SÁCH TRUYỀN ĐẠO 1
TÊN SÁCH và NGƯỜI VIẾT
************************************
Kính chào Quý vị, tôi là Mục sư SƠN.Cảm ơn Chúa cho chúng ta được cùng học Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời.Hôm nay chúng ta nhờ ơn Chúacùng học một sách khác trong Chương Trình Cùng Học Xuyên Suốt Kinh thánh, đó là sách Truyền Đạo, một sách ghi lại nhân sinh quan của vua Sa-lô-môn sau những năm dài nếm trải tất cả những giấc mơ mà loài người trên đất đều muốn có, như: giàu có, khôn ngoan, nói như cuối đoạn 11 tác giả đã nói: “… đi theo đường lối lòng mình muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích…”, để rồi nhận ra tất cả đều hư không.
Trước khi đi vào sách Truyền Đạo, chúng ta cần biết về Tên Sách.
I/. VỀ TÊN SÁCH.
Theo nguyên ngữ Hi-bá-lai:
Trong nguyên văn Hi-bá-lai, tên sách(qoheleth) có nghĩa là người nói hay lên tiếng công khai trong hội chúng, có thể dịch là Giảng viên, người giảng dạy (Giáo viên).
Theo Hi-văn:
Theo Bản dịch 70 (Bản dịch Septuagint) tiếng Hi Lạp thì tên sách là ekklésia.Bản Anh ngữ cũng lấy tên sách như vậy, có nghĩa là Giảng viên (Preacher).Tên ekklésia được dùng trong sách:
1:2, “Người truyền đạo nói: Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không”
1:12, Ta là người truyền đạo đã làm vua Y-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem.
7:27, “Kẻ truyền đạo nói: Sau khi xem xét muôn sự từng điều từng vật, đặng tìm chánh lý, thì nầy là điều ta tìm được”.
Và đoạn 12:8-10, “Kẻ truyền đạo nói: hư không của sự hư không, mọi sự đều hư không. Vả lại, bởi vì kẻ truyền đạo là người khôn ngoan, nên cũng cứ dạy sự tri thức cho dân sự; người đã cân nhắc, tra soát, và sắp đặt thứ tự nhiều câu châm ngôn. Kẻ truyền đạo có chuyên lo tìm kiếm những câu luận tốt đẹp; và các lời đã viết ra đều là chánh trực và chơn thật”.
Bản Việt ngữ:
Bản Việt ngữ gọi tên sách theo bản Hán ngữ. Từ ngữ ‘truyền đạo’ là công bố ra, giảng ra một cái Đạo, không phải là danh từ NGƯỜI truyền đạo.
Cái Đạo được truyền ra trong sách nầy là đạo gì? Đạo được truyền ra trong sách đã được chính Chúa Jêsus Christ công bố ngắn gọn: “Người nào được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi đổi linh hồn mình lại?” (Ma-thi-ơ 16:26).
Nói cụ thể hơn, đời người không có Chúa dù có bao nhiêu học thức, của cải, cũng chỉ là những con số KHÔNG (0), nếu không có Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa là con số MỘT, người không có Chúa chắc chắn thốt lên: “Hư không của sự hư không; mọi sự đều hư không” (12:8). Những cái gọi là thành đạt của con người là những con số KHÔNG, khi nào có Đức Chúa Trời làm chủ đời sống là người có con số 1, tức thì những con số Không trở thành giá trị tuyệt vời.
Có một bài hát được tác giả viết ca từ như sau: Dù có bao nhiêu tài năng khôn ngoan, dù có bao nhiêu học thức, của cải, Nhưng không tin quyền năng Chúa cao trên trời, Bao công lao tựa như khói vươn, mây dời, Dã tràng xe cát biển Đông, chỉ là một con số không. Dù có bao nhiêu bài ca du dương, dù có bao nhiêu lời nói khéo léo, Nhưng không đem tình thương Chúa cho mọi người, Bao công lao tựa như cát nơi sông hồ, Chỉ một cơn sóng trào dâng, mọi sự đều theo nước trôi.
Đọc sách Truyền Đạo rồi hát bài ca nầy, người không có Chúa sẽ nhận ra những con số KHÔNG (0) trong 11 đoạn của sách, nếu không biết tỉnh thức để học theo lời dạy của đoạn 12, “Trong buổi còn thơ ấuhãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi, trước khi những ngày gian nan chưa đến, trước khi những năm tới mà ngươi nói rằng: Ta không lấy làm vui lòng” (12:1). Hãy hình dung 11 đoạn đầu không có Đức Chúa Trời làm chủ chính là 11 con số 0, cuối cùng là con số 1; ngược lại, nếu biết đặt Đức Chúa Trời trước các việc mình làm thì có Đức Chúa Trời là con số 1 tiếp theo là một dãy 11 con số Không, giá trị biết bao nhiêu.
II/. TÁC GIẢ SÁCH TRUYỀN ĐẠO:
Căn cứ vào 1:1, 12, giới thiệu tên thật của tác giả là Sa-lô-môn, người làm vua tại Giê-ru-sa-lem,
1:1, “Lời của người truyền đạo, con trai của Đa-vít, vua tại Giê-ru-sa-lem.
1:12, “Ta, người truyền đạo, đã làm vua Y-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem.
Chắc chắn không có người nào có thể phản bác chính vua Sa-lô-môn là người đã viết sách Truyền đạo. Kinh thánh đã ghi lại những điểm nổi bật của vua Sa-lô-môn:
1:16,vua Sa-lô-môn là người đã cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho khôn ngoan khi lên ngôi vua và Chúa đã nhậm lời ban sự khôn ngoan mà chính Đức Chúa Trời xác nhận: “Nầy, ta đã làm theo lời cầu xin của ngươi, ban cho ngươi tấm lòng khôn ngoan thông sáng, đến đỗi trước ngươi chẳng có ai bằng, và sau ngươi cũng sẽ chẳng có ai ngang”(I Vua 3:12). Chính vua Sa-lô-môn đã nhìn nhận:“Ta nói trong lòng rằng: Nầy, ta đã được sự khôn ngoan lớn hơn hết thảy những người ở trước ta tại Giê-ru-sa-lem; thật lòng ta đã thấy nhiều sự khôn ngoan và tri thức”.
2:4-9, tác giả sách cũng cho biết mình là người giàu nhất tại Giê-ru-sa-lem, “Ta làm những công việc cả thể, ta cất nhà cho mình, trồng vườn nho cho mình, lập cho mình vườn cây trái và vườn hoa, và trồng cây trái đủ thứ ở đó; ta đào hồ chứa nước đặng tưới rừng, là nơi cây cối lớn lên. Ta mua những tôi trai tớ gái, lại có nhiều đầy tớ sanh ra trong nhà ta. Ta có bầy bò và chiên nhiều hơn hết thảy những người ở trước ta tại Giê-ru-sa-lem. Ta cũng thâu chứa bạc vàng, và những vật báu của các vua, các tỉnh. Ta lo sắm cho mình những con hát trai và gái, cùng sự khoái lạc của con trai loài người, tức là nhiều vợ và hầu. Như vậy ta trở nên cao trọng hơn hết thảy những người ở trước ta tại Giê-ru-sa-lem”. Vua Sa-lô-môn rất giàu, đến nỗi Kinh thánh ghi: “Tại Giê-ru-sa-lem vua làm cho bạc ra thường như đá, và cây bá hương nhiều như cây sung mọc nơi đồng bằng” (I Vua 10:27). Rất tiếc như chúng ta đọc phần Kinh thánh trên không thấy Đức Chúa Trời chỉ thấy cho mình, cho mình.
12:9 cho biết tác giả là người khôn ngoan: “Vả lại, bởi vì ke truyền đạo là người khôn ngoan”, không ai dám tự nhận khôn ngoan ngoài vua Sa-lô-môn.
Một lần nữa, với tất cả những điều kiện đã nêu thì không ai ngoài vua Sa-lô-môn là người viết sách Truyền đạo.Kinh Thánh, sách II Sử 9:22-28 làm chứng rằng vua Sa-lô-môn là nhân vật sách Truyền đạo giới thiệu là tác giả.
Như vậy, không có gì nghi ngờ tác giả của sách là vua Sa-lô-môn của Y-sơ-ra-ên.Đa số các nhà giải nghĩa Kinh Thánh cho rằng vua Sa-lô-môn đã viết sách Truyền đạo trong lúc tuổi già.Vì khi còn trẻ, Sa-lô-môn là người kính sợ Chúa; lúc Trung niên, Sa-lô-môn làm vua, giàu có, nhưng lại tham muốn tình dục (I Vua 11:1-3), thờ hình tượng (I Vua 11:4-8). Khi tuổi già, có lẽ Sa-lô-môn đã tỉnh thức ăn năn, từ đó viết ra sách Truyền đạo để khuyên dạy người đời sau.
Câu hỏi được đặt ra tại sao một người khôn ngoan, giàu có, như vua Sa-lô-môn lại thất bại trong cuộc sống, cuối cùng để lại một đất nước tả tơi, chia rẽ, đi xuống đi xuống để rồi 400 năm sau bị lưu đày qua Ba-by-lôn? Câu trả lời được ghi trong sách I Vua 11:1-11 như sau:
“Ngoài con gái của Pha-ra-ôn, vua Sa-lô-môn lại còn thương mến nhiều người nữ của dân ngoại: tức là người nữ Mô-áp, Am-môn, Ê-đôm, Si-đôn, và Hê-tít. Chúng nó thuộc về các dân tộc mà Đức Giê-hô-va có phán với dân Y-sơ-ra-ên rằng: Các ngươi và chúng nó chớ đi lại giao thông với nhau; vì chúng nó hẳn sẽ quyến dụ lòng các ngươi hướng theo các thần chúng nó. Sa-lô-môn tríu mến những người nữ ấy.Người có bảy trăm hoàng hậu và ba trăm cung nữ; chúng nó bèn làm cho người trở lòng. Trong buổi già yếu, các hoàng hậu của Sa-lô-môn dụ lòng người đi theo các thần khác: Đối cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, lòng người chẳng trọn lành như thể lòng của Đa-vít, là cha người. Vì Sa-lô-môn cúng thờ Át-tạt-tê, nữ thần của dân Si-đôn, và thần Minh-côm, là thần đáng gớm ghiếc của dân Am-môn. Như vậy, Sa-lô-môn làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, chẳng vâng theo Đức Giê-hô-va cách trọn lành như Đa-vít, cha người, đã làm. Bấy giờ, Sa-lô-môn lại xây cất tại trên núi đối ngang Giê-ru-sa-lem một nơi cao cho Kê-móc, vật đáng gớm ghiếc của dân Mô-áp, và cho Mo-lóc, vật đáng gớm ghiếc của dân Am-môn. Vua cũng làm như vậy cho hết thảy các hoàng hậu ngoại của mình, xông hương và tế lễ cho thần của chúng nó. Đức Giê-hô-va nổi giận cùng Sa-lô-môn, bởi vì lòng người trở bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, là Đấng đã hai lần hiện đến cùng người, phán bảo người rằng chớ theo các thần khác, nhưng người không vâng theo lịnh của Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va phán với Sa-lô-môn rằng: Bởi vì ngươi đã làm điều nầy, không giữ giao ước và luật pháp ta truyền cho ngươi, nên ta chắc sẽ đoạt lấy nước khỏi ngươi, cho kẻ tôi tớ ngươi”.
Qua phân đoạn Kinh thánh trên, Chúa đã liệt kê những tội lỗi mà vua Sa-lô-môn đã phạm với Chúa:
Người Việt Nam có câu: một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chuồng heo; ba vợ nằm chèo queo một mình, đáng nói là Sa-lô-môn cưới toàn những người nữ ngoại bang từ các dân tộc chung quanh. Phải chăng Sa-lô-môn muốn dùng chánh sách ngoại giao hôn nhân để mở mang bờ cõi thay vì nhờ ơn Chúa?
Sa-lô-môn đã để lại bài học cay đắng cho những người tin Chúa Jêsus Christ muốn kết hôn với người ngoại đạo, họ nghĩ rằng sẽ dắt về Chúa trong khi đèn của họ đã tắt.
Tuổi trẻ không dụ được, nhưng tuổi già chúng đã dụ được; một người không dụ được nhưng một bày đàn thì dụ và hạ được. Người xưa nói: ‘Mãnh hổ nan địch quần hồ.
Kinh thánh ghi: “Như vậy, Sa-lô-môn làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va… Đức Giê-hô-va nổi giận cùng Sa-lô-môn, do Chúa đã hai lần răn dạy Sa-lô-môn.
Bài học mà sứ đồ Phao-lô đã học được để chia sẻ với người tin Chúa Jêsus Christ: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin” (II Tim. 4:7), vấn đề là chạy đến mức, không phải là lý lịch quá khứ. Hãy nhớ lời Chúa Jêsus Christ phán trong sách Tin Lành Ma-thi-ơ 7:21-23).
Dù muộn nhưng không quá trễ để nghe vua Sa-lô-môn cảnh báo: “Hỡi kẻ trẻ kia, hãy vui mừng trong buổi thiếu niên, khá đem lòng hớn hở trong khi còn thơ ấu, hãy đi theo đường lối lòng mình muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích, NHƯNG PHẢI BIẾT RẰNG VÌ MỌI VIỆC ẤY, ĐỨC CHÚA TRỜI SẼ ĐÒI NGƯƠI ĐẾN MÀ ĐOÁN XÉT… TRONG BUỔI CÒN THƠ ẤU HÃY TƯỞNG NHỚ ĐẤNG TẠO HÓA NGƯƠI, TRƯỚC KHI NHỮNG NGÀY GIAN NAN CHƯA ĐẾN, TRƯỚC KHI NHỮNG NĂM TỚI MÀ NGƯƠI NÓI RẰNG TA KHÔNG LẤY LÀM VUI LÒNG… LẠI HÃY TƯỞNG NHỚ ĐẤNG TẠO HÓA NGƯƠI TRƯỚC KHI DÂY BẠC ĐỨT, VÀ CHÉN VÀNG BỂ, TRƯỚC KHI VÒ VỠ RA BÊN SUỐI, VÀ BÁNH XE GÃY RA TRÊN GIẾNG” (Truyền. 11:9; 12:1, 6).
Một người khôn ngoan như vua Sa-lô-môn còn nhận ra để kêu gọi, chúng ta là ai mà không học và làm theo?