiến với quan Khâm sứ (giới chức cao cấp nhất của Pháp bên cạnh chính phủ hoàng gia) ở Huế, thủ đô xứ Trung kỳ. Vị quyền Khâm sứ giữ chức vụ này đặc biệt thân hữu với các giáo sĩ trong vài trường hợp khác nhau. Dầu ông tự nhận mình không có quyền quyết định, ông hứa sẽ nói một lời thay cho Hội Truyền giáo khi quan Khâm sứ thường trực đến. Khi giáo sĩ có một cuộc hẹn gặp với một viên chức mới, người nhận được một giấy phép hơi lạ. Quan Khâm sứ chỉ nói đơn sơ rằng: “Tôi không thể đổi cách giải thích Hòa ước, nhưng cứ tiếp tục mở một Hội Tin Lành tại Faifoo hầu cho những người này có thể thờ phượng Ðức Chúa Trời theo ý thích của họ. Tôi sẽ không gặp ông, và tôi sẽ truyền cho cảnh sát không đến thăm quí ông nữa”. Hội thánh Hội an được dung túng nhưng các Hội thánh lân cận là Tam kỳ và Lạc thành, khởi sự trong cùng một tỉnh qua lời chứng của các Cơ-Ðốc nhân Việt-nam, không được hưởng cùng một đặc ân. Trải qua mấy năm nhóm tín hữu ở Tam kỳ, một thị trấn cách 45 dặm về phía Nam Ðà-nẵng phải thờ phượng cách lén lút trong các nhà riêng và nhiều buổi lễ bị gián đoạn và mấy thuộc viên tạm thời bị bắt giam. Hội thánh tại Lạc thành được xây dựng ít nhất bởi một nhóm tín đồ thế tục trong một làng cách Hội an 20 dặm về phía Tây, phải đóng cửa theo lệnh của nhà chức trách hàng tỉnh.
Ngay tại Tam kỳ nơi các nhóm Tin Lành được hưởng tương đối tự do thờ phượng, nhiều thuộc viên đã chịu sự bắt bớ và khuấy rối vì đức tin của họ trong thời gian này. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, những sự rắc rối không đến từ các nhà cầm quyền hàng tỉnh hoặc cấp cao hơn, bèn là từ các chức viên ở hàng xã hay phủ huyện. Tại Mỹ tho, sau nhiều năm đọc Kinh Thánh, một phú gia tỏ mình muốn ‘theo Ðấng Christ’. Sau khi trở nên Cơ-Ðốc nhân, ông không còn dự phần vào những việc cúng tế trong làng mà ông thường đóng góp rộng rãi. Sau nhiều cố gắng vô ích nhằm can gián ông đừng theo ‘đạo ngoại quốc’ các chức sắc hương thôn đã tố cáo ông trốn thuế, vì họ coi sự đóng góp vào việc cúng tế trong làng là một hình thức thuế khóa đánh trên mỗi công dân. Người tín đồ bị bắt đánh đòn và thuyên chuyển từ nhà ngục này sang nhà ngục khác trong huyện, mỗi đợt đều bị đánh đòn. Trường hợp của ông cuối cùng được đem ra trước toà án hòa giải hàng tỉnh. Ông được tha bổng nhưng vẫn còn tiếp tục một thời gian khá lâu bị cộng đồng địa phương khuấy rối.
Ít lâu sau đó, một toán cướp đánh phá một làng gần đó, ăn cắp chiếc phà của một tín hữu để chở đồ cướp được. Chiếc thuyền được tìm thấy nhiều dặm ở vùng hạ lưu sông Tiền giang, với chứng tích trên thuyền, nhà chức trách địa phương nắm lấy cơ hội tố cáo người tín đồ dự phần trong sự cướp bóc. Mặc dầu mọi chứng cớ ‘bắt tại trường’ ông có thể cung cấp để chứng minh sự vô tội, ông vẫn bị giam 8 tháng không xét xử, trong khi công cuộc kinh doanh của ông bị tiêu hủy. Không sợ, không chán nản bởi những nghịch cảnh đó, ông còn làm chứng cho các bạn đồng tù và đem một số đến tiếp nhận đức tin mới. Cuối cùng khi được tha bổng, ông hầu trở nên nghèo thiếu, không một xu dính túi, nhưng nhờ sự giúp đỡ của các bạn đồng đạo ông thu xếp và thiết lập được một Hội thánh trong làng mình.
Nói chung các tín đồ gặp nhiều bắt bớ và chống đối tại hai xứ bảo hộ Trung kỳ và Bắc kỳ hơn là Nam kỳ, và điều này người ta có thể chú ý là do những hệ thống chính trị của mỗi “kỳ” của xứ Ðông Pháp. Tại Trung kỳ, nơi có sự bắt bớ dai dẳng nhất, chỉ vài vị quan lại hàng tỉnh thực thi sắc lệnh của hoàng triều, hoặc áp dụng các Hòa ước năm 1874 và 1884 (hoặc thật ra là sự giải thích chính thức của các Hòa ước) để cấm sự truyền bá Tin Lành ở trong cùng thẩm quyền của họ. Không có sự lưu huyết như Hội thánh Công Giáo Lamã phải chịu đựng trong thế kỷ đầu tiên của cuộc truyền giáo tại Việt-nam. Sự khuấy rối dù mãnh liệt, và trong vài trường hợp có hại cho các tín đồ mới, không sao có thể sánh với điều cộng đồng Tin Lành chịu ở tại Trung Hoa trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
KẾT QUẢ: Giữa năm 1911 và 1927, đức tin Hội thánh Tin Lành đã lan rộng từ Ðà-nẵng đến 4 trong 5 xứ Ðông Dương. Bên cạnh công trình tại các thành phố Kamphuchia là Nam vang và Battambang, nơi người dân Việt-nam cũng tới được những Hội thánh mọc lên trong 7 thị trấn lớn ở Nam kỳ, trong 4 tỉnh tại Trung kỳ, và 2 tỉnh ở Bắc kỳ, tổng số lên đến 82 Hội thánh và giảng đường. Với số tín đồ tích cực ít hay nhiều là 4.236, tín đồ Tin Lành tại Việt-nam đã được tổ chức thành một Hội thánh bản xứ và giữ vai trò có ý nghĩa trong đời sống tôn giáo của xứ sở. Tuy nhiên, rất ít người trong giai cấp học giả tin theo đạo Tin Lành, dầu thỉnh thoảng cũng có một cá nhân gia nhập Hội thánh. Ða số những tín đồ là nông dân, thủ công nghiệp, công nhân, buôn bán và học sinh. Những người này với một nhóm nhỏ hơn thư ký, công chức, giáo viên và quân nhân đều là đại diện của từng hàng ngũ liên tiếp trong xã hội Việt-nam.
Những kết quả đáng chú ý của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp tại Việt-nam không được đo bởi số hội viên hoặc Hội thánh được thiết lập, Những kết quả số lượng chắc chắn chẳng đáng kể so với kết quả của các tổ chức tôn giáo lớn hơn. Có lẽ phương diện hấp dẫn nhất của các nhóm Tin Lành mà lúc đó ở rải rác trên nhiều phần xứ, ít nhất có một số lớn người Việt-nam là sự hiện diện tại giữa vòng họ hàng trăm người mà cuộc đời đã được thình lình thay đổi. Người nghiện thuốc phiện, trộm cắp, gian xảo, người nam và nữ mà gia đình bị tan vỡ vì rượu chè, cờ bạc hay vũ phu, con cái đã bỏ đạo hiếu và sống trong trụy lạc, đã đột nhiên xoay bỏ nếp sống của mình và trở nên những người con ngoan ngoãn, những người vợ hoặc chồng đoan trang và các công dân đáng tôn trọng. Tất cả đều nhờ sứ điệp Tin Lành mà họ đã tiếp nhận như kết quả của sự tiếp xúc với các bạn hữu Tin Lành, nhiều người cũng quả quyết rằng họ cũng có đồng một từng trải đó. Ấy là do sự biến cải trên tính tình cá nhân mà các giáo sĩ Hội Truyền giáo đặt dấu nhấn mạnh trong sự truyền giảng, dạy dỗ của họ, đặc biệt là thử nghiệm các tín đồ cầu lễ báp-têm vì họ coi đó là tiêu chuẩn giá trị duy nhất để đo sự thành công hoặc thất bại trong cố gắng của họ. Muốn trở nên một tín đồ Tin Lành trong thời gian này, khi cổ lệ còn đứng vững trong dân gian thường cần một sự can đảm vì nó có nghĩa là ly khai với cuộc sống hương thôn của xã hội Việt-nam và hầu hết các trường hợp tách ra khỏi sự kiểm soát của toàn thể gia đình trên một cá nhân.
Ngoại trừ lời hứa ‘phước lành trong Chúa Jêsus Christ’. Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp chẳng hề cống hiến quyền lợi hiển nhiên cho tín đồ, không giống các cơ quan truyền giáo Cơ-Ðốc khác, cung cấp đồng thời với sứ điệp về hi vọng còn có những đặc quyền về thể xác và vật chất trong các trường học, nhà thương, và các chương trình an sinh xã hội, các truyền giáo liên hiệp đã nói rõ cho những người Việt-nam đến hỏi đạo rằng họ ‘chẳng được hưởng một lợi vật chất nào’. Kết quả là những người gia nhập Hội thánh Tin Lành trong thời kỳ này vẫn đứng vững sau những năm chịu khuấy rối và áp lực xã hội, đã khuyến khích các thuộc viên của nhóm khác mà họ đã đến từ đó, bằng những lý tưởng đạo đức Cơ-Ðốc và tánh hạnh cao quí của họ.
Ðây là một trong những nhân tố có ảnh hưởng đến sự thay đổi trong đời sống gia đình và hương thôn Việt-nam cùng với các dòng tư tưởng khác, đã mở đường đưa đến một số lớn trong các tầng lớp khác nhau của xã hội Việt-nam đến sự đổi thay triệt để trong đời sống văn hóa của quốc gia Việt-nam như một toàn bộ tiếp theo cuộc cách mạng năm 1945.
[1] Phan văn Sơn, Việt Sử Tân Biên (Sàigòn, Khai Trí, 1961, tập 4, t.119)
[2] J. Despent, l;Eglise d’IndoChine (Lyon, Propagation de la Foi, 1964, t.3)
[3] Phan Ðình Liệu, Lịch sử Tin Lành truyền đến Việt-nam, Hồi ký không xuất bản, t. 3-6
[4] A. W. Toser, Wingspread, Harrisburg, Pa. Christian Publications, Inc, 1939, t.12
[5] A. E. Thompson, A. B. Simpson, Cuộc Ðời và Sự Nghiệp (New York, Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp xuất bản, 1920, t.3.
[6] Roland Allen, Sự Bành Trướng Hồn Nhiên của Giáo hội (Grand Rapids, Mic. Wn. B. Eerdmans, 1963, t.19)
[7] Tuần san Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp, tháng 4.1908, t.52.
[8] Hiến chương của HTG QUốc Tế Liên Hiệp 1889, t.23-24.
[9] E. F. Irwin, Với Ðấng Christ ở Ðông Dương (Harrisburg, Pa. Christian Publications, Inc. 1937, t.15)
[10] Sách Khái Luận của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp 1963, t.5-6. So Hiến chướng của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp & Quốc Tế Liên Hiệp (1889, t.1-16).
[11] TCIT. Biên bản Hội Ðồng Giáo sĩ Ðông Dương (tháng 1-3, 1923, t.11)
[12] Phỏng vấn Mục sư Lê văn Long (6.6.1964) so Phan Ðình Liệu, SÐD.
[13] So E. F. Irwin, SÐD, t.16tt, Stebbibs, SÐD, t.20. Tỉ dụ: E. F. Irwin nói đến sự trở lại của một hoàng đế Việt-nam theo đức tin Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp, dầu rằng không có chứng cớ trong tài liệu lịch sử, và các khái luận để hậu thuẫn chuyện đó.
[14] Phan Ðình Liệu, Sự Dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt (1964, t.1 tt)
[15] Hoài Thanh và Hoài Châu, Thi nhân Việt-nam (Huế, bởi các tác giả, 1842, t.3 tt). Vũ Ngọc Phan, sđd, t.26 tt.
[16] Nguyễn Khắc Xuyên, Quan điểm thần học, Đại học, tháng 2.1968, t.41, 35-36.
[17] Chương trình dạy trong Trường Kinh Thánh Tourane, Lê văn Thái, sđd, t.36.
[18] H. H. Dixon, Báo cáo Tiếng Gọi Ðông Dương (9.1932, t.90)
[19] Herbert A. Jackson, sđd, t.24, Stebbins, sđd, t.47.
[20] Bernard B. Fall, Hồ Chí Minh on Revolution (New York, Frederick A. Praeger, 1967, t.94/5 tt)
[21] Phạm văn Sơn, sđd t.43, Nguyễn Phúc Tân, sđd t.342-343.
[22] Phạm văn Sơn, sđd t.43, Nguyễn Phúc Tân, sđd, t. 342.
|